CHƯƠNG I CÁC CHI BỘ ĐẢNG CỘNG SẢN RA ĐỜI, LÃNH ĐẠO PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG BÀO KHMER TỈNH TRÀ VINH (từ năm 1930 đến năm 1945)
I. PHONG TRÀO CÁCH MẠNG TRÀ VINH TRƯỚC VÀ SAU KHI ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM RA ĐỜI ĐẾN NĂM 1939
 1. Một số đặc điểm tình hình tỉnh Trà Vinh trước 1930
 Những năm cuối thập niên 20 của thế kỷ XX, dưới chế độ thuộc địa nửa phong kiến, mâu thuẫn xã hội ở Trà Vinh tiếp tục diễn ra ngày càng gay gắt : giữa một bên là thực dân Pháp xâm lược và bọn phong kiến tay sai; một bên là nông dân, người lao động nghèo khổ, thợ thuyền và những trí thức tiến bộ. Thời gian này trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, địa chủ chỉ có 1% trong tổng số dân, nhưng đã chiếm hữu 80% diện tích đất canh tác, đa số người nông dân không đất sản xuất, phải đi làm thuê, bị bóc lột nặng nề, điển hình như quận Bắc Trang (nay là huyện Trà Cú) dân cư sinh sống đa số là đồng bào Khmer, quận có 30.000 ha đất ruộng, thì trên 27.000 ha nằm trong tay 20 gia đình địa chủ trong và ngoài quận, trong đó có những địa chủ lớn, nắm giữ quyền hành trong bộ máy chính quyền thực dân ở địa phương, chúng có đầy đủ thế lực đàn áp, bóc lột nông dân… Sự đàn áp, khủng bố, bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai làm cho đời sống Nhân dân, nhất là lao động nghèo ngày càng cơ cực, bần cùng hóa về vật chất, bị đè nén về tinh thần…
 Không ngoài quy luật “có áp bức, có đấu tranh” các phong trào yêu nước, chống thực dân phong kiến mang tính chất nông dân và tiểu tư sản của đồng bào các dân tộc tỉnh Trà Vinh liên tiếp diễn ra như cuộc khởi nghĩa của Chau-Vai-Srooc-Kui (1822) ở thị xã Trà Vinh (nay là Thành phố Trà Vinh); cuộc khởi nghĩa của Tê Sa Som ở Lạc Hóa (1841-1842), phản kháng chống lại chế độ, chính sách bóc lộthà khắc của chế độ phong kiến nhà Nguyễn và địa chủ, cường hào. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, phong trào đoàn kết đấu tranh chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp và sự bất lực bù nhìn của triều đình nhà Nguyễn, cùng với phong trào Cần Vương, các sĩ phu yêu nước khởi nghĩa chống Pháp, ở Nam bộ có Trương Định, Phan Tôn,  Phan Liêm, Nguyễn Trung Trực chiêu mộ dân binh, khởi nghĩa chống Pháp. Ở Trà Vinh có Lý Rót (người Khmer), Đề Triệu tập hợp nghĩa quân Kinh - Khmer chống Pháp. Nghĩa quân hoạt động trên một địa bàn rộng từ Ba Động, Cồn Cù (huyện Duyên Hải) đến Cầu Ngang, Tiểu Cần, Trà Cú và một số xã của huyện Càng Long, Vũng Liêm đánh địch bằng nhiều phương thức gây tổn thất cho quân Pháp và tay sai, làm cho địch lúng túng đối phó. Ở Vũng Liêm (trước đây thuộc tỉnh Trà Vinh) phong trào chống Pháp xâm lược do Lê Cẩn, Nguyễn Giao chủ xướng tập hợp đông đảo đồng bào Kinh - Khmer đánh giặc Pháp và tay sai, điển hình là trận đánh địch tại chợ Vũng Liêm, sau đó là  trận đánh phục kích quân Pháp tại Cầu Vông (xã Trung Ngãi), giết chết tên tham biện Salycetty (Tỉnh trưởng) làm quân Pháp lo sợ, tập trung càn quét đánh phá, giết hại hàng trăm đồng bào tại Vũng Linh (huyện Vũng Liêm), Bình Phú (huyện Càng Long). Tuy bị đàn áp khốc liệt, các cuộc đấu tranh khởi nghĩa nêu trên bị thất bại, nhưng phong trào yêu nước, khởi nghĩa của đồng bào Kinh - Khmer Trà Vinh sau đó vẫn tiếp diễn, như cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Xuân Phụng và Đoàn Công Bửu (1874), của Lê Tấn Kế và Trần Bình (1875) ở Ba Động (huyện Duyên Hải)... Nhưng trong xu thế chung của thời kỳ này, do thiếu đường lối cứu nước đúng đắn, các phong trào yêu nước đều bị dập tắt, thực dân Pháp lần lượt đặt chế độ thuộc địa trên khắp Nam kỳ. Đồng bào Kinh - Khmer Trà Vinh cũng như các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam cùng chịu chung số phận của người dân mất nước, một cổ hai tròng, dưới ách kềm kẹp, bóc lột của chế độ phong kiến và chế độ thuộc địa của thực dân Pháp.
 2. Các chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của các dân tộc ở Trà Vinh từ năm 1930-1935
 Trong bối cảnh các phong trào cứu nước đang khủng hoảng về đường lối, vẫn còn những người yêu nước tìm hướng đi cho con đường cứu nước, trong đó có người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh) và người thủy thủ Tôn Đức Thắng. Quá trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc tiếp thu và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, thức tỉnh phong trào yêu nước của Nhân dân ta. Tôn Đức Thắng sau khi về nước, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và sáng lập tổ chức Công Hội đỏ tại Sài Gòn (nay là TP.Hồ Chí Minh), tổ chức cách mạng này nhanh chóng lan tỏa đến các nơi. Đồng chí Dung Văn Phúc (Dương Quang Đông), hội viên Công hội đỏ về Trà Vinh xúc tiến thành lập tổ chức Thanh niên đỏ (còn gọi là Công - Nông đỏ) tại quận Cầu Ngang, sau đó tổ chức Thanh niên đỏ được thành lập ở tỉnh lỵ Trà Vinh, quận Càng Long… Năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc) Nguyễn Ái Quốc lập ra tổ chức Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng Thanh niên, năm 1926, tổ chức này đã có cơ sở trong nước. Năm 1927, tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam kỳ được thành lập. Ở Trà Vinh tháng 3/1927, các tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lần lượt được thành lập, hầu hết hội viên Thanh niên đỏ trở thành hội viên Hội Việt Nam Cách mạngThanh niên. Hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên hoạt động sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, truyền bá tư tưởng cách mạng, gầy dựng cơ sở phát triển hội viên, chuẩn bị cho các bước phát triển mới của cách mạng. Tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở tỉnh Trà Vinh là tiền thân của tổ chức Đảng Cộng sản ở tỉnh Trà Vinh.
 Đầu năm 1930, tại bán đảo Cửu Long (Hương Cảng), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, hội nghị thành lập Đảng được tiến hành và thống nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ Đảng, Đề cương đường lối cách mạng tư sản dân quyến (đến Đại hội II của Đảng gọi là Cách mạng Dân tộc Dân chủ nhân dân) đánh đổ đế quốc, giải phóng dân tộc và xóa bỏ chế độ phong kiến, đem lại ruộng đất cho nông dân, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội (bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa). Trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc. Các văn kiện đầu tiên của Đảng đã nói đến vấn đề quyền bình đẳng, tự quyết của các dân tộc...Trong Nghị quyết về các dân tộc thiểu số, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: "Đảng Cộng sản thừa nhận cho các dân tộc được quyền tự do hoàn toàn. Đảng chống chế độ thuộc địa, chống hết các hình thức trực tiếp đem dân tộc này vào đàn áp, bóc lột dân tộc khác”. Khẩu hiệu của Đảng là: "Xứ Đông Dương hoàn toàn độc lập, thừa nhận quyền dân tộc tự quyết”. Bằng đường lối đúng đắn này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tập hợp xung quanh mình các tầng lớp, giai cấp, các dân tộc anh em trong cộng đồng dân tộc Việt Nam (trong đó có đồng bào Khmer Trà Vinh) trong Mặt trận dân tộc thống nhất chống thực dân, phong kiến.
 Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Xứ ủy Nam kỳ được thành lập, Xứ ủy cử đồng chí Ung Văn Khiêm, đồng chí Dung Văn Phúc (Dương Quang Đông) đến Trà Vinh xúc tiến việc thành lập các chi bộ Cộng sản, đồng chí Ung Văn Khiêm chỉ đạo thành lập chi bộ đầu tiên ở xã An Trường, huyện Càng Long, đồng chí Dương Quang Đông thành lập chi bộ Đảng ở địa bàn huyện Cầu Ngang, tỉnh lỵ Trà Vinh. Sau khi được thành lập, các chi bộ đảng ở Trà Vinh triển khai các hoạt động tuyên truyền vận động quần chúng, rà soát, móc nối các tổ chức, cơ sở cách mạng trên địa bàn nông thôn, bồi dưỡng, phát triển đảng viên, thành lập chi bộ mới, v.v… Cũng như các địa phương trên cả nước, sự ra đời của các chi bộ Đảng Cộng sản ở Trà Vinh vào năm 1930 là mốc lịch sử đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong phong trào đấu tranh chống thực dân  và phong kiến của đồng bào các dân tộc tỉnh Trà Vinh. Từ đây, Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, thông qua các đảng viên lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của các dân tộc Việt Nam phát triển đúng hướng, phù hợp với qui luật phát triển của thời đại, làm nên những thắng lợi vẻ vang ở những chặng đường tiếp sau.
 Trước phong trào yêu nước, đoàn kết đấu tranh ngày càng rộng mạnh của đồng bào các dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thực dân Pháp và tay sai ra sức ngăn chặn phong trào bằng nhiều biện pháp như : khủng bố những người yêu nước, mở chiến dịch tuyên truyền chống chủ nghĩa Mác - Lênin, tăng cường hoạt động mật thám, theo dõi, xét xử, kết tội những đảng viên Cộng sản… Trong tình hình ấy, Tỉnh ủy và những chi bộ Cộng sản ở Trà Vinh đã đề ra ý thức cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, đồng thời dựa vào dân để hoạt động, các chi bộ Đảng ở các huyện được thành lập, cán bộ, đảng viên bám vào dân để hoạt động. Trong phong trào đó có nhiều chư tăng, ngôi chùa trở thành cơ sở vững chắc của cách mạng như Chùa Giác Linh (Chùa Dơi) của người Kinh ở huyện Cầu Ngang, chùa Kompông (Ông Mẹt) của người Khmer ở tỉnh lỵ Trà Vinh và những nhà sư yêu nước như : Sư cả Kim Nhiêu Kem ở chùa Bào Môn (xã Đôn Châu, huyện Trà Cú),Lục Ke, Lục Kụi ở huyện Châu Thành.v..v.. Đặc biệt chùa PISÊSARAM, ấp Nguyệt Lãng A (xã Bình Phú, huyện Càng Long) là điểm hội họp sinh hoạt của các phong trào yêu nước chống Pháp, bảo vệ an toàn cho nhiều cán bộ cách mạng. Tại đây, đồng chí Nguyễn Văn Vàng, hội viên Công hội đỏ huyện Càng Long, tuyên truyền giác ngộ sư cả Thạch Út trụ trì chùa PISÊSARAM. Sư cả Thạch Út trực tiếp giáo dục, vận động phật tử trong khu vực chùa thường xuyên đấu tranh chống thực dân phong kiến, đòi dân sinh, dân chủ. Tại chùa này, có những cơ sở cách mạng tiêu biểu như : Sơn Ngọc Minh, Sơn Huỳnh (Tu Sa Mút) được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam năm 1937, hai đồng chí đã tham gia cách mạng khi còn là giảng viên Phật học tại chùa và tiếp tục tham gia kháng chiến, sau đó trở thành những nhà lãnh đạo cấp cao của nước bạn Campuchia.
Sự ổn định và phát triển của các tổ chức cộng sản ở Trà Vinh đã không ngừng củng cố niềm tin, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân vào các tổ chức cách mạng và dẫn dắt phong trào đấu tranh của đồng bào các dân tộc Trà Vinh phát triển đúng hướng, giành được những kết quả thiết thực.
Nội dung đấu tranh trong thời kỳ này chủ yếu là đòi quyền lợi kinh tế trước mắt kết hợp với những khẩu hiệu đấu tranh chính trị chống đế quốc, phong kiến, bằng những hình thức đấu tranh phong phú như: Tuyên truyền cổ động, míttinh, rãi truyền đơn, lưu hành sách báo cách mạng, treo băng, cờ, khẩu hiệu, tụ họp đấu tố và cảnh cáo địa chủ, quan lại, ngăn chặn sự càn quét, lùng sục của lính làng v.v… Ngày 03 đến ngày 05 tháng 7 năm 1930, nông dân Kinh, Khmer huyện Cầu Kè và thị xã Trà Vinh tổ chức 2 cuộc biểu tình chống Pháp, lực lượng hơn 500 người, trong 2 cuộc biểu tình này, thực dân Pháp đã bắn chết 3 người và làm bị thương một số người khác... Đặc biệt, làcuộc míttinhvà biểu tình ngày 01/8/1930, thu hút gần 4.000 đồng bào Kinh - Khmer - Hoa ở Càng Long và các vùng phụ cận. Thực dân Pháp và tay sai dùng mọi thủ đoạn để khủng bố, đàn áp biểu tình, làm hàng chục người bị thương. Chúng bắt những đồng chí lãnh đạo, dẫn đầu đoàn biểu tình. Cuộc biểu tình sau đó đã giải tán bởi sự tập trung đàn áp của địch. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh đã thể hiện rõ tinh thần đoàn kết đấu tranh dũng cảm, kiên cường của các dân tộc Kinh - Khmer – Hoa ở tỉnh Trà Vinh. Tiếp theo cuộc biểu tình ở quận Càng Long, nhiều cuộc míttinh, biểu tình của đồng bào các dân tộc tiếp tục diễn ra ở các quận Trà Cú, Cầu Ngang, Tiểu Cần, Cầu Kè…
Năm 1931, tại xã Nguyệt Hóa, quận Châu Thành, chi bộ Đảng vận động một cuộc míttinh tuần hành hơn một trăm đồng bào Kinh - Khmer tham gia, đoàn biểu tình dùng băng đỏ, viết khẩu hiệu bằng sơn trắng, nội dung đòi bỏ thuế thân, giảm tô 5%, bỏ tệ công lễ, công lộc…giăng ngang nhà việc của xã, hô to khẩu hiệu rồi giải tán trước khi trời sáng. Hôm sau, địch truy lùng những người lãnh đạo biểu tình, chúng bắt được đồng chí Út Trinh, tra tấn dã man rồi đày đi Bà Rá 3 năm(15).
Sau khi đàn áp và giải tán biểu tình ở Càng Long, kẻ địch tiếp tục dùng bạo lực để khủng bố phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng trong toàn tỉnh, truy lùng bắt đi một số đảng viên Cộng sản và nhiều quần chúng yêu nước. Đồng thời với các hoạt động quân sự, bạo lực, thực dân Pháp còn thi hành nhiều thủ đoạn chính trị nhằm chia rẽ, cô lập những cơ sở cách mạng với tổ chức Cộng sản, chúng đặc biệt chú trọng vấn đề dân tộc. Trong báo cáo ngày 05/8/1930 của Tỉnh trưởng Trà Vinh gởi Thống đốc Nam kỳ có ghi: “trong dịp đi công du ở các làng trong tỉnh Tôi đã ghé thăm nhiều chùa Khmer...Tôi có khuyên các nhà sư dùng uy tín của mình đối với các tín đồ, ngăn chặn họ đi theo những người Cộng sản quấy rối và nói cho các nhà sư hiểu nguy hại của lý thuyết Cộng Sản”. Thực tế cho thấy, âm mưu và hành động của thực dân Pháp đối với vấn đề dân tộc rất thâm độc.
Trong những năm 1932 - 1933, cách mạng ở tỉnh Trà Vinh có những bước thoái trào, các cán bộ đảng viên Cộng sản rút vào hoạt động bí mật với phương châm Đảng gắn bó với dân, dân bảo vệ Đảng, nhờ đó mà cán bộ đảng viên và cơ sở cách mạng ít bị tổn thất trước sự đánh phá quyết liệt của quân thù.
Một trong những sự kiện đáng lưu ý là vào cuối năm 1933, đồng chí Trần Văn Giàu, Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ và một số cán bộ, đảng viên đến Trà Vinh hoạt động, đồng bào Khmer, Kinh trên địa bàn các quận Càng Long, Tiểu Cần…che dấu, bảo vệ an toàn.
Đến đầu năm 1934, hệ thống tổ chức Đảng Cộng sản, các tổ chức cách mạng ở tỉnh Trà Vinh được khôi phục và củng cố, phong trào đấu tranh cách mạng của các dân tộc trong tỉnh có sự chuyển biến mới, cuối năm 1934 và năm 1935, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra ở các quận Càng Long, Cầu Ngang, Cầu Kè, Châu Thành. Nội dung các cuộc đấu tranh trong thời điểm nầy chủ yếu là đòi tăng lương, giảm giờ làm cho thợ thuyền, giảm thuế cho nông dân và người buôn bán nhỏ, bỏ lệ đi làm xâu, chống bắt người vô cớ, chống khủng bố, ủng hộ Liên bang Xô Viết v.v…
3. Phong trào đấu tranh của đồng bào Khmer Trà Vinh thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương 1936 - 1939
         Theo sự chỉ đạo của Trung ương, tháng 8/1936, Tỉnh ủy Trà Vinh thành lập Ủy ban hành động của tỉnh, sau đó lãnh đạo thành lập Ủy ban hành động các quận. Các tổ chức cách mạng của quần chúng từng bước phát triển phù hợp với trình độ hoạt động và nghề nghiệp của người lao động như : Hội vần công, Hội nhà giàng, Hội đá banh, Hội đánh xe ngựa, Hội lân, Hội phụ nữ, Hội thanh niên .v.v… Thông qua đó, Đảng Cộng sản hướng dẫn Nhân dân lao động đấu tranh với địch bằng nhiều hình thức thích hợp, kết hợp đấu tranh hợp pháp với bất hợp pháp giành thắng lợi. Phong trào đấu tranh của các dân tộc trong tỉnh diễn ra sôi nổi vào cuối năm 1936, tiểu biểu là cuộc đấu tranh của hàng trăm nông dân ở xã Hiệp Thạnh cuối tháng 11/1936 và cuộc đấu tranh của 200 đồng bào Khmer ở xã Mỹ Hòa (huyện Cầu Ngang) vào tháng 5 năm 1938, kéo đến dinh quận đòi giảm tô, giảm tức, bỏ thuế thân, v.v… buộc Quận trưởng phải nhượng bộ.
Đến năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, Chính phủ Pháp tuyên bố tham chiến và đặt Đảng Cộng sản Pháp ra ngoài vòng pháp luật. Toàn quyền Đông Dương phát lệnh Tổng động viên và tuyên bố phải đàn áp cách mạng một cách triệt để. Phong trào cách mạng ở trong tỉnh gặp nhiều khó khăn mới, Tỉnh ủy lãnh đạo chuyển hướng hoạt động. Mặt trận Dân chủ được chuyển thành Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế, nhằm tập hợp lực lượng thực hiện nhiệm vụ trước mắt là: giảm tô, giảm tức, tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc và Việt gian chia cho dân nghèo, trong đó có cả người Kinh và Khmer, .v.v…
Như vậy, trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương, Đảng lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc tỉnh Trà Vinh chuyển hướng kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, địa phương và quốc tế. Cơ sở Đảng được giữ vững và không ngừng phát triển làm nòng cốt cho Mặt trận hoạt động, thu hút và tập hợp đông đảo Nhân dân tạo thành đội quân chính trị rộng lớn, tập dượt qua các cuộc đấu tranh với hình thức hợp pháp, bất hợp pháp, giành tự do, dân chủ, v.v… Đó là những bước chuẩn bị quan trọng tiến tới Tổng khởi nghĩa sau này.
Tin khác
1 2 3 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 26
  • Hôm nay: 142
  • Trong tuần: 4 291
  • Tất cả: 8766000

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn