Định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong những năm 2010 - 2015
Trong 2 ngày 9 và 10-8-2010, Đảng bộ Trà Cú tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ X (nhiệm kỳ2010-2015) tại Trung tâm Văn hóa huyện. Tham dự Đại hội có 257 đại biểu, đại diện cho gần 4.000 đảng viên của 64 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy. Đại hội được vinh dự đón tiếp đồng chí Nguyễn Thái Bình - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Trần Trí Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy về dự và chỉ đạo Đại hội.

Sau phần đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu huyện Đảng bộ lần thứ IX, Đại hội đã xác định mục tiêu tổng quát của Đảng bộ trong 5 năm (2010-2015) là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc Kinh - Khmer - Hoa; thực hiện dân chủ, giữ vững ổn định chính trị; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đưa kinh tế - xã hội huyện nhà phát triển nhanh và bền vững, cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng” (1).
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa X (nhiệm kỳ 2010-2015) gồm 45 đồng chí. Ban Chấp hành đã bầu ra Ban Thường vụ gồm 13 đồng chí. Đồng chí Ngô Văn Khỏe được bầu giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy và các đồng chí Trần Trung Hiển, Lư Hồng Huyệt, Trần Văn Ná giữ chức vụ Phó Bí thư Huyện ủy .(2)
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát của Đảng bộ trong 5 năm (2010-2015), Đại hội đã đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu như sau:
- Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng (GDP) bình quân 5 năm tăng 14% trở lên, trong đó: nông nghiệp 11,7%; thủy, hải sản 11,9%; công nghiệp 20%; xây dựng 15,6%; thương mại, dịch vụ 16%. Cơ cấu kinh tế đến năm 2015: nông nghiệp 30,7%; thủy, hải sản 8,3%; công nghiệp 13%; xây dựng 12,5%; thương mại, dịch vụ 35%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 20,6 triệu đồng/người/năm.
Xây dựng 5 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, những xã còn lại đạt 50% tiêu chí.
Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 9.225 tỷ đồng, tăng 2,9 lần so với thời kỳ 2005-2010.
Tổng thu ngân sách theo dự toán hằng năm 16%. Đến năm 2015, thu đạt 38,6 tỷ đồng,
tăng hơn 2 lần so với năm 2010.
- Về văn hóa - xã hội và môi trường: Đến năm 2015, có 99% học sinh tiểu học, 95% học sinh trung học cơ sở và 90% học sinh trung học phổ thông đi học trong độ tuổi; xây dựng mới 25 trường đạt chuẩn quốc gia. Hoàn thành cơ bản phổ cập trung học phổ thông ỏ thị trấn Trà Cú; các xã, thị trấn còn lại đạt 50%; có 100% phòng học được kiên cố hóa.
Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 5,5%. Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đến năm 2015 còn 1,12%. Có 95% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% trạm y tế xã, thị trấn có bác sĩ.
Hằng năm, tạo việc làm cho 2.000 lao động, xuất khẩu 30 lao động. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm.
Đến năm 2015, có thêm 35 ấp, khóm và 5 xã đạt chuẩn văn hóa.
Có trên 98% hộ sử dụng điện.
Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom trên 80%. Tỷ lệ xử lý chất thải rắn y tế 90%. Có trên 96% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh.
- Về quốc phòng - an ninh: Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Kéo giảm phạm pháp hình sự, đẩy lùi tệ nạn xã hội, kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông.
Xây dựng lực lượng vũ trang huyện vững mạnh toàn diện; hoàn thành chỉ tiêu huấn luyện, diễn tập, tuyển quân, tuyển sinh quân sự, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh hằng năm. Xây dựng 100% xã, thị trấn được công nhận, tái công nhận vững mạnh về quốc phòng - an ninh.
Giải quyết tốt đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, không để tồn đọng quá hạn quy định.
- Về xây dựng hệ thống chính trị: Hằng năm, có trên 80% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh. Trên 90% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ và hoàn thành nhiệm vụ. Kết nạp 900 đảng viên.
Giảm thủ tục hành chính đạt yêu cầu theo Đề án 10 của Chính phủ.
Tập hợp quần chúng vào các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội nghề nghiệp đạt 80% dân số trong độ tuổi.
Đảng bộ, quân và dân trong huyện phát huy truyền thống Trà Cú anh hùng, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo, vượt qua khó khăn, khai thác có hiệu quả tiềm năng, sử dụng tốt các nguồn lực tạo thành sức mạnh tổng hợp, tổ chức thắng lợi mục tiêu và nhiệm vụ của 5 năm (2010-2015) do Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ X đề ra. Tạo bưóc chuyển biến mới về chất, đưa kinh tế - xã hội huyện Trà Cú phát triển nhanh và bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh".

Chặng đường 35 năm (1975-2010), xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Trà Cú đã để lại những dấu ấn khó quên, đó là:
Ngay trong thời kỳ quân quản, Trà Cú là một trong những địa phương trong tỉnh Trà Vinh giải quyết nhanh gọn và triệt để nhất việc thu gom, tập trung những nhân viên và sĩ quan binh lính của chính quyền Sài Gòn. Chính quyền cách mạng, đã có chính sách đúng đắn đối với những người đã từng tham gia trong bộ máy chính quyền, quân đội chế độ cũ, nên họ rất an tâm hòa nhập vào cuộc sống mới. Đạt được những kết quả đó, Trà Cú đã biết sử dụng những biện pháp mềm dẻo, lấy giáo dục thuyết phục là chính và dựa vào dân, thông qua dân mà vận động các đối tượng ra trình diện. Chính cách làm có hiệu quả này, Trà Cú đã nhanh chóng ổn định trật tự xã hội huyện nhà, nhân dân an tâm bước vào cuộc sống mới.
Trong những thời điểm hết sức khó khăn, thiếu thốn về lương thực, thực phẩm, Trà Cú là một trong những địa phương luôn đạt chỉ tiêu Nhà nước về huy động lương thực và thực phẩm và các chỉ tiêu khác.
Trong thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa, Đảng bộ Trà Cú luôn vận dụng những giải pháp rất linh hoạt và đầy trách nhiệm để thực hiện những chủ trương của Đảng và Nhà nước. Điều đáng ghi nhận và trân trọng đó là quá trình triển khai hầu hết nhân dân rất đồng tình và có hiệu quả thiết thực.
Sau 35 năm (1975-2010), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đoàn thể và công tác vận động quần chúng của huyện đều có những bước tiến bộ đáng trân trọng, một số mặt vươn lên vị trí cao so với các huyện trong khu vực như: Lĩnh vực giáo dục - đào tạo, quốc phòng - an ninh, thực hiện chính sách an sinh xã hội, chính sách người có công với đất nước qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược; chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, công tác xóa đói, giảm nghèo, từ một huyện có trên 40% hộ nghèo đến năm 2010 giảm còn 21,4% so với tiêu chí mói, thu nhập bình quân đầu người trên 9 triệu đồng/người/năm.
Nhìn chung, diện mạo của huyện Trà Cú sau 35 năm (1975-2010) đã có nhiều khởi sắc đáng ghi nhận: Nông nghiệp phát triển theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, đưa giá trị kinh tế vươn lên gấp khoảng 6 lần cây lúa và đầu tư chiều sâu để phát triển ngành chăn nuôi lên ngành sản xuất chính với sản lượng chiếm trên 1/3 giá trị của ngành nông nghiệp. Nông nghiệp sinh thái phát triển, các vùng chuyên môn hóa sản phẩm. Công tác khuyến nông - khuyến ngư được đẩy mạnh, hiệu quả các hoạt động dịch vụ phục vụ nông nghiệp được nâng cao. Hoạt động nuôi trồng thủy - hải sản đã tạo thành ngành mũi nhọn trong cơ cấu phát triển kinh tế của huyện. Công nghiệp chế biến đã vươn lên chiếm vai trò chủ đạo và phát triển mạnh ở những ngành có lợi thế so sánh. Dịch vụ cũng đã phát triển nhanh đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, so với năm 1975 ngành dịch vụ đã phát triển gấp 10 lần, các ngành nghề truyền thống được khôi phục góp phần rất lớn cho việc giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo; hệ thống chợ phát triển theo quy hoạch, sau khi kết thúc chiến tranh 7/9 chợ xã bị cháy, những chợ còn lại hoạt động cầm chừng, chủ yếu là hoạt động dịch vụ ở hộ tiểu thương tại gia đình, hàng hóa khan hiếm. Đến nay, hệ thống chợ trên địa bàn huyện được mở rộng, bảo đảm nền nếp hoạt động văn minh.
Các tệ nạn xã hội, các bệnh dịch nguy hiểm được kiểm soát. Giáo dục, y tế đã được cải tạo, nâng cấp theo chiều hướng chuẩn quốc gia.
Đời sống nhân dân được cải thiện cơ bản về vật chất và tinh thần, không còn tình trạng đói nghèo như những năm sau ngày giải phóng. Dân trí và đời sống xã hội có bước phát triển tốt, mang đặc trưng văn minh công nghiệp. Môi trường tự nhiên được bảo vệ hữu hiệu; môi trường xã hội lành mạnh; môi trường kinh tế ổn định và phát triển, thu nhập đầu người tăng gấp trăm lần so với những năm đầu giải phóng, nhà kiên cố và bán kiên cố chiếm trên 80% số nhà trong toàn huyện; thủy lợi bảo đảm chủ động tưới tiêu hầu hết diện tích canh tác trong huyện; đường giao thông nông thôn được bê tông, rải nhựa, đã mở thêm nhiều tuyến đường mới theo quy hoạch; trên 95% hộ sử dụng điện lưới quốc gia (38.118 hộ), nhân dân quan tâm hơn đến vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và sử dụng nước hợp vệ sinh, đầu tư xây dựng 63 trạm cung cấp nước sinh hoạt, trên 1.367 giếng nước bơm tay, tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh chiếm 96% tổng số dân (sau giải phóng toàn huyện chỉ có 5 giếng nước bơm tay rải rác trong dân). Về thủy lợi, cầu, đường giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư: chỉ riêng từ năm 2005 đến năm 2010 đã đào mới và nạo vét 100,38km kênh cấp II, 366 kênh cấp III, đắp mới 17km đê biển; đầu tư đưa vào sử dụng 123km đường nhựa, 213,8km đường bê tông giao thông nông thôn; 19/19 xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm; 100% ấp - khóm có đường bê tông giao thông nông thôn.
Song song trong quá trình phát triển đi lên, những khuyết điểm, yếu kém cũng còn nhiều đã làm hạn chế không nhỏ tới những thành công của huyện như: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thiếu tính ổn định lâu dài, chưa có những khâu đột phá nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, thu hút đầu tư bên ngoài còn yếu, chưa phát huy cao nguồn nội lực; lĩnh vực văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục phát triển nhanh nhưng chưa vững chắc, khoa học - công nghệ phát triển không tương xứng, chưa trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội trong huyện; chưa tạo được môi trường để thu hút và phát huy tài năng đóng góp vào sự phát triển đi lên của huyện.
Lĩnh vực xây dựng Đảng, trong 35 năm (1975-2010), Đảng bộ huyện Trà Cú đã tập trung sức củng cố tổ chức cơ sở đảng, từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, từ những ngày đầu giải phóng (1975), Đảng bộ chỉ có 165 đảng viên, đến cuối nhiệm kỳ IX (năm 2010), Đảng bộ có 3.788 đảng viên, 64 tổ chức cơ sở đảng.
Song, đứng trước nhiệm vụ cách mạng mỗi thời kỳ, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của nhiều cơ sở vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng yếu kém, thiếu năng động, sáng tạo, tư tưởng trông chờ ỷ lại ở nhiều cơ sở đảng vẫn là vấn đề bức xúc trong công tác xây dựng Đảng. Xây dựng chính quyền ở nhiều địa phương trong huyện, công tác cán bộ còn chắp vá, thiếu tính chiến lược dẫn đến tình trạng hụt hẫng, thiếu đội ngũ cán bộ giỏi, không ít cán bộ bố trí chưa phù hợp hoặc không đủ phẩm chất và năng lực; công tác vận động quần chúng có thời kỳ do chưa có sự nhận thức đầy đủ nên chưa phát huy được khả năng to lớn của quần chúng nhân dân lao động trong sự nghiệp cách mạng chung của huyện.

Chú thích

 (1) Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Trà Cú lần thứ X (nhiệm kỳ 2010-2015), tr39.
 (2) Xem danh sách Ban Chấp hành Đảng bộ lần thứ X (nhiệm kỳ 2010-2015) trong Phần Phụ lục.

Tin khác
1 2 3 4 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online:
  • Hôm nay:
  • Trong tuần: 3 642
  • Tất cả: 8757940

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn