Tình cảm của Bác Hồ với thương binh, liệt sỹ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến các chiến sĩ, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ. Mặc dù bận trăm công nghìn việc, nhưng hằng năm, cứ đến ngày 27/7, Bác đều trực tiếp gửi thư, tặng quà, đi thăm các thương binh, gia đình liệt sĩ.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Mặc dù bận trăm công nghìn việc, nhưng hằng năm, cứ đến ngày 27/7, Bác đều trực tiếp gửi thư, tặng quà, đi thăm các thương binh, gia đình liệt sĩ và viếng các anh hùng liệt sĩ ở nghĩa trang. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định ý nghĩa cao cả của ngày 27/7, Người nói: bởi vì đó là “một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh”. Người kêu gọi đồng bào cả nước hãy thể hiện tình cảm thương yêu, trách nhiệm và bổn phận của mình bằng những việc làm thiết thực nhất: “Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa để giúp các đồng bào bị đói. Bây giờ chống nạn ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp đỡ chiến sĩ bị thương. Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi, và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng”.

Trong “Di chúc” lịch sử cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, Hồ Chủ tịch căn dặn: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc đầu tiên đối với con người là chăm lo cho thương binh và những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình. Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ ở mỗi địa phương, cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh, liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ cho họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.

Để bày tỏ tình cảm thắm thiết, lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân đối với những người bị thương tật vì đã không tiếc máu xương, cống hiến hết mình cho Tổ quốc, năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị các ban, ngành, đoàn thể Trung ương đang họp ở Đại Từ, Thái Nguyên, lấy ngày 27/7/1947 làm "Ngày Thương binh toàn quốc", đến năm 1955, "Ngày Thương binh toàn quốc" được đổi tên thành "Ngày Thương binh - Liệt sĩ".

Thực hiện lời răn dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, những tình cảm của Người dành cho thương binh, liệt sĩ và thân nhân của họ tới nay vẫn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta ngày càng làm sâu sắc hơn các hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa” tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, gia đình chính sách. Trải qua 75 năm (27/7/1947- 27/7/2022), các chính sách chăm lo người có công, Mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ, thương bệnh binh đã nhiều lần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước. Hiện cả nước có khoảng 1,4 triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, đời sống của người có công không ngừng được nâng lên. Nhìn chung, chế độ ưu đãi người có công đã được xây dựng và thực hiện tương đối toàn diện và bao phủ, ngoài trợ cấp còn có chế độ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong y tế, giáo dục đào tạo, sản xuất kinh doanh, tạo việc làm,… Đến nay, Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 đã trở thành ngày toàn dân tưởng nhớ, tri ân những người có công với nước.

Bác Hồ thăm hỏi, động viên các chiến sĩ. (Ảnh tư liệu)

Có thể nói, tư tưởng, tình cảm cùng những lời căn dặn của Bác đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nước luôn có sức lay động mạnh mẽ. Để thỏa lòng mong đợi của Bác, những năm qua Đảng và Nhà nước đã thực hiện tốt các chủ trương chính sách về công tác thương binh, liệt sĩ cùng những công trình, phần việc “Đền ơn đáp nghĩa” thiết thực, ý nghĩa. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là đạo lý Việt Nam.

Hồng Phúc

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 11
  • Hôm nay: 143
  • Trong tuần: 3 136
  • Tất cả: 8753578

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn