Phụ lục II: Các cá nhân và đơn vị anh hùng tỉnh Trà Vinh là người dân tộc Khmer

 1. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Thạch Ngọc Biên
 Ông Thạch Ngọc Biên sinh năm 1917, quê quán xã Long Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, tham gia cách mạng tháng 02 năm 1944, vào Đảng ngày 18/6/1949.
 Năm 1944, ông Thạch Ngọc Biên tham gia cách mạng. Chỉ trong 1 năm công tác, ông đã lập được nhiều thành tích trong công tác tuyên truyền và vận động quần chúng. Đến năm 1945, ông được phân công làm  Phó trưởng Ban chỉ huy khởi nghĩa của xã. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được phân công làm Phó Chủ tịch Ủy ban hành chánh kháng chiến xã Long Hiệp và đến năm 1950 là Chủ tịch Ủy ban Hành chánh kháng chiến xã. Dưới sự lãnh đạo của ông Thạch Ngọc Biên, phong trào quần chúng ngày càng phát triển. Nhằm uy hiếp để ông ra hàng, kẻ địch dùng nhiều âm mưu thủ đọan thâm độc như bắt vợ ông là bà Lâm Thị Lợi và dùng mọi cực hình tra tấn dã man để chỉ nơi ở của chồng, nhưng bà vẫn kiên trung không khai báo và bị chúng mổ bụng đến chết. Mất mát đau thương, càng nung nấu ý chí căm thù giặc, biến đau thương thành sức mạnh, ông Thạch Ngọc Biên càng dốc tâm, dốc sức cho nhiệm vụ cách mạng.
  Tháng 4 năm 1953, ông bị địch bắt, mặc dù bị nhiều đòn tra tấn dã man của kẻ thù, ông vẫn kiên trung không khai báo. Sáng ngày 26/4/1953 địch đưa ông đi hành quyết, chúng treo ông lên cây, đâm lưỡi lê vào người, đóng đinh vào đầu cực kỳ dã man, nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản.
 Ông Thạch Ngọc Biên hy sinh ngày 26/4/1953, trước sự chứng kiến và thương xót của đông đảo đồng bào và các chư tăng Kmer. Sự dũng cảm, kiên cường, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của ông Thạch Ngọc Biên đã củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự tất thắng của sự nghiệp giải phóng dân tộc.
  Năm 2008, ông Thạch Ngọc Biên được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
 2. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Sơn Ton
 Ông Sơn Ton sinh năm 1930, quê quán xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú. Lên 5 tuổi, gia đình chuyển về Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng).
Năm 1949, ông tham gia cách mạng, vừa làm nhiệm vụ canh gác, rào đường ngăn cản địch vừa làm liên lạc. Đến tháng 02 năm 1949, ông thoát ly gia đình tham gia du kích xã. Vào tháng 3 năm 1949, tại xã đang diễn ra hội nghị, có cán bộ tỉnh về dự, bất ngờ bị địch đổ quân bao vây, ông Sơn Ton đã cùng với 1 tổ du kích dũng cảm chiến đấu cầm cự với quân địch suốt nhiều giờ để cán bộ dự hội nghị rút đi an toàn. Cuối năm 1952, giặc đưa 1 đại đội, có tên chỉ huy người Pháp càn quy mô vào xã An Thạnh Nhì, ông bố trí một tiểu đội du kích sẵn sàng chiến đấu, trong trận này ta tiêu diệt được hàng chục tên, thu nhiều vũ khí.Với những thành tích đáng ghi nhận đó, Nhân dân khắp Cù Lao Dung thuộc các xã của huyện Long Phú phấn khởi tin tưởng vào sự chỉ huy của ông. Thời gian này, ông kết hợp với các xã, huyện lỵ xây dựng lại các đơn vị du kích, thường xuyên tập luyện sẵn sàng đánh giặc và đã lập được nhiều chiến công xuất sắc. Những chiến công của du kích, dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của ông Sơn Ton đã đi vào thơ ca, như bài ca "Du kích Long Phú" của nhạc sĩ Quốc Hương.
 Tháng 01 năm 1953, ông được điều về công tác ở đơn vị địa phương quân huyện, ông tiếp tục công tác binh địch vận, tổ chức được nhiều binh lính trong đồn bót địch, chỉ trong vòng 2 năm, ông tổ chức được 3 đồn ở Ngang Rô, Lịch Hội Thượng với hơn 30 tên địch ra hàng, giao nộp cho cách mạng hơn 20 súng và nhiều quân trang, quân dụng. Năm 1954, ta mở chiến dịch tiến sâu vào vùng tạm chiếm. Ông Sơn Ton dẫn đầu tổ vũ trang tuyên truyền vào tuyên truyền xây dựng cơ sở ở các xã. Đến phum, sóc nào ông cũng gương mẫu đi đầu để tuyên truyền giác ngộ đồng bào, và làm công tác binh vận. Qua 7 tháng hoạt động, Tổ vũ trang tuyên truyền đã diệt 67 tên địch, bắt sống gần 100 tên, thu 43 súng, vận động được nhiều binh sĩ địch quay về với nhân dân.
 Cuối năm 1953, ông được chọn đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua tỉnh Sóc Trăng và Đại hội chiến sĩ thi đua Quân khu. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ (7/1954), đồng chí được chọn đi tập kết ra miền Bắc, ở sư đoàn 338.
 Năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thành công, ông về Nam và tiếp tục phục vụ quân đội ở Quân khu 9 và làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn ở Campuchia. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông về công tác tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hậu Giang (bao gồm thành phố Cần Thơ và 2 tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang ngày nay) cho đến ngày về hưu.
 Với những thành tích vẻ vang trong công tác và chiến đấu, ông Sơn Ton được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì; Huân chương Quân công hạng nhất, nhì, ba và 12 lần được huyện, tỉnh, quân khu khen. Ngày 31/8/1955, ông được Chủ tịch nước nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân  khi ông mới 25 tuổi.
 3. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lâm Sắc 
Ông Lâm Sắc (bí danh là Hai Dựng), sinh năm 1919, quê xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, tham gia cách mạng vào tháng 8/1945, làm cơ sở mật, du kích mật, sau đó được phân công nhiệm vụ Trưởng Ban cán sự ấp Mé Láng, cán bộ nông hội xã Đại An, huyện Trà Cú. Ngày 08/02/1965, ông được kết nạp vào Đảng.
 Ngày 20/7/1956, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ là ngày Tổng tuyển cử Hiệp thương thống nhất đất nước, nhưng chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm không tôn trọng Hiệp định, lại còn thẳng tay đàn áp nhân dân. Được sự lãnh đạo của Huyện ủy Trà Cú, ông cùng cấp ủy vận động nhân dân tổ chức cuộc mittinh tại chợ Trà Kha, có tác động chính trị lớn. Từ năm 1961 đến năm 1965, qua nhiều cương vị công tác, ông lập được nhiều thành tích, đặc biệt là sau sự kiện địch ném bom 2 lần làm chính điện chùa Mé Láng đổ nát, nhà của nhân dân xung quanh chùa bị hư hại, nhiều người chết và bị thương, trong đó có trẻ em và chư tăng. Ông cùng cán bộ xã vận động trên 1.000 người cùng chư tăng 41 chùa trong huyện mang theo xác người chết, bị thương đến tề xã đấu tranh tố cáo tội ác Mỹ ngụy và đòi bồi thường. Tiếp theo, kéo đến dinh quận Trà Cú tiếp tục đấu tranh. Trước khí thế đấu tranh của quần chúng, quận trưởng Trà Cú và tỉnh trưởng Vĩnh Bình phải đứng ra trực tiếp giải quyết yêu sách của đoàn biểu tình.
 Năm 1965, ông được điều động về công tác tại đơn vị 517 pháo binh Trà Vinh, Sau đó, được điều động về công tác tại tiểu đoàn 804, trung đoàn 808, Cục Hậu cần Quân khu 9, với chức vụ Đội trưởng của tàu không số, có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí bằng đường sông và đường biển ở miền Đông về miền Tây Nam bộ. Qua 7 năm thực hiện nhiệm vụ nặng nề, khó khăn và nguy hiểm nhưng bằng lòng quả cảm, tính thông minh, sáng tạo, ông đã chỉ huy đơn vị vận chuyển được hàng nghìn tấn vũ khí, quân trang, quân dụng phục vụ chiến trường Tây Nam bộ. Riêng ông trực tiếp vận chuyển được 355 tấn.
 Từ 1964-1979, ông được phân công nhiều nhiệm vụ, bất cứ trên cương vị công tác nào, ông đều phấn đấu vượt qua và lập được nhiều thành tích. Với những thành tích đó, ông được đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn Binh chủng, Quân khu 9, Bộ Quốc phòng, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng:
 + 01 Huân chương Kháng chiến hạng nhất; 01 Huân chương Quân công hạng ba; 01 Huân chương Chiến công hạng ba; 03 Huân chương chiến sĩ Giải phóng hạng nhất, nhì, ba; 03 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba;
 + Ba lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Quân khu.
 + Ngày 15/01/1976, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
 + Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.
  Năm 1979, ông nghỉ hưu, sinh sống ở xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Ông là đại biểu HĐND tỉnh Cửu Long khóa II (1980 - 1985), đại biểu Quốc hội khóa IX (1990 -1995). Ông Lâm Sắc từ trần vào ngày 19/02/2008.
 4. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Kiên Thị Nhẫn
 Anh hùng Kiên Thị Nhẫn sinh năm 1950, quê xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.
 Kiên Thị Nhẫn chiến đấu và chỉ huy đội du kích đánh giặc bảo vệ xã từ năm 1965 đến năm 1971. Có những lúc, một mình một trận địa, bà vẫn bền gan đánh địch. Bà Kiên Thị Nhẫn là người chỉ huy mưu trí, linh hoạt, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Bà đã cùng đơn vị diệt hơn 100 tên địch, thu và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh. Riêng bà Kiên Thị Nhẫn diệt 26 tên (có 3 sĩ quan), thu 16 súng. Tháng 4 năm 1969, bà cùng 01 tổ du kích táo bạo tiến công bót địch đóng trong xã giữa ban ngày. Chỉ trong 5 phút, trận đánh kết thúc thắng lợi, làm cho địch hoang mang, giảm bớt sự hung hăng, khủng bố, đàn áp của chúng đối với nhân dân địa phương. Đầu năm 1970, bà đang cùng tổ du kích cáng thương binh phục vụ bộ đội chiến đấu thì gặp 01 đại đội địch. Ngay phút đầu, 3 chiến sĩ trong tổ du kích bị thương, còn một mình nhưng bà không sờn chí, quyết tâm đánh địch để bảo vệ thương binh. Khi dùng tiểu liên, lúc ném lựu đạn, bà đã đẩy lùi 3 đợt phản kích của giặc, diệt và làm bị thương nhiều tên, buộc chúng phải lui ra, củng cố lại đội ngũ. Lợi dụng lúc đó, chị lần lượt đưa thương binh ra khỏi khu vực trận địa được an toàn. Tháng 7 năm 1971, trên đường dự Đại hội Anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn Miền, Kiên Thị Nhẫn bị trúng đạn pháo kích của địch bắn chặn và hy sinh.
 Bà Kiên Thị Nhẫn được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất; Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, nhiều danh hiệu chiến sĩ thi đua và Dũng sĩ các loại.
 Ngày 06/11//1978, bà Kiên Thị Nhẫn được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
 5. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Thạch Thị Thanh
Bà Thạch Thị Thanh (thường được gọi là má Ba Thanh), sinh năm 1910, tại ấp Rùm Sóc, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
Tham gia các mạng năm 1954, được phân công công tác công khai, du kích mật xây dựng lực lượng trong vùng tạm chiếm, bà vừa đi tuyên truyền vận động bà con tham gia nuôi giấu cách mạng. Sau Đồng khởi năm 1960, các lực lượng vũ trang cách mạng hình thành và hoạt động mạnh mẽ. Năm 1961, bà Thạch Thị Thanh được Chi bộ kết nạp vào Đảng. Cũng trong năm này, địch cho lập ấp chiến lược Ô Mịch, nhưng chẳng bao lâu, du kích 3 xã: Châu Điền, Phong Thạnh, Thông Hòa kết hợp nhau đột kích vào tề xã, phá ấp chiến lược. Đầu năm 1962, địch tái lập ấp chiến lược Ô Mịch, bà cùng đội du kích xã và sự hỗ trợ của địa phương quân huyện đánh phá vỡ ấp chiến lược lần thứ 2, tiêu diệt 10 tên địch, thu 15 súng, 12 lựu đạn.
Để bảo vệ chi khu, địch đưa một đại đội lính bảo an đến chiếm chùa Ô Mịch làm đồn trấn thủ và tái lập ấp chiến lược. Ý đồ của chúng là dựa vào nhà chùa có kiến trúc kiên cố và là nơi tín ngưỡng của tín đồ Phật giáo để cách mạng không thể dùng vũ lực để tấn công. Được sự chỉ đạo của Chi bộ, bà đã vận động đồng bào và chư tăng đấu tranh phản đối, mặc dù cuộc đấu tranh bị đàn áp dã man, nhưng bà không chùn bước, tiếp tục vận động bà con kéo lên tỉnh lỵ Trà Vinh để đấu tranh. Trước sự ngoan cố của kẻ thù không chịu rút khỏi chùa, bà đã đề xuất phương án vào ngày lễ Sene Đôlta, vận động bà con đến chùa đấu tranh yêu cầu địch rút ra khỏi chùa để bà con và chư tăng làm lễ, nếu bọn chúng không chấp thuận thì sẽ rước tượng Phật đưa ra khỏi chùa, phương án được Huyện ủy chấp thuận và thực hiện giành thắng lợi. Cũng trong năm 1962, trong một đêm hành quân từ Ô Tưng về Ô Mịch, đội du kích xã lọt vào vòng phục kích của địch, được tin, đồng chí nhanh trí cùng bà con trong ấp nổi trống, mõ, đốt đuốc sáng rực và hô xung phong. Bọn địch hốt hoảng, ngỡ bị bao vây, nên vội vã rút chạy, đội du kích được an toàn.
Năm 1962, bà Thạch Thị Thanh được cử đi dự Đại hội Phụ nữ tỉnh, được bầu là chiến sĩ thi đua toàn tỉnh và được cử đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn miền Nam. Năm 1965, bà được cử đi báo cáo điển hình tại Đại hội chiến sĩ thi đua khu Tây Nam bộ, là đại biểu dự Đại hội Phụ nữ Khu và miền Nam. Sau khi dự đại hội trở về bà đã tham gia nhiều mặt công tác như: Xây dựng cơ sở mật, làm binh vận, nắm tình hình địch phục vụ cho nhiều trận đánh giành thắng lợi.
 Ngày 16/4/1973, trong một trận giải tỏa đồn Rùm Sóc bị ta bao vây, địch dùng máy bay ném bom bắn phá vành đai hai con sông Ô Mịch và Rùm Sóc để đổ quân, bà dùng ghe đưa bộ đội qua sông. Máy bay địch phát hiện bắn bà bị thương và hy sinh. Bà Thạch Thị Thanh được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 05/12/2007.
 6. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Thạch Thị Phinh
 Anh hùng Thạch Thị Phinh, sinh năm 1932, quê quán ấp Thốt Nốt, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
 Năm 1946, bà tham gia lực lượng vũ trang Is Sah Rah và tham gia trận công đồn La Bang năm 1947. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, ký kết, với luật 10/59, chính quyền Ngô Đình Diệm lê máy chém khắp nơi để uy hiếp những người kháng chiến cũ. Trong thời kỳ khó khăn này, bà Thạch Thị Phinh đã làm hầm bí mật trong nhà để nuôi chứa, bảo vệ cán bộ. Trong nhà bà lúc nào cũng có từ hai đến ba cán bộ bám trụ, hoạt động như các ông Lâm Nhung, huyện ủy viên (Bí thư xã Ngũ Lạc), ông Thạch Sane (Thường vụ Đảng ủy xã ); ông Dương Chí Hòa (Bảy Biến); Thạch Tưa (Ba Tưa)…là cán bộ huyện, tỉnh đến bám trụ công tác tại địa bàn xã Ngũ Lạc.
 Tháng 8/1962, do có bọn gián điệp chỉ điểm, khoảng 4 giờ sáng, một trung đội dân vệ do tên xã trưởng trực tiếp chỉ huy bí mật bao vây xóm nhà bà Thạch Thị Phinh. Bọn địch phát hiện nhà bà Thạch Thị Sân cách nhà bà Thạch Thị Phinh khoảng 150 mét có cán bộ cách mạng đang ẩn náu, chúng kêu cửa xét nhà, ông Thạch Sane xông ra đâm chết 1 tên địch và chạy thoát ra ngoài, bọn địch bắn theo làm ông bị thương, ông Thạch Sane cố chạy đến nhà bà Thạch Thị Phinh và được bà đưa vào nhà ẩn nấp trong vách đôi cùng với ông Lâm Nhung. Bọn địch truy đuổi  đến nhà bà Phinh thì mất dấu, nghi ngờ bà Phinh che dấu cán bộ chúng bắt bà trói vào gốc cây trước nhà và dùng nhiều đòn tra tấn dã man như bẻ gảy chân và cắt cổ bà nhưng bà vẫn không khai báo. Chúng bèn gom dân trong ấp lại và khống chế buộc bà con dỡ nhà. Khi dỡ đến gần vách đôi, nghe có tiếng nói nhỏ “bà con mau tránh ra”, bà con liền dãn ra, bọn địch hung hăng tràn vào, lúc này ông Thạch Sane và Lâm Nhung đạp vách nhảy ra tung lựu đạn cùng lúc, bọn địch chết một, bị thương sáu. Ông Thạch Sane và Lâm Nhung hy sinh.
 Trước cái chết của đồng bọn, bọn địch càng khát máu, tiếp tục tra tấn bà Thạch Thị Phinh đến chết và quăng xác bà vào nhà và châm lửa đốt.
 Bà Thạch Thị Phinh, người phụ nữ trung kiên, bất khuất đã dũng cảm hy sinh ở độ tuổi 30, trong niềm tiếc thương vô hạn của bà con phum sóc. Bà được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/2000.
7. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Sơn Cang
Trung tướng Sơn Cang (thường gọi là Hai Cang) sinh ngày 28/2/1948 trong một gia đình bần nông ở ấp Cây Xoài, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
Mới 14 tuổi, sớm giác ngộ cách mạng, Hai Cang đã được chính thức gia nhập “du kích mật” của ấp (03/3/1962). Chính nhờ lẹ làng, nhanh trí và gan lì, Hai Cang luôn làm tốt mọi công tác mà các anh, các chú giao và chỉ một năm thử thách, Hai Cang được kết nạp vào Đội TNTP và được phân công làm đội trưởng “Du kích mật” của ấp.
Tháng 7/1964, Hai Cang được rút lên làm giao liên của Công an huyện Cầu Ngang. Tháng 3/1966, ông Hai Cang được điều về làm Chiến sỹ cảnh vệ, bảo vệ trại giam của Ban An ninh tỉnh Trà Vinh được giao nhiều vị trí, nhiệm vụ trọng yếu và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam (10/1967). Đến tháng 5/1971, được bổ nhiệm Phó Tiểu ban Bảo vệ chính trị của Ban An ninh tỉnh Trà Vinh. Từ tháng 02/1979, ông được giao nhiệm vụ Phó trưởng phòng Bảo vệ chính trị, Công an tỉnh Cửu Long, Phó tổ trưởng tổ chuyên gia Công an thuộc Đoàn chuyên gia Việt Nam giúp chính quyền tỉnh Kom-pong-speu, Cam-pu-chia, ông Sơn Cang tỏ rõ là một sỹ quan Công an Việt Nam dạn dày kinh nghiệm, bản lĩnh và tiếp tục lập nên nhiều chiến công to lớn giúp Đảng, Chính quyền, Công an tỉnh bạn ổn định được tình hình nội bộ; bắt xử lý hàng trăm đối tượng đầu sỏ.
Tháng 11/1983, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, ông Sơn Cang được điều động về làm Trưởng Công an huyện Trà Cú; năm 1986, là Tỉnh ủy viên dự khuyết và Tỉnh ủy phân công về làm Bí thư chi bộ xã Phước Hưng, huyện Trà Cú; tháng 3/1988, với cấp bậc hàm Trung tá, được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Công an tỉnh Cửu Long.
Tháng 9/1992, sau khi Trà Vinh tái lập, ông được bổ nhiệm Giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh; tháng 11/2002 đến tháng 8/2005 là Đại biểu Quốc hội khoá XI. Đến tháng 8/2003, được phong thăng cấp bậc hàm Thiếu tướng - vị tướng lĩnh đầu tiên của Công an tỉnh Trà Vinh. Tháng 8/2005, được rút lên làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh nhân dân II (nay là Tổng cục An ninh), Bộ Công an, trực tiếp chỉ đạo công tác an ninh Tây Nam bộ; tháng 4/2007, được phong thăng cấp bậc hàm Trung tướng. Tháng 01/2012, với tuổi 64,  Trung tướng Sơn Cang được về nghỉ hưu ở phường 2, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
Trong suốt quá trình công tác, nhất là khi gặp phải những tình huống khó khăn, hiểm nguy nhất, cả trong chiến tranh lẫn thời bình, công tác trên địa bàn quê hương hay thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn; công tác ở cơ sở, ở tỉnh và cả khi lãnh đạo một Tổng cục nghiệp vụ của Bộ Công an, Trung tướng Sơn Cang luôn tỏ rõ là một cán bộ dũng cảm, kiên cường, một lòng một dạ trung thành với Đảng, phụng sự Tổ quốc, quên mình vì đồng chí, đồng đội và Nhân dân.
Trong 50 năm tham gia cách mạng, công tác trong ngành Công an nhân dân Việt Nam, Trung tướng Sơn Cang vinh dự được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng: 01 Huân chương kháng chiến hạng nhất, 01 Huân chương chống Mỹ hạng ba, 01 Huân chương Quyết thắng hạng ba, 01 Huân chương Chiến công hạng nhất và nhiều danh hiệu cao quý khác. Đặc biệt, ngày 16/12/2014, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (thời kỳ kháng chiến chống Mỹ) cho Trung tướng Sơn Cang.
* Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới)
Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh tỉnh Trà Vinh được thành lập ngày 14/4/1963, tại ấp Cây Xanh, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh - quê hương của nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Út (chị Út Tịch).
Lực lượng của đoàn lúc đó có 40 người, với 05 chương trình kịch mục như: Vở Dù kê “Nghĩa tình trong giông tố”, “Thạch Sanh -  Lý Thông”, Múa Chhay Dăm, Múa Chhu Chhai, các điệu múa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cùng nhiều ca khúc chính trị bằng 02 thứ tiếng Việt và Khmer. Từ đó đến nay, đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh đã trải qua rất nhiều những năm tháng thăng trầm, biến đổi, những tháng ngày vinh quang và thử thách, nhưng với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự yêu thương che chở, đùm bọc, ủng hộ của quần chúng nhân dân trong và ngoài tỉnh, Đoàn luôn vượt qua những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa văn nghệ của Nhân dân, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc… Đoàn tham gia tốt và đạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc hội thi, hội diễn, liên hoan ca múa nhạc do trung ương hoặc các tỉnh trong khu vực tổ chức.  Ngoài ra, Đoàn còn thường xuyên biểu diễn các tiết mục ca, múa, nhạc dân tộc, các trích đoạn Dù kê phục vụ khách trong và ngoài nước đến thăm và làm việc với tỉnh Trà Vinh. Đặc biệt, từ khi thành lập đến nay, Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh còn là cái nôi đào tạo nhiều diễn viên, nghệ nhân, soạn giả… kế thừa không những của Đoàn, mà còn cung cấp cho các Đoàn, Đội Khmer tỉnh nhà và các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long; nổi bật hơn hết là sau hội diễn nghệ thuật quần  chúng Khmer tỉnh Trà Vinh lần thứ I năm 2004, Đoàn đã chọn 22 em trẻ có năng khiếu và đạt giải cao trong Hội diễn, mở lớp đào tạo bồi dưỡng cho các em thời gian gần 2 năm để bổ sung vào lực lượng của Đoàn, thay thế những diễn viên, nghệ sĩ đã lớn tuổi. Và trong quá trình lưu diễn phục vụ, Đoàn có 07 đồng chí cán bộ, diễn viên đã hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Cho đến hôm nay, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh là một trong những đoàn nghệ thuật Khmer ở Nam bộ có chương trình ca múa nhạc, ca kịch dù kê vừa  giữ được nét nghệ thuật truyền thống, vừa có sự tiếp nhận văn hóa hiện đại được khán giả Trà Vinh cũng như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hết sức yêu thích, mến mộ, được Chính phủ nước bạn Campuchia mời sang biểu diễn và đánh giá rất cao. Với những thành tích trên, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh đã được tặng  thưởng nhiều bằng khen, giấy khen, cờ, huy hiệu (vàng, bạc…). Đặc biệt, năm 1997, Đoàn được Chủ tịch nước phong tặng Huân chương Lao động hạng III; Năm 2000, Đoàn được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động  trong thời kỳ đổi mới.

Tin khác
1 2 3 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 345
  • Trong tuần: 3 987
  • Tất cả: 8758285

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn