TỔNG LUẬN, NGUYÊN NHÂN VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Cùng chung sống lâu đời trên vùng đất đồng bằng sông Cửu Long, người Khmer, người Hoa và người Kinh đã xây dựng một truyền thống đoàn kết càng ngày càng bền vững. Cùng chung số phận trong các thời kỳ lịch sử, cùng nhau đấu tranh chống lại thiên nhiên khai phá vùng đất hoang vu để biến thành đồng bằng phì nhiêu, cùng đồng cam cộng khổ trong cuộc đấu tranh chống áp bức xã hội, áp bức dân tộc chống giặc ngoại xâm giải phóng dân tộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung, ở tỉnh Trà Vinh nói riêng đã thể hiện tinh thần yêu nước và khả năng cách mạng to lớn của mình. Tinh thần yêu nước và khả năng cách mạng ấy càng được phát huy hơn khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Ngay từ những ngày đầu thực dân Pháp đặt chân xâm lược lên vùng đất đồng bằng sông Cửu Long, người Khmer Trà Vinh đã sát cánh cùng đồng bào người Kinh - Hoa tổ chức các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp như: Cuộc khởi nghĩa của Lý Rót (người Khmer), Đề Triệu, của Nguyễn Xuân Phụng và Đoàn Công Bửu (1874), Lê Tấn Kế, Trần Bình (1875)…Nhưng trong xu thế chung của thời kỳ này, các phong trào lần lượt bị dập tắt và thực dân Pháp bắt đầu áp đặt chế độ thuộc địa. Người Khmer cũng như các dân tộc khác phải chịu chung thân phận của người dân mất nước, một cổ hai tròng.
Ngày 03 tháng 02 năm 1930, Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời lãnh đạo cuộc cách mạng trên cả nước, các Chi bộ Đảng đầu tiên ở Trà Vinh được thành lập tại xã An Trường (huyện Càng Long), xã Mỹ Long (huyện Cầu Ngang) và tỉnh lỵ Trà Vinh. Từ đó, phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào Khmer Trà Vinh có bước chuyển biến mới. Bằng đường lối đúng đắn của Đảng là: “Đoàn kết các dân tộc trên nguyên tắc bình đẳng, tương trợ để tranh thủ độc lập, tự do và hạnh phúc chung” và dưới sự lãnh đạo của các Chi bộ Đảng, đồng bào Khmer đã cùng đồng bào Kinh - Hoa tham gia các cuộc đấu tranh của nông dân và các tầng lớp bị áp bức khác đòi bỏ sưu, hoãn thuế, giảm tô tức…trong các cao trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939, trong khởi nghĩa Nam kỳ (1940) mà đỉnh cao là cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các tổ chức Đảng đã huy động được đông đảo lực lượng quần chúng Kinh - Khmer - Hoa, trong đó có đồng bào Khmer trực tiếp tham gia vào cuộc Tổng khởi nghĩa và giành thắng lợi vào ngày 25/8/1945 trên địa bàn tỉnh. Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền mới được thành lập, nhiều trí thức Khmer được Mặt trận Việt Minh đề cử giữ các chức vụ quan trọng như Lâm Phái, Maha Sơn Thông...
Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ II và tái chiếm Trà Vinh, theo lời kêu gọi của Ủy ban Hành chính Kháng chiến tỉnh và lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào, chư tăng Khmer đã hăng hái tham gia kháng chiến và ủng hộ kháng chiến ngày càng đông, các đơn vị liên quân Kinh - Khmer được thành lập, nhiều chùa Khmer là nơi nuôi chứa, bảo vệ cán bộ, bộ đội, ngay cả một số đồn bót của lính người Khmer cũng có những hành động giúp đỡ cán bộ cách mạng khi địch mở những cuộc càn quét lớn. Chính những hành động cách mạng đó, đồng bào Khmer đã cùng đồng bào Kinh - Hoa và lực lượng vũ trang tỉnh nhà đã lập nên những chiến công lẫy lừng như La Bang, Ô Đùng, chiến dịch Cầu Kè, chiến dịch Cầu Ngang, chiến dịch Trà Vinh…góp phần vào thắng lợi chung của nhân dân cả nước, buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định Giơ-ne-vơ. Trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, nhiều cán bộ, chiến sĩ, đảng viên là người Khmer đã lập nên nhiều chiến công xuất sắc, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh, để lại những tấm gương trung kiên với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân như Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Sơn Ton, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Thạch Ngọc Biên;….
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đế quốc Mỹ thay chân thực dân Pháp xâm lược miền Nam Việt Nam. Đồng bào Khmer Trà Vinh cùng đồng bào Kinh - Hoa bước vào cuộc kháng chiến mới gian khổ hơn, ác liệt hơn, do phải đương đầu với một kẻ thù có tiềm năng kinh tế, quân sự hơn ta gấp nhiều lần, đồng thời có những âm mưu, thủ đoạn thâm độc hơn, xảo quyệt hơn, nhất là trong việc gây chia rẽ dân tộc, tôn giáo, nhằm làm suy yếu lực lượng cách mạng. Nhưng ở trong giai đoạn này, phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào Khmer Trà Vinh dưới sự lãnh đạo của Đảng đã không ngừng phát triển theo diễn biến chung của phong trào cách mạng miền Nam. Trong 6 năm đấu tranh chính trị, đồng bào Khmer đã sát cánh cùng với đồng bào Kinh, tham gia nhiều cuộc đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, chống địch khủng bố, trả thù những người tham gia kháng chiến chống Pháp. Mặc dù địch ra sức đàn áp, khủng bố, nhưng các cuộc đấu tranh không bị dập tắt mà ngày càng phát triển, có cuộc đấu tranh chính trị tập hợp hàng chục nghìn đồng bào, sư sãi tham gia, điển hình như cuộc đấu tranh trực diện tại Dinh tỉnh trưởng đòi thả Achar Lui Sarat năm 1960.
Sau khi có Nghị quyết Trung ương 15 (cuối năm 1959), phong trào đấu tranh có bước chuyển biến mới, cùng với đấu tranh chính trị, đồng bào, chư tăng Khmer đã tích cực tham gia đấu tranh vũ trang, nổi dậy cướp chính quyền, đặc biệt là trong phong trào Đồng khởi 14/9/1960, nhiều phum sóc, ấp, xã có đông đồng bào Khmer được giải phóng, đồng bào Khmer tích cực xây dựng xã chiến đấu và lập đội du kích tại chỗ để bảo vệ thành quả cách mạng, nhiều chư tăng tạm gát việc tu hành, gởi lại áo cà sa để tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng và lực lượng vũ trang như: Hòa thượng Sơn Vọng, Hòa thượng Thạch Som, Achar Lui Sarat …
Trong suốt 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai bán nước, đồng bào, chư tăng Khmer Trà Vinh tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết Kinh - Khmer - Hoa, tạo nên nhiều chiến công trên cả 3 mũi chính trị, binh vận và quân sự. Nhiều cuộc đấu tranh chính trị của đồng bào chống gom dân lập ấp chiến lược, chống bắt thanh niên, sư sãi đi lính, chống càn quét, bắn phá chùa chiền, giết hại đồng bào, chư tăng, có những cuộc đấu tranh chính trị tập hợp hàng ngàn đồng bào, chư tăng tham gia như: Cuộc đấu tranh của hơn 20.000 người vào ngày 20/9/1960, hỗ trợ cho phong trào Đồng khởi; cuộc đấu tranh của hơn 10.000 đồng bào, chư tăng huyện Trà Cú phản đối hành động dã man của kẻ thù ném bom làm hư hại chùa Mé Láng và làm đồng bào bị thương 26 người, chết 16 người, một số chư tăng bị thương nặng; năm 1974, trong buổi lễ dâng bông tại chùa Mới (thị xã Trà Vinh), trên 10.000 chư tăng và đồng bào phật tử tham gia mittinh tố cáo địch vi phạm Hiệp định Paris và đòi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức; cuộc biểu tình có khoảng 12.000 người tham gia (vào ngày 20-21/2/1975) tại chùa Koh Sla, tố cáo kẻ địch đã đàn áp dã man, giết chết hai Tỳ khưu Dương Sóc và Kim Sum tại chùa Char (Sóc Chà)…
Trên mặt trận binh vận, đồng bào, chư tăng cũng góp phần lập được nhiều thành tích như: Qua công tác binh vận, năm 1963, Đại úy ngụy quân Thạch Phan cùng cả đại đội bảo an phản chiến rã ngũ ở ấp Bà Thể (xã Bình Phú, huyện Càng Long); Một trung đội ngụy quân, hầu hết là người Khmer tại Bắc Cro Ma (xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè) mang toàn bộ vũ khí về với cách mạng; ở huyện Châu Thành, năm 1968, bà Năm Xây (Thạch Thị Siêng) đã cùng với đồng bào, chư tăng vận động binh sĩ Khmer của 10 đồn bót địch rã ngũ, tịch thu toàn bộ vũ khí.
Trên mặt trận quân sự, nhiều chiến công của quân dân ta, có sự đóng góp trực tiếp thông qua vai trò của các cán bộ, chiến sĩ là người dân tộc Khmer trong các đơn vị bộ đội, du kích. Tiêu biểu như thành tích trong chiến đấu của đội du kích xã Lương Hòa (huyện Châu Thành) phần đông là nữ người Khmer, của anh hùng lực lượng vũ trang Kiên Thị Nhẫn, Thạch Thị Thanh; của Anh hùng lực lượng vũ trang Lâm Sắt… đồng bào và chư tăng Khmer còn gián tiếp đóng góp vào các chiến công trên mặt trận quân sự thông qua việc nắm tình hình, cung cấp tin tức, che dấu và tạo điều kiện cho các đơn vị bộ đội, du kích ém quân trong các chùa, trong phum sóc, trong nhà của đồng bào, hoặc giúp đỡ về mặt hậu cần, tiếp lương tải đạn, nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh… Từ đó, đồng bào Khmer đã cùng quân dân trong tỉnh đã lập nên những chiến công vang dội như cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; chiến dịch mùa khô năm 1972, nhiều vùng có đông đồng bào Khmer được giải phóng thành tuyến liên hoàn và đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1975, giải phóng thị xã Trà Vinh vào lúc 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ thắng lợi vẻ vang, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi, cùng với đồng bào cả tỉnh và cả nước, đồng bào Khmer Trà Vinh bước vào một cuộc cách mạng mới - cách mạng xã hội chủ nghĩa - với những khó khăn chồng chất do chế độ thực dân, đế quốc để lại. Bọn thực dân, đế quốc tuy đã bị đánh đuổi, nhưng hậu quả của cuộc chiến tranh còn nặng nề; thủ phạm của chính sách chia rẽ và áp bức dân tộc đã bị tiêu diệt, nhưng tàn dư của tư tưởng kỳ thị, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi chưa phải đã lui hẳn vào quá khứ. Thực hiện kế hoạch hậu chiến của Mỹ, bọn phản động và các thế lực thù địch dưới những chiêu bài khác nhau đã tìm mọi cách tuyên truyền xuyên tạc, kích động chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta, điển hình như cuộc bạo loạn tháng 11 năm 1976; kích động gây nên cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Những năm gần đây, là hoạt động của các Hội nhóm Khmer phản động từ bên ngoài, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, chúng tập trung tuyên truyền xuyên tạc về lịch sử vùng đất Nam Bộ của Việt Nam, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kích động, lôi kéo đồng bào sang Campuchia dự lễ kỷ niệm ngày mất đất 4/6…Ngoài ra, đồng bào Khmer đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nền sản xuất nhỏ lạc hậu, kết cấu hạ tầng trong vùng có đông đồng bào Khmer còn thấp kém, đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp.
Vượt qua bao khó khăn ấy, 35 năm sau ngày tỉnh nhà hoàn toàn giải phóng (1975 - 2010), được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các chủ trương, chính sách đúng đắn đối với đồng bào Khmer như Chỉ thị số 117/CT-TW ngày 29/9/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa V) “Về công tác ở vùng đồng bào Khmer trong những năm trước mắt”; Chỉ thị số 68-CT/TW, ngày 18/4/1991 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) “Về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer”, các chương trình dự án của Chính phủ như: Chương trình 134, Chương trình 135, Quyết định số 74, Quyết định số 167, Quyết định số 289, Quyết định số 112 … về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; chính sách về giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe, chính sách nhà ở, đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt, chính sách trợ giá; chính sách hỗ trợ hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn...Những chủ trương, chính sách trên được Tỉnh ủy Trà Vinh cụ thể hóa bằng các nghị quyết và chương trình hành động cụ thể như: Nghị quyết số 01-NQ/TU (của Tỉnh ủy Khóa V) và Nghị số 06-NQ/TU (Tỉnh ủy Khóa VII)“về phát triển toàn diện vùng có đông đồng bào Khmer”; Đề án số 01 của Tỉnh ủy “về hỗ trợ nhà ở cho hộ cực nghèo đang gặp khó khăn về nhà ở”… đã tạo điều kiện cho đồng bào tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, cần cù lao động, sáng tạo giành nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị.


Tin khác
1 2 3 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 272
  • Trong tuần: 3 916
  • Tất cả: 8758563

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn