Đồng chí Phạm Hùng – suốt đời hy sinh vì cách mạng, nặng lòng với quê hương
Đồng chí Phạm Hùng tên khai sinh là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11 tháng 6 năm 1912, trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước cách mạng tại ấp Long Thiềng, làng Long Hồ, tổng Long Bình, huyện Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long, nay thuộc ấp Long Thuận A, xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Xuôi theo dòng sông Long Hồ, rẽ vào rạch Ông Me hiền hòa chính là nơi sản sinh ra đồng chí Phạm Hùng người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long, nhà cách mạng lỗi lạc, có uy tín lớn của Đảng. Trưởng thành trong một gia đình nông dân, chăm chỉ, cần cù lao động, ông Phạm Văn Hội và bà Phan Thị Liễu (ông bà nội của đồng chí Phạm Hùng) đã tạo dựng được một cơ nghiệp kha khá cho con cháu ở ấp Long Thiềng, làng Long Hồ, tổng Bình Long huyện Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long lúc bấy giờ. Người con trai duy nhất là ông Phạm Văn Tùng (cha của đồng chí Phạm Hùng) ông kết hôn với bà Dương Thị Huê một người phụ nữ hiền lành, phúc hậu, chăm lo chu đáo việc nhà. Ngày 11/6/1912 người con đầu lòng Phạm Văn Thiện chào đời trong niềm vui hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ và niềm mong mỏi có đứa cháu nội đích tôn của ông bà nội.

Cậu bé Thiện được ông nội đặt nhiều kỳ vọng, ông rất quan tâm đến chuyện học hành và rèn luyện thân thể cho cậu. Ông còn mời thầy dạy võ đến tận nhà để dạy cho Thiện, mục đích chính là để rèn luyện thân thể và cũng là để anh có thể giúp ích những người yếu thế khi cần thiết. Đây cũng là một hành trang vô cùng hữu ích cho chàng thanh niên Phạm Văn Thiện có thể bảo vệ mình và các đồng chí của mình trên con đường hoạt động cách mạng sau này. Là anh trai lớn nhất trong nhà anh rất thành thạo công việc gia đình, đỡ đần cho cha mẹ nhiều việc nặng nhọc như: xay lúa, giã gạo, chẽ củi, cho heo ăn… dù rất vất vả nhưng Thiện vẫn chú tâm cho việc học và cậu học rất giỏi. Sau khi học xong tiểu học ở Vĩnh Long, năm 1927 Phạm Văn Thiện thi vào trường trung học Mỹ Tho (Collège de My Tho).

Bước đầu đến với cách mạng

Từ khi xa gia đình lên Mỹ Tho học tập nhưng nền tảng của một gia đình lao động có truyền thống giáo dục nề nếp, được tiếp nhận sự chăm sóc chu đáo và giáo dục của gia đình là hành trang quý báu tôi luyện nên những phẩm chất tốt đẹp của chàng thanh niên yêu nước Phạm Văn Thiện trong những tháng năm học tập tại đây và bước đầu đến với cách mạng. 

Tình hình cách mạng ở Mỹ Tho những năm Thiện theo học có những chuyển biến tích cực, nơi đây được tỉnh chọn là nơi đầu tiên phát triển Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên trong đó lấy trường Trung học Mỹ Tho là trọng tâm. Phạm Văn Thiện tham gia phong trào thanh niên học sinh, trong tổ chức “Nam Kỳ học sinh liên hiệp hội” và “Thanh niên cộng sản đoàn”. Chính phong trào cách mạng ở Mỹ Tho khi đó và những hoạt động tích cực trong phong trào thanh niên học sinh, đã từng bước giác ngộ chàng thanh niên Phạm Văn Thiện đến với Đảng.

Năm 1930 chàng thanh niên yêu nước Phạm Văn Thiện (lúc này còn gọi là Phạm Hùng) được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, được bầu làm Bí thư chi bộ nhà trường (một trong những chi bộ đầu tiên của tỉnh Mỹ Tho). Đồng chí đã trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng sôi nổi của nhà trường. Vì lý do này, Phạm Văn Thiện bị Hội đồng kỷ luật nhà trường đuổi học tạm thời ba tháng với lý do “vô kỷ luật” bị nhận xét có xu hướng chống Pháp và đến tháng 10 năm đó bị xóa tên trong danh sách học sinh của trường. Rời trường học Phạm Văn Thiện bước chân vào một trường học mới - trường học đấu tranh cách mạng cho độc lập tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.

Cống hiến quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc

Năm 1931 đồng chí Phạm Hùng được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh. Đồng chí tổ chức xử tử tên Đặng Văn Trâu một hương quản khét tiếng phản động, gian ác. Thực dân Pháp ráo riết truy tìm hung thủ, đồng chí bị bắt và bị kết án tử hình, sau đó được giảm án xuống còn chung thân khổ sai và đày đi Côn Đảo.

Từ đây đồng chí Phạm Hùng đã thực sự xa quê, xa gia đình bị giam cầm chốn địa ngục trần gian nơi nhà tù Côn Đảo. Trong suốt thời gian 15 năm bị giam cầm, tra tấn, đày ải ở các nhà tù của đế quốc, đồng chí luôn nêu cao tinh thần bất khuất, hiên ngang của người cộng sản.

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, nhiều chiến sĩ cách mạng được trao trả tự do, trong đó có đồng chí Phạm Hùng. Đó cũng là lúc gia đình đồng chí, nhất là mẹ của đồng chí là bà Dương Thị Huê mong đợi nhất. Trong đoàn người trở về từ Côn Đảo, bà đã không còn nhận ra đứa con trai của mình, khi hình hài anh đã khác xưa quá nhiều, bà chỉ có thể xác định được con mình qua vết thẹo trên trán. Mười mấy năm xa quê, xa gia đình giây phút gặp lại thật ngắn ngủi, xúc động.

Cách mạng tháng Tám thắng lợi không bao lâu, tiếng súng cướp nước của thực dân Pháp lại vang lên trên khắp Miền Nam, đồng chí Phạm Hùng lại một lần nữa từ biệt gia đình lên đường thực hiên nhiệm vụ cách mạng mới. Đồng chí được bầu giữ chức Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ, trực tiếp chỉ đạo công cuộc chống Pháp ở miền Nam.

 Đầu năm 1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng. Cũng trong năm này, Trung ương Cục miền Nam được thành lập thay cho Xứ ủy Nam Bộ, đồng chí được chỉ định làm Ủy viên, sau đó làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Bí thư và Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Phân liên khu Đông Nam bộ.

Năm 1954, sau Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đồng chí được cử làm Trưởng đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Ban Liên hiệp đình chiến Nam Bộ và Trưởng phái đoàn liên lạc Quân đội nhân dân Việt Nam về làm việc ở Phụng Hiệp, Cần Thơ (nay thuộc tỉnh Hậu Giang). Tuy có dịp về lại miền Tây, nhưng đồng chí cũng không thể về lại quê hương Vĩnh Long cũng như ghé thăm gia đình vì quê nhà vẫn nằm trong vùng địch kiểm soát. Đồng chí phải bí mật cho người đón mẹ và gia đình sang Phụng Hiệp vừa để đảm bảo an toàn vừa để đoàn tụ gia đình sau 9 năm chia cắt.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đồng chí về lại Sài Gòn nhận nhiệm vụ cách mạng mới: Trưởng phái đoàn liên lạc quân đội nhân dân Việt Nam. Đến năm 1956, tại Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa II), đồng chí được bầu làm Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Thống nhất Trung ương, sau đó được giao giữ chức Bộ trưởng Phủ Thủ tướng. Tháng 4/1958, đồng chí là Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ cuối năm 1958 đến năm 1960, đồng chí là Bí thư Trung ương Đảng.

Năm 1960, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu lại làm Ủy viên ban chấp hành Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị, tiếp tục giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian này nhận được tin nhà báo mẹ đã qua đời nhưng đất nước còn đang bị chia cắt, tình hình Miền Nam đang diễn biến phức tạp, đồng chí lại đang gánh vác trọng trách nặng nề nên không thể về lại quê hương tiễn biệt mẹ, đó cũng là điều đồng chí luôn canh cánh trong lòng.

Nhiều năm dài xa quê, xa gia đình, đến năm 1967, đồng chí được Bộ Chính trị phân công vào chiến trường miền Nam với vai trò Bí thư Trung ương Cục và Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam thay cho đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Dù không trực tiếp chỉ đạo chiến đấu tại quê nhà, nhưng đồng chí vẫn dành cho quê những tình cảm vô cùng giản dị, chân thành và sâu đậm. Điều này được gửi gấm qua các chiến sĩ cách mạng quê hương Vĩnh Long đến công tác tại chiến trường Miền Đông và có dịp tiếp xúc với đồng chí.

Vào tháng 10 năm 1972 tại Hội nghị cán bộ phổ biến chủ trương của Trung ương Cục về việc chớp thời cơ sau khi Hiệp định Paris được ký kết, trong thành phần tham dự có đoàn cán bộ chiến sĩ tỉnh Vĩnh Long. Trong giờ nghỉ trưa, đồng chí Phạm Hùng đã đến thăm hỏi tình hình địa phương và sức khỏe các thành viên trong đoàn. Đồng chí ân cần căn dặn: “ở đây rừng sâu nước độc, sốt rét thường xảy ra, nhất là sốt rét ác tính, nên anh em dù ngủ trưa cũng phải mắc màn và chỉ nên ngủ từ 30 đến 1 tiếng đồng hồ trở lại vì ngủ trưa nhiều dễ bị sốt rét và phải thường xuyên uống thuốc phòng”. Trước khi đoàn lên đường về lại miền Tây, đồng chí chỉ đạo cho anh em cán bộ văn phòng Trung ương Cục đến gặp số anh em miền Tây (trong đó có cán bộ của tỉnh Vĩnh Long) đo may quần áo để anh em mang về.

Tuy đây chỉ là những hành động rất bình dị nhưng đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của một đồng chí lãnh đạo đối với các anh em chiến sĩ. Ở đồng chí tình người và tình quê đã hòa quyện với nhau làm một, dù công tác ở đâu và trên cương vị nào đồng chí vẫn dành cho quê hương và con người Vĩnh Long những tình cảm đặc biệt.

Năm 1975, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí là Chính ủy Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh, đã góp phần lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV, thứ V và thứ VI của Đảng (tức là từ 1976-1986) đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị, tiếp tục giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ (từ năm 1981 Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) và kiêm giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ (tức Bộ Công an ngày nay). Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII (6/1987), đồng chí được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được xem như Thủ tướng đầu tiên của thời kỳ đổi mới. Đồng chí là đại biểu Quốc hội các khóa II,  III, VI, VII, VIII.

Tấm lòng với quê hương

Dù bận nhiều việc, đồng chí Phạm Hùng vẫn tranh thủ những lần về Nam công tác ghé thăm quê nhà, vừa để kiểm tra tình hình, vừa góp ý động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi khi về lại Vĩnh Long (khi đó là tỉnh Cửu Long) đồng chí không quên thăm lại trường tiểu học Vĩnh Long, nay là trường Trung học phổ thông Lưu Văn Liệt, nơi đồng chí từng theo học, thăm trường Công nông, trường bổ túc văn hóa cán bộ, trường Đảng tỉnh, trường mầm non... đồng chí dành nhiều sự quan tâm cho nền giáo dục tỉnh nhà, bởi: Ngày nay, cuộc sống ngày càng đòi hỏi sự đa dạng, phong phú hơn, Đảng ta cũng đòi hỏi trình độ cán bộ, công nhân viên ngày càng cao hơn. Tuổi trẻ các đồng chí phải có hoài bão lớn, ý chí vươn lên xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh. Hơn bao giờ hết, tuổi trẻ phải có ý chí, nghị lực vươn lên. Thiếu ý chí, nghị lực như cây thiếu nhựa, bốn mùa không có mùa xuân. Những lời nhắn nhũ, căn dặn của Bác Hai Phạm Hùng làm cho thế hệ trẻ khi ấy và hôm nay nhớ mãi về định hướng phấn đấu vươn lên xây dựng đất nước, sống có ước mơ và hoài bão.

Mặc dù sinh ra và lớn lên trên quê hương Vĩnh Long, nhưng không vì thế mà đồng chí có những chính sách ưu ái hơn các địa phương khác. Vào đầu năm 1979 tại Thành phố Hồ Chí Minh, khi đồng chí chủ trì Hội nghị B2 nhằm tìm cách khắc phục khó khăn sau mùa lũ lụt năm 1978, đại biểu tỉnh Cửu Long phát biểu: “sau mùa lũ, hàng ngàn người từ tỉnh Cửu Long, Bến Tre đi xuồng, ghe theo sông Măng Thít xuống Sóc Trăng, Bạc Liêu làm mướn mua lúa về ăn. Đời sống nông dân nghèo khó khăn hơn bao giờ hết”. Khi kết thúc Hội nghị đồng chí kết luận: “Bến Tre, Cửu Long và một số tỉnh khác sau mùa lũ, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nhưng các tỉnh biên giới Tây Nam còn khó khăn hơn, vừa bị thiên tai vừa phải chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ Quốc. Vậy các tỉnh phía sau phải nỗ lực khắc phục khó khăn đẩy mạnh sản xuất vụ Đông xuân, cả diện tích, năng suất và sản lượng, vừa giải quyết đời sống nhân dân địa phương vừa góp phần cân đối lương thực cả nước”.

Không chỉ đối với quê hương ngay cả với những người thân trong gia đình đồng chí cũng không dựa vào địa vị của mình mà dành cho họ những ưu ái đặc biệt. Trong những lần về thăm nhà thấy cả nhà đói, các em trong nhà đề nghị: “Làm trong hợp tác xã sẽ đói dài, anh cho các em ra khỏi hợp tác xã”. Điều này làm đồng chí trăn trở “các em mình là nông dân, chất phác thật thà mà nói như vậy có nghĩa là hợp tác xã đã làm ăn không hiệu quả” đồng chí khuyên các em “để anh xem xét việc này, còn các em không được ra khỏi hợp tác xã”.

Ngay sau đó, khi làm việc với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Cửu Long đồng chí nói “gia đình các em tôi đói đòi ra khỏi hợp tác xã. Để các em tôi ra khỏi hợp tác xã sẽ có ảnh hưởng xấu đến tình hình hiện nay. Hợp tác xã làm ăn không hiệu quả, trung ương sẽ nghiên cứu để đổi mới”. Từ chỉ đạo đúng đắn, không vì tình riêng phá vỡ nguyên tắc chung, đồng chí đã chỉ đạo đổi mới hoạt động của hợp tác xã, đưa hợp tác xã từ chỗ thiếu ăn đến đủ ăn và có xuất khẩu.

Đồng chí trăn trở khi thấy mồ mã tổ tiên là những nấm mồ đất, cỏ mọc xanh, khi gia đình đề nghị đồng chí hỗ trợ xây dựng lại nơi yên nghỉ của của ông bà, đồng chí gạt đi “các cháu còn rách chưa no, phải tập trung cho ăn, mặc và học hành”. Mặc dù nắm giữ những trọng trách quan trọng của đất nước nhưng đồng chí không chút tư lợi cho bản thân, gia đình, dòng họ, đồng chí vẫn ngời sáng tấm gương về sự thanh liêm, chính trực của người cộng sản chân chính.

Năm 1983  Đại hội đảng bộ tỉnh Cửu Long lần thứ 3, vinh dự được đón đồng chí Phạm Hùng về dự, trong phát biểu, đóng góp cho Đại hội, đồng chí nhấn mạnh: “đảng bộ tỉnh Cửu Long là một thể thống nhất, là một bộ phận của Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Vì vậy không nên để chủ nghĩa cá nhân cục bộ, địa phương xen vào gây tổn thương cho sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng”, đồng chí còn mượn lời trong Di chúc của Bác Hồ để dẫn chứng: “Đoàn kết là một truyền thống quý báu của Đảng và dân tộc ta. Các đồng chí từ Trung ương đến chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi trong mắt mình”. Những lời chỉ dẫn của đồng chí Phạm Hùng tuy không mới nhưng là vấn đề mấu chốt nhất trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng, là điều kiện tiên quyết để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng. Đại hội rất tâm đắc với những phát biểu của đồng chí và đã tín nhiệm chọn đồng chí đi dự đại hội đại biểu toàn quốc.

Bên cạnh những góp ý về phong trào về xây dựng Đảng, trong những lần về Cửu Long đồng chí Phạm Hùng còn làm cho tất cả các cán bộ từ lãnh đạo tới nhân viên phục vụ bất ngờ bằng những góp ý đầy chân thành và đầy tình nghĩa về những việc tưởng chừng như nhỏ nhặt: cách và nơi đặt cái chậu rửa tay, nơi đặt giường nằm, cái bàn làm việc, cách kho cá bằng tộ, cách nấu canh chua cho ngon… ở đồng chí ngoài tầm nhìn chiến lược của một chính trị gia còn là một người rất tinh tế và lão luyện trong cuộc sống thường nhật. Ngoài ra đồng chí còn là một hình mẫu về tấm gương tiết kiệm, ý thức trân trọng và giữ gìn của công, đi đâu đồng chí cũng luôn luôn lắng nghe và quan sát mọi việc, đồng chí nhắc nhở từ cái cửa bị mối mọt, đến cái nền nhà bị lún sụt… vì tất cả là tài sản của nước, của dân phải giữ gìn và trân trọng, để lo cho dân cho nước.

Đến Đại Hội Đảng bộ Cửu Long lần thứ IV (1986), đồng chí lại một lần nữa nêu cao tinh thần đoàn kết không chỉ là đoàn kết trong Đảng, mà còn đoàn kết giữa hai dân tộc Kinh – Khmer, đoàn kết lương giáo. Đồng chí chỉ rõ: “lịch sử cách mạng tỉnh nhà nói riêng, và đất nước nói chung là lịch sử đoàn kết đấu tranh, nhờ đoàn kết mà đánh bại được mọi âm mưu chia rẽ dân tộc Kinh – Khơ me, chia rẽ lương giáo của địch, đưa cách mạng từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và đi đến thắng lợi cuối cùng”. Đồng chí cũng không quên nhắc nhở “phải chống lại tư tưởng cục bộ, bản vị, cá nhân kèn cựa, phải gác bỏ mọi riêng tư để tập hợp cho kỳ được được sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn mới”. Ngoài ra đồng chí còn góp ý trên nhiều lĩnh vực quan trọng như: vấn đề xây dựng cơ cấu kinh tế, vấn đề kết hợp đẩy mạnh sản xuất với làm chủ phân phối, lưu thông, kết hợp xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng và an ninh. Đây là những vấn đề cốt lõi trong xây dựng và phát triển của tỉnh Cửu Long khi đó. Những góp ý của đồng chí rất chân thành và sâu sát, gợi ý cho tỉnh về cách giải quyết những vướng mắc cơ bản trong việc thực thi những Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước ở địa phương.

Ngày 10/3/1988, đồng chí đột ngột qua đời khi đang đi chỉ đạo công tác tại thành phố Hồ Chí Minh. Sự ra đi của đồng chí là một sự mất mát to lớn, Đảng và nhà nước ta mất đi một nhà lãnh đạo tài năng, quê hương Vĩnh Long mất đi người con ưu tú.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Hùng, chúng ta học tập tấm gương của Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người con ưu tú của dân tộc và quê hương Vĩnh Long với những phẩm chất cao quý: 
Đó là, ý chí kiên cường, dũng cảm, lạc quan, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, vững tin vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng mà Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn. 
Đó là, phong cách làm việc khoa học, sâu sát cơ sở, thực tiễn, gắn bó máu thịt với Nhân dân; có tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo; làm việc có kế hoạch, có kỷ luật, tâm huyết, trách nhiệm cao với tinh thần “Chúng ta còn sống thì còn lao động và chiến đấu”. 
Đó là, tình yêu thương con người, đối với đồng chí sống có tình nghĩa, bao dung, vị tha; đối với bản thân thì nghiêm khắc tự phê bình, sẵn sàng tiếp thu ý kiến người khác góp ý; sống giản dị, chân tình; hiếu nghĩa với cha mẹ, quê hương, đất nước; thuỷ chung, mẫu mực, hết lòng chăm lo, thương yêu gia đình.

Bích Tuyền 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 9
  • Hôm nay: 159
  • Trong tuần: 3 526
  • Tất cả: 8754457

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn