TRÀ VINH THỰC HIỆN TỐT CHÍNH SÁCH DÂN TỘC, TÔN GIÁO, LÀM CHUYỂN BIẾN TOÀN DIỆN VÙNG CÓ ĐÔNG BÀO DÂN TỘC KHMER
Trà Vinh là tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa Sông Tiền và Sông Hậu; được tái lập vào năm 1992. Dân số toàn tỉnh hiện có  trên 1,05 triệu người, với ba dân tộc chính là Kinh, Khmer, Hoa; trong đó đồng bào Khmer có trên 320.000 người, chiếm 31,52% dân số toàn tỉnh. Hầu hết đồng bào Khmer có tín ngưỡng Phật giáo Nam Tông, toàn tỉnh có 143 chùa Khmer, với 3.255 vị sư.

Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo, Trà Vinh được xác định là tỉnh trọng điểm về quốc phòng - an ninh, là địa bàn mà các thế lực thù địch, đặc biệt là các tổ chức, hội, nhóm Khmer Kampuchia Krôm tập trung chống phá trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ.

Trong các phương thức hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, ngoài việc móc nối xây dựng mạng lưới tổ chức của “Liên đoàn Khmer Kampuchia Krôm” (KKF), “Nhà nước Kampuchia Krôm độc lập (KKK), “Mặt trận dân tộc giải phóng dân tộc Kampuchia Krôm” (KKNLF) trong vùng có đông đồng bào Khmer; lôi kéo đồng bào, các vị sư sang Campuchia dự ngày lễ “mất đất 4/6”; mua chuộc, móc nối những người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tài trợ cho các vị sư, tăng sinh người Khmer ra nước ngoài tu học và hoạt động chống phá Việt Nam; lợi dụng việc tranh chấp khiếu kiện có liên quan đến giải tỏa bồi hoàn, đất đai, cơ sở thờ tự của tôn giáo để kích động gây rối trật tự, chúng còn thường xuyên tuyên truyền, xuyên tạc về Lịch sử vùng đất Nam Bộ của Việt Nam; vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền; thông tin sai sự thật về đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer như: Đồng bào Khmer bị áp bức, không có quyền tự do, dân chủ; văn hóa, tín ngưỡng bị xâm phạm; đồng bào Khmer đói, khổ…trên các phương tiện thông tin do chúng lập ra ở nước ngoài như Đài Tiếng nói Kampuchia Krom (VOKK), PREYNOKOR, một số đài nước ngoài có thái độ thù địch với Việt Nam như BBC, RFA, RFI, VOA, triệt để sử dụng Internet, mạng xã hội, đồng thời tán phát tài liệu vào trong nước… để truyền tải những thông tin xấu, độc, sai sự thật.

Tuy nhiên, thực tế quyền tự do, dân chủ của đồng bào Khmer luôn được tôn trọng, văn hóa, tín nguỡng, tôn giáo được bảo tồn và phát huy không chỉ thể hiện bằng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn thể hiện trên thực tiễn trong vùng có đông đồng bào Khmer.

Ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đều chủ trương “Các dân tộc sống trên đất Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, đoàn kết giúp đỡ nhau để kháng chiến, kiến quốc(1)  hoặc “Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam”(2). Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”. Các quan điểm, chủ trương trên của Đảng được thể hiện rõ trong các bản Hiến pháp (năm 1946, năm 1959, năm 1980, năm 1992 và năm 2013). Cụ thể Hiến pháp năm 2013, tại Điều 5, quy định: tại khoản 2.“Các dân tộc bình đẳng; đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”; khoản 3. “…Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình” và khoản 4.“Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”.

Về quyền công dân, khoản 1 Điều 14 quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp, pháp luật”.

Đối với tín ngưỡng, tôn giáo, ngay sau khi giành được độc lập, tại phiên họp Chính phủ đầu tiên ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó có nhiệm vụ tuyên bố “Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”. Hiến pháp năm 2013 cũng quy định rõ tại Điều 24, khoản 1:“Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”; khoản 2:“Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo” khoản 3:“Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Điều 3 Luật tín ngưỡng tôn giáo  cũng thể hiện rõ: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”; “Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo…” “Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo”.

Trên cơ sở các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh cùng cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã cụ thể hóa bằng các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch để triển khai và tổ chức thực hiện, cụ thể như: Nghị quyết số 01-NQ/TU (khóa V); Nghị quyết 06-NQ/TU (khóa VII) và Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa IX) “về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer”; Kết luận số 01-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa X)“về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy (khóa IX) về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer giai đoạn 2011-2015” và Kế hoạch số 81-KH/TU (khóa X)“Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới”. Thực hiện chính sách Tôn giáo, quán triệt Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa VI) “Về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới” và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX) “Về công tác tôn giáo”, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều có Chương trình, Kế hoạch để triển khai và tổ chức thực hiện. Đồng thời, kịp thời triển khai, tuyên truyền việc thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo (năm 2004), Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2016), tạo mọi điều kiện cho các tôn giáo được công nhận hoạt động đúng Hiến chương, Điều lệ và quy định của pháp luật.

Về thực tiễn, kết quả thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Trà Vinh trong những năm qua, cụ thể là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng trên 350 công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, với kinh phí trên 270 tỷ đồng; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất (cho 3.547 hộ), nước sinh hoạt, vay vốn ưu đãi, giải quyết việc làm, với kinh phí trên 230 tỷ đồng. Kết quả đầu tư kết cấu hạ tầng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong vùng có đông đồng bào Khmer, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, từ 23,2% vào đầu năm 2016 giảm còn 3,92% vào cuối năm 2020. 

Diện mạo nông thôn vùng đồng bào Khmer - Ảnh Bá Thi

Lĩnh vực giáo dục tiếp tục phát triển, số học sinh dân tộc Khmer chiếm khoảng 34% so với học sinh chung; có 121 điểm trường và 132 điểm chùa Phật giáo Nam tông Khmer giảng dạy ngữ văn Khmer; có 08 trường phổ thông dân tộc nội trú, Trường Đại học Trà Vinh có Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam bộ; đầu tư xây dựng Trường trung cấp Pali - Khmer tạo điều kiện cho các sư và học sinh, sinh viên Khmer học tập.

Trường PTDT Nội trú THCS – THPT Tiểu Cần trong giờ chào cờ, ảnh - Thanh Quang

Văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer được tôn trọng, giữ gìn và phát huy. Tỉnh đã tăng cường đầu tư các thiết chế văn hóa; duy trì hoạt động của Đoàn Nghệ thuật Khmer “Ánh Bình Minh”; Đài Phát thanh - Truyền hình có chương trình phát thanh, phát hình bằng tiếng Khmer; Báo Trà Vinh, Cổng thông tin điện tử tỉnh, Tạp chí Văn nghệ (Hội Văn học và Nghệ thuật tỉnh) có bản bằng Khmer... cơ bản đáp ứng nhu cầu nắm bắt thông tin và hưởng thụ văn hóa của đồng bào. Bên cạnh đó, một số di tích của đồng bào Khmer được công nhận di sản văn hóa cấp quốc gia như: Ao Bà Om, Chùa Âng, khu di tích Lưu cừ 2, khu di tích bờ Lũy (chùa Lò Gạch-Châu Thành), Lễ hội Ok-om-bok, loại hình nghệ thuật Chầmriêng Chàpây. Các Lễ hội truyền thống của đồng bào như: Chôl Chhnam Thmây, SenĐôlta, Okombok...được tổ chức trang trọng, không chỉ là lễ hội riêng của đồng bào Khmer mà còn là lễ hội chung của đồng bào Kinh, Hoa trong tỉnh.

Công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho đồng bào được quan tâm đầu tư cả về cơ sở vật chất và đội gnũ cán bộ chuyên trách. Đến nay toàn tỉnh có 265 bác sĩ, 146 y sĩ, 188 điều dưỡng là người dân tộc Khmer, Giám đốc Sở y tế là người dân tộc Khmer; tỷ lệ đồng bào Khmer tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 98%.

Phật giáo Nam tông Khmer có nhiều hoạt động thiết thực, nhất là việc giảng dạy tiếng dân tộc, tổ chức tốt lễ hội truyền thống, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, hàng năm các chùa tổ chức được 152 lớp sơ, trung cấp Pali - Khmer, có 3.170 tăng sinh, học sinh theo học. Xây dựng 449 người có uy tín trong đồng bào dân tộc, những người có uy tín đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự ổn định và phát triển của địa phương.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Khmer được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, có bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy tốt năng lực thực tiễn. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 8.000 đảng viên là người dân tộc Khmer, chiếm tỷ lệ 16,74% đảng viên toàn Đảng bộ; có 4.792 công chức, viên chức, chiếm tỷ lệ 19,98%. Sau đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, số lượng cán bộ lãnh đạo người dân tộc Khmer tăng so với nhiệm kỳ trước (Có 01 đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, 01 đồng chí Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy; 04 đồng chí Tỉnh ủy viên, 38 Huyện ủy viên và tương đương; 413 Đảng ủy viên cấp xã và tương đương).

Chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu định hướng cơ cấu đại biểu nguời dân tộc trong Hội đồng nhân dân các cấp phấn đấu đạt trên 20%. Thực hiện Kế hoạch 02-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sau Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh, danh sách sơ bộ những người được giới thiệu ra ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp trong tỉnh là 86 vị trong đó có 24 vị là dân tộc Khmer, đạt tỷ lệ 27,90%; cấp huyện là 514, có 114 vị là dân tộc, đạt tỷ lệ 22,18%; cấp xã 4.840 vị, có 1.222 vị là dân tộc, đạt tỷ lệ 25,24%. Bên cạnh còn có 414 là chức sắc, chức việc, người tu hành các tôn giáo được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Ông Thạch Phước Bình, phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Trà Vinh

Những vấn đề nêu trên minh chứng cho việc đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh Trà Vinh luôn được tôn trọng các quyền cơ bản của công dân, trong đó quyền công dân về chính trị như được tham gia bầu cử, ứng cử vào Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, và Hội đồng nhân dân - cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Thực tế cho thấy, trong Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Trà Vinh khóa XIV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021, có nhiều đại biểu là người dân tộc Khmer như: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh khóa XIV có 2/6 đại biểu là người dân tộc Khmer, chiếm tỷ lệ 33,33%; tỷ lệ người dân tộc Khmer trong HĐND tỉnh là 32,6%; cấp huyện là 15,82% và cấp xã là 23,02%; quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo giáo được tôn trọng; tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán được giữ gìn và phát huy; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer ngày càng được nâng cao, là một minh chứng sinh động, bác bỏ hoàn toàn những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch, và hơn ai hết, cán bộ, đảng viên, các vị sư và đồng bào Khmer có nhận thức đúng, đều thấy rõ điều đó. Từ đó, ngày càng tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

                                                    Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh



(1)Chính cương của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội Đảng lần thứ II (1951). 

(2)Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 383
  • Trong tuần: 4 019
  • Tất cả: 8756618

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn