Đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc về vùng đất Nam Bộ của Việt Nam
Kỳ 3: Cần sự vào cuộc đồng bộ và trách nhiệm (tiếp theo và hết)

Việc đấu tranh phản bác các thông tin xuyên tạc, chống phá về chủ quyền Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ là công việc đầy khó khăn, thách thức, cần thời gian dài và đặc biệt cần sự vào cuộc trách nhiệm, đồng bộ của cả hệ thống chính trị (HTCT).

Một là, hiện nay, những công trình nghiên cứu về lịch sử, pháp lý và chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ của các học giả cả trong và ngoài nước đã khá cơ bản, toàn diện. Công việc quan trọng của các cơ quan trong HTCT, nhất là hệ thống tuyên giáo các cấp là phải biên soạn lại thật ngắn gọn, dễ hiểu các tài liệu này bằng ba thứ tiếng Việt, Anh và Khmer để tuyên truyền không những chỉ trong mà cả ngoài nước. Thường xuyên tổ chức các hội thảo, tọa đàm, cung cấp thông tin về các nội dung về lịch sử vùng đất Nam bộ cho đội ngũ cán bộ, báo cáo viên, đội ngũ giảng viên giáo dục chính trị; giảng viên giảng dạy môn lịch sử.

Hai là, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành rất nhiều các chủ trương, đường lối và cụ thể hóa thành những chỉ thị, nghị quyết về công tác dân tộc, trong đó có đồng bào Khmer. Ở Trà Vinh, ngay từ rất sớm, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Trà Vinh đã cụ thể hóa bằng các nghị quyết, kế hoạch như: Nghị quyết số 01-NQ/TU (khóa V); Nghị quyết số 06-NQ/TU (khóa VII) và Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa IX) “về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer”; Kết luận số 01-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa X)“về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy (khóa IX) về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer giai đoạn 2011-2015” và Kế hoạch số 81-KH/TU (khóa X)“Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới” v.v… Việc thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch này chính là một trong nguyên nhân quan trọng đưa tới những kết quả toàn diện về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào Khmer trên địa bàn. Do đó, cần tiếp tục cụ thể hóa, hiện thực hóa các chủ trương, chính sách này thành các chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện đồng bộ và nhất quán.

Khoa ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật Khmer Nam Bộ  thuộc trường Đại học Trà Vinh nơi đào tạo các bậc học cao về ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật Khmer

Ba là, trong những năm qua, các vị chức sắc, sư sãi người Khmer ở Trà Vinh, những người có uy tín trong cộng đồng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động tín đồ và người dân hiểu đúng về lịch sử, pháp lý và tuân thủ các quy định của pháp luật. Trong thời gian tới các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh cần tiếp tục xây dựng, giữ mối quan hệ tốt đẹp với các vị chức sắc, sư sãi, các vị có uy tín trong cộng đồng để tiếp tục tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và tuyên truyền để đồng bào hiểu đúng về lịch sử vùng đất. Tăng cường công tác an ninh mạng, xử lý nghiêm minh các hành vi đưa các thông tin sai trái về vùng đất, gỡ bỏ các bài viết xuyên tạc, độc hại v.v…

Bốn là, Việt Nam đã có nhiều chương trình giao lưu thanh niên giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào - Campuchia và Việt Nam - Campuchia. Đây là những chương trình giao lưu thật sự có ý nghĩa nhằm giúp thanh niên 2 nước Việt Nam - Campuchia thắt chặt tình đoàn kết và hiểu biết nhau hơn. Trong những năm tới cần thường xuyên tổ chức giao lưu thanh niên ở cấp Trung ương và cấp tỉnh để thanh niên hai nước có hiểu biết sâu sắc về lịch sử vùng đất, về truyền thống đoàn kết chống ngoại xâm và hướng đến việc xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị giữa 2 đất nước Việt Nam - Campuchia.

Năm là, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên cần hiểu, thấm nhuần chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc và chính sách về dân tộc. Trong công tác và sinh hoạt, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên cần tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn trọng văn hóa, tôn trọng ngôn ngữ của đồng bào Khmer. Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”. Điều 5, Hiến pháp 2013 quy định: “Các dân tộc bình đẳng; đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”. Vì vậy, cần tránh suy nghĩ và ứng xử dân tộc lớn và dân tộc nhỏ.

 

 

Rõ ràng với những âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch hiện nay về chủ quyền Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ rất cần sự chỉ đạo thống nhất và đồng bộ. Một đốm lửa nhỏ có thể gây ra một trận hỏa hoạn lớn, một lỗ thủng nhỏ có thể làm đắm con thuyền to, những vụ việc nhỏ nếu không được hiểu đầy đủ, không có các giải pháp tuyên truyền, thực hiện ngay từ lúc mới manh nha sau này rất dễ biến thành các vụ việc phức tạp.

 

Viết Phước

Xem kỳ 1: Xuyên tạc lịch sử, pháp lý vùng đất Nam Bộ là những âm mưu thâm độc và có chủ đích

Xem kỳ 2: Những sự thật không thể xuyên tạc và phủ nhận nhìn từ thực tiễn Trà Vinh

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 25
  • Hôm nay: 1923
  • Trong tuần: 25 600
  • Tất cả: 8728132

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn