Cố Tổng Bí thư Trần Phú với Luận cương Chính trị tháng 10 năm 1930 của Đảng
0:00 / 0:00

Năm nay chúng ta kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Sau đồng chí Trần Phú, cả 3 Tổng Bí thư tiếp theo của Đảng Cộng sản Đông Dương lần lượt là: Tổng Bí thư thứ 2 (Lê Hồng Phong), thứ 3 (Hà Huy Tập) và thứ 4 (Nguyễn Văn Cừ) đều bị thực dân Pháp bắt, xử tù đày, tử hình, giết hại. Vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của đồng bào, các vị Tổng Bí thư của Đảng đã đi trọn con đường vì lý tưởng cao đẹp, hiến dâng cả thân mình cho đất nước, cho Đảng, cho dân tộc. 

anh tin bai

Tất cả 4 Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đều là những người trẻ tuổi và là những trí thức lớn, họ đã để lại nhiều tác phẩm lý luận tiêu biểu, trong đó người phải nhắc tới đó là Tổng Bí thư đầu tiên Trần Phú với bản Luận cương Chính trị tháng 10 năm 1930 của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Sự ra đời của bất cứ một đảng chính trị nào cũng cần phải dựa trên các tiền đề, các điều kiện, một trong các điều kiện ấy là đảng phải có cương lĩnh chính trị của mình. Cương lĩnh chính trị là văn bản quan trọng bậc nhất của đảng chính trị, là văn bản trình bày những nội dung cơ bản về mục tiêu, đường lối, nhiệm vụ và phương pháp cách mạng trong một giai đoạn nhất định. Cùng với Chánh cương vắn tắt  Sách lược vắn tắt - Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo năm 1930. Đến nay, Đảng ta có Cương lĩnh Chính trị năm 1930, Chính cương Đảng Lao động Việt Nam năm 1951, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011).

Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương do Trần Phú dự thảo được trình bày và thông qua tại Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10 năm 1930. Để viết bản Luận cương nổi tiếng này, Trần Phú đã trải qua nhiều công việc khác nhau như: “thầy đồ”, “nhà buôn”, sống cuộc đời thợ mỏ, thợ nề, thợ nhà máy xi măng v.v…nhằm thâm nhập, nghiên cứu, khảo sát thực tế tình hình phong trào cách mạng của công nhân, nông dân và hoạt động của các chi bộ cộng sản ở các nhà máy, hầm mỏ tại các địa phương. Bản Luận cương đã đặt ra những vấn đề cơ bản nhất của cách mạng Việt Nam và Đông Dương, bao gồm: Tình hình thế giới và cách mạng Đông Dương; Những đặc điểm về tình hình Đông Dương; Tính chất và nhiệm vụ cách mạng Đông Dương.

Bản Luận cương chính trị đã phân tích sâu sắc đặc điểm tình hình thế giới và Đông Dương, đặc biệt phân tích mâu thuẫn xã hội Việt Nam, đề ra những nhiệm vụ cách mạng chuẩn xác; luận giải một cách sắc bén về tính chất của cuộc cách mạng ở Đông Dương. Đó là một cuộc cách mạng tư sản dân quyền, do giai cấp công nhân lãnh đạo; đặt dưới sự lãnh đạo của một Đảng Cộng sản có đường lối chính trị đúng, có kỷ luật, có mối liên hệ mật thiết với nhân dân, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm gốc, xây dựng lực lượng cách mạng rộng rãi, thiết lập liên minh công nông trong khối dân tộc đoàn kết, liên hệ với cách mạng vô sản quốc tế. Luận cương chỉ ra nhiệm vụ của cách mạng Đông Dương là đánh đổ đế quốc và phong kiến, làm cho Đông Dương được hoàn toàn độc lập. “Điều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cách mạng ở Đông Dương là cần có sự lãnh đạo của một Đảng Cộng sản có đường lối chính trị đúng đắn, có kỷ luật tập trung, liên hệ mật thiết với quần chúng và từng trải tranh đấu mà trưởng thành. Đảng là đội tiền phong của vô sản giai cấp lấy chủ nghĩa Các Mác và Lênin làm gốc”. Luận cương cũng chỉ rõ, muốn làm tròn nhiệm vụ, Đảng phải tổ chức ra những đoàn thể độc lập như Công hội, Nông hội...Đường lối cơ bản của cách mạng Đông Dương và cách mạng Việt Nam nêu trong Luận cương chính trị tháng 10/1930, là sự khẳng định về mục tiêu và đường lối cách mạng mà Chính cương vắn tắt của Nguyễn Ái Quốc nêu ra tháng 2/1930.

Luận cương được viết vào thời điểm đặc biệt của Đảng, vào thời kỳ Quốc tế Cộng sản chưa khắc phục được xu hướng tả khuynh, do đó Luận cương cũng còn những hạn chế mà thời gian càng lùi xa càng được nhìn rõ hơn và khắc phục. Tuy nhiên, nó hoàn toàn không phải như những gì mà các thế lực thù địch vẫn thường rêu rao, xuyên tạc để chống phá, rằng Luận cương Chính trị do ông Trần Phú khởi thảo và được thông qua tại Hội nghị Trung ương tháng 10/1930 đã triệt hạ trí thức, địa chủ, hào phú (những người giàu có). Họ vin vào câu khẩu hiệu cá biệt của một cấp uỷ “trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ” để xuyên tạc và chống phá. Tuy nhiên sự thực không phải như vậy! Đảng Cộng sản Việt Nam chưa và không bao giờ có chủ trương ấy, chưa và không bao giờ có câu khẩu hiệu ấy. Khẩu hiệu ấy là cách hiểu sai lầm của một cấp uỷ, cụ thể là của Xứ uỷ Trung Kỳ. Sau khi biết Xứ uỷ Trung Kỳ có câu khẩu hiệu này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương khi ấy đã phê bình gay gắt và kịp thời chấn chỉnh.

Có thể thấy, cùng với Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo và được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng, Luận cương chính trị tháng 10/1930 để lại cho Đảng ta những bài học quý báu về hoạch định đường lối cách mạng. 94 năm qua, kế thừa, bổ sung, phát triển và vận dụng sáng tạo những tư tưởng, quan điểm của các bản Cương lĩnh, Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành và thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (bổ sung, phát triển năm 2011), đã đang thực hiện nhất quán đưa đất nước ngày càng phát triển.

Vũ Trung Kiên
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 9
  • Trong tuần: 5 689
  • Tất cả: 8771160

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn