THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI, GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM, GÓP PHẦN GIẢM NGHÈO NHANH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TỪ KHI TÁI LẬP TỈNH ĐẾN NAY
Ðảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Trong từng giai đoạn, tùy điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà công tác an sinh xã hội được thực hiện với mức độ phù hợp.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm, tặng quà gia đình chính sách tại Trà Vinh năm 2008 - Ảnh: Bá Thi

Những ngày đầu tái lập tỉnh, Trà Vinh còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng lớn bởi hơn 2/3 diện tích bị phèn và nhiễm mặn, nắng nóng kéo dài, vùng nội đồng bị ngập úng vào mùa mưa, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, số lao động không có việc làm còn lớn.

Khi mới tái lập tỉnh, để giải quyết những khó khăn về đời sống kinh tế của người dân, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách quan trọng như vận động quỹ đền ơn đáp nghĩa cho những người có công với nước, chính sách giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo. Đến năm 1995, số người chưa có việc làm và thiếu việc làm đã giảm mạnh, quan tâm thực hiện tốt chế độ chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công với cách mạng, tổ chức nuôi dưỡng người già neo đơn, trẻ mồ côi, tạo điều kiện giúp đỡ người tàn tật, người nghèo đói. Giai đoạn 1996 - 2000, tỉnh đã thực hiện kịp thời các chế độ trợ cấp thường xuyên, vận động quỹ đền ơn đáp nghĩa trên 01 tỷ đồng, xây dựng 884 nhà tình nghĩa và nhà tình thương; tặng 576 sổ tiết kiệm và cấp 19.376 sổ bảo hiểm y tế, chăm sóc, nuôi dưỡng 89 người già và trẻ mồ côi không nơi nương tựa, nuôi 151 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Giai đoạn 2001 - 2005, vận động 5 tỷ đồng cùng với vốn ngân sách, xây dựng 2.300 căn nhà tình nghĩa, hàng ngàn nhà tình thương cho đối tượng chính sách; 95% hộ chính sách có mức sống từ trung bình trở lên; triển khai thực hiện tốt công tác chăm sóc, giúp đỡ người tàn tật, người già neo đơn, trẻ em mồi côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người bị nhiễm chất độc da cam, người mù nghèo; cấp thuốc miễn phí gần 1,5 triệu lượt người, với kinh phí khoảng 50 tỷ đồng. Giai đoạn 2005 - 2010, tỉnh tiếp tục vận động trên 182 tỷ đồng cùng với ngân sách xây dựng, bàn giao 7.285 căn nhà tình nghĩa. Bên cạnh đó, Trung ương đã đầu tư trên 314 tỷ đồng xây dựng 26.442 căn nhà (nâng tổng số đã xây dựng và bàn giao hơn 40.000 căn nhà cho đồng bào Khmer nghèo và đồng bào Kinh nghèo sống trong vùng có đông đồng bào Khmer khó khăn về nhà ở). Năm 2009, tỉnh triển khai cuộc vận động Ngày vì an sinh xã hội, đã huy động trên 167 tỷ đồng để thực hiện chính sách an sinh xã hội. Tiếp tục quan tâm chăm sóc, các đối tượng bảo trợ xã hội, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho trên 1,5 triệu lượt người với kinh phí hàng trăm tỉ đồng.

Trong 10 năm 2010 - 2020, tỉnh đã xây dựng và  sửa chữa 17.999 căn nhà tình nghĩa, trong đó có trên 10.000 căn được xây dựng mới và bàn giao 10.000 căn nhà đồng đội, nhà tình đồng đội cho các đối tượng chính sách; hỗ trợ xây mới 22.314 căn nhà cho hộ nghèo. Cứu trợ đột xuất cho 26.285 lượt hộ bị thiên tai, hỏa hoạn, có nguy cơ thiếu đói; trợ giúp xã hội hàng tháng 139.091 lượt đối tượng, trợ cấp nạn nhân chất độc hóa học 1.190 đối tượng. Giai đoạn 2015 - 2020 cấp 153.868 thẻ Bảo hiểm y tế cho người có công với cách mạng và thân nhân. Quan tâm thực hiện tốt các chính sách đối với các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo: trợ cấp xã hội hàng tháng cho 36.805 đối tượng, cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho 130.000 lượt đối tượng bảo trợ xã hội; chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội 288 đối tượng.

Đặc biệt, trong 02 năm gần đây (2020-2021) Trà Vinh đã tích cực triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh: Tính đến 28/12/2021, tổng kinh phí thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 là trên 1.011 tỷ đồng (kể cả ngân sách Nhà nước và nguồn vận động, tài trợ), trong đó nguồn ngân sách Nhà nước là 937,8 tỷ đồng; nguồn vận động tài trợ là 73,5 tỷ đồng (bằng tiền: 48 tỷ đồng; bằng hiện vật 25,5 tỷ đồng).

Ngoài ra, trong những năm qua, hệ thống chính sách và pháp luật về an sinh xã hội của Trung ương, của tỉnh ngày càng được bổ sung và hoàn thiện phù hợp với điều kiện từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các đối tượng thụ hưởng ngày càng mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên. Nguồn lực đầu tư phát triển các lĩnh vực an sinh xã hội ngày càng lớn, được tăng cường đầu tư từ ngân sách Nhà nước và các nguồn lực xã hội khác. Các lĩnh vực an sinh xã hội đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cụ thể như sau:

Toàn cảnh Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Trà Vinh , Ảnh: Nguyễn Châu

- Thực hiện tốt chính sách của Nhà nước, đồng thời huy động nguồn lực xã hội chăm lo cho gia đình chính sách. Đến nay, toàn tỉnh có 64.460 người có công được ghi nhận, tôn vinh. Trong đó, có 19.624 liệt sĩ, 742 trước ngày tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, có 9.811 thương binh, bệnh binh, 3.360 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện còn sống 111 mẹ), 12.373 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, 8.814 người và gia đình có công giúp đỡ cách mạng, 3.348 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, 1.678 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học;… các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ gắn với phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, nhờ đó mà đời sống vật chất và tinh thần của người có công ngày càng được cải thiện, nâng lên; đến nay có 99% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình người dân nơi cư trú; 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.

- Cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách trợ giúp xã hội hàng tháng, cấp bảo hiểm y tế đối với các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng không nơi nương tựa tại các Cơ sở bảo trợ xã hội; việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin cũng được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành, các cấp luôn quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 04 cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập; trợ cấp xã hội hàng tháng cho 37.595 đối tượng bảo trợ xã hội và hỗ trợ thêm hàng tháng cho 458 người từ 60 tuổi trở lên thuộc hộ nghèo không có người phụng dưỡng từ nguồn Quỹ an sinh xã hội của tỉnh và hàng năm cấp khoảng 26.000 thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội. Các ngành có liên quan phối hợp thực hiện tốt chính sách giáo dục đào tạo; y tế, bảo hiểm xã hội; nhà ở, nước sạch, thông tin,… góp phần ổn định đời sống người dân trên địa bàn tỉnh.

- Công tác giải quyết và tạo việc làm ổn định cho người dân luôn được quan tâm thực hiện. Hàng năm, với sự quan tâm của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành bạn, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kết quả giải quyết việc làm mới đều tăng, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 22.000 người, đưa 4.427 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, quản lý và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện tốt các chế độ chính sách về tiền lương, tiền công, an toàn lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hộ công dân đi làm việc ở nước ngoài; xây dựng quan hệ lao động trong doanh nghiệp được ổn định, hài hòa, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương và kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp từ 6% năm 1992 xuống còn 2% vào năm 2021.

- Mạng lưới giáo dục nghề nghiệp và các thiết bị dạy nghề được đầu tư; chương trình, nội dung đào tạo được cập nhật, đổi mới; các chính sách hỗ trợ, đào tạo người lao động đạt được nhiều kết quả, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 68,7%, trong đó tỷ lệ có văn bằng, chứng chỉ đạt 35,84% vào năm 2021. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề ngày càng cao, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.

Nghề đan đát của phụ nữ nông thôn, Ảnh: Kim Loan

 - Chương trình giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả quan trọng, khi tái lập tỉnh, Trà Vinh có gần 20% hộ đói, 40% hộ nghèo, nhưng với sự quyết tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung đầu tư triển khai thực hiện các chương trình, dự án, kế hoạch giảm nghèo; nhiều mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế có hiệu quả kinh tế cao được triển khai và nhân rộng; người nghèo được tiếp cận đầy đủ các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng để phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập; một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng, giúp người nghèo cải thiện điều kiện sống; một số chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, được người dân đồng tình ủng hộ, tác động tích cực đến công tác giảm nghèo của tỉnh. Hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống ở các xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư; các chính sách về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin được triển khai thực hiện hiệu quả. Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh và liên tục, đến cuối năm 2021, theo tiêu chuẩn nghèo cũ, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,56% (giảm 1,24% so với năm trước), trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer giảm còn 0,89% (giảm 2,32%), đạt chỉ tiêu Nghị quyết; theo tiêu chuẩn mới, toàn tỉnh có 10.207 hộ nghèo, chiếm 3,56% so với tổng số hộ dân cư, hộ nghèo dân tộc Khmer có 6.483 hộ, chiếm 7,19% so với hộ dân tộc Khmer, hộ cận nghèo là 17.215 hộ, chiếm tỷ lệ 6% so với tổng số hộ dân cư.

Qua 30 năm tái lập tỉnh, thực hiện chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm có ý nghĩa rất quan trọng đã tích cực góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, đẩy nhanh sự tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Trong những năm tới, tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, xây dựng và triển khai thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm; đẩy mạnh việc đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Hai là, thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để người có công và thân nhân có mức sống từ trung bình khá trở lên so với địa bàn nơi cư trú; tập trung giải quyết dứt điểm các hồ sơ còn tồn đọng về quyền lợi đối với người có công qua các thời kỳ. Huy động các nguồn lực xã hội để làm tốt hơn công tác “Đền ơn đáp nghĩa”; chăm sóc người cao tuổi, trẻ mồ côi, người khuyết tật, các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Ba là, tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia “Giảm nghèo bền vững”, triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách về giảm nghèo; nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Tập trung nguồn lực cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn. Thực hiện xã hội hóa trong công tác giảm nghèo bền vững.

 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Tin khác
1 2 3 4 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 35
  • Hôm nay: 2229
  • Trong tuần: 26 619
  • Tất cả: 8725706

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn