HIỆN THỰC MỤC TIÊU XÂY DỰNG TỈNH TRÀ VINH ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI TRƯỚC NĂM 2025
Xây dựng Trà Vinh đạt chuẩn Nông thôn mới trước năm 2025 là khát vọng, ý chí của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Trà Vinh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Thực hiện các chủ trương, mục tiêu của Trung ương về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010 - 2020, mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Tỉnh ủy đã lãnh, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 32 triệu đồng/người/năm (tăng 20,8 triệu đồng so với năm 2011), tỷ lệ hộ nghèo còn 1,8% (giảm 18,33%), tỷ lệ hộ sử dụng điện sinh hoạt đạt 99% (tăng 7,5%), tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99% (tăng 4,2%), tỷ lệ hộ có hố xí hợp vệ sinh đạt trên 86,48% (tăng 56,88%). Đến nay, 03 huyện Tiểu Cần, Cầu Kè và Càng Long được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thị xã Duyên Hải và thành phố Trà Vinh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 69/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 590/641 ấp đạt chuẩn ấp văn hóa, nông thôn mới (trong đó có 01 ấp đạt ấp nông thôn mới kiểu mẫu); hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa, nông thôn mới chiếm 91,4%; bình quân tiêu chí/xã đạt 18,12 tiêu chí. Giai đoạn 2010 - 2020, toàn tỉnh đã huy động, lồng ghép từ nhiều nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng nông thôn mới được trên 15.346 tỷ đồng, trong đó nhân dân hiến đất, hoa màu… tham gia xây dựng nông thôn mới giá trị trên 1.353 t đồng, chiếm 8,82%. Hạ tầng nông thôn được đầu tư ngày càng hoàn chỉnh; cảnh quan môi trường sạch đẹp, nhà ở dân cư khang trang, điều kiện sống của người dân được cải thiện, nâng lên.

Đ/c Ngô Chí Cường – Bí thư Tỉnh ủy và Đ/c Lê Văn Hẳn –Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng công nhận Huyện nông thôn mới cho Đảng bộ và nhân dân huyện Càng Long (ảnh Thanh Điền)

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ tư đã thảo luận và quyết định ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 20/7/2021 về xây dựng tỉnh Trà Vinh đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025, xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và Nhân dân cùng tham gia; hướng đến mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Theo đó, đến năm 2023, có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2021 có thêm 08 xã; năm 2022 có thêm 04 xã; năm 2023 có thêm 04 xã); phấn đấu 51% xã nông thôn mới nâng cao và 20% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; phấn đấu các huyện còn lại đạt chuẩn huyện nông thôn mới (huyện Châu Thành đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021; huyện Trà Cú, Cầu Ngang đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022 và huyện Duyên Hải đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023) và tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025.

Phát huy những kết quả đã đạt được trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quyết tâm lãnh, chỉ đạo các ngành, các địa phương thực hiện hiệu quả 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để xây dựng tỉnh Trà Vinh đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025

(1) Trước hết là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, phong trào “Trà Vinh cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và cam kết thi đua xây dựng nông thôn mới bằng những nội dung cụ thể, sát với thực tế, tình hình phát triển của tỉnh.

(2) Huy động đa dạng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách cho các xã đặc biệt khó khăn, các xã bãi ngang ven biển có tỷ lệ hộ nghèo cao, ưu tiên nhiều hơn cho các xã có số tiêu chí đạt thấp. Tăng cường thực hiện lồng ghép hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ có mục tiêu và các chương trình, dự án khác. Có cơ chế phù hợp để huy động và vận động được nhiều nguồn lực hợp pháp khác ngoài ngân sách, nhưng tuyệt đối tránh việc huy động quá mức hoặc xây dựng cơ bản không có nguồn lực đảm bảo, dẫn đến nợ đọng, không có khả năng thanh toán.

(3) Rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; kiện toàn bộ máy tổ chức triển khai Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 theo chỉ đạo của Trung ương. Nâng cao năng lực và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp, ưu tiên bố trí người có đủ tâm huyết, đủ năng lực cho bộ máy tham mưu về nông thôn mới.

(4) Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới cấp xã, quy hoạch xây dựng vùng huyện bảo đảm tính thực tế, khả thi, hiệu quả, phát huy lợi thế của từng địa phương. Đồng thời, thường xuyên rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của xã, huyện trên cơ sở kế thừa các quy hoạch và phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh đã được phê duyệt.

(5) Hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu, nhất là những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, xã có đông đồng bào dân tộc để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng thụ hưởng trực tiếp cho người dân nông thôn.

(6) Phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Tập trung thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư; đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ gắn với kết nối thị trường tiêu thụ; tập trung phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa. Chú trọng phát triển thương mại dịch vụ nông thôn để nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ nông sản.

(7) Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, cảnh quan nông thôn theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Hưởng ứng Chương trình trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động, trồng cây xanh tại các tuyến đường và khu vực dân cư.

(8) Đẩy mạnh phát triển y tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người. Tập trung nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa để xây dựng, nâng cấp hoàn thiện các cơ sở y tế; đầu tư trang thiết bị cho các bệnh viện theo hướng hiện đại, phục vụ tốt nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Tiếp tục thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa cơ sở. Tăng cường giáo dục đạo đức, nhân cách, truyền thống cách mạng, kỹ năng sống và văn hóa ứng xử. Chú trọng cung cấp nguồn lao động có tay nghề cao đáp ứng thị trường lao động trong và ngoài nước.

(9) Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực thực hiện chương trình việc làm. Thực hiện tốt các chính sách để người có công và thân nhân có mức sống từ trung bình khá trở lên so với địa bàn nơi cư trú; tăng cường xã hội hóa công tác chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội. Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách về giảm nghèo; nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tăng cường tuyên truyền, vận động mọi người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân.

(10) Tăng cường quốc phòng và an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Thực hiện tốt công tác hòa giải, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, không để vụ việc tồn động kéo dài gây mất an ninh trật tự ở địa phương.

Phòng Tổng hợp - Văn phòng Tỉnh ủy Trà Vinh

Nguồn: Thông tin Công tác tư tưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 23
  • Hôm nay: 2587
  • Trong tuần: 26 264
  • Tất cả: 8728796

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn