CHƯƠNG IV ĐỒNG BÀO KHMER TỈNH TRÀ VINH CÙNG NHÂN DÂN TRONG TỈNH KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CHIẾN TRANH ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG, XÂY DỰNG VÀ CỦNG CỐ CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG (1975 - 1992) (tt1)

III. CÙNG ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN TRONG TỈNH THỰC HIỆN SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI ĐẤT NƯỚC (12/1986 -  5/1992)
1. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cửu Long lần thứ IV, nhiệm kỳ 1986 - 1991
 Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cửu Long lần thứ IV họp từ ngày 06 đến ngày 08 tháng 10 năm 1986, có 600 đại biểu, thay mặt cho 17.000 đảng viên trong tỉnh. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 45 đồng chí chính thức và 15 đồng chí dự khuyết. Trong đó có 03 đồng chí là người Khmer: Đồng chí Lâm Phú (Ba Tranh), đồng chí Kiên Sang (Hai Sang) ủy viên chính thức và đồng chí Sơn Cang (Hai Cang) ủy viên dự khuyết. Đại hội cũng đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 15 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Ký Ức (Sáu Ức) làm Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí Lâm Phú, Nguyễn Đức Toàn (Tư Toàn), Hồ Minh Mẩn (Mười Mẩn) làm Phó Bí thư Tỉnh ủy. Trong nhiệm kỳ III, đồng chí Nguyễn Đáng bị bệnh mất, đồng chí Trịnh Văn Lâu (Tư Cẩn) được điều động lên Trung ương công tác, đến Đại hội VI của Trung ương, đồng chí Nguyễn Ký Ức là ủy viên chính thức và đồng chí Lâm Phú được bầu làm ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
 Đối với đồng bào Khmer, Nghị quyết Đại hội nêu rõ: “Tỉnh ta có đông đồng bào Khmer, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp phải quan tâm giác ngộ Chủ nghĩa xã hội, phát huy truyền thống đoàn kết, lao động và chiến đấu Kinh - Khmer, thực hiện chính sách bình đẳng dân tộc của Đảng, chống tư tưởng kỳ thị dân tộc, hay dân tộc hẹp hòi; tăng cường cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu và hành động chia rẽ dân tộc, chống phá cách mạng của kẻ địch, giác ngộ cách mạng đi đôi với quan tâm chăm sóc đời sống về mọi mặt trong vùng đồng bào Khmer. Ra sức phát triển đảng viên và đào tạo cán bộ là người Khmer. Đến năm 1990 cơ bản phải ổn định sản xuất, ổn định đời sống về các mặt trong vùng đồng bào Khmer”. Đại hội cũng giao cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa mới có nghị quyết chuyên đề về vùng có đông đồng bào Khmer.
  Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội IV của Đảng bộ  tỉnh Cửu Long có nhiều sự kiện nổi bật, có tác động lớn đối với tỉnh: Chỉ thị số 117-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 122/CT-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về công tác đối với đồng bào Khmer, qua hơn 5 năm triển khai thực hiện đã và đang đi vào cuộc sống, đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực; Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng - Đại hội mở đầu cho thời kỳ đổi mới của đất nước; Năm 1989 chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang rút quân khỏi Campuchia. Những sự kiện đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh ta trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Đặc biệt là vào ngày 18/4/1991, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã ra Chỉ thị 68-CT/TW về công tác ở vùng dân tộc Khmer. Đây là một Chỉ thị có tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn, hợp với ý Đảng, lòng dân và qua triển khai thực hiện được cán bộ, chư tăng và đồng bào Khmer đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ.
 Tuy nhiên trong nhiệm kỳ 1986-1991, xảy ra vụ án KC 50 - một vụ án mà khi phá án với mục đích là để đánh địch, củng cố an ninh chính trị ở địa phương, bảo vệ thành quả cách mạng, nhưng qua quá trình giải quyết, do vụ án khá phức tạp có liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo nhưng thiếu thận trọng, trình độ nghiệp vụ chưa vững vàng, đánh giá địch thiếu căn cứ, thiếu chính xác và cường điệu dẫn đến sai lầm lớn, rất nghiêm trọng, đã gây nên tổn thất lớn về nhiều mặt, gây tổn thương đến tình đoàn kết giữa hai dân tộc: Kinh và Khmer, vi phạm chính sách tôn giáo và chính sách dân tộc của Đảng, vi phạm nguyên tắc xây dựng Đảng và pháp luật của Nhà nước. Sau khi có kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tỉnh phải tập trung nhiều thời gian, công sức và tiền của để sửa sai mới khôi phục lại được lòng tin của cán bộ, chư tăng và đồng bào Khmer đối với Đảng bộ, mà trực tiếp là đối với Tỉnh ủy.
 2. Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IV
 Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 117-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị 122/CT-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về công tác đối với đồng bào Khmer, về lĩnh vực phát triển sản xuất, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cửu Long lần thứ IV xác định rõ: “Trong đồng bào Khmer phải quan tâm phá thế độc canh cây lúa, phát triển nông nghiệp toàn diện, phát triển ngành nghề và kinh tế gia đình”. Trong triển khai thực hiện Nghị quyết, các ngành, các cấp trong tỉnh, nhất là những huyện, xã có đồng bào Khmer sinh sống đã tập trung tuyên truyền vận động bà con áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng như: Làm thủy lợi, sử dụng giống mới, sạ cấy tăng vụ; cách thức chăm sóc lúa mùa, từ đó đã đưa năng suất lúa ngày càng tăng lên. Năm 1986 năng suất bình quân 3,26 tấn/ha, đến năm 1990 tăng lên gần 3,7 tấn/ha, góp phần đưa sản lượng lúa của tỉnh từ 899.400 tấn năm 1986 lên 1.117.418 tấn năm 1990. Đặc biệt là hệ số sử dụng đất đã có sự chuyển biến rõ nét, trên 70% diện tích trồng trọt của tỉnh đã được đưa vào canh tác mỗi năm từ hai vụ trở lên. Huyện Tiểu Cần là đơn vị thành công nhất trong sản xuất vụ lúa Đông Xuân, năm 1986 mới có 615 ha, đến năm 1990 đã có 4.425 ha, tăng gấp 7 lần. Về năng suất từ 2,7 tấn/ha năm 1986 tăng lên gần 4,7 tấn/ha năm 1990.
 Ngoài sản xuất lúa, bà con còn tận dụng đất đai trồng rau màu các loại và cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế cao. Một số ngành nghề truyền thống như: Đan đát, dệt chiếu được khôi phục như ở Giồng Đình, xã Đại An; Cà Hom, xã Hàm Giang (Trà Cú) và mở thêm một số ngành nghề mới như trồng nấm rơm, nấm mèo, nuôi tôm,…tạo cơ sở cho việc phát triển kinh tế gia đình.
 Cùng với việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, các huyện có đông đồng bào Khmer như: Trà Cú, Châu Thành, Cầu Ngang, Tiểu Cần, Cầu Kè,…đã thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về chuyển biến vùng đồng bào Khmer đến năm 1990 đã vận động được 7.000 hộ bà con sống ở trên đất giồng chật hẹp không có điều kiện phát triển kinh tế gia đình ra vùng đất mới để sinh sống. Bình quân mỗi hộ được cấp từ 1.500 m2 đến 2.000 m2 đất để cất nhà và làm kinh tế gia đình. Đa số bà con nhờ chịu khó làm ăn, trồng lúa, trồng dừa, nuôi tôm, nuôi heo, gà, vịt nên cuộc sống có khá hơn trước. Nổi bật nhất là huyện Trà Cú, Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện đã quan tâm đầu tư vốn, lúa gạo cho bà con mới ra lập nghiệp ở vùng giãn dân, bước đầu đã tạo được sự ổn định về sản xuất và đời sống.
 Hàng năm, Ngân hàng còn giành một phần vốn cho nông dân vay vừa để thúc đẩy phát triển sản xuất, vừa nhằm giải quyết khó khăn cho một số hộ thiếu vốn, vừa có tác dụng chống nạn cho vay nặng lãi, từ đó đời sống của đồng bào Khmer có một bước cải thiện, khoảng cách về mức sống giữa người Kinh và người Khmer trong vùng trên bình diện chung được rút ngắn dần, có một số hộ khá giả, mua sắm được tư liệu sản xuất cơ giới, phương tiện sinh hoạt gia đình, xây cất nhà ở tốt hơn.
 Thực hiện chủ trương cải tạo quan hệ sản xuất nông nghiệp, vùng có đông đồng bào Khmer hưởng ứng rất tích cực, đã góp phần cùng với cả tỉnh hoàn thành cơ bản hợp tác hóa nông nghiệp vào cuối năm 1985. Tuy nhiên, trong thực hiện Chỉ thị số 100-CT/TW của Ban Bí thư về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động, một số nơi lại làm không đúng với chủ trương, rơi vào khoán cào bằng và cũng có nơi cán bộ không gương mẫu dành nhiều đất tốt để khoán cho gia đình và thân nhân của mình đã làm cho bà con nông dân bất bình, khiếu kiện trong nội bộ nông dân phát sinh. Tỉnh ủy phải tập trung uốn nắn và đến khi thực hiện Chị thị số 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chị thị số 47-CT/TW của Bộ Chính trị thì tình hình tranh chấp ruộng đất tương đối ổn định, đồng bào an tâm đi vào sản xuất theo hình thức khoán hộ.
 Trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, tỉnh cũng đã kết hợp cải tạo nông nghiệp với cải tạo công thương nghiệp. Các nhà máy xay xát và các tiệm tạp hóa cũng được cải tạo và lãnh đạo chặt chẽ, nhất là về giá cả. Các xã vùng có đông đồng bào Khmer đều thành lập được hợp tác xã mua bán, tuy chất lượng hoạt động của các hợp tác xã từng nơi không giống nhau nhưng nhìn chung nó đã cùng với thương nghiệp quốc doanh góp phần đáng kể vào việc cung ứng hàng hóa cho thị trường nông thôn. Nhiều hợp tác xã hoạt động tốt, điển hình như Hợp tác xã Hòa Thuận (huyện Châu Thành), Hợp tác xã Đại An, Hợp tác xã Hàm Giang (huyện Trà Cú).
 Để đấu tranh đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, cùng với việc tổ chức các hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tín dụng cũng được dựng lên ở hầu hết các xã trong vùng đồng bào Khmer. Nhiều hợp tác xã tín dụng đã huy động được nhiều vốn cổ phần và tổ chức cho nông dân vay vốn để phát triển sản xuất tốt. Điển hình như hợp tác tín dụng ở các xã Long Thới (huyện Tiểu Cần), Nhị Trường, xã Hiệp Hòa (huyện Cầu Ngang),…
 Cùng với việc phát triển kinh tế, sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế ở vùng có đông đồng bào Khmer cũng có nhiều tiến bộ. Về xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật được quan tâm hơn. Trong các năm qua, thực hiện phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, tỉnh đã đầu tư xây dựng cơ bản 82 phòng học, các huyện và xã đều có bệnh viện, trạm xá; đã đào tạo 120 giáo viên dạy chữ Khmer. Năm 1990 - 1991, có 31 học sinh theo học dự bị đại học, đã thi đậu 26 em, năm học 1991 - 1992 thi đậu 9 em. Đặc biệt là năm học 1991 - 1992, tỉnh đã khai giảng các lớp đầu tiên của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh tại chùa Pôthisalareach (chùa Ông Mẹt, thị xã Trà Vinh), có 80 học sinh theo học. Trường do đồng chí Sơn Wang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo kiêm Hiệu trưởng. Công tác vệ sinh phòng bệnh trong vùng có nhiều tiến bộ, dịch bệnh giảm. Tỉnh đã đầu tư xây dựng 1.943 cây nước, giếng nước, giải quyết một phần khó khăn về nước sinh hoạt cho đồng bào. Đặc biệt là ở xã Phước Hưng (huyện Trà Cú), nơi có tỷ lệ dân số chiếm đa số là người Khmer đã xây được trạm xá trở thành phòng khám đa khoa khu vực có 15 giường bệnh, gồm 17 cán bộ, nhân viên phục vụ, trong đó có 01 bác sĩ, 06 y sĩ, 10 y tá. Trạm xá xã Nhị Trường, xã Thạnh Hòa Sơn (Cầu Ngang) mỗi nơi cũng có 15 giường, 01 y sĩ, 06 y tá phục vụ. Các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Càng Long đã giải quyết thành công nhiều ca cấp cứu cho bệnh nhân là đồng bào Khmer, tạo được niềm tin của đồng bào đối với bệnh viện cấp huyện. Riêng bệnh viện khu vực Trà Vinh đã dành 01 phòng phục vụ điều trị cho các chư tăng Khmer, các loại thuốc điều trị bệnh được cung cấp tương đối đầy đủ.
 Tỉnh đã tăng cường cán bộ và tiếp tục đầu tư phát triển tờ báo bằng chữ Khmer của tỉnh. Tờ báo do đồng chí Thạch Niện (Tư Niện) - Phó Tổng biên tập phụ trách, đồng chí Huỳnh Phước Long - Trưởng phòng biên tập, các đồng chí Kim Hồng Danh, Sơn Thanh Tịnh, Thạch Phuône, Kiên Răng - biên tập viên, đồng chí Sơn Cưa - họa sĩ. Từ chỗ trước đây viết tay in ốpsét, số lượng phát hành còn hạn chế, đến tháng 9 năm 1989, báo được in bằng chữ chì và phát hành rộng rãi đến các xã và các chùa Khmer trong tỉnh. Nội dung và chất lượng của tờ báo ngày càng được nâng lên. Nhiều trang mục thu hút được đồng bào và chư tăng Khmer quan tâm đón đọc. Tờ báo đã trở thành cầu nối liền giữa Đảng với đồng bào và chư tăng Khmer. Đến nay, tờ báo vẫn được duy trì và ngày càng phát triển. Chương trình phát thanh và truyền hình tiếng Khmer của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh do đồng chí Huỳnh Kháng, Trưởng phòng biên tập tiếng Khmer và đồng chí Sơn Sao, Phó Trưởng phòng phụ trách, tiếp tục phát triển cả về thời lượng và chất lượng. Đặc biệt, nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây, Lễ Sêne Đôlta – lễ hội cổ truyền của đồng bào Khmer, cả báo và đài đều có số báo và chương trình đặc biệt phục vụ đồng bào. Một số huyện như: Trà Cú, Cầu Ngang đã tổ chức trên 40 điểm ti vi công cộng; phong trào văn nghệ dân tộc một số nơi tiếp tục phát triển, nhiều hình thức ca múa, nhạc, sân khấu, dù kê…phản ánh tốt tính cách và bản sắc dân tộc Khmer. Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh được quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng, tham gia hội diễn nghệ thuật toàn quốc được khen ngợi và quí trọng.
Với tinh thần quốc tế trong sáng, mặc dù là một tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng Cửu Long đã hết lòng giúp bạn cả về con người và vật chất, từ đó tỉnh Compôngspư kết nghĩa liên tiếp giành được nhiều thắng lợi to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Giai đoạn 1986 - 1988 lực lượng của tỉnh bạn phát triển toàn diện, giành được thế chủ động chiến trường, từng bước đảm đương được nhiệm vụ, bảo vệ được thành quả cách mạng. Đời sống kinh tế của Nhân dân phát triển ổn định. Đoàn chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam rút dần về nước. Và ngày 10/7/1988 lãnh đạo tỉnh bạn đã long trọng tổ chức tiễn đưa Đoàn chuyên gia Việt Nam tỉnh Cửu Long giúp bạn tại tỉnh Compôngspư về nước trong niềm lưu luyến và biết ơn của cán bộ và Nhân dân tỉnh bạn. Trong buổi lễ thắm tình đoàn kết hữu nghị giữa Đảng, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh, đồng chí Hem Khone, Bí thư Tỉnh ủy Compôngspư đã phát biểu: “Thắng lợi qua sự hợp tác hữu nghị giữa Compôngspư và Cửu Long đã nói lên tinh thần đoàn kết chiến đấu quí báu vô giá. Đến nay, lực lượng cách mạng đủ sức đảm đương nhiệm vụ của mình. Các chuyên gia và quân tình nguyện từng bước rút quân về. Thay mặt Tỉnh ủy, Ủy ban chúng tôi xin chân thành cảm ơn Đảng, chính quyền, bộ đội tình nguyện và những người mẹ, người chị Việt Nam đã hết lòng giúp đỡ kể cả hy sinh xương máu cho cuộc cách mạng đạt thắng lợi”.
 Riêng trong vùng có đông đồng bào Khmer, tình hình an ninh chính trị có những diễn biến phức tạp, nhất là khi phá vụ án KC 50. Vào thời điểm trước khi sửa sai vụ án, tình hình tư tưởng trong đồng bào Khmer kể cả cán bộ và chư tăng thiếu an tâm. Lòng tin đối với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong đồng bào Khmer giảm sút nghiêm trọng. Đoàn kết trong nội bộ cán bộ Khmer - Kinh bị tổn thương; sự hoài nghi, ấn tượng xấu qua lại xuất hiện rõ nét; một số chạy sang nước ngoài, dư luận xấu lan tỏa khắp nơi, các thế lực thù địch lợi dụng tăng cường tuyên truyền gây bất lợi cho sự lãnh đạo của Đảng. Trước tình hình đó, để bảo vệ Đảng, bảo vệ truyền thống đoàn kết hai dân tộc Kinh - Khmer, cụ Maha Sơn Thông, nguyên Khu ủy viên - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, Ủy viên đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cửu Long, với sự tham mưu trực tiếp của đồng chí Sơn Song Sơn, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy kiêm Hiệu trưởng trường đoàn thể và là Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cửu Long đã cùng nhiều cán bộ, đảng viên, đồng bào, sư sãi Khmer đứng tên, kiến nghị gởi đến Ban Bí thư Trung ương Đảng. Đồng thời, một số cán bộ lão thành cách mạng nguyên là cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy Trà Vinh, nguyên là Khu ủy viên Khu ủy khu 9, Xứ ủy Nam bộ đã gửi thư lên Ban Bí thư Trung ương Đảng. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thành lập nhiều đoàn cán bộ xuống kiểm tra tình hình thực tế tại địa phương (Đoàn 80 TW và Đoàn 85 TW). Qua quá trình đi sâu tìm hiểu, nắm tình hình và làm việc với tỉnh nhiều lần, có đại diện của Ban Bí thư và các Bộ, Ban ngành Trung ương có liên quan cùng dự, Ban Bí thư đã có Thông báo số 68 ngày 13/2/1988, về kết thúc vụ án KC50 ở tỉnh Cửu Long và Thông báo Kết luận số 105, ngày 29/8/1988. Và vào ngày 01/10/1988, Tỉnh ủy cũng đã ra Nghị quyết 16 “Nhận rõ sai lầm, thấy rõ trách nhiệm sửa sai tốt vụ án KC.50”. Tỉnh còn xây dựng kế hoạch và thành lập nhiều đoàn chỉ đạo xuống các huyện để sửa sai, trong đó có nhiều đồng chí cán bộ tiêu biểu là người Khmer.
Nhờ sự lãnh đạo sâu sát của Ban Bí thư, sự tập trung chỉ đạo với tinh thần trách nhiệm cao của Tỉnh ủy, việc bố trí cán bộ sửa sai đúng đối tượng, người có sai lầm, khuyết điểm thành khẩn nhận thiếu sót, người bị oan có lòng vị tha, thông cảm và được phục hồi quyền lợi, bước đầu đã củng cố được lòng tin, giải quyết được những tâm tư, thắc mắc, tạo sinh khí cởi mở trong cán bộ, đồng bào và chư tăng Khmer.
 Hưởng ứng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhiều chùa đã tích cực tham gia lao động sản xuất, hoạt động xã hội từ thiện như: Làm thủy lợi, làm ruộng tự túc lương thực, xây dựng giao thông nông thôn, nuôi dạy trẻ em mồ côi…Điển hình như: Chùa Cà Hom, xã Hàm Giang, chùa Bà Dam, xã Đôn Xuân (Trà Cú)… Đặc biệt, các chư tăng còn tích cực tham gia học bổ túc văn hóa, nổi bật như: Huyện Trà Cú, Cầu Ngang, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành… Riêng huyện Trà Cú, Huyện ủy và chính quyền các cấp coi việc vận động chư tăng làm vai trò nòng cốt và tích cực để vận động đồng bào Khmer đi theo Đảng. Huyện đã sắp xếp việc học Pali, giáo lý, đầu tư xây dựng Trường Bổ túc văn hóa cấp II cho chư tăng ở chùa Xoài Xiêm, tổ chức dạy văn hóa 2 thứ chữ ở các chùa, góp phần đáng kể cho việc nâng cao trình độ dân trí trong chư tăng và đồng bào Khmer.
 Để tạo điều kiện cho các chư tăng tu học và hành đạo vừa đúng theo chánh pháp của đức Phật, vừa đúng theo pháp luật, thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về chuyển biến vùng đồng bào Khmer đến năm 1990, và đặc biệt là sau khi có Chỉ thị 68-CT/TW, ngày 14/8/1991 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI về công tác ở vùng dân tộc Khmer, tỉnh đã thành lập lại MêKône - tổ chức truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer cấp tỉnh.
Lễ khôi phục MêKônl được tổ chức rất trang trọng tại chùa Pôthisalareach (chùa Ông Mẹt), thị xã Trà Vinh vào ngày 02 và 03 tháng 10 năm 1991, có sự chứng kiến của đại diện Đoàn kiểm tra 85 Trung ương, tỉnh, huyện, thị xã, các chư tăng và gần 3.000 quần chúng tín đồ. Hòa thượng Maha Thạch Sarây, Ủy viên Hội đồng chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Phó MêKôn sau khi được minh oan trong vụ án KC.50 được bầu làm MêKône thay cho Hòa thượng Kim Túc Chơn - MêKôn - do bị bệnh đã viên tịch và cũng đã được minh oan trong sửa sai vụ án KC.50. Trong lãnh đạo của MêKôn tỉnh có tất cả 20 vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, đại diện cho 154 chùa trong tỉnh. Trong đó có 01 vị MêKôn, 5 vị Phó MêKôn (Hòa thượng Trần Dạnh, chùa Cà Hom; Hòa thượng Sơn Chóc, chùa Ba Cụm; Hòa thượng Sơn Khune, chùa Ba Si; Thượng tọa Thạch On, chùa Trà Điêu; Thượng tọa Thạch Sok Xane, chùa Âng), 9 ủy viên (Đại đức Diệp Tươi, chùa Bà Dam; Đại đức Sơn Thới, chùa Vũng Liêm; Đại đức Thạch Văn Minh, chùa Cây Hẹ; Thượng tọa Lâm Pậu, chùa Ô Tưng; Đại đức Thạch Tiên Minh Hùng, chùa Phù Ly; Đại đức Thạch Chương, chùa Kỳ Son; Đại đức Thạch Sêne, chùa Rum Đual; Đại đức Thạch Son, chùa Mới; Thượng tọa Pháp Tuệ Thạch Sao, chùa Ông Mẹt) và 5 vị cố vấn (Hòa thượng Thạch Som, chùa Ô Mịch, Phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phụ trách Phật giáo Nam tông Khmer; Hòa thượng Thạch Út, chùa Nô Rè; Hòa thượng Thạch Ui, chùa Chiêm; Thượng tọa Lưu Lan, chùa Hang; Hòa thượng Diệp Thương, chùa Giồng Lớn).
Việc khôi phục lại MêKôn - tổ chức quản lý truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer quy tụ được đông đủ các vị cao tăng có uy tín lớn trong chư tăng và đồng bào Khmer ở khắp các huyện, thị trong tỉnh vào thời điểm này có tác dụng rất lớn, đã góp phần khôi phục lại lòng tin của chư tăng và đồng bào Khmer tỉnh Cửu Long đối với Tỉnh ủy, khôi phục lại truyền thống đoàn kết Kinh - Khmer trong tỉnh, đồng thời tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của đồng bào và chư tăng Khmer trong giai đoạn mới.
Tỉnh ủy đã tăng cường công tác xây dựng Đảng trong vùng có đông đồng bào Khmer, trong đó công tác chính trị tư tưởng luôn được quan tâm thực hiện trong nội bộ và quần chúng nhân dân. Làm cho cán bộ, đảng viên nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân. Đối với quần chúng nhân dân, tỉnh đã coi trọng việc nâng cao giác ngộ XHCN, làm cho đồng bào Khmer nắm được đường lối, chính sách của Đảng, nhất là chính sách dân tộc và chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết đấu tranh, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và tin tưởng vào tiền đồ vẻ vang của đồng bào Khmer trong đại gia đình Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Công tác phát triển Đảng cũng luôn được chú ý, trong 5 năm (1986 - 1991) tỉnh đã phát triển thêm 2.852 đảng viên mới, trong đó có 156 đảng viên là người Khmer, nâng tổng số đảng viên là người Khmer lên 702 đồng chí, chiếm 3,32% so với đảng viên toàn tỉnh. Các phường, xã ở vùng có đông đồng bào Khmer đều có đảng viên là người Khmer. Tỉnh cũng đã tăng cường cán bộ là người Khmer vào bộ máy chính quyền các cấp qua bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Trong nhiệm kỳ, có thêm 01 đồng chí được bầu vào Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh (đồng chí Thạch Truyện), 01 đồng chí được bầu làm Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh (đồng chí Thạch Chân), 01 đồng chí được bầu làm Trưởng Tiểu ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh (đồng chí Sơn Wênh), 01 đồng chí được bầu làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trà Cú (đồng chí Kim Sanh) và thêm nhiều đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện như : huyện Trà Cú có đồng chí Thạch Ngọc Búp, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện, đồng chí Kim Văn Nhỏ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện; huyện Cầu Ngang có đồng chí Kiên Khúte, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện... Đặc biệt là vào năm 1989, Tỉnh ủy có Quyết định 436 - QĐ/TU về việc thành lập Ban Dân tộc Tỉnh ủy. Lãnh đạo Ban có đồng chí Lâm Phú - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng Ban; đồng chí Kim Giàu - Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy và đồng chí Sơn Wênh - Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy được chuyển sang làm Phó trưởng Ban Dân tộc Tỉnh ủy. Việc thành lập lại Ban Dân tộc Tỉnh ủy - Cơ quan tham mưu giúp Tỉnh ủy về công tác dân tộc vào thời điểm này có tác dụng rất lớn. Sau khi được phục hồi, công tác chủ yếu của Ban là làm tham mưu cho Tỉnh ủy tiếp tục thực hiện Nghị Quyết 04 và phối hợp với các ngành, các cấp giáo dục, tuyên truyền giải oan vụ án KC 50, ổn định tình hình tư tưởng, tâm lý trong đồng bào, chư tăng và cán bộ Khmer, động viên đồng bào, chư tăng và cán bộ Khmer tiếp tục đoàn kết tốt với các dân tộc trong cộng đồng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền các cấp, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Sau khi có Chỉ thị 68-CT/TW, ngày 18/4/1991 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) về công tác ở vùng dân tộc Khmer, Ban Dân tộc tỉnh bước đầu đã tham mưu giúp cấp ủy triển khai thực hiện tốt Chỉ thị, trong đó có việc tham mưu giúp Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức khôi phục lại MêKôn và giúp Phật giáo Nam Tông Khmer sắp xếp lại việc học hành theo truyền thống, đã khơi dậy được lòng tin của đồng bào Phật tử Khmer toàn tỉnh đối với chính sách của Đảng về lĩnh vực tự do tín ngưỡng, góp phần ổn định trật tự trị an trong chùa chiền và chư tăng. Ngoài ra, Ban còn phối hợp vận động xây dựng Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer do Trung ương đầu tư, phối hợp triển khai kế hoạch thành lập Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Đặc biệt là tham mưu giúp Tỉnh ủy trong sắp xếp, bố trí lại cán bộ dân tộc Khmer.
3.  Những mặt tồn tại, hạn chế
 - Nhìn chung việc phát triển nông nghiệp chưa toàn diện, nhiều nơi chưa chủ động sản xuất, còn lệ thuộc vào thiên nhiên. Sử dụng đất giồng hiệu quả chưa cao, nhiều cây tạp giá trị kinh tế thấp, chăn nuôi và hoa màu phát triển chậm. Ngành nghề tiểu thủ công nghiệp còn yếu kém, tình trạng thiếu vốn trong dân khá phổ biến, Nhà nước cho vay có hạn, nhiều hộ nghèo chưa được vay dẫn đến phải cầm cố đất, bán lúa non, ăn trước trả sau, vay nặng lãi… từ đó đại bộ phận đồng bào Khmer thu nhập còn thấp.
 - Về giáo dục còn thiếu trường lớp, thiếu giáo viên dạy song ngữ và Khmer ngữ, nhiều giáo viên trình độ còn hạn chế nên chất lượng dạy thấp. Số học sinh Khmer đi học ít, số học sinh bỏ học hàng năm từ 7 - 10%, càng lên cấp II, cấp III số học sinh càng giảm, vào đại học được rất ít. Mẫu giáo là ngành học rất quan trọng, nhưng nhiều nơi không duy trì được.
 - Việc xây dựng nền văn hóa mới trong vùng có đông đồng bào Khmer còn hạn chế, các hình thức vui chơi, giải trí còn giản đơn, đồng bào ít có điều kiện thưởng thức văn hóa, nghệ thuật, sách báo, phim ảnh, tệ nạn cờ bạc, đá gà, mê tín dị đoan chậm khắc phục.
 - Vệ sinh phòng bệnh tuy có bước tiến bộ, nhưng còn nhiều mặt hạn chế, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch chưa thành phong trào quần chúng, tỷ lệ tăng dân số còn cao. Ở các xã đều có trạm y tế nhưng thiếu thầy, thiếu thuốc, chưa bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
 - Tình hình an ninh chính trị trật tự chưa vững chắc, kẻ địch, kẻ xấu thường xuyên tuyên truyền xuyên tạc gây chia rẽ dân tộc, tôn giáo. Tình trạng qua lại biên giới giữa 2 nước Việt Nam - Campuchia không đúng quy định của Chính phủ 2 nước. Mặt khác, việc bài trừ các tệ nạn xã hội chưa được quan tâm đúng mức.
 -  Số đảng viên Khmer toàn tỉnh chiếm tỷ lệ còn thấp so với tổng số đảng viên chung. Công tác phát triển đảng viên là người Khmer còn chậm. Đội ngũ cán bộ Khmer, nhất là ở cơ sở phát triển chưa tương xứng, vừa thiếu về số lượng vừa kém về chất lượng. Chính sách đối với cán bộ Khmer còn nhiều bất cập.
 Tóm lại, những thành tựu và tồn tại trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội IV của  Đảng bộ tỉnh Cửu Long nói chung, Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy nói riêng là những bài học bổ ích, rất có giá trị trong việc lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ở vùng có đông đồng bào Khmer mà sau khi tách tỉnh đã được Tỉnh ủy Trà Vinh nghiêm túc đánh giá và kế thừa trong xây dựng Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng bộ tỉnh cũng như Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy về công tác trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Và cũng chính từ cơ sở đó, tỉnh đã nghiên cứu, vận dụng sát hợp với tình hình cụ thể của tỉnh, đồng thời tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện giành được nhiều thành tựu nổi bật cả trong những năm đầu mới tách tỉnh cũng như những năm tiếp theo.

Tin khác
1 2 3 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 150
  • Trong tuần: 3 794
  • Tất cả: 8758441

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn