Tinh thần và hào khí Nam Bộ kháng chiến: bản hùng ca còn mãi
Những lời hào hùng của bài hát “Nam Bộ kháng chiến” của nhạc sỹ Tạ Thanh Sơn viết trong những ngày Nam Bộ khói lửa ngút trời ấy. Nam bộ kháng chiến là bản hùng ca của một dân tộc đã quyết không chịu làm nô lệ một lần nữa.

Mùa thu rồi ngày hăm ba

Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến.

Rền khắp trời lời hoan hô

Dân phương Nam nhịp chân tiến ra trận tiền.

Thuốc súng kém, chân đi không

Mà đoàn người giàu lòng vì nước.

Nóp với giáo mang ngang vai

Nhưng thân trai nào kém oai hùng.

Cờ thắm tung bay ngang trời

Sao vàng xao xuyến khắp nơi bưng biền

Một lòng nguyện với tổ tiên.

Thề quyết chống quân ngoại xâm!

Ta đem thân ta liều cho nước

Ta đem thân ta đền ơn trước

Muôn thu sau lưu tiếng Anh hào

Người dân Việt lắm chí cao.

Thề quyết chống quân gian tham!

Ta đem thân ta liều cho nước

Ta đem thân ta đền ơn trước

Xây giang san hạnh phúc muôn đời

 Kỳ 1: Miền Nam đi trước về sau

Nền độc lập khắp nước Nam." “Độc lập hay là chết!”, đó là lời hiệu triệu của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ ngày 23/9/1945 mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của Nhân dân Nam Bộ trước âm mưu quay trở lại đô hộ nước ta một lần nữa của thực dân Pháp.

Dân quân cứu nước Nam bộ trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến 1945. (Ảnh tư liệu)

Nhà thơ Tố Hữu đã viết những câu thơ sau trong bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng” vào năm 1960: “Miền Nam đi trước về sau/ Bước đường cách mạng dài dâu đã từng”. Miền Nam đi trước về sau bởi ngay ngày 02/9/1945, khi hàng triệu người dân Nam Bộ đang vui mừng chào đón ngày độc lập của dân tộc thì quân Pháp núp bóng quân Anh với danh nghĩa Đồng minh đã bắn súng vào đoàn biểu tình trong lễ tuần hành mừng độc lập. Những ngày sau đó, dưới sự bảo trợ của quân Anh, quân Pháp ngày càng có nhiều hành vi khiêu khích trắng trợn. Ngày 04/9/1945, tướng Anh Gracey ra lệnh phía chính quyền cách mạng “giải tán lực lượng vũ trang”, ngăn cản quần chúng xuống đường biểu tình.

Cả Sài Gòn và Nam Bộ sống trong một không khí ngộp thở, khẩn trương khi chuẩn bị tinh thần cho một cuộc chiến đấu mới. Từ Thủ đô Hà Nội phát đi lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhân dân Việt Nam hoan nghênh quân Đồng minh kéo vào Việt Nam để tước khí giới quân Nhật, nhưng cương quyết phản đối phân Pháp kéo vào Việt Nam, vì mục đích của họ chỉ là hãm dân tộc Việt Nam vào vòng nô lệ một lần nữa”.

Trước sự gây hấn của quân thù, ngày 09/9/1945, tại Sài gòn, Tổng bộ Việt Minh đã ra lời kêu gọi đồng bào chuẩn bị tinh thần và lực lượng để chống trả quân thù “đang sửa soạn súng đạn để một lần nữa giày xéo đất nước ta, tiêu diệt nòi giống ta”.

Nhìn lại lịch sử, năm 1858, thực dân Pháp và Iphanho (Tây Ban Nha) nổ súng bắn vào cửa biển Đà Nẵng xâm lược Việt Nam. Năm 1859, người Pháp vào Gia Định và sau đó bằng rất nhiều các hiệp ước nhục nhã, nước Việt Nam lần lần mất vào tay thực dân Pháp. Hơn 80 năm nô lệ, ngày 02/9/1945, cùng với Nhân dân cả nước, người dân Nam Bộ nô nức chào đón ngày ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Chỉ 21 ngày sau, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam lần thứ 2.

Vậy là, Nhân dân Nam Bộ chỉ được hưởng không khí độc lập đúng 21 ngày. Kể từ ngày 23/9/1945, phải đi hết 9 năm kháng chiến chống Pháp và 21 năm kháng chiến chống Mỹ, hai miền Nam Bắc Việt Nam mới thống nhất, đồng bào Nam Bộ mới kết thúc một hành trình dài đấu tranh giành độc lập và thống nhất Tổ quốc.

(Còn nữa)

Ngọc Anh

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 39
  • Trong tuần: 3 681
  • Tất cả: 8757979

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn