Lãnh đạo cải tạo quan hệ sản xuất, phát triển sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống nhân dân (1977 – 1979)
Tháng 3-1977, thực hiện Quyết định số 69/HĐBT, ngày 15-9-1981 về việc chia một số xã mới thuộc các huyện: Cầu Ngang, Trà Cú, Long Hồ của tỉnh Cửu Long, huyện Trà Cú tiếp nhận thêm 3 xã: Tập Ngãi, Hùng Hòa, Tân Hòa của huyện Tiểu Cần. Diện tích tự nhiên của huyện tăng lên 48.951ha, trong đó có 39.796ha là đất nông nghiệp với dân số 136.955 người (nữ 72.746 người). Đảng bộ có 34 tổ chức cơ sở đảng với 614 đảng viên.  

Ngày 4 và 5-8-1977, Đảng bộ Trà Cú tiến hành Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ I (vòng 2)(1). Tham dự Đại hội có 110 đại biểu, đại diện cho 614 đảng viên của Đảng bộ.
Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cửu Long lần thứ  I, Đại hội đã xác định phương hướng, nhiệm vụ của Đảng bộ trong nhiệm kỳ I là: “Tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng trên địa bàn huyện, trọng tâm là cách mạng về quan hệ sản xuất, gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ổn định đời sống nhân dân...”.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 27 ủy viên, do đồng chí Lâm Phú giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy. Các đồng chí Cô Văn Son và Thạch Ngọc Kéte giữ chức vụ Phó Bí thư(2).
Đảng bộ và nhân dân Trà Cú bước vào triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ I trong bối cảnh các thế lực thù địch gây ra cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc nước ta, sự nghiệp hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng đất nước của nhân dân ta bị phân tán cả về nhân lực và vật lực, đế quốc Mỹ thực hiện chính sách bao vây cấm vận, thiên tai liên tiếp gây ra mất mùa, đời sống của nhân dân ta gặp nhiều khó khăn.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Cửu Long, Đảng bộ Trà Cú đã động viên toàn Đảng toàn dân, toàn quân trong huyện phát huy truyền thống cách mạng “Toàn dân nổi dậy đoàn kết lập công”, vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ I đề ra.
1. Trên lĩnh vực kinh tế và cải tạo xã hội chủ nghĩa
Mặc dù 2 năm (1977-1978) thiên tai liên tiếp diễn ra trong sản xuất nông nghiệp nhưng huyện vẫn gieo trồng được 65.42ha cây lương thực. Diện tích gieo trồng lúa năm 1978 tăng hơn năm 1977 là 3.250ha. Đặc biệt là phá bỏ được lối sản xuất độc canh, quảng canh ở nhiều vùng. Diện tích cây màu cũng được mở rộng: năm 1977 là 1.872ha, năm 1978 là 2.226ha và năm 1979 là 4.181ha. Trong huyện xuất hiện nhiều điển hình đưa cây khoai lang xuống chân ruộng lúa, cho năng suất cao. Nhờ đó ta đã giải quyết được một phần khó khăn về đời sống cho nhân dân.
Về đánh bắt cá, tôm ven bờ, trong 3 năm 1977, 1978, 1979 đạt 3.000 tấn. Riêng trong chăn nuôi, do giá cả thức ăn gia súc tăng nên đàn heo và trâu bò trong 2 năm 1978-1979 đều bị giảm sút.
Về sản xuất tiểu thủ công nghiệp - công nghiệp, nhiều cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp gặp khó khăn về nhiên liệu nguyên liệu, phụ tùng, nhưng vẫn duy trì được sản xuất, giá trị sản lượng tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp hằng năm tăng: năm 1978 đạt 399.442 đồng, tăng 44.000 đồng so với năm 1977; năm 1979 đạt trên 400.000 đồng, tăng hơn 10% so với năm 1977.
Quán triệt Quyết định số 100/CP ngày 12-4-1977 của Hội đồng Chính phủ về cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thương nghiệp tư nhân ở các tỉnh phía Nam, Huyện ủy Trà Cú đã chỉ đạo tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thương nghiệp trên địa bàn. Sau khi điều tra, toàn huyện có 357 hộ kinh doanh thương nghiệp tư nhân, trong đó có 218 hộ kinh doanh thương nghiệp quy mô vừa, còn lại là tiểu thương mua bán nhỏ, tập trung ở các chợ xã và huyện lỵ.
Sau 3 năm (1977-1979) tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực thương nghiệp, đã có 193 hộ tiểu thương chuyển sang sản xuất, chỉ còn lại người mua bán nhỏ trong xóm, ấp.
Cùng với việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thương nghiệp tư nhân, Trà Cú đã nhanh chóng hình thành và mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa về đến xã. Phát triển và củng cố các hợp tác xã mua bán ở các xã.
Sau khi thành lập cửa hàng thương nghiệp, huyện đã tổ chức các cửa hàng phân phối tại huyện lỵ yà phát triển mạng lưới các cửa hàng phân phối nhu yếu phẩm như vải, đường, xà phòng, bột ngọt... đến tận xã. Trên địa bàn huyện có 1 trạm xăng dầu của tỉnh phục vụ cho nhu cầu về sản xuất và tiêu dùng cho nhân dân trong huyện.
Cửa hàng lương thực huyện đã tổ chức các cửa hàng và các kho lương thực ở các xã. Tại các cửa hàng thu mua lương thực ở xã, cửa hàng lương thực nhận lúa nộp thuế nông nghiệp chuyển lên tỉnh và xay xát tại nhà máy để phân phối lương thực cho các đối tượng trong huyện. Đồng thời, cửa hàng lương thực còn được Nhà nước giao nhiệm vụ bán đối lưu hai chiều với nông dân, như phân bón, xăng dầu, sắt, xi măng, vải... mua lại lúa, heo của nông dân (phương thức hàng đổi hàng) theo tỷ lệ và giá do Nhà nước quy định. Năm 1977, huyện huy động hàng hai chiều cho Nhà nước được 2.758 tấn lúa, 18 tấn heo hơi. Năm 1978, huy động được 989 tấn lúa, 17 tấn heo hơi.
Hệ thống Hợp tác xã mua bán từ huyện xuống đến xã vừa làm đại lý phân phối hàng nhu yếu phẩm cho cửa hàng thương nghiệp ở các xã, vừa thu mua thực phẩm như heo, đường... trao đổi hàng hai chiều với nông dân. Trong 3 năm 1977-1978-1979, hợp tác xã mua bán mua được 1.246 tấn heo, trên 250 tấn đường và bán lại cho nông dân hàng hóa như đường, bột ngọt, xăng, dầu, vải...
Cùng với việc chỉ đạo phát triển mạng lưới thương nghiệp quốc doanh, hợp tác xã và tổ chức thu mua nắm nguồn hàng nông sản thực phẩm, Huyện ủy còn quan tâm chỉ đạo công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu.
Tháng 3-1978, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 57/CT-TW về việc xóa bỏ các hình thức bóc lột của phú nông, tư sản nông thôn và tàn dư bóc lột của chế độ phong kiến. Đến tháng 4-1978, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW về việc đẩy mạnh công tác cải tạo nông nghiệp ở miền Nam. Chỉ thị nêu rõ: cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp miền Nam nhằm xóa bỏ bóc lột ở nông thôn, đưa nông dân đi vào con đường hợp tác hóa nông nghiệp, đi lên chủ nghĩa xã hội. Phấn đấu đến cuối năm 1980 hoàn thành cải tạo nông nghiệp dưới hai hình thức hợp tác xã và tập đoàn sản xuất.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 43-CT/TW, huyện Trà Cú được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Cửu Long chấp thuận chọn xã Phước Hưng làm xã điểm cải tạo nông nghiệp.
Đến tháng 10-1979, huyện đã xây dựng được 273 tập đoàn sản xuất, tập thể hóa 73% diện tích nông nghiệp; 40% hộ nông dân tham gia vào tập đoàn sản xuất, đưa thể nghiệm 57 tập đoàn sản xuất vào ăn chia.
Sau cải tạo nông nghiệp, nông thôn Trà Cú bước đầu có sự chuyển biến quan trọng: tàn dư của chế độ thực dân và phong kiến về ruộng đất căn bản được xóa bỏ, quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa từng bước được thiết lập, bước đầu hình thành, giai cấp nông dân tập thể. Các phong trào quần chúng làm thủy lợi, tăng vụ, khai hoang, phục hóa được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, do trình độ quản lý và điều hành của cán bộ còn nhiều hạn chế và việc phân phối sản phẩm chưa hợp lý nên các tập đoàn sản xuất làm ăn kém hiệu quả bị bể vỡ dần.
2. Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội
Hoạt động thông tin - văn hóa: Hệ thống văn hóa - thông tin được hình thành từ huyện xuống đến xã tập trung tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương cho nhân dân.
Ban Thông tin - Văn hóa huyện thành lập “Đội tuyên truyền xung kích” với hình thức kết hợp vừa tuyên truyền miệng, vừa văn nghệ cổ động, trực quan... hằng năm đã phục vụ trên 100 lượt/xuất cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng kháng chiến cũ.
Nảm 1977, 1978 Công ty chiếu bóng tỉnh tăng cường cho huyện hai đội chiếu phim. Cùng với đội chiếu phim của huyện, hằng năm đã phục vụ cho hàng ngàn lượt người xem.
Huyện thành lập Đoàn cải lương Hương Trà và xây dựng cửa hàng mua bán sách và dụng cụ học tập cho học sinh.
Đài truyền thanh huyện phát mỗi ngày 3 buổi (sáng, trưa, tối). Ban Thông tin - Văn hóa huyện xây dựng một điểm truyền hình công cộng, hằng đêm tiếp sóng Đài Truyền hình Cần Thơ cho nhân dân xem và hằng năm tổ chức Liên hoan văn nghệ toàn huyện để tuyển chọn những diễn viên xuất sắc, những tiết mục hay đưa đi dự Liên hoan văn nghệ tỉnh.
Hoạt động thể dục - thể thao: Phong trào toàn dân luyện tập sức khỏe theo gương Bác Hồ được nhân dân hưởng ứng. Hằng năm huyện mở giải bóng đá truyền thông, đội bóng chuyền của huyện là đội mạnh nhất tỉnh.
Hoạt động y tế: Mạng lưới y tế được hình thành từ huyện đến cơ sở, mỗi xã có một trạm y tế. Bệnh viện huyện có 50 giường bệnh với đội ngũ y sĩ, y tá, điều dưỡng, hộ sinh được bổ sung và được tập huấn nâng cao nghiệp vụ. Trong gần 3 năm, bệnh viện huyện và các trạm y tế đã khám và điều trị cho trên 2.378 lượt bệnh nhân và dập được nhiều ổ dịch. Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình cũng được tập trung chỉ đạo. Tuy nhiên, tỷ lệ gia tăng dân số ở huyện tuy có giảm nhưng chậm; tỷ lệ tăng dân số” vẫn còn ở mức trên 2,15%/năm.
Về giáo dục: Từ năm 1975 đến năm 1979, Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện đã tập trung chỉ đạo giải quyết nạn mù chữ, nhờ vậy mà chỉ trong thời gian ngắn, Trà Cú là một trong những huyện của tỉnh cơ bản xóa được mù chữ. Phong trào bổ túc văn hóa được duy trì và phát triển, huyện có 1 trường bổ túc văn hóa tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đi học. Hệ thống trường lớp phổ thông được mở rộng, huyện có 10 xã (100%) có trường cấp II, huyện thành lập trường cấp III. Toàn huyện cũng đã có 28 lớp mẫu giáo, Để bảo đảm đủ giáo viên, Phòng Giáo dục huyện cử 47 người theo học ở Trường sư phạm tỉnh, trên 140 người tự đi học sư phạm ở thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
3. Công tác xây dựng Đảng và củng cố chính quyền, Mặt trận
Năm 1977, Đảng bộ huyện Trà Cú có 614 đảng viên, trong đó 81 đồng chí là nữ, 129 đồng chí là người dân tộc Khmer; phát triển được 87 đảng viên mới và kỷ luật 21 đồng chí. Năm 1978, Đảng bộ có 868 đảng viên, trong đó 118 đồng chí là nữ, 212 đồng chí là người dân tộc Khmer, đảng viên dự bị là 141 đồng chí. Đảng bộ có 32 chi bộ, đảng bộ trực thuộc, trong đó có 12 chi bộ, đảng bộ xã, 20 chi bộ ban, ngành. Huyện có 47 ấp “trắng” không có đảng viên, Huyện ủy đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch xóa “ấp trắng”.
Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Cửu Long, Huyện ủy Trà Cú tiến hành mở 2 đợt chỉnh huấn trong Đảng và thẩm tra tư cách đảng viên, thực hiện nhanh Chỉ thị số 83-CT/BBT ngày 26-11-1979 của Ban Bí thư về công tác phát thẻ đảng viên. Qua học tập, đảng viên đều thực hiện tự phê bình trước quần chúng và được quần chúng đóng góp xây dựng Đảng, từ đó các chi, đảng bộ cơ sở được nâng lên về chất, công tác chính trị được tổ chức thường xuyên, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên có chuyển biến tích cực.
Trong nhiệm kỳ 1977-1979, Đảng bộ đã cử 101 đồng chí đi đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và chuyên môn ở Trường Đảng Trung ương và Trường Đảng tỉnh, 498 đồng chí đi học sơ cấp lý luận chính trị và gần 2.000 lượt cán bộ quản lý các tập đoàn sản xuất, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, cán bộ các đoàn thể đi học ở Trường Đảng huyện. Nhờ đó, trình độ năng lực cán bộ từng bước được nâng lên, Đảng bộ được chỉnh đốn và kiện toàn một bước.
Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, sau bầu cử Hội đồng nhân dân khóa I, bộ máy chính quyền từ huyện xuống xã được củng cố. Hệ thống Mặt trận và các đoàn thể được củng cố, xây dựng từ huyện đến xã, ấp. Các chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước được triển khai học tập đều khắp thông qua Mặt trận và các tổ chức đoàn thể. Tỷ lệ cử tri đi bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp luôn đạt trên 95%.
Những kết quả đạt được trong quá trình tổ chức lãnh đạo thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ I đã tạo nên những động lực mới để Đảng bộ bước vào xây dựng phương hướng, nhiệm vụ của Đảng bộ trong nhiệm kỳ 1980-1982.

Chú thích:

1. Đại hội vòng 1 được tổ chức vào tháng 10-1976 để thảo luận các văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng và bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I. Từ năm 1976 đến năm 1991, Đại hội Đảng các cấp đều được tổ chức 2 vòng.
2. Xem: Danh sách Ban Chấp hành Đảng bộ (nhiệm kỳ 1977-1979) trong phần Phụ lục.

 

Tin khác
1 2 3 4 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 281
  • Trong tuần: 3 911
  • Tất cả: 8758907

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn