Đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc về vùng đất Nam Bộ của Việt Nam
 Kỳ 2: Những sự thật không thể xuyên tạc và phủ nhận nhìn từ thực tiễn Trà Vinh

Tất cả những chứng cứ lịch sử và pháp lý về chủ quyền của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ là không thể bàn cãi. Thế nhưng, người Việt Nam có câu “trăm nghe không bằng một thấy”, tất cả những thực tiễn sinh động về việc quan tâm chăm lo đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Khmer trên cả nước nói chung, Trà Vinh nói riêng là những minh chứng và sự thật bác bỏ các luận điệu xuyên tạc này.

Biểu dương, phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số

Chúng ta đều biết rằng, khi vương quốc Cao Miên ở giai đoạn cực thịnh, lãnh thổ của vương quốc bao gồm cả diện tích lớn đất Thái Lan hiện nay và một phần nước Lào chứ không phải chỉ có đồng bằng Tây Nam Bộ. Nếu nói Việt Nam xâm lược đất Nam Bộ của Campuchia thì chẳng hóa ra cũng như nói người Thái đã xâm lược đất của Campuchia, người Lào đã xâm lược đất của Campuchia. Chẳng qua vùng đất bao la ở Thái Lan hay vùng đất xưa là lãnh thổ của Cao Miên ở Lào hiện rất ít người Khmer cư trú, còn Tây Nam Bộ của Việt Nam hiện nay có rất đông đồng bào Khmer sinh sống. Ngay chi tiết này cũng đủ để nói rằng người Việt, người Hoa khi cộng cư với người Khmer đã có cuộc sống hòa bình. Cũng vậy, các triều đại phong kiến Việt Nam trong các thời kỳ lịch sử đã không giết hại hay tàn sát người Khmer như những luận điệu xuyên tạc. Kể từ khi nước Việt Nam giành được độc lập, đặc biệt là từ sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành rất nhiều chủ trương, chính sách để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào Khmer nói riêng.

Nếu các luận điệu xuyên tạc cho rằng vì Công nữ Ngọc Vạn lấy vua Cao Miên nên người Việt đã nhân cơ hội đó để “xâm lược” đất Nam Bộ của người Khmer thì một là kém hiểu biết, hai là đã xúc phạm nghiêm trọng đến một người phụ nữ vốn đã có những đóng góp quan trọng cho sự ổn định triều đình Cao Miên suốt trong thời gian dài. Nên nhớ, bà Ngọc Vạn sau này đã trở thành hoàng hậu, thái hậu và hoàng thái hậu của vương triều Cao Miên suốt mấy chục năm. Chính nhờ bà, nhờ uy tín của bà mà vương triều Cao Miên đã giữ được tình trạng cơ bản trong khoảng thời gian khá dài. Nếu nói vì bà mà Campuchia mất đất thì hãy giở lại lịch sử coi có vị công nữ hay công chúa nào của Lào đã lấy vua Campuchia hay không mà một phần đất Lào hiện nay cũng vốn là đất xưa kia của Campuchia. Cũng vậy, hãy giở lại lịch sử để xem có bao nhiêu công chúa Thái Lan (Xiêm) đã lấy bao nhiêu ông vua Campuchia mà ba phần tư diện tích Thái Lan hiện nay cũng vốn là vùng đất nằm trong lãnh thổ Cao Miên khi cực thịnh…

Trong thực tế khi thực dân Pháp xâm lược, cả hai nước Việt Nam và Campuchia đều bị người Pháp đô hộ và ở Việt Nam các phong trào kháng Pháp đã nổ ra từ Bắc chí Nam. Hoàn toàn không có chuyện người Pháp giành lợi ích từ phía Campuchia để cho Việt Nam. Dù là nước đi xâm lược và mang bản chất thực dân, song người Pháp khi đô hộ Đông Dương vẫn cố gắng giữ gìn những quy định xưa để lại nếu có lợi cho họ. Vì vậy mà ngày 4 tháng 6 năm 1949, Tổng thống Cộng hòa Pháp Vicent Auriol ký ban hành luật 49-733 công nhận chính quyền Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại thì phần đất mà Pháp trao trả bao gồm vùng lãnh thổ Việt Nam như chúng ta đang thấy ngày nay. Những năm người dân Campuchia sống dưới họa diệt chủng mất còn do chế độ Khmer Đỏ gây ra, đã có tổng cộng ít nhất 1,7 triệu người (1/5 dân số Campuchia khi đó) chết do bị hành quyết, lao động khổ sai, bệnh tật và chết đói. Dưới sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, người dân Campuchia đã lật đổ chế độ Khmer Đỏ xây dựng lại đất nước tươi đẹp của mình. Để giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, Việt Nam đã có lúc bị các quốc gia khác hiểu lầm và chịu nhiều thiệt thòi sau đó. Phải tới ngày 16 tháng 11 năm 2018, khi tòa án Campuchia dưới sự bảo trợ của Tòa án quốc tế kết tội các lãnh tụ Khmer Đỏ tội diệt chủng thì thế giới thấy rõ những tội ác do những tên cầm đầu tội ác diệt chủng bị phơi bày trên những căn cứ pháp lý, những kẻ đầu sỏ gây ra tội ác đã bị kết án. Thế nhưng, để đánh lừa dư luận, để xuyên tạc lịch sử, các thế lực phản động vẫn xuyên tạc cho rằng thực chất việc Việt Nam giúp Campuchia những năm ấy là mưu đồ lâu dài của Việt Nam nhằm cướp đất của Campuchia. Nên nhớ rằng thế giới những năm bảy mươi của thế kỷ XX không phải ai muốn làm gì thì làm.

Về kinh tế: Thực hiện Kết luận số 01-KL/TU, ngày 16/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa IX) về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer, từ năm 2016-2021 tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông trong vùng có đông đồng bào dân tộc. Triển khai xây dựng trên 654 công trình, dự án cầu, đường, giao thông nông thôn, với kinh phí thực hiện gần 2.098 tỷ đồng. Triển khai dự án cung cấp điện cho các hộ chưa có điện chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer được 37.131 hộ; dự án cải tạo đường dây dẫn điện đấu nối đuôi không an toàn được 5.911 hộ. Nâng tỷ lệ hộ người Khmer sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 97,6%. Tập trung chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vận động đồng bào chuyển đổi sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế tại địa phương. Thực hiện chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đã hỗ trợ đất ở cho 3.063 hộ, kinh phí 98,26 tỷ đồng; Vốn vay giải ngân cho 3.795 hộ, số tiền 38,16 tỷ đồng; giải quyết việc làm 3.348 hộ. Thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 đã hỗ trợ 3.604 hộ đồng bào dân tộc Khmer xây dựng nhà ở. Thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã giải ngân vốn vay cho 1.518 hộ phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề, kinh phí 50,42 tỷ đồng...... Tất cả những chủ trương, chính sách của tỉnh đã nhanh chóng đi vào cuộc sống góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer trên địa bàn. Nếu như cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh là 23,12% thì đến cuối năm 2020, con số này chỉ 3,21%.

Về văn hóa, xã hội: Là một tỉnh có đông đồng bào Khmer, ngay từ rất sớm, Trà Vinh đã luôn quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer để làm giàu thêm cho truyền thống văn hóa của Việt Nam. Văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer ở tỉnh được tôn trọng. Tỉnh đã đầu tư nhieuef thiết chế văn hóa, đặc biệt Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh có chương trình phát thanh, phát hình bằng tiếng Khmer. Báo Trà Vinh, Cổng thông tin điện tử tỉnh, Tạp chí Văn nghệ (Hội Văn học và Nghệ thuật tỉnh) có bản bằng chữ Khmer v.v…Nhiều di tích lịch sử, công trình văn hóa của đồng bào đã được các cơ quan có trách nhiệm tiến hành các thủ tục để công nhận Di sản Văn hóa cấp quốc gia như: Ao Bà Om, chùa Âng, Khu Di tích Lưu cừ 2, Khu Di tích Bờ Lũy (chùa Lò Gạch - Châu Thành), Lễ hội Ok Om Bok, loại hình nghệ thuật Chùmriêng Chàpây. Hàng năm, các lễ hội truyền thống của đồng bào như: Chôl Chhnam Thmây, Sene Đôlta, Ok Om Bok...đã trở thành lễ hội chung, thành ngày hội, ngày vui chung của tỉnh và được tổ chức trang trọng.

Một lễ hội của đồng bào Khmer

Về quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ: Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, quy hoạch, sử dụng, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ là đồng bào dân tộc Khmer được tỉnh quan tâm triển khai với những chủ trương, chính sách nhất quan và xuyên suốt. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 7.700 đảng viên là người dân tộc Khmer, chiếm tỷ lệ 17% đảng viên toàn Đảng bộ; có hơn 4.800 công chức, viên chức, người dân tộc Khmer chiếm tỷ lệ 20%. Các địa phương có đông đồng bào Khmer có bố trí cán bộ dân tộc Khmer giữ chức danh chủ chốt. Cán bộ lãnh đạo người dân tộc Khmer giữ chức vụ từ Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên là 40 người. Tỷ lệ đại biểu hội đồng nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh là người đồng bào Khmer chiếm tỷ lệ khá cao. Đó là minh chứng rõ nét nhất về việc tôn trọng các quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền công dân về chính trị.

Về giáo dục và chăm sóc sức khỏe nhân dân: Hiện nay, tổng số học sinh là người đồng bào dân tộc Khmer chiếm 35,33% so với học sinh toàn tỉnh. Toàn tỉnh có 08 trường dân tộc nội trú, 01 trường trung cấp Pali Khmer; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học ở các trường được tăng cường đầu tư xây dựng để thực hiện tốt công tác đào tạo đối với đồng bào dân tộc Khmer. Việc dạy và học chữ Khmer được duy trì và phát triển, toàn tỉnh có 134/143 chùa tổ chức dạy học chữ Khmer dịp hè. Riêng Trường Đại học Trà Vinh có Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và đã nghiên cứu, biên soạn nhiều sách, giáo trình có giá trị về văn hóa, lịch sử, truyền thống, tín ngưỡng của đồng bào Khmer nói chung, đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh nói riêng. Công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, tiêm vaccine phòng chống Covid-19 được tỉnh quan tâm và đẩy mạnh đối với tất cả đồng bào trong tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 270 bác sĩ, 136 y sĩ, 188 điều dưỡng là người dân tộc Khmer, Giám đốc Sở Y tế là người dân tộc Khmer; tỷ lệ đồng bào Khmer tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 94,7%.

 

 

Người Việt Nam có câu “trăm nghe không bằng một thấy”. Thực tiễn sinh động về đời sống đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung, ở Trà Vinh nói riêng là thực tiễn bác bỏ hoàn toàn các luận điệu xuyên tạc.

 

Viết Phước

Xem kỳ 1: Xuyên tc lch s, pháp lý vùng đt Nam B là nhng âm mưu thâm đc và có ch đích

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 31
  • Hôm nay: 2501
  • Trong tuần: 26 178
  • Tất cả: 8728710

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn