Trà Vinh đề ra mục tiêu đến năm 2030 toàn tỉnh có 260 hợp tác xã với 38.000 thành viên
Đó là mục tiêu trong Chương trình hành động số 38-CTr/TU, ngày 19/10/2022 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

 

Trong Chương trình hành động, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu quan điểm:

- Phát triển kinh tế tập thể phải gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quy hoạch vùng sản xuất và gắn với công nghiệp chế biến, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo vệ tài nguyên, môi trường và an sinh xã hội của địa phương phù hợp với tiến trình hội nhập nền kinh tế thế giới và khu vực, xây dựng nông thôn mới.

- Phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, phải bảo đảm các nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, dân chủ và cùng có lợi; phù hợp với điều kiện, tập quán cụ thể từng vùng, từng địa phương. Tạo mọi điều kiện để hợp tác xã tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn lực, chính sách của địa phương để phát triển hợp tác xã, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn và ven biển, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và xã hội.

- Khuyến khích phát triển bền vững kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác, liên kết đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…) trong đó, nòng cốt là hợp tác xã với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng; nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới; liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia; hướng đến sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Tập trung củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ hợp tác, hợp tác xã hiện có trên địa bàn tỉnh, góp phần tăng trưởng kinh tế và để kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. - Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị trong đó cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý coi đây là nhiệm vụ chính trị, quan trọng thường xuyên. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc 3 Việt Nam tỉnh và các tổ chức đại diện phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế tập thể.

Hiện tại, toàn tỉnh có 01 liên hiệp hợp tác xã, 178 hợp tác xã đang hoạt động với vốn điều lệ 180,146 tỷ đồng, thu hút 29.276 thành viên và trên 1.920 tổ hợp tác thu hút trên 35.413 thành viên. Số lượng và hiệu quả hoạt động của tổ hợp tác và hợp tác xã ngày càng tăng về doanh thu và lợi nhuận; liên kết hợp tác đa dạng góp phần hình thành chuỗi liên kết sản xuất và chế biến; tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho người lao động. Xu thế liên kết hợp tác giữa các hợp tác xã với các cơ quan nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau được tiếp tục mở rộng… Các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể tiếp tục được thể chế hóa và hướng dẫn thực hiện là động lực tạo điều kiện cho kinh tế tập thể phát triển.

Tuy nhiên khu vực kinh tế tập thể của tỉnh đến nay chưa đạt theo mục tiêu, yêu cầu đề ra. Tốc độ tăng trưởng còn chậm, thiếu ổn định, tỷ lệ đóng góp vào GRDP của khu vực kinh tế tập thể còn thấp, chất lượng hoạt động hợp tác xã còn nhiều hạn chế, yếu kém. Phần lớn hợp tác xã, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh, lợi ích mang lại cho thành viên thấp; tính liên kết trong nội bộ hợp tác xã còn rất yếu. Số lượng hợp tác xã tuy tăng, nhưng số lượng thành viên bình quân trong hợp tác xã có xu hướng giảm; thành viên tham gia vào hoạt động của hợp tác xã còn hình thức, chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trong hợp tác xã; năng lực quản lý của hội đồng quản trị và ban giám đốc, các chức danh khác trong hợp tác xã còn hạn chế.

 

Tỉnh ủy đề ra mục tiêu đến năm 2030

- Tỉnh có khoảng 2.300 tổ hợp tác với 42.000 thành viên; 260 hợp tác xã với 38.000 thành viên; có từ 5 - 7 liên hiệp hợp tác xã.

- Số hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm khoảng 60% trên tổng số hợp tác xã của tỉnh, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết chuỗi giá trị.

- Hình thành được các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp trên 10%/tổng số hợp tác xã nông nghiệp đảm bảo đạt tiêu chí theo quy định. - Phấn đấu phát triển thành viên tổ hợp tác xã, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hàng năm tăng từ 10% trở lên.

- Tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã có trình độ đại học, cao đẳng phù hợp với chuyên ngành, lĩnh vực hoạt động của hợp tác xã, đạt từ 80% trở lên.

Mục tiêu đến năm 2045

- Phấn đấu phát triển thành viên tổ hợp tác xã, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hàng năm tăng từ 15 - 20%.

- Phấn đấu 100% huyện, thị xã, thành phố có từ 03 mô hình trở lên hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị và sản phẩm chủ lực của địa phương.

- Tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã có trình độ đại học, cao đẳng phù hợp với chuyên ngành, lĩnh vực hoạt động của hợp tác xã, đạt từ 85% trở lên.

- Tăng cường sự liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp với nông dân, sản xuất theo chuỗi để tăng mạnh lượng nông sản tiêu thụ qua hợp đồng. Đưa tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng từ khoảng 70 - 80%.

Để thực hiện mục tiêu trên, Tỉnh ủy đề ra nhiều nhóm giải pháp. Trong đó có các giải pháp như:

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và nhân dân trong tỉnh, nhận thức đúng, đầy đủ về phát triển kinh tế tập thể là yêu cầu và xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hiệu quả của sự hợp tác, liên kết, trợ giúp lẫn nhau, hướng đến làm giàu cho từng thành viên và tập thể để mọi người thấy rõ lợi ích và tự giác tham gia kinh tế tập thể.

Tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện các chính sách nhằm khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu mới trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã, thay đổi phương thức quản lý phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Các cấp ủy và tổ chức đảng tăng cường vai trò lãnh đạo; thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò kinh tế tập thể; hướng dẫn xây dựng cơ sở đảng và các đoàn thể trong các tổ chức kinh tế tập thể.

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đưa đoàn viên và hội viên vào làm nòng cốt trong các loại hình kinh tế tập thể gắn với các phong trào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là đề án xây dựng nông thôn mới.

Liên minh Hợp tác xã tỉnh tiếp tục tập trung củng cố, tăng cường các hoạt động của ngành thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức kinh tế tập thể, giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể. Phát huy vai trò hướng dẫn, chia sẻ thông tin, vận động thực hiện các chính sách đối với kinh tế tập thể; nghiên cứu thực hiện một số nội dung dịch vụ công phù hợp với quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của liên minh.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 10
  • Hôm nay: 80
  • Trong tuần: 3 722
  • Tất cả: 8758020

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn