Nghệ sĩ Ưu tú Thạch Chân Cánh chim đầu đàn của văn nghệ Khmer ở Trà Vinh
Trong giới sáng tác ca kịch Dù kê ở Trà Vinh và cả Đồng bằng sông Cửu Long, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Thạch Chân là tên tuổi lớn, ông đã góp vào kho tàng loại hình ca kịch này nhiều tác phẩm giàu giá trị nghệ thuật và giá trị tư tưởng. Ngoài sáng tác, ông còn là một đạo diễn tài năng, một người quản lý văn hóa đầy trách nhiệm và có công đào tạo nên rất nhiều nghệ sĩ tài danh cho tỉnh nhà. Ông xứng đáng là cánh chim đầu đàn của phong trào văn nghệ Khmer ở Trà Vinh.

Chân dung NSƯT Thạch Chân

Những ai yêu thích Dù kê không thể không biết đến những vở như: Giữ đền Cô Hia, Mối tình Bôpha - Rạng Xây, Ba người mẹ của tôi, Khát vọng niềm tin… đã trở thành kinh điển mà NSƯT Thạch Chân đã viết từ trong chiến tranh cho đến lúc hòa bình, xây dựng lại đất nước.

Trong câu chuyện chia sẻ với chúng tôi, ông cho rằng mình may mắn sinh ra nơi quê hương có truyền thống cách mạng và văn nghệ nhưng khi đi làm cách mạng thì chính Đảng, Nhà nước và chiến trường đã đào luyện ông trở thành nhà viết kịch, người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng.

NSƯT Thạch Chân sinh năm 1941 tại ấp Thốt Lốt, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Từ thuở nhỏ, ông đã được nghe cha mình đàn những loại nhạc cụ truyền thống của người Khmer như đàn Chà-pây, đàn Cò. Chính tiếng đàn của cha đã gieo vào lòng ông niềm đam mê nghệ thuật và năng khiếu văn nghệ cũng hình thành từ đó.

Ông ý thức về cách mạng từ rất sớm, khi còn lứa tuổi thiếu niên đã đi gác đường, liên lạc cho các cơ sở cách mạng ở Ngũ Lạc. Khi lớn lên, Thạch Chân như bao thanh niên Khmer khác cũng vào chùa tu học nhưng với ông, đây còn là cách để hoạt động cách mạng bí mật. Vào nửa cuối thập niên 1950, lúc ấy quê hương ngập tràn bóng giặc, ông bị bại lộ và phải gởi lại áo cà sa ra hoạt động công khai. Nhờ có năng khiếu ca hát, Thạch Chân được phân công vào đội văn nghệ ở địa phương đi biểu diễn phục vụ cho bộ đội và bà con vùng giải phóng. Trong những năm dưới sự đàn áp dã man của Mỹ - Diệm, tinh thần của chiến sĩ và đồng bào ta gặp nhiều khó khăn thì ông và anh em ở quê hương thành lập nhiều đội văn nghệ, biểu diễn phục vụ nhằm động viên, cổ vũ, nâng cao tinh thần chiến đấu cho chiến sĩ và củng cố niềm tin với quần chúng nhân dân rằng Cách mạng sẽ thành công, sẽ mang lại tự do, hạnh phúc ấm no cho mọi người. Biểu diễn phục vụ xuyên suốt như vậy nên thiếu tiết mục, nhờ có thêm năng khiếu sáng tác, Thạch Chân đã tìm tòi những thông tin, sưu tầm tư liệu để biên soạn các tiết mục giúp cho các đội văn nghệ biểu diễn phong phú hơn. Từ đây, cái duyên sáng tác đến với ông. Nhưng lúc ấy, ông chỉ viết được những tiểu phẩm ngắn với nội dung tuyên truyền đường lối cách mạng cũng như phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân chống lại chế độ Mỹ - Diệm.

Chuẩn bị cho Chiến dich Mậu Thân năm 1968, nhằm củng cố và tăng cường lực lượng, trong đó có công tác tuyên truyền nên Thạch Chân được điều lên công tác tại Ban Tuyên huấn khu Tây Nam bộ, phân công phụ trách Trưởng đoàn Đoàn nghệ thuật dân tộc Khmer Tây Nam bộ thay cho ông Thạch Voi[[1]] thì ông mới sáng tác kịch dài. Trong lúc đó, do nhu cầu biểu diễn phục vụ rộng khắp vùng Tây Nam bộ, đoàn lại thiếu tiết mục, ông phải vừa làm quản lý vừa sáng tác. Năm 1974, sau khi tham gia trại sáng tác kịch bản do Trung ương tổ chức, Thạch Chân viết vở kịch Dù kê dài, đó là vở Giữ đền Cô Hia. Vở kịch dựa trên nội dung câu chuyện có thật diễn ra ở chùa Ô Mịch, Cầu Kè vào những năm 1961 - 1962, nhằm tố cáo Mỹ ngụy lấy chùa của người Khmer làm đồn bót rồi gom dân dồn vào ấp chiến lược, làm cho đời sống bà con hết sức khó khăn. Thực chất, chúng dỡ chiêu bài “Lấy người Việt đánh người Việt, lấy người Khmer đánh người Khmer”. Ý đồ thâm độc hơn của chúng là chia rẻ, gây hận thù giữa hai dân tộc Kinh - Khmer. Trong hoàn cảnh như thế, sư sãi, bà con người Việt, người Khmer đoàn kết với nhau đứng dậy phá ấp chiến lược, dành lại chùa. Qua vở kịch, tác giả Thạch Chân cảnh tỉnh quần chúng nhân dân trước âm mưu đen tối của kẻ thù và đồng thời kêu gọi mọi người đoàn kết lại, chỉ có đoàn kết hai dân tộc mới có thể đánh đuổi kẻ thù chung. Vở kịch dài đầu tay này ngay sau khi ra đời đã được Đoàn nghệ thuật dân tộc Khmer Tây Nam bộ dàn dựng và biểu diễn liên tục ở các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Rạch Giá, Cần Thơ… với hơn 200 suất diễn và có sức tác động mạnh mẽ vào phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân, góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc và vở diễn cũng đã mang đến cho tác giả Thạch Chân giải thưởng “Sông Hậu” năm 1974.

Năm 1979, khi chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra, Thạch Chân viết ngay vở ca kịch Dù kê Mối tình Bôpha - Rạng Xây nhằm lên án chế độ diệt chủng Pôn Pốt, Iêng Xary và ca ngợi quân tình nguyện Việt Nam đã sang chiến đấu giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, xây đắp tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Campuchia. Thông qua việc ca ngợi sự sắc son, thủy chung trong tình yêu đôi lứa của chàng trai Khmer ở Nam bộ, Việt Nam (Rạng Xây) với cô gái Campuchia (Bôpha), tác giả Thạch Chân còn nói lên sự gắn bó keo sơn trước sau như một của hai đất nước. Vở Mối tình Bôpha - Rạng Xây được Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh biểu diễn hơn 200 suất ở Việt Nam và được đưa sang biểu diễn tại Campuchia gần 50 suất để phục vụ cho bộ đội tình nguyện Việt Nam cũng như nhân dân Campuchia. Vở diễn này cũng đã đạt Huy chương vàng trong kỳ Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985.

Một cảnh trong vở diễn “Mối tình Bô Pha – Rạng Xây” đạt Huy chương vàng trong Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985

Trong thời kì đất nước đổi mới, với những “luồng gió lạ” là văn hóa ngoại lai du nhập vào nước ta, những mặt trái của nó tác động xấu đến đời sống, văn hóa của không ít người, nhất là giới trẻ thì NSƯT Thạch Chân sáng tác ngay những vở như: "Khát vọng và niềm tin" để phê phán sự ham mê vật chất, cám dỗ của đồng tiền làm cho những người trẻ tuổi sa vào con đường lầm lỗi.

Có thể nói, trong mỗi chặng đường của đất nước, NSƯT Thạch Chân đều có những vở kịch để lại dấu ấn, đó là khả năng nắm bắt đề tài nhanh nhạy của một người nghệ sĩ và cũng là chiến sĩ sống và chiến đấu hết mình vì đất nước. Toàn bộ sáng tác của NSƯT Thạch Chân không nhiều, trên dưới mười kịch bản nhưng có giá trị nghệ thuật cũng như giá trị tư tưởng cao.

Đến với nghề viết kịch, NSƯT Thạch Chân tự học là chính nhưng ông có được bút pháp nghệ thuật tả thực rất sinh động. Đó là năng khiếu văn nghệ bẩm sinh và được đào luyện qua thực tế của chiến trường. Dù là những tác phẩm viết về đề tài đấu tranh cách mạng nhưng qua ngòi bút của người nghệ sĩ như Thạch Chân thì nó không còn là những khẩu hiệu tuyên truyền khô khan, mà ông đã lồng ghép vào đó những chi tiết lãng mạn của cảnh vật thiên nhiên, tình yêu đôi lứa hay những ước mơ tươi đẹp về ngày non sông thống nhất. Chính vì vậy, những vở ca kịch của NSƯT Thạch Chân dễ đi vào lòng công chúng. Mặt khác, nó còn hấp dẫn người xem bởi gắn với đề tài hiện đại, những câu chuyện luôn gần gũi trong cuộc sống. NSƯT Sang Sết cảm nhận về thế hệ đàn anh của mình: “Anh chưa bao giờ viết về đề tài cổ, dựa theo truyền thuyết, giả sử mà anh chỉ say mê đề tài hiện đại nhưng anh đã khéo vận dụng những mảng miếng đắc giá của tuồng cổ để đem vào đề tài hiện đại một cách hợp lý để tăng thêm sinh khí tươi mát cho người xem”[[1]]

Giá trị cốt lõi trong những tác phẩm của NSƯT Thạch Chân là giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, hướng con người đến giá trị chân - thiện - mỹ trong cuộc sống. Như ông khẳng định, chính Đảng, Nhà nước, kháng chiến đã cho ông cảm quan nghệ thuật vị nhân sinh sâu sắc. Yếu tố truyền thống yêu nước và đặc biệt là ca ngợi tình đoàn kết dân tộc luôn được ông chú trọng. Bản thân ông cũng như những tác phẩm của ông là minh chứng cho sự đoàn kết gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Kinh - Khmer, hai nước Việt Nam - Campuchia. Đấy là những giá trị cốt lõi nhất để đánh thắng kẻ thù cũng như để xây dựng đất nước giàu đẹp.

NSƯT Thạch Chân đã có gần 50 năm miệt mài cống hiến sức mình cho cách mạng, cho nghệ thuật, từ vai trò của người biên kịch, đạo diễn cho đến công tác quản lý văn hóa nghệ thuật. Ông đã từng trải qua các chức vụ: Trưởng đoàn Đoàn nghệ thuật dân tộc Khmer Tây Nam bộ, Trưởng đoàn Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, Quyền Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Trà Vinh. Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được bạn bè, giới văn nghệ sĩ Khmer yêu kín từ tài năng đến đức độ. “Anh Thạch Chân là người sống sâu, sống rộng, sống mãnh liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, là người chiến sĩ văn hóa luôn hiên ngang trên mặt trận văn hóa-tư tưởng[[2]] - NSƯT Sang Sết nhận xét.

NSƯT Thạch Chân cũng đã có công đào tạo cho tỉnh nhà nhiều nghệ sĩ như: NSƯT Thạch Đơ, NSƯT Kim Thịnh, NSƯT Thạch Thị Thane, NSƯT Kim Nghinh, NSƯT Thạch Thị Hà, NSƯT Thạch Sung... Tất cả yêu kín ông như một người thầy, người cha đã dìu dắt để họ được thành danh như hôm nay. Năm 2006, ông nghỉ hưu và cũng năm đó, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quí, Nghệ sĩ Ưu tú. NSƯT Thạch Chân xứng đáng được gọi là cánh chim đầu đàn của phong trào văn nghệ Khmer tỉnh nhà./.

Nguyễn Văn Chót

[[1]], [3] Sang Sết (2019), Tìm hiểu sự hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu Dù kê dân tộc Khmer Nam bộ, Nxb Sân khấu, tr. 47 - 48 và 49.

 [[2]] Tác giả Thạch Voi, ở Đại An, Trà Cú, Trà Vinh, người được giao nhiệm vụ thành lập Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh và là tác giả vở ca kịch Dù kê: Nghĩa tình trong giông tố nổi tiếng trong kháng chiến. 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 9
  • Hôm nay: 181
  • Trong tuần: 3 823
  • Tất cả: 8758121

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn