Kỷ niệm 75 năm ngày ký Tạm ước Việt - Pháp (14/9/1946 - 14/9/2021): Tạm ước Việt - Pháp “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của ngoại giao Việt Nam
75 năm trước, vào lúc 01h sáng giờ Paris ngày 15/9/1946, một bản tạm ước đã được ký giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa (DCCH) và Bộ trưởng Bộ Hải ngoại (hay còn gọi là Bộ Thuộc địa) nước Pháp là Marius Moutet. Bản Tạm ước lịch sử ấy chính là Tạm ước Việt - Pháp 14/9 (từ đây gọi là Tạm ước 14/9). Điều đặc biệt, Tạm ước này không chỉ được ký vào lúc 3g sáng mà còn được ký tại tư dinh của Bộ trưởng Bộ hải ngoại Pháp mà không phải ở một trụ sở nào đó. Việc ký Tạm ước 14/9 được xem là “bước nghỉ” để Việt Nam chuẩn bị tinh thần và lực lượng cho một cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ chống lại thực dân Pháp quay trở lại xâm lược lần thứ 2.

1. Tạm ước 14/9 là văn bản ngoại giao thứ 2 mang tính chất quốc tế của Việt Nam DCCH. Trước đó, ngày 6/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Chủ tịch Quân sự hội của Việt Nam DCCH là Vũ Hồng Khanh đã ký với đại diện chính phủ Cộng hòa Pháp Jean Sainteny bản Hiệp định Sơ bộ 6/3 (từ đây gọi là Hiệp định Sơ bộ). Trước khi Tạm ước 14/9 được ký kết, từ ngày 19/4 đến ngày 11/5/1946 tại Đà Lạt, Chính phủ Việt Nam DCCH đã tổ chức một hội nghị trù bị, gặp gỡ giữa 2 phái đoàn Việt và Pháp để chuẩn bị cho Hội nghị Fontainebleau chính thức khai mạc vào tháng 7 năm 1946. Ngày 31/5/1946, phái đoàn Chính phủ Việt Nam DCCH do ông Phạm Văn Đồng dẫn đầu đã khởi hành sang Pháp tham dự Hội nghị Fontainebleau.

Cũng trong khoảng thời gian ấy, nhận lời mời của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lên đường sang thăm nước Pháp. Khi ấy, ở miền Nam, thực dân Pháp đã âm mưu lập lại chính phủ bù nhìn với tên gọi là Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ. Trong thời gian đoàn Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Pháp thì chính phủ cũ của Pháp đổ và chính phủ mới chưa kịp thành lập. Vì vậy, nước chủ nhà Pháp đã tạm sắp xếp để đoàn Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân tại Biarritz (miền tây nước Pháp). Mãi tới ngày 22/6, sau khi chính phủ mới được thành lập, Chính phủ Pháp mới mời Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Pari. Ngày 2/7, Georges Bidault, Thủ tướng Chính phủ Pháp mới được thành lập đã đón tiếp long trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn Việt Nam DCCH.

4 ngày sau cuộc đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh của Thủ tướng Pháp Georges Bidault, ngày 6/7/1946  tại lâu đài Fontainebleau cũng diễn ra hội nghị Việt - Pháp để bàn về một số vấn đề quan hệ giữa hai nước. Hội nghị này đã kéo dài hơn 2 tháng song hai bên đã không đạt được bất cứ thỏa thuận nào. Trưởng đoàn phía Việt Nam DCCH là Phạm Văn Đồng đã lên đường về nước. Hội nghị Fontainebleau hoàn toàn thất bại. Không chấp nhận thất bại này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng một số thành viên trong đoàn Phạm Văn Đồng là Hoàng Minh Giám và Dương Bạch Mai cố nán lại Paris. Ngày 15/8/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố với tờ báo Franc-Tireur (Người Du kích) của Pháp: “Tôi đến đây để xây dựng hòa bình. Tôi không muốn về nước với 2 bàn tay không. Tôi muốn đem về cho nhân dân Việt Nam những kết quả cụ thể, sự hợp tác mà chúng ta đều mong ước”.

2. Để cứu vãn hòa bình, ngày 14/9/1946, Hồ Chủ tịch chủ động gặp Thủ tướng Pháp Bidault và trực tiếp đàm phán với Bộ trưởng Bộ Hải ngoại Pháp Marius Moutet. Sáng 14/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp Moutet để trao đổi ý kiến về một bản Tạm ước (modus vivendi). Tuy nhiên, hai bên vẫn không đạt được thỏa thuận vì nước Pháp vẫn không từ bỏ âm mưu tách Nam Bộ khỏi Việt Nam. Bộ trưởng Moutet cũng tỏ ra cứng rắn và giục Chủ tịch Hồ Chí Minh ký gấp bởi “nếu không sẽ tan vỡ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thông báo với Bộ trưởng Moutet về quyết định sẽ về nước vào 8h sáng ngày 16/9/1946. Sau khi hai bên không đạt được thỏa thuận để ký kết, vào lúc nửa đêm ngày 14/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh chia tay Moutet để ra về.

Theo Hồi ký “Bên giòng lịch sử” của Linh mục Cao Văn Luận, sau khi trở về khách sạn nơi đoàn ở, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục suy nghĩ và sau đó Người đã đích thân gọi điện cho Bộ trưởng Moutet đề nghị đến tư dinh của ông để ký những điều đã thỏa thuận. Mặc dù Moutet đề nghị để đến sáng mai nhưng không đợi Moutet chối từ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cộng sự đã tới nhà riêng Bộ trưởng Moutet. Mặc dù miễn cưỡng tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh song Moutet cũng đề nghị “ngày mai sẽ họp và ký cũng chẳng vội gì”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời Moutet “Cái gì đã xong hãy cho xong luôn, không nên chờ sáng ngày mai những việc có thể làm xong đêm nay”. Và Tạm ước Việt - Pháp 14/9 đã được ký kết trong một bối cảnh đặc biệt ấy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm Pháp 1946 (Hình TL)

3. Cũng giống như hiệp định Sơ bộ 6/3/1946, Tạm ước 14/9 đã chấp nhận cho người Pháp một số lợi ích ở Việt Nam. Sau khi Hội nghị Fontainebleau thất bại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích trong buổi gặp nhóm trí thức người Việt ở Pháp rằng dù Hội nghị Fontainebleau thất bại nhưng “thua keo này sẽ bày keo khác” và chúng ta cố gắng “còn nước còn tát”.

Trước khi ký bản Tạm ước này, trong buổi gặp các trí thức người Việt ở Pháp, theo Linh Mục Cao Văn Luận, khi một thành viên hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng nước Pháp có binh hùng, tướng mạnh, vũ khí tối tân thì Việt Nam lấy gì để chống Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cương quyết khẳng định: “Chúng ta có Nhân dân, nếu Nhân dân quyết tâm đánh thì dù Pháp mạnh đến mấy cũng phải thua. Tất nhiên là không ai muốn chịu cảnh chiến tranh (…) nhưng một khi thương thuyết không kết quả, thì chúng ta không còn cách gì khác”.  

Đánh giá về việc ký Tạm ước 14/9, ông Đặng Đình Quý, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đánh giá: “Trong bối cảnh khó khăn của tình hình trong nước và quốc tế, khi thế và lực của ta còn yếu, vận dụng nhuần nhuyễn phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, ngoại giao ta đã hết sức linh hoạt, sáng tạo trong xử lý các tình huống, nhờ đó đã phát huy vai trò và tính tiên phong trong bảo vệ nền độc lập và chính quyền cách mạng non trẻ”.

Có thể thấy rằng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm hết sức mình để cứu vãn hòa bình và hạn chế bớt sự hung hăng của kẻ thù. Đường đường là một nguyên thủ của một quốc gia, thế nhưng Hồ Chí Minh đã không câu nệ tiểu tiết, chịu “hạ mình” ký Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 và Tạm ước Việt - Pháp 14/9/1946 với những người đại diện phía Pháp vốn là những người có cấp bậc thấp hơn mình rất nhiều. Ngay khi ký Tạm 14/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói nhân viên mật thám Pháp được phân công bảo vệ Người: "Tôi vừa mới ký một bản án tử hình của tôi!". Trước đó, thậm chí báo Le Paria đã đăng một bức thư ngỏ được cho là của một số đồng chí được Nguyễn Ái Quốc đào tạo lên tiếng chỉ trích Người đã ký Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 với những thỏa thuận có lợi cho phía Pháp. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ có lợi ích của quốc gia dân tộc, chỉ có hạnh phúc của Nhân dân là cao hơn hết thảy. Rõ ràng là Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 và Tạm ước Việt - Pháp 14/9/1946 dù có những lúc hòa hoãn, nhượng bộ, nhưng đó là sự hòa hoãn, nhượng bộ tạm thời. Sau đó, vì “chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa” nên Nhân dân Việt Nam đã nhất tề đứng dậy theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh để chống lại thực dân Pháp xâm lược lần thứ 2.

Trước khi lên đường sang Pháp, Chủ tịch Hồ Chí đã trao Quyền Chủ tịch nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (ngành Công an khi ấy thuộc Bộ Nội vụ) với lời căn dặn “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Nhà thơ Huy Cận, khi ấy là Thứ trưởng Bộ Nội vụ cùng cụ Huỳnh tới chào Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi Người lên đường sang Pháp đã ghi lại sự kiện này bằng 4 câu thơ: “Tôi đi, cụ chớ lo chi cả/ Quyền nước, lòng dân cụ ở nhà/ Hai chén trà khuya sen nhẹ tỏa/ Một câu “bất biến” dặn phòng xa”. Việc ký tạm ước Việt - Pháp 14/9/1946 cũng chính là sự thể hiện rõ nét nhất tư tưởng “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như của ngoại giao Việt Nam./.

TS. Vũ Trung Kiên 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 5
  • Trong tuần: 3 647
  • Tất cả: 8757945

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn