Người vẽ chân dung Bác đầu tiên
Họa sĩ Phong Ba được biết đến là người vẽ bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu tiên thờ trong Đền thờ Bác. Trong dịp kỷ niệm ngày xây dựng Đền thờ Bác, tôi được gặp họa sĩ Phong Ba và được nghe ông kể về những ngày vẽ chân dung Bác Hồ. Đó là những ngày vô cùng gian khổ nhưng trong gian khổ ấy lại có niềm hạnh phúc pha lẫn tự hào cho cuộc đời cầm cọ của ông vì đã vẽ được bức chân dung Bác gắn liền với lịch sử ngôi Đền.

Họa sĩ Phong Ba, người đầu tiên vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh thờ trong Đền thờ

Tuổi ngoài 80, mắt đã không còn tinh tường, tay cọ đã không còn chuẩn xác nhưng họa sĩ Phong Ba cho biết mình vẫn chưa dừng lại trong cuộc đồng hành cùng với giá vẽ, sơn, mực tàu, giấy, lụa...Đây là niềm đam mê đã gắn liền với ông từ lúc còn rất trẻ.

Trong cuộc trò chuyện, ông cho biết mình tên thật là Liêu Tử Phong, sinh năm 1940 trong gia đình gốc Hoa ở huyện Mõ Cày, tỉnh Bến Tre. Năm 1952, Liêu Tử Phong theo người chị có chồng là chủ tiệm thuốc bắc ở thị xã Trà Vinh sinh sống và học tại trường Minh Trí. Do có năng khiếu vẽ từ nhỏ lại được người thầy ở trường Minh Trí tận tình chỉ dạy và hướng dẫn đi vẽ khắp nơi từ Trà Vinh sang Cần Thơ qua Rạch Giá, Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh)... nên tay nghề Liêu Tử Phong tiến bộ rất nhanh và vẽ rất giỏi. Trong thời gian ở Sài Gòn, với tai nghề của mình, họa sĩ Phong Ba có đời sống sung túc do thu nhập từ việc vẽ tranh. Sau ngày Đồng Khởi nổ ra, Phong Ba, theo tiếng gọi của non sông, họa sĩ Phong Ba về Trà Vinh tham gia cách mạng tại Ban Tuyên huấn tỉnh với vai trò là họa sĩ chuyên vẽ tranh để tuyên truyền. Cuộc đời hoạt động cách mạng của họa sĩ Phong Ba chỉ gắn liền với tay cọ tại Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.

Hơn 50 năm cống hiến cho cách mạng và công cuộc xây dựng đất nước, họa sĩ Phong Ba từng giữ những trọng trách như Trưởng Tiểu ban Văn nghệ của Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh, Phó Ty Văn hóa - Thông tin rồi Phó chủ tịch Hội Văn nghệ Cửu Long. Năm 1977, Phong Ba được kết nạp Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông đã cống hiến gần trọn đời mình cho hội họa Trà Vinh với hàng trăm tác phẩm gồm nhiều đề tài khác nhau. Nhưng với ông, bức chân dung Bác Hồ mà ông vẽ đầu tiên thờ trong Đền thờ Bác vẫn là “bức họa cuộc đời”.

Sau khi thống nhất phương án xây dựng Đền thờ Bác tại ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, Tỉnh ủy giao trách nhiệm cho Ban Tuyên huấn tỉnh cùng Thị xã ủy thống nhất hình thức, nội dung xây dựng Đền sao cho vừa trang nghiêm, vừa phù hợp với văn hóa dân tộc. Trong đó, việc hết sức quan trọng là ai sẽ lãnh trách nhiệm vẽ bức chân dung Bác. Bởi, bức chân dung chính là hiện thân của Bác, là linh hồn của ngôi Đền thế nên phải vẽ thế nào vừa đúng, vừa đẹp, lại có thần sắc để tiếp thêm sức mạnh cho cuộc kháng chiến đang trong hồi khốc liệt. Và không ai khác, họa sĩ Phong Ba là người được chọn để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Nhận nhiệm vụ, họa sĩ Phong Ba (lúc đó là Phó Tiểu ban Văn nghệ của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy) xúc động đến bật khóc. Với ông, được làm việc gì đó về Bác là điều rất đỗi thiêng liêng. Trước đây, ông đã từng vẽ chân dung Bác với thể loại tranh khắc gỗ cho Nhà in kháng chiến (lúc hoạt động ở vùng kháng chiến huyện Duyên Hải) để tuyên truyền cho chiến sĩ và quần chúng nhân dân. Lần này, ông hiểu rằng nhiệm vụ thiêng liêng hơn rất nhiều và vì vậy cũng nặng nề hơn. Nhận nhiệm vụ, họa sĩ Phong Ba cẩn thận chuẩn bị mọi thứ từ bố, sơn, cọ, giá vẽ cho đến bức ảnh Bác làm ảnh mẫu và ông nhanh chóng đến căn cứ Xã ủy Long Đức nằm bên sông Láng Thé. Xã ủy Long Đức bố trí khá cẩn thận, cất căn chòi lá tách biệt, yên tĩnh để ông tập trung vào công việc. Cạnh căn chòi có hầm tránh pháo, hầm bí mật, hầm cất giấu tài liệu, lương thực...Nhưng họa sĩ Phong Ba vẫn băn khoăn “...nếu giặc đánh vào đây thì phải cất giấu chân dung Bác ở đâu cho vừa nghiêm túc lại an toàn ? Tuyệt nhiên không thể đưa chân dung Bác xuống hầm bí mật được. Hay lỡ mình có hy sinh thì các đồng chí còn tìm được chân dung mà rước Bác về thờ cho kịp lúc khánh thành. Trong những ngày đầu tự túc, tranh thủ lúc lớp sơn chưa khô, xuống sông Láng Thé mò cua bắt cá để cải thiện bữa ăn, tôi phát hiện ra nơi lý tưởng để giấu ảnh Bác đề phòng khi bất trắc, đó là một cây bần cheo leo ngoài bờ sông nửa kính nửa hở rất an toàn” - họa sĩ Phong Ba nhớ lại. Ngày đầu, ông chỉ nghiên cứu tài liệu về Bác chứ không thể vẽ được. “...lần nào cũng vậy, khi đọc đến đoạn Điếu văn của đồng chí Lê Duẩn trong lễ truy điệu Bác Hồ là nước mắt tôi lại rơi. Hình ảnh của Bác hiện lên trước mắt, tôi nghe từ trong sâu thẳm cõi lòng, đâu đó từng tiếng nói của Bác. Tôi không tài nào cầm cọ được. Nhưng tôi sực nghĩ, mình ngồi đây khá an toàn còn phía bên kia cánh đồng là ấp Vĩnh Hội, đồng chí đồng bào đang đội bom, đội pháo bất chấp hiểm nguy để xây dựng Đền thờ thì mình không thể...” - họa sĩ Phong Ba xúc động kể. Và rồi, ông hứa với Bác, tự hứa với mình phải vẽ chân dung Bác cho thật đẹp để Người sống mãi với ngôi Đền, sống mãi với nhân dân Long Đức”. Vì vậy trong ngày sau, bình tâm hơn, ông vẽ những đường nét đầu tiên về Bác và cứ thế bức chân dung của Người hiện dần lên. Từng đường nét trên khuôn mặt, chòm râu, vẻ quắc thước ở đôi mắt sáng ngời đầy sức chiến đấu. Chân dung lộ rõ vẻ nguy nghiêm, thật cương nghị nhưng cũng vô cùng đôn hậu như cùng cháu con sẵng sàn vào trận đánh cuối cùng. Người họa sĩ bắt được “cái thần” và vẽ không ngừng tay. Đến ngày thứ sáu thì bức chân dung Bác hoàn thành, ông rất hạnh phúc. Nhưng không nỡ vội lìa xa, ông cố nấn ná thêm như thể muốn níu kéo thời gian để được ở gần bên Bác. Hôm sau, họa sĩ Phong Ba giao lại bức chân dung cho Ban xây dựng Đền thờ và trở về với công việc của mình ở Ban Tuyên huấn tỉnh. “Đêm sau cùng, trong căn chòi vắng lặng, dưới ánh đèn dầu, Bác nhìn tôi, tôi nhìn Bác mà nước mắt rơi lã chã, như một người con không muốn rời xa cha” - họa sĩ Phong Ba xúc động kể.

Ngày khánh thành (26/01/1971), chân dung Bác Hồ được rước long trọng về Đền thờ nhưng do yêu cầu công tác, họa sĩ Phong Ba không có mặt. Hơn tháng sau khi khánh thành, có dịp công tác ngang qua Đền thờ, người họa sĩ mới được gặp lại bức chân dung Bác mà mình đã vẽ. Nhưng giờ đây không phải đặt trong căn chòi lá, dưới ánh đèn dầu leo lét mà được đặt trang trọng trong ngôi Đền, có hoa tươi có nhang thơm nghi ngút khói. Cũng một mình trước di ảnh Bác, nước mắt ông lại rơi, giọt nước mắt ấm nồng vì hạnh phúc. Và đây cũng là lần cuối cùng người họa sĩ nhìn thấy “bức họa cuộc đời” của mình bởi ngày 10 tháng 3 năm 1971, giặc đốt Đền thờ, riêng bức chân dung của Bác thì chúng kiêng về dinh Tỉnh trưởng.

Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do họa sĩ Phong Ba vẽ và được thờ tại Đền thờ năm 1971- (ảnh tư liệu của Bảo tàng tổng hợp Trà Vinh)

Sau ngày ngày giải phóng, họa sĩ Phong Ba cố dò tìm manh mối về bức chân dung lịch sử ấy nhưng không có kết quả. Ông đã nhiều lần vẽ lại nhưng không lần nào ưng ý dù có nhiều điều kiện về thời gian, vật chất (chất liệu vẽ, tài liệu tham khảo, ảnh mẫu) tốt hơn rất nhiều.

Họa sĩ Phong Ba vẽ lại chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 2020

Trong hoàn cảnh chiến tranh vô cùng khắc nghiệt như thế nhưng họa sĩ Phong Ba đã vẽ được bức chân dung Bác như bao người mong đợi và là bức họa ưng ý nhất trong cuộc đời cầm cọ của ông. Cũng phải thôi, bởi lẽ bức chân dung ấy ra đời đúng thời khắc mà lịch sử cần. Lúc ấy có nỗi mất mát quá lớn trước sự ra đi của Bác, có ánh mắt trông chờ của nhân dân Long Đức cần có di ảnh của Người để thờ. Ở đó, còn có tiếng bom rơi, đạn nổ, bao người ngã xuống để Đền thờ được dựng lên...đã thôi thúc trái tim người họa sĩ như ông phải vẽ cho bằng được. Ông đã dồn hết tình cảm, đặt hết tâm huyết của mình qua từng nét cọ để có được bức chân dung của vị lãnh tụ mà cả dân tộc yêu kính. Tôi rất tâm đắc cách gọi của họa sĩ Phong Ba với bức chân dung ấy “Bức họa cuộc đời”.

Nguyễn Văn Chót

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 13
  • Hôm nay: 228
  • Trong tuần: 4 000
  • Tất cả: 8757435

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn