Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân (1991-1995)

Sau những năm đầu tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, tuy đạt nhiều thành tựu nhưng tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn gay gắt. Chúng ta vẫn chưa ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội. Thêm vào đó, sự khủng hoảng về kinh tế - chính trị của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô ngày càng trở nên trầm trọng đã tác động xấu đến nền kinh tế nưốc ta, bởi đây là thị trường xuất khẩu hàng hóa lón của Việt Nam. Nhiều hợp đồng kinh tế giữa nước ta với các nước này phải hủy bỏ gây ra tình trạng ứ đọng sản phẩm hàng hóa. Các loại vật tư thiết bị, nguyên liệu chủ yếu cho sản xuất công nghiệp thiếu nghiêm trọng. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng băn khoăn, hoài nghi về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Lợi dụng những khó khăn về kinh tế, một số thế lực thù địch nhân danh “nhân quyền”, “dân chủ”, “đa nguyên chính trị”, âm mưu bóp méo, xuyên tạc công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Trên cơ sở vạch rõ những âm mưu chống phá của địch, giữ vững mục tiêu đổi mới đất nước, Đảng ta luôn nhấn mạnh: phải luôn luôn giữ vững ổn định về chính trị. Vì có ổn định về chính trị mới có điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong bối cảnh đó, từ ngày 03-4-1992 đến ngày 04-4-1992, Càng Long tiến hành Đại hội vòng 2. Tham dự Đại hội có các đồng chí Đỗ Quang Diệp, Thường vụ Tỉnh ủy; Đỗ Phú Cẩn, chuyên viên ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng; Huỳnh Văn Khâm, chuyên viên Ban Tổ chức Trung ương Đảng và các cán bộ trong Ban Chấp hành Tỉnh ủy và các ngành trong tỉnh. Đại hội đã nghiêm túc kiểm điểm và rút kinh nghiệm từ những khuyết điểm, thiếu sót của nhiệm kỳ qua. Việc xây dựng trong điều kiện công cuộc đổi mới chưa có mô hình, mặt thể chế còn nhiều vấn đề chưa đồng bộ, trình độ nhận thức còn nhiều mặt hạn chế, Đảng bộ phải đương đầu với những khó khăn và thử thách chung của cả nước, của tỉnh và những tác động của tình hình thế giới, nhất là khủng hoảng của các nước xã hội chủ nghĩa. Tại địa phương, Đảng bộ huyện còn tập trung nhiều thời gian và công sức để giải quyết ổn định ruộng đất, khắc phục hậu quả nợ nần, làm ăn thua lỗ của các công ty, xí nghiệp, vỡ tín dụng. Đứng trước những khó khăn và thử thách trên, được sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Đảng bộ huyện chủ động quán triệt và vận dụng những chủ trương, nghị quyết của Trung ương và của tỉnh vào đặc điểm tình hình cụ thể của địa phương, động viên phong trào hành động cách mạng trong Đảng bộ; quân, dân ra sức khắc phục khó khăn, khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh hiện có của địa phương, tổ chức thực hiện với tinh thần tự lực, tự cường, giành được những thắng lợi trên nhiều mặt. Đại hội lần VI Đảng bộ huyện Càng Long, nhiệm kỳ 1991-1995 là Đại hội phát triển đưòng lối đổi mới của Đảng. Đại hội bầu 33 ủy viên Ban chấp hành, 11 ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Dương Tấn Hội tái đắc cử Bí thư Huyện ủy; đồng chí Nguyễn Văn Tiết, Phó Bí thư (1) ( ); Nguyễn Minh Thương, Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện.
Phát triển kinh tế
Lĩnh vực nông nghiệp: Đảng bộ lãnh đạo thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 05-4-1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế trong nông nghiệp. Giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho nông dân, trên cơ sở giải quyết ổn định căn bản về tình hình tranh chấp ruộng đất, phát triển hệ thống thủy lợi, tập trung đưa công tác lưu thông hàng hóa thuận tiện cùng với những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước tạo giá cả lương thực hợp lý, tạo điều kiện nông dân trong huyện khai thác tiềm năng đất đai, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, nâng hệ số sử dụng vòng quay của đất từ 64 vòng năm 1988 lên 2,05 vòng năm 1990. Công tác thủy lợi có sự chuyển hướng từ các công trình thủy lợi quy mô lớn sang làm thủy lợi nội đồng. Huyện nạo vét hầu hết các kênh nội đồng, tu sửa bờ vùng, bờ bao, cống bọng; giao cho xã Nhị Long làm kênh Chữ Thập bằng thủ công. Phong trào nông dân ra đồng vào mùa nắng để làm thủy lợi nội đồng. Huyện thực hiện khoán cho 12.700 hộ sử dụng và quản lý hệ thống thủy lợi. Hàng chục kênh nội đồng cấp I, cấp II, cấp III được hộ nông dân sử dụng quản lý. Các bờ vùng, bờ bao, cống bọng xuống cấp và được bà con nông dân bàn cách gia cố, tu sửa. Hàng chục bờ bao khép kín từng tiểu vùng ở cánh A và cánh B bao gồm 3 vùng bao phủ 8.900ha. Cống đầu mối được đầu tư ở cánh đồng 3.200ha tỉnh chọn làm cánh đồng điểm. Để làm chủ được nguồn nước phục vụ sản xuất, huyện xây dựng 33 bờ bao khép kín từng tiểu vùng với 3.200ha ở các xã An Trường, Tân An, Phương Thạnh và Bình Phú; 4.500ha ở các xã An Trường, Tân An, Huyền Hội; 1.200ha ở các xã Nhị Long. Lịch thời gian gần như quen thuộc, thu hoạch lúa đông - xuân xong, cải tạo cống bọng, kinh mương, dần dần bà con nông dân bám đồng, làm chủ được nguồn nước tưới tiêu.
Tại xã Mỹ Cẩm, đồng chí Nguyễn Thanh Bá (Bí thư Đảng ủy) vận động nhân dân cùng bắc cây cầu “Bờ Công Tác” và cầu từ ấp số 6 đi qua ấp số 4, làm hai tuyến bờ bao 4km và làm hương lộ đi qua xã 7km.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác thủy lợi, nông nghiệp huyện bước đầu có cơ giới hóa. Toàn huyện có 448 máy cày, 316 máy suốt, kịp thời phục vụ cày, xới để xuống giống theo lịch thòi vụ, và chủ động suốt lúa, hạn chế thất thoát khi thu hoạch vào mùa mưa. Đặc biệt vùng lúa cao sản được mở rộng sang cánh B đã chuyển lên 2 vụ, một số nơi cánh A sản xuất lên 3 vụ/năm, năng suất, sản lượng đều đạt và vượt yêu cầu. Ngoài cây lúa, cây màu từng bước được đưa xuống ruộng trồng xen kẽ 2 vụ lúa, 1 vụ màu và một số khu vực đất giồng chuyên trồng màu khoảng 2.500ha gồm các loại hoa màu và cây lương thực. Nhiều hộ gia đình ở một số ấp của Mỹ Cẩm, Đức Mỹ, Bình Phú, Phương Thạnh, Nhị Long phát triển kinh tế nhờ trồng màu, nhất là trồng cải bắp, cà chua, dưa leo, bắp lai. Đặc biệt phong trào ủ nấm rơm ở ấp Giồng Bèn, Bình Hội (Huyền Hội) mang lại thu nhập khá cao, được duy trì và mở rộng sản xuất ở xã Huyền Hội. Nông dân thực hiện cơ cấu sản xuất đa canh, sản xuất hai vụ lúa, một vụ màu đạt hiệu quả cao như ở ấp Đại Đức (Đức Mỹ), ấp số 9 (Mỹ cẩm), Phú Phong III (Bình Phú), Bình Hội, Giồng Bèn (Huyền Hội), Dừa Đỏ III (Nhị Long), Tân Hạnh (Đại Phước)... Riêng các loại cây công nghiệp ngắn và dài ngày đều chựng lại. Vùng chuyên canh cây lác, cây dừa giảm xuống do thiếu cơ sở chế biến, thiếu thị trường tiêu thụ và giá cả không ổn định. Một số nông dân phá cây lác, cây dừa để trồng lúa và các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế trước mắt cao hơn. Vì vậy, diện tích cây lác chỉ còn 87ha giảm 24% so với nhiệm kỳ IV; cây dừa 1,1 triệu cây chỉ đạt 82,3% chỉ tiêu nghị quyết.
Đi đôi với trồng trọt, phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng phát triển. Từng bước thực hiện đồng bộ cơ giới hóa với ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với tiểu thủ công nghiệp , dịch vụ, giảm diện tích lúa trên vùng đất sản xuất lúa không hiệu quả, phát triển chăn nuôi bằng các giống heo lai, bò lai, gà, vịt đẻ trứng... Việc nuôi trồng và khai thác nguồn thủy sản đã mở rộng diện tích lên đến 119ha. Bà con Càng Long xem chăn nuôi vừa tạo nguồn thực phẩm cho đời sống hàng ngày, vừa là hàng hóa.
Sản xuất nông nghiệp phát triển, các tổ chức kinh tế hợp tác ở nông thôn được hình thành như: tập đoàn sản xuất, tổ đoàn kết sản xuất, ban quản lý từng lô đất, tổ hợp tác sản xuất lúa, màu, hội nuôi tôm, hội làm vườn, tổ tương trợ vốn sản xuất...bước đầu phát huy tác dụng, làm ăn có hiệu quả kinh tế cao hơn, điển hình như ấp Lo Co B, ấp 9B (An Trường, nay là An Trường A), ấp Phú Đức II, ấp Phú Phong III (Bình Phú), ấp Long An, Rô I, Hiệp Phú, Thạnh Hiệp (Nhị Long nay là Nhị Long Phú), ấp số 3, ấp số 4 (Mỹ Cẩm), ấp A, ấp B (Phương Thạnh). Công tác chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho nông dân thu hút được số đông nông dân tham gia. Có trên 200 nông dân sản xuất giỏi.
Công nghiệp, xây dựng cơ bản và giao thông vận tải, Đảng bộ lãnh đạo hình thành hai cụm kinh tế - xã hội ở xã Tân An, Nhị Long và một số nơi đầu mối kinh tế để phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền thống địa phương: Nghề dệt thảm ở ấp Đức Mỹ (xã Đức Mỹ) và 3 ấp Bãi Xan (xã Đại Phước), 3 khu vực (xã Mỹ Cẩm). Nghề đan đát của đồng bào Khmer phát triển ở các xã Bình Phú, Phương Thạnh, Huyền Hội. Trong quá trình phát triển, nhờ định hướng phù hợp, ngành nghề tiểu thủ công ra sức hoạt động vượt qua những thử thách và khó khăn gay gắt về vốn, nguyên liệu, máy móc, trình độ quản lý và tay nghề. Phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp ngoài quốc doanh theo tinh thần Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 15-7-1988 của Bộ Chính trị “Về đổi mới chính sách và cơ chế quản lý đối với các cơ sở sản xuất thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh”, huyện có trên 340 cơ sở sản xuất chế biến nông sản, sửa chữa cơ khí, đưa tổng giá trị sản lượng 4,4 tỷ đồng.
Trong xây dựng cơ bản, năm 1989-1990, huyện đưa mạng lưới điện trung thế về một số xã trên trục lộ giao thông, đến năm 1994, khi đồng chí Dương Văn Kẻn (Chín Kẻn) (2) ( ), Huyện ủy viên, Thường vụ Huyện ủy về làm Bí thư xã An Trường một thời gian, đồng chí đã tranh thủ ngành chuyên môn trên và vận động nhân dân đóng góp kéo điện về xã. Các xã Mỹ Cẩm, Bình Phú, Phương Thạnh rút kinh nghiệm làm theo. Các xã trên đưa điện về giúp cho 2.400 hộ thắp sáng và sản xuất. Đến năm 1995 điện hạ thế về đến Bình Phú, Huyền Hội, Nhị Long. Huyện đầu tư trên 320 triệu để xây đúc cống bọng và nâng cấp hệ thống thủy lợi, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Việc lãnh đạo phát triển huyện, Đảng bộ lập xong quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội toàn huyện và quy hoạch phát triển ngành, xây dựng kế hoạch và dự án thực hiện xây dựng phát triển huyện.
Xây dựng hệ thống chính trị
Quán triệt quan điểm “lấy dân làm gốc” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI và Hội nghị Trung ương 8 về đổi mới và tăng cường công tác vận động quần chúng; trong nhiệm kỳ, Đảng bộ và các cấp cơ sở có chuyển biến về nhận thức vai trò quan trọng của công tác vận động quần chúng, tăng cường cán bộ, phân công đảng viên trực tiếp tham gia sinh hoạt đoàn thể, tạo điều kiện cho các đoàn thể hoạt động. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng từng bước được củng cố về tổ chức, đổi mới nội dung và phương thức vận động quần chúng, đa dạng hóa về hình thức tập hợp, tạo phong trào hành động cách mạng như: phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình, nuôi dạy con theo kiến thức khoa học, phong trào cứu tế của Hội Chữ thập đỏ, thanh niên xung kích giữ gìn an ninh trật tự xã hội, phong trào nông dân sản xuất giỏi...
Đảng bộ và chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện cho quần chúng học tập, quán triệt và đóng góp xây dựng những chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, từng bước phát huy quyền làm chủ. Với chủ trương nêu trên, Đảng bộ tập trung lãnh đạo hệ thông chính trị huyện về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ, xây dựng cơ sở đảng, lãnh đạo bầu cử Hội đồng nhân dân hai cấp thành công tốt đẹp. Phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo điều hành của bộ máy được nâng lên.
Công tác xây dựng Đảng: Nắm vững quan điểm xây dựng Đảng vững mạnh trên ba mặt chính trị - tư tưởng và tổ chức, Đảng bộ tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng những quan điểm, nhận thức, triển khai kịp thời những chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy với trên 80% đảng viên được học tập, tạo được sự nhất trí với đường lối của Đảng củng cố được lòng tin, giữ vững lập trường giai cấp, quan điểm quần chúng, xác định mục tiêu lý tưởng xã hội chủ nghĩa, chống tư tưởng đa nguyên, đa đảng trong Đảng bộ. Trước tình hình khó khăn chung của cả nước và những khó khăn riêng của địa phương, đa số đảng viên vẫn giữ được phẩm chất và truyền thống cách mạng, gương mẫu đi đầu trong các phong trào cách mạng, tạo sự chuyển biến trên nhiều mặt, chất lượng hoạt động nhiều cơ sở đảng có nâng lên. Cuối nhiệm kỳ có 21 cơ sở đạt trong sạch vững mạnh, 16 cơ sở khá, phát triển được 609 đảng viên, nâng tổng số đảng viên toàn huyện lên 2.321 người. Việc kiểm tra đảng viên được thực hiện thường xuyên, mỗi năm có khoảng 75% đảng viên được kiểm tra. Kết quả phân loại đảng viên thời điểm Đại hội vòng I có 63% đảng viên phát huy tốt tính tiên phong gương mẫu.
Đảng bộ xây dựng hệ thống chính trị toàn huyện quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là đại hội của trí tuệ, đổi mới, dân chủ, kỷ cương, đoàn kết. Đại hội được tiến hành trong bối cảnh quốc tế và trong nước đang có những diễn biến phức tạp. Thành công của đại hội đánh dấu bước trưởng thành mới của Đảng, cột mốc mới trong tiến trình cách mạng Việt Nam, khẳng định đổi mới toàn diện, đồng bộ, có nguyên tắc và có bước đi vững chắc là quá trình không thể đảo ngược. Đại hội VII của Đảng thông qua “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội” và “Chiến lược ổn định kinh tế - xã hội đến năm 2000”; đề ra mục tiêu tổng quát của kế hoạch 5 năm (1991-1995) là: “Vượt qua khó khăn thử thách, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường ổn định chính trị, đẩy lùi tiêu cực và bất công xã hội, đưa đất nước ta cơ bản thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng hiện nay” (3) ( ).
Khi cán bộ, đảng viên huyện nắm vững quan điểm và mục tiêu tổng quát của Đảng, Đảng bộ huyện triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII (từ ngày 18 đến ngày 29-6-1992) về “Một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII (từ ngày 04 đến ngày 14-01-1993) về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo; về một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt; chăm sóc sức khỏe nhân dân; dân số kế hoạch hóa gia đình và công tác thanh niên”, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII (từ ngày 03 đến ngày 11-6-1993) về “Tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn”.
Thời kỳ này, Đảng bộ huyện lãnh đạo đề ra nhiệm vụ trung tâm, tập trung tháo gỡ sự mất cân đối ngân sách ở cơ sở. Đồng chí Nguyễn Minh Thương (Hai Thương), ủy viên Thường vụ Huyện ủy về làm Bí thư xã Tân An. Dù thời gian làm Bí thư xã không lâu, nhưng ổn định được ngân sách, hệ thống chính trị xã đi vào hoạt động tốt, tạo mô hình tốt cho các xã làm theo.
Song song với công tác trên, Đảng bộ huyện lãnh đạo kiện toàn bộ máy tổ chức Ban Dân vận, Mặt trận và các đoàn thể. Huyện ủy có phân công một đồng chí Thường vụ phụ trách công tác Dân vận, Mặt trận. Các xã có ủy viên Thường vụ phụ trách khối vận kiêm Chủ tịch Mặt trận.
Đảng bộ huyện xây dựng quy chế làm việc và làm việc theo quy chế, bước đầu đưa hoạt động các cơ quan đảng, chính quyền và các đoàn thể hoạt động theo quy định của Đảng. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể làm việc có sự phối hợp chặt chẽ hơn.
Các chủ trương của Huyện ủy đã được chính quyền và các đoàn thể cụ thể hóa thực hiện đồng bộ.
Công tác tư tưởng tại hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ (4) ( ) cũng được tập trung cao hơn, cán bộ, đảng viên huyện đã thấy 4 nguy cơ chung của cả nước mà ra sức xây dựng địa phương, không để các nguy cơ ấy làm ảnh hưởng đến sự phát triển, tập trung dồn sức thực hiện đạt các chỉ tiêu Nghị quyết đại hội trong hơn 2 năm cuối nhiệm kỳ.
Năm 1992, tỉnh Trà Vinh được tái lập, huyện Càng Long trực thuộc tỉnh Trà Vinh. Huyện tiếp tục làm công tác kiện toàn, bổ sung cán bộ thực hiện nhiệm vụ chính trị trong một tỉnh mới vừa tái lập. Đảng bộ huyện làm công tác lãnh đạo toàn huyện quán triệt Nghị quyết Đại hội V nhiệm kỳ 1992- 1995 của Đảng bộ tỉnh Trà Vinh. Mục tiêu chung là phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc, phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng của Trà Vinh, khai thác thế mạnh nông nghiệp, thủy sản, phá thế độc canh cây lúa, xóa đói giảm nghèo trong nhân dân, nhất là vùng dân tộc, nâng cao dân trí giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội và bảo vệ vững chắc an ninh quốc phòng.
Tại huyện Càng Long, Đảng bộ huyện điều chỉnh lại bộ máy Thưòng trực. Tỉnh rút Dương Tấn Hội về Thường vụ Tỉnh ủy; phân công đồng chí Nguyễn Văn Tiết làm Bí thư Huyện ủy, Huỳnh Minh Châu làm Phó Bí thư Huyện ủy. Năm 1995, Đảng bộ huyện phát triển 199 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên của huyện là 2.324 người. Đảng bộ có 49 cơ sở trực thuộc (gồm 9 Đảng ủy xã, 3 Đảng ủy và 37 chi bộ ngành huyện).
Phát triển văn hóa xã hội
Về giáo dục, bước vào thực hiện kế hoạch giáo dục (1991- 1995), huyện có dấu mốc quan trọng: trên kiểm tra và công nhận Càng Long đạt chuẩn xóa mù chữ và phổ cập tiểu học. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình về thăm biểu dương Càng Long, sau đó đến thăm Nhà giáo ưu tú Sơn Ngọc Huyền ở xã Phương Thạnh (một gia đình có 7 giáo viên, 4 thạc sĩ, 1 đang học tiến sĩ). Phát huy thành tích trên, Đảng bộ huyện đầu tư xây trường mầm non, các xã chưa thành lập trường thì các lớp mẫu giáo gắn với trường Tiểu học. Huyện cơ bản xóa được lớp học ba ca. 92% trẻ em trong độ tuổi đến trường và trên 86% trẻ em trong độ tuổi vào cấp I. Phong trào học bổ túc văn hóa và xóa mù chữ được duy trì. Tỷ lệ học sinh các cấp thi tốt nghiệp đều tăng. Xã Phương Thạnh tổ chức các lớp dạy song ngữ Việt - Khmer và phát triển các điểm chùa ở 2 xã Bình Phú, Huyền Hội. Đặc biệt là năm 1999, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường tiểu học kháng chiến Đỗ Văn Nại tỉnh Trà Vinh (1949-1999), đồng thời cũng để ghi nhớ người anh hùng liệt sĩ Đỗ Văn Nại; được sự đồng ý của sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Trà Vinh, Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân huyện Càng Long, xã Nhị Long xây dựng được một ngôi Trường tiểu học mang tên Đỗ Văn Nại khang trang sạch đẹp. Nhớ mái Trường tiểu học kháng chiến Đỗ Văn Nại, Ban liên lạc học sinh trường kháng chiến tỉnh Trà Vinh đã tích cực góp công sức cùng Phòng giáo dục và đào tạo huyện Càng Long vận động chương trình cứu trợ trực tiếp (DAP) do Đại sứ quán Ôxtrâylia tại Việt Nam cấp kinh phí để xây dựng mới 3 phòng học tại ấp Dừa Đỏ III (xã Nhị Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) trên địa bàn Trường tiểu học Đỗ Văn Nại (5) ( ).
Về y tế, lãnh đạo ngành y tế tăng cường công tác phòng trừ dịch bệnh, thực hiện chương trình y tế quốc gia như tiêm chủng mở rộng, chống trẻ em suy dinh dưỡng... nhằm xây dựng thế hệ tương lai có sức khỏe tốt. Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ y tế đủ sức đáp ứng yêu cầu phòng bệnh chữa bệnh và thực hiện kế hoạch hóa gia đình, đi đôi với chấn chỉnh phương thức và thái độ phục vụ người bệnh.
Văn hóa thông tin, truyền thanh: kịp thời tuyên truyền những chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng nếp sống văn hóa mới, nông thôn mới. Đội kiểm tra văn hóa tích cực kiểm tra bài trừ văn hóa phẩm đồi trụy, phim ảnh phản động và các tập tục mê tín dị đoan, phát triển các phương tiện thông tin nghe, nhìn. Trong thời gian này, ngành văn hóa thông tin thực hiện Chỉ thị số 05-UBT ngày 16- 3-1994 của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, tập trung làm công tác xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, góp phần vận động từng hộ nhân dân thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Công tác chính sách xã hội đối với gia đình thương binh, liệt sĩ và các đối tượng hưởng chính sách: Giải quyết kịp thời và vận động các ngành cùng nhân dân tham gia thực hiện chính sách xã hội, nhất là tập trung giải quyết lương thực cho 25% hộ thiếu ăn như vùng đồng bào dân tộc lúc giáp hạt. Xét đề nghị công nhận trên 350 hồ sơ thương binh, liệt sĩ và giải quyết những trường hợp còn tồn đọng sau chiến tranh, cứu tế xã hội trên 145 triệu đồng, xây dựng 252 ngôi mộ, quy tập nhiều hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang huyện, xây cất 57 nhà tình nghĩa, tặng 10 sổ tiết kiệm cho các hộ gia đình thương binh, liệt sĩ neo đơn. Xây dựng 34 dự án giải quyết việc làm, được chấp thuận cấp vốn 8 dự án với tổng số vốn 764 triệu đồng. Thực hiện Pháp lệnh đối với người có công năm 1995, Đảng bộ huyện giải quyết chế độ chính sách cho nhiều đối tượng được hưởng trợ cấp (6) ( ). Phong trào đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo trong từng đối tượng chính sách được tập trung chỉ đạo và ngày càng đạt hiệu quả thiết thực như con thương binh, liệt sĩ có điều kiện đi học, được hưởng trợ cấp ưu đãi. Các đốì tượng chính sách và người nghèo được cấp thẻ Bảo hiểm Y tế giúp cho các đối tượng này được chữa bệnh theo chính sách Bảo hiểm Y tế hiện hành. Nhờ các chính sách nói trên, hơn 20% hộ nghèo của huyện giảm được khó khăn. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục thực hiện các chính sách: Trao tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho 214 bà mẹ; xây dựng 20 căn nhà tình nghĩa trị giá 320 triệu đồng; đề nghị Nhà nước tuyên dương 3 đơn vị: Quân và dân huyện Càng Long, Huyện lỵ, xã Tân An và 4 cá nhân Anh hùng lực lượng vũ trang; hoàn thành công tác báo công lập sổ vàng truyền thống cách mạng các xã: Tân An, An Trường, Bình Phú, Phương Thạnh. Công tác xóa đói, giảm nghèo: đầu tư hỗ trợ 200 triệu đồng cho 4 dự án nuôi trồng, cho vay ưu đãi hộ nghèo 700 triệu đồng đạt 100% kế hoạch.
Trong giai đoạn này, Đảng bộ huyện sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị số 68-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương, thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy cửu Long về công tác vùng đồng bào dân tộc Khmer (7) ( ). Huyện có 3/9 xã có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống xen kẽ với đồng bào Kinh là Huyền Hội, Bình Phú và Phương Thạnh. Thực hiện chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, huyện tập trung đầu tư hệ thống thủy lợi cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên 20 kênh cấp II, cấp III, kênh nội đồng, xây đúc nhiều công thoát nước; tăng cường kỹ sư và kỹ thuật viên xuống tận ấp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt; mở lớp IPM cho người dân tộc thiểu số theo học; xây dựng 3 dự án xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, đưa vốn ngân hàng hàng trăm triệu đồng đầu tư cho gần 450 hộ canh tác trên 500ha; xây dựng 2 tổ làm vườn. Nông thôn người Khmer sinh sống gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phum sóc bình yên.
An ninh, quốc phòng
Quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ là xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào quốc phòng toàn dân. Thực hiện Nghị quyết liên tịch của Ban thư ký ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (nay là Ban thường trực Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) và Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ban hành ngày 12-01-1991 về việc phối hợp “vận động toàn dân xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được cấp ủy Đảng, chính quyền huyện quan tâm chỉ đạo và được các tầng lớp nhân dân địa phương tích cực tham gia. Nhân dân cung cấp hàng trăm nguồn tin quan trọng giúp lực lượng công an làm tham mưu cho Huyện ủy, ủy ban nhân dân làm công tác chống tham nhũng, buôn lậu, tệ nạn xã hội, tội phạm hình sự và giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn huyện. Huyện hình thành mạng lưới an ninh nhân dân rộng rãi, có 1.578 tổ an ninh nhân dân, 22 đội thanh niên xung kích và 9 hội đồng bảo vệ an ninh trật tự hoạt động, góp phần bảo đảm ổn định an ninh chính trị và trật tự xã hội. Các ngành chức năng và đoàn thể quần chúng tích cực tổ chức tuyên truyền Luật nghĩa vụ quân sự, và đẩy mạnh công tác chống tiêu cực, thu gom quân đào rã ngũ, nên kết quả tuyển quân hằng năm đều vượt chỉ tiêu kế hoạch, luôn đứng ở hàng thứ nhất, thứ nhì tỉnh (cả nhiệm kỳ vượt 24,8%).
Quán triệt nhiệm vụ quốc phòng, Đảng bộ huyện đã tạo được sự chuyển biến mới trong nội bộ và nhân dân về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, ý thức cảnh giác trước âm mưu diễn biến hòa bình, bạọ loạn lật đổ của các thế lực thù địch, sẵn sàng đối phó mọi tình huống xảy ra, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện. Năm 1993, Đảng bộ huyện lãnh đạo diễn tập chống biểu tình, quá trình diễn tập đạt kết quả tốt. Năm 1995, huyện tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 406/TTg của Thủ tướng Chính phủ về cấm sản xuất lưu thông, buôn bán và đốt pháo nổ. Nghị định số 36/CP của Chính phủ và Chỉ thị số 317/TTg của Thủ tướng Chính phủ về lập lại trật tự an toàn giao thông đường bộ và đô thị đã góp phần tích cực vào việc bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.
Về quốc phòng: bảo đảm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, tổ chức tuần tra canh gác bảo vệ an toàn các mục tiêu quan trọng, các ngày lễ, tết trong năm. Chủ động xây dựng các kế hoạch sẵn sàng chiến đấu; phát triển lực lượng dân quân tự vệ gồm 2.459 đồng chí, chiếm 1,66% số dân. Giao quân đạt chất lượng cao, thanh niên tình nguyện chiếm 41%.
Năm 1995, tình hình trong nước có sự chuyển biến mạnh mẽ, quan hệ đối ngoại phát triển mạnh, nước ta đã phá được thế bao vây cấm vận. Thực hiện đưòng lối đối ngoại độc lập, tự chủ, mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa, phát triển quan hệ với các nước trong khu vực, trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN (ngày 28-7-1995); bình thường quan hệ với Mỹ (17-7-1995), ký hiệp định chung với Liên minh châu Âu (ngày 7-1995). Tháng 01-1995, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII (từ ngày 16 đến 23-01-1995) ,ra Nghị quyết về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trọng tâm là cải cách một bước nền hành chính”. Tại hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương đã ủy nhiệm cho Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 09 về “Một số định hướng trong công tác tư tưởng hiện nay”. Nghị quyết nêu ra 6 định hướng: Một là, Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng ta và của cách mạng Việt Nam; Hai là, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn; Ba là, chế độ ta là chế độ do nhân dân làm chủ; Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; Bốn là, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ trọng tâm của thời kỳ quá độ; Năm là, nền kinh tế nước ta là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; Sáu là, Phát triển văn hóa giữ gìn bản sắc dân tộc kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Qua 6 định hướng mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII đề ra và qua 5 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ huyện Càng Long đã xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, làm công tác lãnh đạo tổ chức thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đảng bộ huyện đề ra.

Chú thích:
(1)  Đến tháng 8-1992, đồng chí Dương Tấn Hội về tỉnh, Ban Chấp hành Huyện ủy bầu đồng chí Nguyễn Văn Tiết làm Bí thư Huyện ủy (từ tháng 8-1992 đen tháng 8-1995). .
(2)  Trong thời gian làm Bí thư xã này, đồng chí Chín Kẻn đã củng cố xây dựng hệ thống chính trị xã vững mạnh. Sau 5 năm làm Bí thư ở đây, An Trường có điện và đi lên.
(3)  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.294.
(4)  Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ huyện Càng Long tổ chức vào tháng 01-1994.
(5)  Trường tiểu học kháng chiến Đỗ Văn Nại thuộc Ty giáo dục Trà Vinh thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1949-1952).
(6)  Theo Pháp lệnh ưu đãi người có công, Nghị định số 28-CP của Chính phủ.
(7)  Ngày 10-11-1993, Đảng bộ huyện Càng Long sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị số 68-CT/TW của Ban bí thư Trung ương, thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Cửu Long về công tác vùng đồng bào dân tộc Khmer.

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 16
  • Hôm nay: 578
  • Trong tuần: 4 350
  • Tất cả: 8757785

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn