Phạm Văn Bạch

PHẠM VĂN BẠCH

( 1910 -1987)

Nói đến Phạm Văn Bạch, người ta nghĩ ngay đến một vị đại trí thức Công giáo, sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản bằng con đường kinh điển để rồi toàn tâm, toàn ý dấn thân vào thực tiễn hoạt động cách mạng gian khổ và vẻ vang. Trên nhiều lĩnh vực, ông đã đem hết tài năng, kiến thức và nhiệt huyết của mình cống hiến cho Tổ quốc, cho dân tộc, đặc biệt là việc xây dựng và hoàn thiện nền pháp luật xã hội chủ nghĩa còn non trẻ của nước ta.

Tiến sĩ Phạm Văn Bạch sinh ngày 18/6/1910 tại làng Khánh Lộc, Tổng Bình Phước, nay là xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Cha ông là một công chức cao cấp tại Sài Gòn, mẹ ông là một tiểu thơ khuê các con của một điền chủ cai tổng hàm đốc phủ sứ nhưng có tư tưởng yêu nước và nhân đạo. Ngay từ nhỏ, hàng ngày đến trường tiểu học ở tỉnh lỵ Trà Vinh, “cậu hai” Phạm Văn Bạch được đưa rước trên chiếc xe song mã, luôn có kẻ hầu, người hạ bên mình.

Có thể nói, sinh ra trong giai đoạn có thể coi là hoàng kim của chế độ thực dân Pháp lại xuất thân từ một gia đình thế gia vọng tộc và đã tỏ ra thông minh xuất chúng ngay từ thuở thiếu thời, Phạm Văn Bạch được gia đình, nhà đương cục hướng đến một tương lai trải lụa điều trong bộ máy cai trị. Chính vì thế, mới 13 tuổi đầu, ông được nhận vào Collège de Cần Thơ, rồi Collège de Mỹ Tho với học bổng toàn phần. Cũng chính vì thế, sau khi tham gia cuộc bãi khóa để tang cụ Phan Chu Trinh, cùng một số bạn bè trang lứa bị đuổi khỏi trường Mỹ Tho (năm 1926), Phạm Văn Bạch liền được gởi sang Pháp học trung học với lời khuyên sớm xa lánh những hoạt động bồng bột lúc non dạ trẻ người.

Sang Pháp, cậu Hai Bạch chuyên tâm vào việc học tập. Ông vượt qua bằng Tú Tài rồi năm 23 tuổi, giành luôn hai bằng Cử nhân Luật và Triết học. Rồi bốn năm sau, ông hoàn thành luận án Tiến sĩ Luật ở vào tuổi 27.

Con đường công danh của nhà trí thức trẻ Phạm Văn Bạch có lẽ sẽ bằng phẳng, suôn sẻ theo hướng mà nhà đương cục đã dành sẵn nếu không có những biến cố làm ảnh hưởng lớn lao đến nếp nghĩ và hành động của ông. Biến cố đầu tiên là việc người mẹ thân yêu của anh mất sớm, thân phụ đi bước nữa và anh phải trở về Khánh Lộc ở với gia đình ngoại. Ở đó, anh sớm chứng kiến cảnh đời khổ cực, nghèo đói của tá điền và tấm lòng nhân hậu, thương người của bà ngoại đã tác động sâu sắc đến đầu óc non nớt của cậu học sinh tiểu học Phạm Văn Bạch. Kế đến, khi lên trung học, may mắn là anh được vào Colègge de Mỹ Tho ngay những năm mà phong trào đấu tranh của học sinh trường nầy dâng lên mạnh mẽ. Rồi khi sang học ở Pháp, dù là một học sinh xuất sắc nhưng anh cũng không tránh khỏi sự cư xử miệt thị của một bộ phận giáo viên và học sinh “mẫu quốc”. Những điều nầy đã ngày đêm ám ảnh suy nghĩ, làm Phạm Văn Bạch phải đặt câu hỏi về giá trị thực của những từ Văn Minh-Tự Do-Bình Đẳng mà thực dân Pháp thường rêu rao. Chính do vậy, Phạm Văn Bạch bắt đầu có những phản ứng chống lại bộ máy cai trị và trật tự xã hội đương thời mà việc tham gia để tang cụ Phan Tây Hồ là một thí dụ. Khi sang Pháp, trái với ước muốn của gia đình và nhà đương cục, anh giao du mật thiết với các thanh niên học sinh cách mạng như Huỳnh Khương An, Nguyễn Trọng Đắc cùng những thanh niên cộng sản Pháp mà thân nhất là nữ đồng chí Loceite Chargnioux, Bí thư Đoàn Thanh niên tỉnh Rhône - người sau nầy trở thành người yêu đầu của anh. Số bạn bè nầy có tác động không nhỏ đến suy nghĩ của Phạm Văn Bạch. Anh dần dà tìm đến các trước tác của các nhà kinh điển cộng sản như Mark, Engel, Lénine..., nhất là những tác phẩm lý luận và thực tiễn pháp luật Xô Viết. Những tìm tòi, nghiên cứu nầy đã mở ra cho ông bước ngoặt lớn trong cuộc đời: kiên quyết chối từ mọi ưu đãi của thực dân, dấn mình vào con đường đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc như sau nầy ông đã viết trong hồi ký của mình: ‘‘Tôi đã tìm được trong Hiến pháp Xô Viết và thực tiễn Xô Viết giải pháp đúng đắn cho cả hai vấn đề căn bản: dân tộc và giai cấp”.

Luận án Tiến sĩ về đề tài luật pháp Xô Viết và vấn đề dân tộc, giai cấp của ông đã làm cho Hội đồng Giám khảo bất ngờ. Một số vị có tư tưởng thực dân giận dữ và không đồng tình. Nhưng ông lại nhận được sự ngợi khen rất mực của báo chí và những người cộng sản Pháp. Một tờ báo viết: “Một người Việt Nam trẻ tuổi, lần đầu tiên tại những trường Đại học Pháp, nghiên cứu về đường lối của Mark một cách chính thống”.

Và điều nầy làm cho nhà cầm quyền thực dân, ở chính quốc cũng như ở Việt Nam, hết sức tức tối. Chúng tìm mọi cách cô lập khiến anh không thể tìm ra việc làm, dù có bằng tiến sĩ Luật trong tay. Cuối cùng, ông quyết định về nước “Trước tiên là dạy học rồi sẽ tìm cách hoạt động chính trị sau”.

Sau khi về nước, ông bị đưa về dạy ở Collège de Cần Thơ, mặc dù với bằng Tiến sĩ, lý ra ông phải được giảng dạy ở những trường đại học. Tại Cần Thơ, tư tưởng dân chủ, tinh thần yêu nước, ý thức độc lập của ông đã ảnh hưởng mạnh đến một số học sinh lúc bấy giờ như Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Trần Bửu Kiếm…  Sau đó, ông trở về Sài Gòn rồi qua Phnom-pênh cộng tác với các Luật sư da đen Idylle, Emile Clairon...là những người có tư tưởng tiến bộ. Trong thời gian nầy, Phạm Văn Bạch, bằng tài năng và tấm lòng của mình, đã cải thí nhiều lần trước Tòa cho những người dân nghèo cũng như các chiến sĩ cách mạng.

Những hoạt động xã hội có hiệu quả của nhà trí thức trẻ tài năng Phạm Văn Bạch đã tạo được sự chú ý ở những người Cộng sản. Thêm vào đó là sự giới thiệu bí mật của các đồng chí Cộng sản Pháp nên Xứ ủy Nam kỳ, qua đồng chí Nguyễn Thanh Sơn đã chủ động bắt liên lạc với ông. Đầu tiên, Xứ ủy đề nghị ông đứng ra liên kết cùng một số nhân sĩ Nam bộ thành lập nhà in nhưng sự việc không thành do sự cấm đoán của thực dân. Thời gian nầy, chúng cũng cấm không cho ông tham gia bất cứ hội đoàn quần chúng nào.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp, chính quyền thân Nhật mời ông cộng tác. Sau khi tham khảo và được sự chấp thuận của Xứ ủy, Phạm Văn Bạch tham gia chính quyền thân Nhật với cương vị Chánh Tòa tỉnh Bến Tre. Khi Thanh niên Tiền phong được thành lập, Tiến sĩ Phạm Văn Bạch được cử vào nhóm thủ lĩnh của lực lượng ở Bến Tre. Với vai trò nầy, ông đã góp phần quan trọng vào sự thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 tại Bến Tre, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh. Sau đó, ông được đề cử giữ nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân lâm thời tỉnh Bến Tre và được cử tri tỉnh nầy tín nhiệm bầu vào Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946.

Đầu tháng 9/1945, theo sự phân công của Trung ương Đảng trên cơ sở sự nhất trí quyết nghị của Mặt trận Việt Minh, đồng chí Phạm Văn Bạch được đề cử giữ trọng trách Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Nam bộ vừa được củng cố lại để đáp ứng nhiệm vụ đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp. Trong Ủy ban nầy còn có Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Tạo, Ung Văn Khiêm, Phạm Ngọc Thạch, Ngô Tấn Nhơn, Từ Bá Đước...

Trên cương vị người đứng đầu chính quyền Nam bộ, ngày 23/9/1945, đồng chí Phạm Văn Bạch dẫn đầu phái đoàn Dân Chính Đảng về Sóc Trăng thăm và ủy lạo đoàn cựu tù chính trị Côn Đảo vừa được rước về đất liền trên đoàn tàu Phú Quốc. Trong đó, có các đồng chí Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Phan Trọng Tuệ, Lê Đức Thọ, Phạm Thái Bường, Dương Công Nữ... Ngày đưa Bác Tôn lên đường về vùng cực Nam Trung bộ, Chủ tịch Phạm Văn Bạch nhớ mãi lời người anh cả căn dặn: “... Ở đây, chú dựa vào đồng bào ta mà sống và hoạt động”.

Ngay sau khi đón các cựu tù Côn Đảo, Chủ tịch Phạm Văn Bạch cùng phái đoàn về tới Sài Gòn cũng là lúc thực dân Pháp nổ súng tái chiếm Nam kỳ. Chúng tấn công trụ sở Ủy ban Nhân dân Nam bộ và các đồn Quốc gia tự vệ cuộc. Theo chủ trương của Xứ ủy và Ủy ban, Phạm Văn Bạch rời Sài Gòn, xuống Mỹ Tho rồi vào bưng biền Đồng Tháp, lập Tổng khu căn cứ chỉ đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ.

Ngày 16/02/1946, theo yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ, Phạm Văn Bạch dẫn đầu phái đoàn Nam bộ gồm 10 người (trong đó có Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Văn Tạo, Ngô Tấn Nhơn, Ngô Thị Huệ, Diệp Ba...) lên đường ra Bắc để báo cáo tình hình chiến sự ở Nam bộ. Ròng rã gần 4 tháng trời từ Tháp Mười xuống Cà Mau, vòng đường biển qua Thái Lan rồi đáp chuyến tàu Anh trở lại Sài Gòn, qua Hồng Kông... mãi đến ngày 06/6/1946, đoàn mới đặt chân lên cảng Hải Phòng. Ngày hôm sau, Trung ương Đảng cử đồng chí Võ Nguyên Giáp ra đón tiếp phái đoàn cũng như tiếp nhận báo cáo. Đặc biệt, ngày 29/6/1946, Phạm Văn Bạch được kết nạp vào Đảng tại Chi bộ Trần Hưng Đạo, Chi bộ của Bác Hồ theo sự giới thiệu của hai đồng chí Phạm Ngọc Thạch và Ngô Tấn Nhơn. Buổi lễ kết nạp do Bác Hồ và Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp chủ trì. Về sự kiện nầy, trong hồi ký của mình, Tiến sĩ Phạm Văn Bạch viết: "Ngày 29/6/1946, vinh hạnh cao nhất đời tôi đã đến, nguyện vọng cao nhất đời tôi đã được thực hiện: Tôi được kết nạp vào Đảng”.

Thời gian ở miền Bắc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Nam bộ Phạm Văn Bạch được cử làm Trưởng phái đoàn nhân dân đón Hồ Chủ Tịch khi Người đi dự Hội nghị Fontainnebleau về tới Hải Phòng. Sau đó, ông tham gia Hội nghị Chủ tịch và một số ủy viên UBND ba kỳ dưới sự chủ trì của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Nội vụ để bàn về tình hình cũng như vạch ra đối sách góp phần đưa cách mạng nước ta bước qua giai đoạn khó khăn nhất.

Sau năm 1954, Tiến sĩ Phạm Văn Bạch tập kết ra Bắc. Ông được Trung ương Đảng cử giữ nhiệm vụ Phó ban Miền Nam của Đảng. Tháng 01/1955 ông được Chính phủ cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Ủy viên Ủy ban Quan hệ Bắc Nam rồi sao đó là Thứ trưởng Phủ Thủ tướng kiêm ủy viên Ủy ban Kiện toàn Tổ chức Trung ương.

Tháng 9/1959, ông được Quốc hội bầu vào chức vụ Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và ông giữ nhiệm vụ nầy mãi đến năm 1982, khi được Đảng và Nhà nước cho nghỉ hưu vì tuổi cao sức yếu.

Đến tháng 7/1966, ông kiêm Ủy viên Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, phụ trách ngành Luật học. Từ tháng 10/1972, ông được cử làm Viện trưởng Viện Luật học kiêm Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.

Ông còn đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Ủy ban điều tra tội ác của đế quốc Mỹ ở Việt Nam.

Tiến sĩ Phạm Văn Bạch là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, đơn vị tỉnh Bến Tre. Sau năm 1954, tập kết ra Bắc, cùng một số đại biểu miền Nam, ông được lưu nhiệm đại biểu Quốc hội các khóa II, III, IV và V. Sau ngày thống nhất đất nước, ông tiếp tục được cử tri Thành phố Hồ Chí Minh bầu vào Quốc hội khóa VI.

Những năm sau khi về nghỉ hưu, ông cư ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông từ trần vào lúc 12 giờ 15 phút, ngày 08/3/1987 tại Bệnh viện Thống Nhất, hưởng thọ 77 tuổi.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Tiến sĩ Luật học Phạm Văn Bạch đã giữ nhiều chức vụ, đảm nhiệm nhiều trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Ở chức vụ, cương vị nào ông cũng luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách cống hiến toàn bộ tài năng, trí tuệ, kiến thức, nhiệt huyết vào công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tựu trung, trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Nam bộ rồi Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ, ông đã cùng tập thể Xứ ủy, Ủy ban - dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ - lãnh đạo nhân dân đấu tranh làm thất bại âm mưu khiêu khích của bọn Anh Ấn trong giai đoạn đầu chính quyền ta còn non trẻ; củng cố chính quyền, quân đội, công an các cấp đấu tranh có hiệu quả với kẻ thù; Tiến hành công cuộc cải cách ruộng đất, động viên quần chúng tăng gia sản xuất; Phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế... góp phần quan trọng cùng nhân dân cả nước chiến thắng thực dân Pháp.

Sau Hiệp định Genève, theo sự phân công của Đảng, Tiến sĩ Phạm Văn Bạch trực tiếp xây dựng và củng cố Ban Miền Nam của Trung ương Đảng, ban Quan hệ Bắc Nam của Chính phủ...góp phần tích cực ủng hộ cuộc chiến đấu của quân dân miền Nam, đẩy nhanh tiến trình thống nhất Tổ quốc.

Nhưng quan trọng hơn cả trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của mình, có lẽ, cống hiến lớn lao nhất của Tiến sĩ Phạm Văn Bạch là trên lĩnh vực đặt nền móng xây dựng và hoàn chỉnh nền pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngay từ năm 1946, tín nhiệm trước tài năng, kiến thức pháp luật uyên bác, nhất là pháp luật Xô Viết - cả trong lý luận lẫn thực tiễn - của vị Tiến sĩ Luật trẻ tuổi nầy, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã mời Phạm Văn Bạch từ miền Nam ra và cử ông vào Ủy ban soạn thảo Hiến pháp của Quốc hội. Hiến pháp 1946 ra đời và trở thành vũ khí sắc bén trong việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc chiến thắng kẻ thù, có sự đóng góp không nhỏ của ông. Sau năm 1954, nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam có sự thay đổi lớn đòi hỏi phải có Hiến pháp mới thay thế cho Hiến pháp 1946 đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử, Tiến sĩ Phạm Văn Bạch lại được cử vào Ủy ban soạn thảo Hiến pháp mới - Hiến pháp 1959. Đến cuối năm 1980, ông lại được tín nhiệm đề cử vào Ủy ban soạn thảo Hiến pháp 1982 - Hiếp pháp của giai đoạn cả nước đi lên xã hội chủ nghĩa.  Ngoài ra, trên cương vị thành viên Ban Pháp luật của Quốc hội, ban Pháp chế của Đảng và là Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Tiến sĩ Phạm Văn Bạch luôn có vai trò quan trọng trong việc xây dựng, ban hành cũng như trong việc đưa hệ thống văn bản qui phạm pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam đi vào thực tế cuộc sống. 

Hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà tiến sĩ Phạm Văn Bạch góp phần trong việc xây dựng và hoàn thiện không những trở thành công cụ quan trọng, thành vũ khí sắc bén trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi công dân; Huy động khối đại đoàn kết toàn dân vào công cuộc đấu tranh chống kẻ thù, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước... mà hệ thống pháp luật ấy còn góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh ngoại giao nhằm khẳng định tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc ta, tố cáo tội ác của thực dân Pháp cũng như đế quốc Mỹ sau nầy. Với tư cách đại diện cho những người làm công tác pháp luật ở Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Văn Bạch đã trực tiếp tham dự 17 Hội nghị quốc tế.

Vì những đóng góp lớn lao đó, Tiến sĩ Phạm Văn Bạch đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng:

- Huân chương Hồ Chí Minh.

- Huân chương Độc lập hạng nhất.

- Huân chương Độc lập hạng nhì.

- Huân chương Độc lập hạng ba.

- Huân chương Kháng chiến hạng nhất.

- Huy hiệu Kháng chiến Nam bộ.

Sưu tầm và biên soạn

 TRẦN DŨNG

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 10
  • Hôm nay: 321
  • Trong tuần: 5 718
  • Tất cả: 8770006

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn