Một số giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới
Đảng ta xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, là động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; phát triển văn hóa phải ngang tầm với phát triển chính trị, kinh tế, xã hội. Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Ở bất kỳ thời kỳ, giai đoạn phát triển nào, văn học, nghệ thuật cũng luôn đồng hành cùng với sự nghiệp cách mạng của dân tộc; kịp thời truyền tải sâu sắc, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhất là việc cụ thể hóa các quan điểm, đường lối xây dựng và phát triển đất nước trong suốt quá trình đổi mới. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng vai trò to lớn của văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc, luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp văn hóa nói chung, phát triển văn học, nghệ thuật nói riêng.

Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, Tỉnh ủy đã xây dựng Chương trình hành động số 28-CTr/TU, ngày 31/10/2008 đề ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; đồng thời, chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị học tập, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh có liên quan đến lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, văn học, nghệ thuật đến cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và đội ngũ phóng viên báo, đài, văn nghệ sĩ trong tỉnh đã nhận thức đầy đủ hơn các quan điểm chỉ đạo, tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật phát triển phù hợp với tình hình mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, tỉnh Trà Vinh đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Hiện toàn tỉnh có 353 hội viên là các nhà văn, nghệ sĩ, tăng 233 hội viên so với năm 2008. Các tác phẩm văn học, nghệ thuật do các nhà văn, nghệ sĩ của tỉnh sáng tác, biểu diễn phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Giai đoạn 2008 - 2022, đội ngũ văn nghệ sĩ trong tỉnh đã giành được nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật, với 150 giải thưởng ở các kỳ thi quốc tế, toàn quốc và Đồng bằng sông Cửu Long, hơn 700 tác phẩm đoạt giải thưởng ở các cuộc thi cấp tỉnh và các cuộc thi do các ngành, các cấp tổ chức. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh có 9 chi hội chuyên ngành và Hội Kiến trúc sư phối thuộc; có 09 Nghệ sĩ Ưu tú, 11 Nghệ nhân Ưu tú, 01 Nghệ nhân Nhân dân và 01 Nghệ sĩ nhiếp ảnh được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phong tước hiệu E.VAPA (nghệ sĩ xuất sắc); có 02 hội viên trình độ tiến sĩ, 16 hội viên trình độ thạc sĩ và 138 hội viên có trình độ Đại học đã được đào tạo, bồi dưỡng chính trị. Ngoài ra, còn hàng trăm diễn viên, nghệ sĩ, nghệ nhân hoạt động ở các đội thông tin lưu động, các đội ca múa dân tộc, câu lạc bộ đờn ca tài tử ở các địa phương trong toàn tỉnh. Tỉnh hiện có 02 đội tuyên truyền thông tin lưu động (Kinh và Khmer) cấp tỉnh; 95 câu lạc bộ đờn ca tài tử; 06 câu lạc bộ sinh hoạt các lĩnh vực âm nhạc, mỹ thuật, biển diễn văn nghệ...; 45 đội văn nghệ quần chúng; 27 đội Sadam; 89 dàn ngũ âm; 30 đội chằn khỉ... sinh hoạt tại các huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, thời gian qua, công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc, các tác phẩm văn học, nghệ thuật luôn được tỉnh ưu tiên thực hiện. Hiện nay, tỉnh Trà Vinh có nhiều hiện vật về văn học, nghệ thuật các dân tộc được trưng bày tại Nhà Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh. Cùng với đó, tỉnh thực hiện nhiều đề án như bảo tồn nghệ thuật đờn ca tài tử, nghệ thuật sân khấu Dù Kê và sưu tầm nhiều tác phẩm văn học, thơ ca dân gian Khmer...

Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Minh Đằng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát huy những kết quả đạt được trong những năm qua, khắc phục những khó khăn thử thách, trong thời gian tới tỉnh đề ra một số giải pháp để triển khai thực hiện như sau:

Một là, tiếp tục tổ chức tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết 23-NQ/TW Bộ Chính trị (khóa X) và Chương trình hành động số 28-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Kết luận số 76-KL/TW, ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (ngày 24/11/2021) và các văn bản của Đảng về văn hóa, văn học, nghệ thuật, giáo dục và đào tạo… trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; nâng cao nhận thức, trình độ lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy Đảng, chính quyền về văn học, nghệ thuật, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trực tiếp lãnh đạo, quản lý về lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật.

Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa, văn học, nghệ thuật; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực; quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, bảo tồn, phát huy các di sản và giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Nghiên cứu, đầu tư cải tạo Nhà Trưng bày - Triển lãm và khuôn viên cơ quan Hội Văn học Nghệ thuật thành không gian giới thiệu tác phẩm văn học nghệ thuật với công chúng. Xây dựng và đưa vào hoạt động các câu lạc bộ sáng tác trẻ, câu lạc bộ giới thiệu tác phẩm mới... tạo điều kiện thu hút đông đảo hội viên và công chúng yêu thích văn học nghệ thuật tham gia.

Ba là, duy trì, phát triển các loại hình văn hóa, bảo tồn phát huy các di sản và giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc trong tỉnh; khuyến khích những tìm tòi mới làm phong phú thêm bản sắc văn hoá Việt Nam; hạn chế các biểu hiện lệch lạc, chạy theo thị hiếu tầm thường. Quan tâm, tạo điều kiện phát triển văn hóa, văn nghệ của các dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác phối hợp, liên kết trong tuyên truyền, quảng bá và phát triển văn học nghệ thuật. Vận động nguồn lực xã hội hóa xây dựng Khu lưu niệm cố soạn giả Nhân dân Viễn Châu để phát triển mạnh kho tàng đờn ca tài tử nhằm phát triển du lịch của tỉnh.

Bốn là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hội văn học, nghệ thuật, các đội thông tin lưu động, câu lạc bộ, tập hợp đông đảo văn nghệ sĩ tham gia; khuyến khích tự do sáng tạo, thực thi quyền tác giả. Xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ năng động, sáng tạo, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng bản lĩnh chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới. Trân trọng, ưu đãi những văn nghệ sĩ thế hệ đi trước có tài năng, tâm huyết, có kinh nghiệm sáng tạo, có uy tín trong giới văn nghệ sĩ khu vực và cả nước, có nhiều tác phẩm ảnh hưởng tích cực đến đời sống xã hội; động viên, tạo điều kiện cho đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ phát huy tài năng, sáng tạo nghệ thuật. Đầu tư trọng điểm hoặc có chế độ “đặt hàng” đối với một số văn nghệ sĩ nhằm tạo ra những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật và giá trị tư tưởng cao.

Năm là, chú trọng quy hoạch, đào tạo, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, tham mưu, quản lý văn hóa, văn học, nghệ thuật ngang tầm nhiệm vụ, có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, hiểu biết sâu về văn học nghệ thuật, gần gũi với văn nghệ sĩ, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật. Chỉ đạo đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ; việc mở các lớp tập huấn chuyên môn; trại sáng tác chuyên ngành và đa ngành; các cuộc thi sáng tác; đi thực tế trong và ngoài tỉnh; giao lưu trao đổi kinh nghiệm với các văn nghệ sĩ trong khu vực và cả nước; tổ chức các lớp năng khiếu, các cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật dành cho thiếu nhi và học sinh các cấp. Qua đó, tìm kiếm, phát hiện năng khiếu để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, hình thành đội ngũ sáng tác trẻ cho tương lai.

Sáu là, nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện lộ trình phát triển Hội Văn học Nghệ thuật Trà Vinh theo mô hình Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, giai đoạn 2025- 2030;  xây dựng và phát triển đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình trên các lĩnh vực văn học nghệ thuật có kiến thức chuyên sâu, có bản lĩnh chính trị đủ sức thực hiện chức năng định hướng sáng tác, nâng cao thị hiếu công chúng và đấu tranh có hiệu quả với những biểu hiện lệch lạc trong hoạt động sáng tạo hoặc những tác phẩm có nội dung, tư tưởng nghệ thuật chưa đảm bảo, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.

Lãnh đạo tỉnh trao bằng khen cho các cá nhân tiêu biểu trong thực hiện Nghị quyết số 23 trong 15 năm qua.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh  

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 17
  • Trong tuần: 2 998
  • Tất cả: 8759751

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn