Học Bác: chống chủ nghĩa cá nhân phải sửa chữa sai lầm và tu dưỡng về đạo đức
Thông báo kết quả Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII cho biết sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ (từ đây gọi là Nghị quyết số 04), số đảng viên bị xử lý kỷ luật tăng 18% so với cùng kỳ. Đây là một con số làm cho những cán bộ, đảng viên chân chính của Đảng cảm thấy buồn lòng.

Những con số đầy nhức nhói

Theo thông báo kỳ họp này, trong nhiệm kỳ XII, cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 87.210 đảng viên; trong đó, có 113 cán bộ diện Trung ương quản lý cả đương chức và nghỉ hưu. Các cấp uỷ đã phát hiện, xử lý kỷ luật 25.104 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", chiếm 0,5% tổng số đảng viên toàn Đảng; trong đó, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống chiếm tỉ lệ cao nhất (15.101 đảng viên, chiếm 60,1% tổng số đảng viên bị xử lý kỷ luật); tiếp đến là đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị (8.281 đảng viên, chiếm 33% tổng số đảng viên bị xử lý kỷ luật); tỉ lệ thấp nhất là đảng viên có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" (1.722 đảng viên, chiếm 6,9% tổng số đảng viên bị xử lý kỷ luật). Câu hỏi đặt ra là có phải nhiều cán bộ, đảng viên ngày càng hư hỏng hay do Đảng đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thực hiện kỷ luật nghiêm minh. Quan sát những gì Đảng đã làm suốt nhiều năm qua, có thể khẳng định rằng đội ngũ cán bộ, đảng viên suy thoái, thoái hoá, biến chất - do những tác động cả khách quan và chủ quan - bị kỷ luật nhiều và tăng lên trong những năm qua có nguyên nhân là do Đảng đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn và tiến hành kiểm tra, giám sát thường xuyên, chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh.

Có những ý kiến cho rằng cứ ban hành các quy định luật pháp chặt chẽ và xử lý nghiêm minh theo pháp luật thì cán bộ, đảng viên sẽ sợ và không dám phạm lỗi hoặc không dám vi phạm pháp luật. Đây là một ý kiến không phải không có lý, thế nhưng câu hỏi ngược lại là tại sao cũng chức trách, nhiệm vụ ấy, có người phạm sai lầm, khuyết điểm, có người lại thật sự trong sáng, mẫu mực. Trong thực tế, nếu ai đó không trong sáng thì họ sẽ có muôn vàn mưu mô khác nhau để né luật, lách luật. Xét cho đến cùng, pháp luật chỉ là cái tối thiểu của đạo đức, điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra từ rất sớm.

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân

Ngay từ khi sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là về đạo đức. Bài giảng đầu tiên của Người cho lớp tập huấn cán bộ của Đảng từ năm 1927 là "Tư cách một người cách mệnh". Trong bài giảng này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nêu ra 23 tư cách của một người cách mạng, đây là bài giảng do chính Người soạn bài và đứng lớp. Ngay khi nước nhà vừa giành độc lập hơn một tháng, trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu sáu nhóm “lầm lỗi” chính mà cán bộ, đảng viên có nguy cơ mắc phải, đó là hành sự trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang ở giai đoạn gay go, gian khổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành tâm sức của mình viết một tác phẩm nổi tiếng có tên là “Sửa đổi lối làm việc”. Trong tác phẩm này, Người đã chỉ ra rất nhiều những hạn chế, những thói hư, tật xấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên và chỉ ra cách để khắc phục những hạn chế, yếu kém này. Đối với đội ngũ cán bộ, Người luôn luôn yêu cầu cao không những chỉ năng lực, trình độ, tài năng mà cả đạo đức. Người chỉ rõ “người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân". Cho đến bản Di chúc cuối cùng để lại trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không quên căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Cũng vậy, ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra các biểu hiện thoái hoá về đạo đức của cán bộ, đảng viên là do thiếu tu dưỡng, rèn luyện và sa vào chủ nghĩa cá nhân. Ngay từ năm 1952, trong bài nói chuyện nhân dịp có phong trào sản xuất và tiết kiệm có tiêu đề “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ một số người: “luôn đặt quyền lợi của cá nhân lên trên hết, khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng”. Trong bài viết trước khi qua đời 7 tháng với tiêu đề “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra biểu hiện của những người mang nặng chủ nghĩa cá nhân là “việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Cũng trong bài viết này, Người khẳng định những người do cá nhân chủ nghĩa “mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi , thích địa vị quyền hành. Họ tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ. Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm”. Đây có thể xem là tác phẩm cuối cùng (không tính Di chúc) của Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn về vấn đề tư dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên.

Học và làm theo Bác Hồ phải bằng những việc làm thiết thực, cụ thể

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn và nhắc nhở: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Trong khi biết bao những cán bộ, đảng viên chân chính của Đảng tận tâm, trách nhiệm vì công việc và đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của xã hội thì vẫn còn đó những người chỉ biết lo nghĩ đến bản thân, người thân, “nhóm lợi ích” mà sao nhãng hoặc tham ô, tham nhũng, lãng phí, vi phạm pháp luật đến mức phải bị xử lý kỷ luật.

Một lỗ thủng nhỏ có thể làm đắm con thuyền lớn. Nhận thức rõ điều này, những năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện kỷ luật nghiêm minh nên có nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, xử lý kỷ luật Đảng hay thậm chí là xử lý về mặt Nhà nước thì trước hết là để trị những cán bộ, đảng viên tha hoá, biến chất, vi phạm song mục đích cuối cùng vẫn là để giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh, ngăn ngừa về sau. Vì vậy, chống chủ nghĩa cá nhân phải sửa chữa sai lầm và tu dưỡng về đạo đức:

Một là, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn thấm nhuần niềm tin, lý tưởng và chức trách, nhiệm vụ được giao. Ngay từ năm 1949, chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định nước ta là nước dân chủ nên quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Thế nhưng, có một số cán bộ, đảng viên khi được trao quyền đã thoái hoá, biến chất, sử dụng quyền lực để mưu cầu lợi ích riêng làm tổn hại đến người dân, đến lợi ích chung của xã hội. Các cấp uỷ, tổ chức Đảng cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định của Đảng và Nhà nước về nêu gương, về những điều đảng viên không được làm, về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, các luật về Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Cán bộ, công chức để mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức và tự giác điều chỉnh hành vi của mình.

Hai là, mỗi cán bộ, đảng viên thường xuyên, tự giác tu dưỡng và rèn luyện về đạo đức. Vì sao có những người có học vấn như nhau, giữ các cương vị như nhau, chỉ khác nhau ở nơi công tác song có người tha hoá, sai lầm, có người lại là một tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm và đạo đức. Quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước dù hoàn bị và chặt chẽ đến đâu cũng chỉ góp phần xử lý cái xấu, cái sai, để cho cái tốt sinh sôi nảy nở cần quan tâm đến giáo dục, rèn luyện đạo đức, trong đó tự tu dưỡng và rèn luyện là con đường không kém phần hiệu quả.

Ba là, thực hiện tốt và thường xuyên phê bình và tự phê bình trong Đảng. Theo quy định của Đảng hiện nay, mỗi đảng viên đều sinh hoạt ở một tổ chức đảng. trong chương trình sinh hoạt bao giờ cũng có nội dung bắt buộc là tự phê bình và phê bình. Nếu các tổ chức đảng thực hiện tốt nội dung này chắc chắn sẽ giúp đảng viên tự soi rọi lại mình, nhận thức lại để có các suy nghĩ và hành động đúng đắn. Cũng vậy, thực hiện tốt tự phê bình và phê bình sẽ tạo ra môi trường dân chủ, văn minh tạo thêm động lực để đảng viên dám nói, dám phê bình và dám nhận phê bình, nhận khuyết điểm.

Bốn là, làm tốt công tác cán bộ. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Tại sao trong phòng chống dịch Covid-19 trên cùng một địa bàn sẽ có nơi làm không tốt? Chắc chắn có rất nhiều nguyên nhân, song một trong những nguyên nhân quan trọng là do “cán bộ tốt hoặc kém”. Năm 1967, trong căn dặn cán bộ, công nhân viên báo Nhân Dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo: “Tôi không sợ bọn đế quốc, bọn phản động. Đồng bào sẽ đánh thắng chúng. Tôi chỉ sợ những hành vi xấu xa của cán bộ, làm cho đồng bào mất lòng tin với chế độ, Nhà nước và Đảng. Có thể nói, kẻ phá hoại sự nghiệp cách mạng đáng sợ nhất là những người ấy, vì trước mắt đồng bào, họ là Đảng và Nhà nước. Kẻ thù hàng ngày nói xấu chúng ta, đồng bào ta không mắc lừa. Người của ta làm hại cách mạng là nguy hiểm nhất. Đồng bào sẽ xa lánh, không tin chúng ta. Đưa những người yếu kém về năng lực, nhất là kém cỏi về phẩm chất, nhân cách vào bất kỳ nhiệm vụ nào cũng nguy hại”. Để lựa chọn được đội ngũ cán bộ thật sự tận tâm và tâm huyết, ngoài rất nhiều các yêu cầu, điều kiện thì các cấp uỷ cần thực hiện nghiêm các quy trình của công tác cán bộ theo hướng công khai, minh bạch.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng. Kiểm tra giám sát thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm với tinh thần trách nhiệm chắc chắn sẽ giúp chỉ ra những hạn chế, bất cập, yếu kém của mỗi tổ chức đảng và đảng viên từ sớm. Đó là phương pháp quan trọng để ngăn ngừa các sai phạm từ xa, từ trước. Kỷ luật là điều Đảng hoàn toàn không mong muốn, song nếu không kỷ luật nghiêm minh sẽ làm cho một số cán bộ, đảng viên xem nhẹ kỷ luật của Đảng và làm cho Nhân dân giảm sút niềm tin vào Đảng, vào chế độ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà tư tưởng, người còn là một nhà hành động cách mạng nói đi đôi với làm. Sinh thời, Người không những không né tránh những khuyết điểm của cán bộ, đảng viên và còn lường trước, dự báo, cảnh báo, chỉ ra những diễn biến xấu có thể xảy ra đối với cán bộ, đảng viên. Chống chủ nghĩa cá cá nhân, rèn luyện đạo đức cách mạng là nội dung mà Hồ Chí Minh đau đáu suốt cả cuộc đời. Học Bác: hãy bằng những hành động cụ thể, thiết thực./.

Trung Kiên

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 7
  • Trong tuần: 3 649
  • Tất cả: 8757947

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn