Lãnh đạo phát triển nông nghiệp bảo đảm nhu cầu lương thự, thực phẩm cho Nhân dân và xây dựng cơ cấu kinh tế nông – ngư – công nghiệp trên địa bàn (1983-1985)
Thực hiện Chỉ thị số 113-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 35-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cửu Long về việc tiến hành Đại hội Đảng cấp cơ sở, từ ngày 25 đến 29-11-1982, Đảng bộ huyện Trà Cú tiến hành Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ III nhiệm kỳ 1983-1985 tại Hội trường Huyện ủy. Tham dự đại hội có 164 đại biểu chính thức được bầu từ đại hội cấp cơ sở đại diện cho gần 700 đảng viên của Đảng bộ. Đại hội vinh dự đón đồng chí Nguyễn Minh Biện - Tỉnh ủy viên, Trưởng ty Thương nghiệp về dự và chỉ đạo đại hội.  

Lãnh đạo phát triển nông nghiệp bảo đảm nhu cầu lương thự, thực phẩm cho Nhân dân và xây dựng cơ cấu kinh tế nông – ngư – công nghiệp trên địa bàn (1983-1985)
Thực hiện Chỉ thị số 113-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 35-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cửu Long về việc tiến hành Đại hội Đảng cấp cơ sở, từ ngày 25 đến 29-11-1982, Đảng bộ huyện Trà Cú tiến hành Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ III nhiệm kỳ 1983-1985 tại Hội trường Huyện ủy. Tham dự đại hội có 164 đại biểu chính thức được bầu từ đại hội cấp cơ sở đại diện cho gần 700 đảng viên của Đảng bộ. Đại hội vinh dự đón đồng chí Nguyễn Minh Biện - Tỉnh ủy viên, Trưởng ty Thương nghiệp về dự và chỉ đạo đại hội.
Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II, Đại hội nhận thấy: “Đảng bộ không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, nêu cao ý thức tự lực, tự cường phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, Nghị quyết II của Đảng bộ tỉnh Cửu Long và các Nghị quyết, Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị và Tỉnh ủy. Không ngừng đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tốt chính sách đối với người có công, các chính sách xã hội khác; chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo; phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động thông qua cơ chế: “Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ”; tăng cường công tác chính trị tư tưởng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội ngày càng vững mạnh, năng động, hiệu quả trong công tác vận động quần chúng; bảo đảm an ninh chính trị - trật tự, an toàn xã hội”.
Xuất phát từ thực trạng kinh tế, xã hội của huyện, tiếp thu tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (3-1982), Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa V) về phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội trong 3 năm 1983-1985, Đại hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu của Đảng bộ trong nhiệm kỳ III là: “Tập trung sức phát triển nông nghiệp nhằm góp phần giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, thực phẩm, bảo đảm nhu cầu của huyện và đóng góp cho tỉnh. Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, từng bước hoàn thiện cơ cấu kinh tế toàn diện của huyện; đồng thời phát triển văn hóa - xã hội, đáp ứng nhu cầu thiết yếu, dần dần ổn định tiến lên cải thiện từng bước đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Kết hợp cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, công thương nghiệp một cách hiệu quả và xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phân bố và phân công lại lao động để hình thành cơ cấu kinh tế nông - ngư - công nghiệp vững mạnh trên địa bàn. Luôn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tăng cường củng cố quốc phòng. Giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, từng bước hình thành pháo đài quân sự vững chắc, đánh bại kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của kẻ thù, giữ vững an ninh - quốc phòng và sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống”(1)
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa III (nhiệm kỳ 1983-1985) gồm 33 đồng chí. Đồng chí Lâm Phú - Tỉnh ủy viên được Ban Chấp hành bầu lại giữ chức Bí thư Huyện ủy, các đồng chí Lâm Văn Tâm và Thái Văn Khanh giữ chức vụ Phó Bí thư(2).
Nhìn chung, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa III so với khóa II về tuổi đời có giảm xuống, bình quân 40 tuổi. Hơn 2/3 đồng chí đã được đào tạo, bồi dưỡng chương trình lý luận cơ bản về chính trị, về chuyên môn - nghiệp vụ.
Tháng 4-1985, đồng chí Triệu Văn Bé giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy thay đồng chí Lâm Phú chuyển về tỉnh nhận nhiệm vụ mới, đồng chí Lâm Văn Tâm giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực, đồng chí Thái Văn Khanh giữ chức vụ Phó Bí thư phụ trách kinh tế. Ban Thường vụ có 10 đồng chí.
1. Đảng bộ lãnh đạo nhân dân tích cực xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội (1983-1985)
Từ năm 1983 đến năm 1985, Đảng bộ chỉ đạo trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, củng cố các tập đoàn sản xuất và hợp tác xã nông nghiệp bám sát thời vụ, khắc phục sự chỉ đạo mang tính tự phát, tùy tiện làm giảm năng suất và sản lượng để đưa nông nghiệp đạt 19.625ha lúa/vụ mùa, bảo đảm cung cấp lương thực cho 14 vạn dân, làm tốt nghĩa vụ lương thực, thực phẩm với Nhà nước.
Thực hiện Chỉ thị số 100-CT/TW của Ban Bí thư về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động. Do người nông dân được tự chủ trong sản xuất nên năng suất lao động được cải thiện, sản lượng tăng cao hơn. Trong 3 năm, diện tích và sản lượng cây trồng của huyện được mở rộng, sản lượng lúa từ 54.000 tấn năm 1982 tăng lên 63.432 tấn năm 1985, bình quân mỗi năm tăng 3.000 tấn. Huy động lương thực đạt 14.800 tấn năm 1982 tăng lên 17.598 tấn năm 1985. Tổng mức huy động lương thực trong 3 năm (1983-1985) là trên 47.000 tấn, tăng 6.200 tấn so với nhiệm kỳ 1980-1982. Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các xã mở rộng diện tích cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày ở những vùng đất thích hợp với các loại cây trồng. Năm 1985 so với năm 1982, diện tích cây đậu tăng hơn 2,3 lần, cây mía tăng hơn 2 lần, cây thuốc lá, dưa hấu, rau, đậu đều tăng. Cây dừa được huyện xác định là cây chủ lực sau cây lúa. Đến cuối năm 1985, toàn huyện có trên 400.000 cây, tăng 300.000 cây so năm 1982, sản lượng cơm dừa năm 1985 đạt trên 1.298 tấn, tăng hơn 2 lần so năm 1982. Diện tích cây mía phát triển nhanh ở các xã ven sông Hậu như Đại An, Hàm Giang, Ngãi Xuyên, Lưu Nghiệp Anh, An Quảng Hữu; diện tích mía xước tập trung ở vùng Đôn Châu, Long Hiệp, Hàm Giang, Tập Sơn...
Để phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện luôn chú trọng đến công tác thủy lợi, vì thủy lợi là biện pháp hàng đầu để tăng diện tích và tăng năng suất. Song song đó, huyện còn đưa nhanh tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, bồi dưỡng nghiệp vụ, củng cố các tổ chức, đội bảo vệ thực vật.
Trong thời gian này, huyện đã nhận 4 kỹ sư thú y, 3 kỹ sư trồng trọt, đưa đi đào tạo 8 kỹ sư trồng trọt, thủy lợi, thú y... Các tập đoàn, hợp tác xã duy trì, phát huy được các nhân tố giống lúa cao sản, lúa đặc sản và phương pháp sạ thẳng. Huyện chọn xã Phước Hưng làm thí điểm lúa cao sản, lúa đặc sản.
Năm 1985, đánh bắt thủy hải sản đạt 7.000 tấn. Khai thác và thu mua 130 tấn tôm các loại, tăng 95 tấn so với năm 1982. Trong 3 năm (1983-1985), huyện đã đầu tư cho ngành thủy sản trên 4,5 triệu đồng. Đến cuối năm 1985, huyện có 97 chiếc ghe tàu đánh bắt, tăng 47 chiếc so với năm 1982. Về chăn nuôi, so với năm 1982 đàn bò tăng 24,3%, đàn trâu tăng 18,9%, đàn heo tăng 20,8%, vịt đàn theo thời vụ trên 12.000 con/vụ.
Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp trong 3 năm (1983-1985) phát triển toàn diện cả về trồng trọt, chăn nuôi, khai hoang, tăng vụ, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Được sự chỉ đạo của Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện, ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của huyện đã khắc phục khó khăn, từng bước khai thác được tiềm năng tại chỗ để đẩy mạnh sản xuất. Giá trị sản lượng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 1985 đạt gần 100 triệu đồng (tính theo giá cố định năm 1982), bình quân mỗi năm tăng 29%, năm 1985 tăng 112% so với năm 1982. Trong cải tạo và tổ chức lại sản xuất, đã xây dựng mới các cơ sở quốc doanh, nhất là các cơ sở chế biến, gắn nông nghiệp với công nghiệp. Đến năm 1985, khu vực quốc doanh đã mở rộng thêm một số cơ sở và có những sản phẩm mới như lò đường, cối kết, xơ tơ dừa, than gáo dừa, nước đá, bánh kẹo và gạch ngói. Khu vực kinh tế tập thể và hộ gia đình cũng phát triển thêm nhiều cơ sở chế biến cây mía, trái dừa, đã thu hút nhiều lao động, tạo điều kiện phân công lại việc làm cho người lao động, thu nhập bình quân đầu người trong huyện tăng lên. Bước đầu hình thành được cơ cấu kinh tế “nông - ngư - công nghiệp” và đưa ra thị trường một khối lượng sản phẩm hàng hóa tương đối khá. Tuy vậy, “sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp phát triển thời gian qua còn rất chậm. Trong đó có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân trước hết là vật tư phục vụ sản xuất không đáp ứng, thiếu vốn, thiếu cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý, cơ chế quản lý còn nhiều ràng buộc, tính năng động trong quản lý, điều hành còn chậm, thậm chí dậm chân tại chỗ”(3).
Tháng 4-1985, được sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Đảng bộ huyện Trà Cú tổ chức Hội nghị tổng kết cải tạo quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trên địa bàn huyện. Hội nghị nhận thấy: Sau khi tiếp thu và quán triệt tinh thần Chỉ thị số 43-CT/TW của Bộ Chính trị và các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy Cửu Long, kế hoạch hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Ban cải tạo nông nghiệp Trung ương về việc cải tạo nông nghiệp, Huyện ủy đã tổ chức triển khai quán triệt từ trong nội bộ Đảng đến quần chúng nhân dân, nhằm tạo sự đồng thuận cao với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Huyện ủy đã phân công các đồng chí trong Ban Chấp hành và các đồng chí trưởng đầu ngành trong huyện trực tiếp xuống cơ sở phát động nhân dân hưởng ứng phong trào hợp tác xã. Năm 1978, huyện đã tổ chức được 355 tập đoàn sản xuất, cơ bản hoàn thành việc xây dựng phong trào hợp tác hóa trên địa bàn huyện. Nhưng đến năm 1979, do tình hình biến động chung trong toàn tỉnh Cửu Long, một số tập đoàn tan rã. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác vận động còn nóng vội, trình độ quản lý lỏng lẻo, kém hiệu quả. Mặt khác, vào những năm 1977-1978, thiên tai liên tiếp xảy ra làm cho năng suất giảm sút, việc phân chia sản phẩm lại chưa được công bằng nên đã làm mất lòng tin của nhân dân. Tình hình này dẫn đến năm 1981 huyện chỉ còn 55 tập đoàn ở xã Phước Hưng và ở ấp Xoài Xiêm, xã Ngãi Xuyên.
Trước tình hình đó, Thường trực Huyện ủy mở Hội nghị sơ kết công tác cải tạo nông nghiệp nhằm đánh giá lại những mặt được, những mặt chưa được, tìm ra nguyên nhân và đề ra những giải pháp nhằm củng cố lại phong trào hợp tác hóa trên địa bàn huyện. Căn cứ vào Chỉ thị số 93-CT/TW, Chỉ thị số 100-CT/TW của Ban Bí thư và kế hoạch hướng dẫn của Tỉnh ủy Cửu Long, cùng với việc củng cố tổ chức lại tập đoàn sản xuất nông nghiệp, huyện tiến hành công tác điều chỉnh ruộng đất nhằm xóa bỏ bóc lột và nguồn gốc sinh ra bóc lột trong nội bộ nông dân. Đến tháng 8-1984, với phong trào “nhường cơm, sẻ áo”, huyện đã cơ bản hoàn thành việc điều chỉnh ruộng đất trong nhân dân. Kết quả có 1.837 hộ dư đất với diện tích 1.935,76ha đã được chia cho 4.122 hộ không có đất hoặc thiếu đất sản xuất, trong đó có 111 hộ gia đình liệt sĩ, 52 hộ thương binh, 13 hộ bộ đội phục viên, 39 hộ bộ đội tại ngũ, 82 hộ gia đình có công với cách mạng. Đã có 3.825 hộ nông dân nghèo (trong đó có 3.273 hộ người dân tộc Khmer, chiếm 79,4% tổng số hộ) được điều chỉnh ruộng đất.
Cùng với việc điều chỉnh ruộng đất, Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo củng cố và phát triển phong trào hợp tác hóa nông nghiệp. Kết quả của việc xây dựng Tổ đoàn kết sản xuất, Tập đoàn sản xuất, Hợp tác xã nông nghiệp: Về tổ sản xuất, năm 1980 xây dựng được 274 tổ, năm 1981 xây dựng được 310 tổ, năm 1982 xây dựng được 397 tổ. Về tập đoàn sản xuất, năm 1982 xây dựng được 120 tập đoàn, năm 1984 tăng lên 361 tập đoàn và năm 1985 xây dựng được 545 tập đoàn. Cũng trong thời gian này huyện thành lập thí điểm 4 hợp tác xã nông nghiệp ở 4 tập đoàn sản xuất với diện tích 19.391,32ha, chiếm 99,44% diện tích canh tác; 23.100 hộ nông dân vào tập đoàn sản xuất, chiếm 98% hộ nông nghiệp với 123.235 nhân khẩu. Song song với việc vận động bà con nông dân vào làm ăn tập thể, huyện còn vận động nông dân đưa sức kéo vào làm ăn tập thể bằng hình thức hóa giá và được thanh toán trong thời gian 3 năm. Kết quả, bà con nông dân đã đưa 1.932 con trâu, bò (chiếm 19,3% tổng số trâu, bò) và hầu hết bà con nông dân đưa máy kéo, máy cày, máy xới, máy suốt vào làm ăn tập thể.
Vốn cố định và vốn lưu động của 527 tập đoàn sản xuất và 4 hợp tác xã nông nghiệp là 61 triệu đồng, trong đó vốn cố định 37 triệu đồng. Đến năm 1984, diện tích gieo trồng của huyện là 23.979ha, năng suất bình quân đạt 3,1 tấn/ha, tổng sản lượng 74.334 tấn (so năm 1976 tăng 2,11 lần).
Về cải tạo công thương nghiệp: Hệ thống thương nghiệp xã hội chủ nghĩa tiếp tục được củng cố và xây dựng mới với trên 45 cơ sở buôn bán lẻ, các xã trong huyện đều có hợp tác xã mua bán. Công ty thương nghiệp huyện đã thực hiện chức năng chi phối thị trường các mặt hàng thiết yếu về công nghệ phẩm, điện máy, xăng dầu.
Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong 3 năm (1983-1985), công tác xây dựng cơ bản đã xây dựng được 59 công trình lớn nhỏ với tổng vốn đầu tư trên 60 triệu đồng. Trong đó, có một số công trình đáng chú ý là làm mới 3 cầu và 20km đường giao thông, xây dựng Nhà hát của huyện trên 1.500 chỗ ngồi, xây dựng Đài phát sóng FM của huyện và 8 đài truyền thanh xã, 7 trạm y tế xã, mở rộng bệnh viện huyện, 5 trường phổ thông cơ sở, 4.200m2 nhà làm việc của các cơ quan huyện.
Nhìn chung nhiều chỉ tiêu về kinh tế do Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III đề ra đều đạt và vượt.
Về giáo dục: Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 14/NQ-TW ngày 25-8-1981 của Bộ Chính trị về cải cách giáo dục, đồng thòi được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh cửu Long, Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện Trà Cú tiến hành công tác đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo giáo viên ở từng cấp học, từng bước khắc phục tình trạng thiếu thầy, thiếu trường, học ba ca. Số học sinh phổ thông qua mỗi năm học đều tăng.
Với phương châm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, Phòng Giáo dục huyện chú trọng giáo dục đạo đức “tiên học lễ, hậu học văn” cho học sinh và hướng dẫn kỹ năng sư phạm, cải tiến phương pháp giảng dạy gắn liền với nhiệm vụ chính trị - kinh tế của địa phương cho đội ngũ giáo viên. Trong nhiệm kỳ III, sự nghiệp giáo dục - đào tạo của huyện được phát triển ở tất cả các cấp học, ngành học và khu vực đông đồng bào dân tộc sinh sống.
Về y tế: Việc chăm sóc sức khỏe và điều trị cho nhân dân có nhiều tiến bộ. Đến cuối năm 1985, huyện có 3 bác sĩ và 21 y sĩ. 13 xã trong huyện đều có y sĩ phục vụ. Mạng lưới cửa hàng bán thuốc được củng cố, huyện có Công ty dược, các xã đều có cửa hàng bán thuốc.
Về văn hóa: Phong trào văn hóa - thông tin có bước phát triển tốt, mức hưởng thụ văn hóa được nâng lên. Năm 1982 bình quân 1 người xem 0,5 lượt biểu diễn nghệ thuật, đến năm 1985 tăng lên 1,6 lượt. Các đội, câu lạc bộ văn nghệ ở xã được phát triển và củng cố, hằng năm huyện đều tổ chức liên hoan văn nghệ. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện xây dựng Đội văn nghệ xung kích, bình quân phục vụ 90 xuất/ năm. Liên tục trong 4 năm (từ năm 1981 đến năm 1985), Đội tham gia hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Cửu Long thì có 3 lần đạt giải nhất toàn đoàn, 1 lần đạt giải nhì toàn đoàn. Huyện tổ chức triển lãm thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội sau 10 năm giải phóng, quy tụ được trên 82 gian hàng.
Đài phát sóng FM, Đài truyền thanh huyện luôn xây dựng chương trình mới để phục vụ. Mạng lưới trạm tiếp âm của xã được quan tâm nâng cấp cả cơ sở và thiết bị kỹ thuật.
Trong nhiệm kỳ III, Đảng bộ đã có nhiều cố gắng trong lãnh đạo giải quyết an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Nổi bật là đã vận động trên 1.298 hộ, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer, giãn dân từ nơi ở chật chội ra sinh sống theo tuyến dân cư, cụm dân cư và đất sản xuất. Đối với cán bộ, công nhân viên và lực lượng vũ trang, huyện tạo điều kiện để họ phát triển kinh tế gia đình, ổn định đời sống.
 Nhìn chung, đời sống của nhân dân trong những năm 1983- 1985 được cải thiện rõ rệt, diện thiếu đói được thu hẹp, nhất là đồng bào dân tộc Khmer ở xã Long Hiệp (nay là các xã Long Hiệp, Tân Hiệp, Ngọc Biên). Bình quân thu nhập lương thực từ 314kg/người năm 1976 tăng lên 543kg/người năm 1984.
2. Đảng bộ lãnh đạo nhân dân trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh
Để ngăn chặn, đập tan âm mưu phá hoại của bọn phản động, Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vì thế, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện luôn được ổn định. Song song đó, huyện còn thực hiện tốt các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước như chính sách đối với người có công, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, chính sách ưu đãi đối với vùng sâu, vùng xa... nên đã góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong huyện. Đến cuối năm 1985, tất cả các xã đều có tổ an ninh nhân dân. Đã khám phá nhiều vụ án, chủ động đập tan âm mưu, ý đồ của bọn phản động và ngăn chặn kịp thời các tổ chức vượt biển, vượt biên. Lực lượng dân quân tự vệ chiếm 8% tổng số dân trong huyện. Lực lượng sẵn sàng chiến đấu thường xuyên được củng cố.
Tuy nhiên, do chưa hiểu hết tính chất thâm độc của cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch nên có lúc đã để kẻ thù kích động chiến tranh tâm lý, gây chia rẽ tình đoàn kết ba dân tộc anh em (Kinh - Khmer - Hoa). Chúng lợi dụng để kích động nhân dân không chấp hành chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhất là trong việc cải tạo công thương nghiệp, cải tạo nông nghiệp. Bọn phản động xúi giục, vận động nông dân không vào tập đoàn sản xuất và hợp tác xã, nhen nhóm móc ráp tổ chức vượt biên, vượt biển, lợi dụng những khó khăn về kinh tế của ta để kích động nhân dân.
Trong những năm này, có một sự kiện đã để lại cho Đảng bộ huyện Trà Cú một số bài học kinh nghiệm về công tác dân vận, đó là việc triển khai thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh trong chuyên án KC50. Vụ án có liên quan đến một số cán bộ dân tộc trong tôn giáo và nhân dân. Vụ án KC50 đã gây hoang mang trong đồng bào và sư sãi, làm ảnh hưởng đến lòng tin của đồng bào Khmer. Sau khi Tỉnh ủy Cửu Long có Nghị quyết 06, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các ngành, các cấp, đặc biệt là ngành công an họp công khai trước dân để nhận thiếu sót và đưa ra tòa xét xử một số người. Việc nghiêm túc nhận thiếu sót của ta đã làm cho các đồng chí cán bộ dân tộc trong tôn giáo và nhân dân bị oan thông cảm, tình đoàn kết giữa cán bộ người Kinh và người Khmer ngày càng gắn bó, quần chúng nhân dân càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Trong 3 năm (1983-1985), huyện đã đưa 850 thanh niên lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Công tác tuyển quân hằng năm đều đạt 100% kế hoạch chỉ tiêu trên giao, chất lượng thanh niên nhập ngũ năm sau cao hơn năm trước.
Nhìn chung trong nhiệm kỳ III, phong trào quốc phòng toàn dân và phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc đã được phát động rộng khắp. Ý thức cảnh giác cách mạng của cán bộ và nhân dân được nâng lên.
3. Trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền và đoàn thể
Quán triệt Chỉ thị số 53-CT/TW của Bộ Chính trị về công tác dân vận, nhận thức, tác phong, lề lối làm việc của phần lớn cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được nâng lên. Đặc biệt là tiếp tục thực hiện việc phê bình và tự phê bình trước nhân dân của cán bộ, đảng viên; đồng thời việc giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại của công dân và kiên quyết đấu tranh loại bỏ những phần tử thoái hóa, biến chất, suy thoái đạo đức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đã làm cho vai trò lãnh đạo và uy tín của Đảng bộ ngày càng cao trong nhân dân.
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ III, song song với việc tăng cường xây dựng, củng cố chính quyền và các đoàn thể quần chúng, công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức luôn được Đảng bộ đặt lên hàng đầu vì đây là nhân tố quyết dịnh thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Năm 1982, Đảng bộ đã phát 547 thẻ Đảng cho đảng viên và trong nhiệm kỳ III đã phát triển được 130 đảng viên mới.
Thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về công tác bảo vệ Đảng, Huyện ủy xây dựng quy hoạch cán bộ và bước đầu thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ theo quy hoạch. Hầu hết các cơ sở đảng đều quán triệt sâu sắc Chỉ thị số31-CT/TW và đưa 15 điểm quy định đối với cán bộ, đảng viên vào nội dung sinh hoạt chi bộ.
Trong nhiệm kỳ, Trường Đảng huyện đã tổ chức mở 21 lớp, trong đó có 5 lớp cho đảng viên mới, 12 lớp chính trị phổ thông, 4 lớp cho đoàn thể chính trị và đưa đi đào tạo các trường ở Trung ương, Trường Chính trị tỉnh 77 đồng chí. Công tác quy hoạch cán bộ ở cả 2 cấp huyện và xã đã tạo nguồn, quan tâm phát triển cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc Khmer.
Trong nhiệm kỳ III, Đảng bộ đã tổ chức một số hội nghị bàn về công tác xây dựng Đảng là:
- Từ ngày 06 đến ngày 10-7-1982, Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng để sơ kết công tác xây dựng Đảng và công tác dân vận trong 2 năm 1980-1981. Về dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Muôn, Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy Cửu Long. Hội nghị tập trung thảo luận công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ từ năm 1980 đến năm 1981. Hội nghị nhận thấy công tác xây dựng Đảng và công tác dân vận 2 năm qua đã đi vào trọng tâm, đúng hướng, đạt được kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tô chức.
- Từ ngày 09 đến ngày 14-10-1982, Thường trực Huyện ủy tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện mở rộng để sơ kết kết quả sinh hoạt chính trị dưới sự chủ trì của đồng chí Lâm Phú - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy. Tham dự hội nghị có 83 đại biểu, gồm các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Bí thư xã, Trưởng ngành huyện không là huyện ủy viên. Hội nghị đã tập trung thảo luận về mặt nhận thức, về tư tưởng của Đảng bộ trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 10, Nghị quyết Đại hội IV và Nghị quyết Đại hội V của Đảng.
Ngày 05-12-1983, Thường trực Huyện ủy tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết 03 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 01 ngày 5-12-1983 của Tỉnh ủy Cửu Long “Về toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết quyết tâm đánh bại kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực phản động”. Hội nghị nhận thấy quá trình tổ chức triển khai quán triệt Nghị quyết 03 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy, Huyện ủy Trà Cú đã vận dụng nghị quyết vào tình hình thực tế của huyện, bước đầu đã ổn định được tình hình tư tưởng từ trong nội bộ Đảng đến nhân dân, tập trung chỉ đạo sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tốt chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, chăm lo cho đối tượng nghèo, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến. Đặc biệt cán bộ, đảng viên, công chức Nhà nước đã sâu sát dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, nhất là của đồng bào người Hoa để tuyên truyền giáo dục bà con an tâm chăm lo sản xuất, nâng cao cuộc sống, tiếp tục xây dựng tình đoàn kết truyền thống Kinh - Khmer - Hoa.
Để ngăn ngừa và khắc phục tệ quan liêu, xa rời quần chúng và góp phần xây dựng Đảng, Huyện ủy chỉ đạo các chi bộ, đảng bộ cơ sở phải thực hiện việc tiếp xúc với nhân dân định kỳ mỗi tháng một lần, lấy ngày 23 hằng tháng làm ngày huyện, xã, tổ tự quản ấp tiếp xúc với dân nhằm lắng nghe ý kiến, kịp thời giải quyết những bức xúc của nhân dân.
Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính quyền trong huyện có bước đổi mới: Các cơ quan huyện được sắp xếp tinh gọn, năng động hơn. Công tác quản lý kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Trong nhiệm kỳ, huyện đã luân chuyển và bổ nhiệm mới 13 cán bộ cấp trưởng, phó phòng, 22 chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng ban cấp xã.
Ngày 06-5-1984, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền các cấp, 98,9% cử tri trong huyện đã nô nức tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân huyện và Hội đồng nhân dân xã.
Các kỳ bầu cử Hội đồng nhân dân góp phần nâng cao tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân các dân tộc trong huyện. Đa số đại biểu trúng cử Hội đồng nhân dân 2 cấp đều bảo đảm tiêu chuẩn quy định để đảm đương những nhiệm vụ trọng yếu của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Hoạt động của Hội đồng nhân dân huyện, xã dần dần đi vào nền nếp. Hội đồng nhân dân có kế hoạch và chương trình tiếp xúc cử tri, chất lượng các kỳ họp được nâng lên, qua đó phát huy được vai trò dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Nhìn chung, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã cụ thể hóa nghị quyết của Đảng bộ huyện, của các chi bộ, đảng bộ cơ sở, đề ra nhiệm vụ sát với nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được chú ý. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và quản lý xã hội bằng pháp luật; công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát được tăng cường. Nhờ đó, tinh thần làm chủ tập thể của nhân dân lao động ngày càng tiến bộ.
Công tác xây dựng mặt trận - đoàn thể: Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, mặt trận và các đoàn thể từ huyện đến xã được bố trí những cán bộ có năng lực, có trình độ, biết làm công tác vận động quần chúng và làm tốt chức danh của mình. Trong 3 năm (1983-1985), Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã tiến hành đại hội bảo đảm dân chủ, đoàn kết.
Các đoàn thể chú trọng cải tiến, nâng cao chất lượng và làm phong phú các nội dung hoạt động thông qua các chương trình hoặc dự án cụ thể, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, hướng về cơ sở, mang lại nhiều quyền lợi thiết thực cho hội viên, vì thế đã thu hút đông đảo hội viên tham gia. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... đã phát triển thêm nhiều đoàn viên, hội viên. Các hoạt động của mặt trận và các đoàn thể đều hướng vào việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, tích cực tham gia chương trình xóa đói giảm nghèo, gắn vận động chính trị với chăm lo lợi ích kinh tế, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giữ vững an ninh - quốc phòng, phản ánh kịp thời tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trong huyện với Đảng bộ và chính quyền các cấp.
Tóm lại, do Huyện ủy xác định đúng hướng đi, từ đó đề ra nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ kinh tế, xã hội do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III đề ra. về sản xuất nông nghiệp, năng suất, sản lượng hằng năm đều tăng; đã xây dựng các mô hình lúa - màu, lúa - tôm - dừa, xây dựng cánh đồng lúa cao sản, kết hợp trồng trọt với chăn nuôi, đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình. Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển, nhất là khu vực chế biến hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu được chú ý. Tuy còn mới mẻ và chưa đủ sức phục vụ cho xuất khẩu, nhưng lĩnh vực này đã từng bước tạo thêm ngành nghề, góp phần giải quyết việc làm cho nhân dân trong huyện. Lưu thông phân phối có nhiều cố gắng vươn lên nắm hàng, nắm tiền, mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa được triển khai rộng khắp trên địa bàn huyện.
Những thắng lợi mà Đảng bộ và nhân dân Trà Cú đạt được trong nhiệm kỳ III bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:
Một là: Đảng bộ đã vận dụng đường lối, chủ trương của Đảng một cách phù hợp vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương là một huyện có đông đồng bào dân tộc. Khẩu hiệu “Nói và làm theo nghị quyết của Đảng” được quán triệt từ tổ chức cơ sở đảng đến từng đảng viên, mỗi người đều hành động vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh”. Qua thực tiễn cho thấy, vai trò tiên phong của cấp ủy Đảng là động lực mạnh mẽ thúc đẩy các phong trào cách mạng của quần chúng phát triển mang tính bền vững; Đảng bộ đã biết phát huy tinh thần tự lực tự cường, không trông chờ ỷ lại, “dám nghĩ, dám làm, làm đúng theo Nghị quyết của Đảng”, khắc phục khó khăn, đồng thời biết xây dựng các mô hình hoạt động mang tính hiệu quả cao để nhân rộng thành phong trào cách mạng.
Hai là: Đảng bộ đã phát huy sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, truyền thống lao động cần cù và sáng tạo, động viên các tầng lớp nhân dân trong huyện kiên trì vượt qua khó khăn, gian khổ, không ngừng đóng góp sức người, sức của vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ba là: Có sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự giúp đổ nhiệt tình của các ngành, đoàn thể trong tỉnh Cửu Long, đồng thời có sự hợp tác, liên kết chặt chẽ và có hiệu quả với các huyện trong tỉnh và các địa phương khác.
Bốn là: Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã có nhiều cố gắng cải tiến phương pháp lãnh đạo và lề lối làm việc, xây dựng và thực hiện quy chế trong công tác đảng. Đặc biệt trong nhiệm kỳ, Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, thực hiện nghiêm Điều lệ Đảng và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, nội bộ thống nhất từ trên xuống cơ sở. Cán bộ, đảng viên có sự đoàn kết nhất trí, nêu cao tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình, chống các biểu hiện tiêu cực, xao lãng trong thi hành nhiệm vụ, khắc phục tình trạng mất dân chủ. Điều đáng trân trọng nhất là do sản xuất phát triển nên đời sống nhân dân ổn định và được nâng lên một bước cả vật chất lẫn tinh thần, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, nhân dân phấn khởi lao động sản xuất; huyện cũng thực hiện tốt chính sách đối với người có công, chính sách tôn giáo, chính sách dân tộc, chính sách an sinh xã hội.
Bên cạnh những thắng lợi đạt được, Ban Chấp hành nhận thấy trong nhiệm kỳ III cũng còn một số tồn tại sau:
- Sản xuất tuy có phát triển nhưng còn chậm, nông nghiệp còn độc canh cây lúa, năng suất, sản lượng tuy có tăng nhưng hiệu quả quá thấp do liên tiếp bị mất mùa vì sâu rầy, dịch bệnh, khô hạn. Mặt khác do dân số phát triển nhanh, giá cả biến động mạnh... làm cho đồi sống của nhân dân từng lúc gặp rất nhiều khó khăn. Huyện chưa khai thác hết thế mạnh từ nguồn tài nguyên đất đai và nguồn nhân lực, từ đó bố trí lao động trên địa bàn huyện chưa phù hợp.
- Công tác cải tạo quan hệ sản xuất chưa kết hợp chặt chẽ giữa cải tạo với xây dựng, còn chạy theo số lượng, xem nhẹ chất lượng; việc cải tạo quan hệ sản xuất chưa hợp lòng dân, nhất là khi “cào bằng” đất đai trong nông nghiệp làm cho nhiều cánh đồng bị bỏ hoang (như tuyến từ ấp Bà Tây, xã Tập Sơn đến ấp Bến Chùa, xã Phước Hưng). Mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa được mở rộng nhưng chưa đủ sức vươn lên làm chủ thị trường. Cơ chế quản lý còn nhiều khâu trung gian, phương thức kinh doanh cũng như cung cách làm ăn mới chưa được cải tiến kịp thời.
- Việc tổ chức nâng cao trình độ cho cán bộ chưa được thường xuyên, tình trạng chia bè kéo cánh còn tồn tại ở một vài chi bộ nhưng chưa được xử lý đến nơi, đến chốn.
- Tình hình an ninh trật tự chưa thực sự ổn định. Đôi lúc còn buông lỏng chuyên chính vô sản trong quản lý kinh tế - xã hội, trong đấu tranh về tư tưởng - văn hóa, trong việc chống lại những âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù. Còn hiện tượng vượt biên, vượt biển xảy ra trên địa bàn, nhất là ở các xã ven sông Hậu.
Nguyên nhân của những tồn tại trên là do huyện có xuất phát điểm rất thấp về kinh kế, lại chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh. Sau giải phóng, kinh tế của huyện hầu như là con số không, hệ thống giao thông bị xuống cấp trầm trọng, lưu thông rất khó khăn. Tình trạng đói nghèo là phổ biến, kinh tế nông nghiệp chỉ sản xuất được một vụ lại phụ thuộc vào thời tiết nên năng suất rất thấp. Hệ thống kênh, mương thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không có. Thêm vào đó, do khan hiếm lương thực, thực phẩm và những mặt hàng thiết yếu nên lĩnh vực phân phối lưu thông luôn rối ren, căng thẳng. Cơ chế tập trung quan liêu bao cấp đã tồn tại và được duy trì nhiều năm trong quản lý kinh tế. Tiền tệ - tín dụng - tiền lương mang nặng tính bao cấp.

*
* *


Giai đoạn mười năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975-1985), trong bối cảnh tình hình kinh tế, xã hội của đất nước gặp nhiều khó khăn do hậu quả của chiến tranh để lại, do duy trì quá lâu cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp và sự chống phá quyết liệt của các thế lực phản động và thù địch, nhưng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Tỉnh ủy Cửu Long, Đảng bộ và nhân dân Trà Cú đã từng bước khắc phục và vượt qua khó khăn, kiên trì phấn đấu, đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, giữ vững an ninh - quốc phòng.
Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác trong tỉnh và cả nước, tình hình kinh tế - xã hội của Trà Cú trong giai đoạn này vẫn còn đứng trước nhiều khó khăn, thậm chí có lúc trở nên gay gắt. Tất cả những thành công, khuyết điểm trong giai đoạn này là những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu để Đảng bộ và nhân dân Trà Cú nỗ lực phấn đấu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng trong giai đoạn tiếp theo.
 
Chú thích:
1. Văn kiện Đại hội huyện Đảng bộ Trà Cú lần thứ III, Tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Huyện ủy.
2. Xem: Danh sách Ban Chấp hành Đảng bộ (nhiệm kỳ 1983-1985), trong phần Phụ lục.
3.  Bảo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ huyện khóa III, Tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Huyện ủy.

Tin khác
1 2 3 4 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 37
  • Hôm nay: 406
  • Trong tuần: 4 178
  • Tất cả: 8757613

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn