Kỷ niệm 75 năm cuộc bầu cử Quốc hội khóa I: 06/01/1946 – 06/01/2021: Quốc hội khóa I với thiên tài Hồ Chí Minh

          1. Thành lập chính phủ hợp pháp – Thành quả của việc hoàn thiện và củng cố Nhà nước

          Quốc hội khóa 1 nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được bầu ra trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử dân tộc ngày 6-1-1946. Kể từ ngày 2-9-1946 khi Chính phủ cách mạng lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào, sau đó là sự ra đời của Chính phủ Liên hiệp Việt Nam lâm thời ngày 01 tháng 01 năm 1946, thì Chính phủ Liên hiệp kháng chiến Việt Nam được thành lập ngày 2 tháng 3 năm 1946 là chính phủ thứ ba của nước Việt Nam mới. Tuy nhiên, đây mới là chính phủ đầu tiên được quốc hội đại diện cho toàn dân bầu ra.

          Lịch sử đã chứng minh rằng tình hình Việt Nam sau cuộc bầu cử quốc hội khóa 1 năm 1946 là “ngàn cân treo sợi tóc” với thù trong, giặc ngoài. Miền Nam, thực dân Pháp đã chiếm phần lớn Nam Bộ và Tây Nguyên. Ở Miền Bắc, thực dân Pháp chiếm nhiều nơi ở Tây Bắc. Cùng lúc ấy, Việt Cách[1] thừa “nước đục thả câu” gây sức ép với chính quyền cách mạng. Đặc biệt, trên cơ quan ngôn luận của mình, Việt Cách đưa danh sách những người đã tham gia nội các Trần Trọng Kim trước đó để đề nghị quốc hội chọn họ vào Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng của chính phủ mới trước khi quốc hội họp. Đây là một đòi hỏi vô lý vì đã có cuộc tổng tuyển cử của toàn dân, chính phủ phải do nhân dân bầu ra mới là chính phủ hợp pháp. Việc đòi hỏi này có nghĩa họ phủ nhận kết quả của cuộc bầu cử quốc hội mà nhân dân Việt Nam mới tiến hành thành công. Càng gần đến ngày quốc hội chính thức họp phiên đầu tiên, tình hình trong nước càng diễn biến phức tạp. Thực dân Pháp đã chiếm gần hết Nam Bộ và Nam trung Bộ, Campuchia và phần lớn lãnh thổ Lào. Quân Tưởng vẫn chưa rút lui và đóng ở vĩ tuyến 16 trở ra Bắc. Cùng lúc ấy, tàu chiến của thực dân Pháp đã đi vào vịnh Bắc Bộ. Một không khí chuẩn bị kháng chiến bao trùm toàn quốc. Đặc biệt sau cuộc tiếp xúc giữa đại diện chính phủ ta và đại diện chính phủ Pháp, các nhóm Việt Quốc[2], Việt Cách đã vu cáo Chính phủ Việt Nam khi ấy bán nước nhằm đánh lừa nhân dân và thực hiện mưu đồ thâm độc của họ. Kỳ họp lần thứ nhất của Quốc Hội khoá I đã được triệu tập trong bối cảnh “nước sôi, lửa bỏng” ấy.

          Lúc đầu, Hội đồng Chính phủ (Liên hiệp Việt Nam lâm thời) dự kiến kỳ họp thứ nhất sẽ diễn ra vào ngày 3 tháng 3 năm 1946 và đã chuẩn bị những điều kiện để kỳ họp diễn ra thành công. Hội đồng Chính phủ đã nêu vấn đề là các đảng phái phải gặp gỡ để thống nhất thành phần chính phủ cũng như phân chia các ghế bộ trưởng trong chính phủ. Trong cuộc họp của Hội đồng Chính phủ ngày 21 tháng 2 năm 1946, Hồ Chủ tịch báo cáo dự kiến Chính phủ mới sẽ được thành lập với 10 bộ và có 4 đảng phái sẽ tham gia theo tỷ lệ mỗi đảng 2 ghế bộ trưởng, riêng 2 bộ Nội vụ (nay là Công an) và Quốc phòng sẽ do hai thành viên là người không đảng phái nắm giữ. Quốc hội cũng sẽ thành lập Ủy ban kháng chiến và Đoàn Cố vấn.

          Sáng 2 tháng 3 năm 1946, gần 300 đại biểu Quốc hội đã tập trung về Nhà hát lớn thành phố Hà Nội. Một số đại biểu ở Miền Nam chưa kịp đến vì nhiều lý do khác nhau. Phó Chủ tịch Chính phủ liên hiệp Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1-1-1946) lấy lý do sức khỏe không tham dự. Trên diễn đàn Nhà hát lớn treo cờ đỏ sao vàng và bên treo cờ của các đảng phải cùng khẩu hiệu "Kháng chiến - Kiến quốc". Đúng 9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính Phủ liên hiệp lâm thời bước lên diễn đàn. Nhạc "Tiến quân ca" và "Hồn tử sĩ" được cử lên. Nhân danh Chính phủ liên hiệp lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí minh khai mạc toàn quốc đại hội đại biểu, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa do Tổng tuyển cử bầu ra. Báo cáo trước Quốc hội, Hồ Chí Minh đã nêu rõ ý nghĩa thắng lợi của Tổng tuyển cử ngày 6 tháng 1 năm 1946 chính là đã "tỏ cho thế giới, cho toàn dân biết là chúng ta đoàn kết nhất trí".

          Quốc hội thảo luận về thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Đại biểu quốc hội cao tuổi nhất – cụ Ngô Tử Hạ đề cử Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Chính phủ và Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ tịch. Quốc hội đã giơ tay thống nhất với đề xuất này và giao cho Chủ tịch và Phó Chủ tịch thành lập Chính phủ mới. 10 giờ, báo cáo việc thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Người nói: "Chính phủ này ra mắt gồm có các đại biểu các đảng phái và các anh em không đảng phái, trước đây đã thương lượng và thoả thuận với nhau, vì vậy sự tổ chức mới được nhanh chóng như thế". Thành phần Chính phủ liên hiệp kháng chiến gồm: Chủ tịch Hồ Chí Minh; Phó Chủ tịch Nguyễn Hải Thần; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Tường Tam (nhà văn Nhất Linh); Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng; Bộ trưởng Bộ Kinh tế Chu Bá Phượng; Bộ Trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến; Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng Phan Anh; Bộ trưởng Bộ Xã hội, kiêm Y tế, Cứu quốc và Lao động Trương Đình Tri; Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đặng Thai Mai; Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Vũ Đình Hòe; Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính Trần Đăng Khoa; Bộ trưởng Bộ Canh nông Bồ Xuân Luật. Cố vấn đoàn do cố vấn tối cao Vĩnh Thuỵ đảm nhiệm. Kháng chiến Uỷ viên hội do Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch và Vũ Hồng Khanh làm Phó Chủ tịch. Quốc hội công nhận Chính phủ liên hiệp kháng chiến, Cố vấn đoàn và Kháng chiến ủy viên hội. Toàn thể đại biểu Quốc hội đứng dậy nhận lời thề của các cơ quan trên do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc.

          Nhìn vào thành phần Chính phủ trên cho thấy ngoài Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh, còn lại Việt Minh chỉ nắm 2 ghế bộ trưởng là Giáo dục và Tài Chính. Hai bộ Quốc Phòng và Nội vụ do hai nhân sĩ nổi tiếng là người không đảng phái năm giữ: Cụ Huỳnh Thúc Kháng – Bộ trưởng Nội vụ và Luật sư Phan Anh – Bộ trưởng Quốc phòng. Việt Cách năm ghế Phó Chủ tịch và 2 bộ là Bộ trưởng Bộ Xã hội, kiêm Y tế, Cứu quốc và Lao động và Bộ Canh Nông; Việt Quốc năm 2 ghế là Ngoại giao và Kinh tế; Dân chủ nắm 2 ghế là Giao thông Công chính và Tư pháp. Đặc biệt Đoàn Cố vấn do ông Vĩnh Thụy – tức cựu hoàng Bảo Đại đứng đầu.

          Trong rất nhiều thành quả mà Quốc hội khóa 1 đem lại, việc thành lập các chính phủ, trong đó có Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam được thành lập ngày 2 tháng 3 năm 1946 là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Chính phủ này đã kết thúc sứ mệnh và được thay thế bằng Chính phủ Liên hiệp Quốc dân Việt Nam được thành lập sau đó vào ngày 3 tháng 11 năm 1946.

          2. Quốc hội nhiều đảng phái và kỳ họp ngắn lịch sử

         Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo Mặt trận Việt Minh mới là tổ chức đã hy sinh gian khổ và đóng góp công lao lớn nhất giành lại độc lập cho Tổ quốc. Thế nhưng để thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, Chính phủ do Hồ Chí Minh đứng đầu đã có những hành động “vô tiền, khoáng hậu” dành 70 ghế không thông qua bầu cử cho Việt Quốc và Việt Cách. Cùng với 333 đại biểu được bầu, tổng số đại biểu quốc hội khóa 1 là 403 đại biểu gồm đủ mọi thành phần, đầy đủ các tầng lớp nhân dân, đại diện các đảng phái, tôn giáo và cả những người không đảng phái. Trừ 70 thành viên không qua bầu cử của Việt Quốc và việt Cách, trong tổng số 333 đại biểu bao gồm 10 đại biểu là nữ, 34 đại biểu là người dân tộc thiểu số, 43 % đại biểu là người không đảng phái, 36% thuộc Mặt trận Việt Minh; 14% thuộc Đảng Dân chủ Việt Nam và 7% thuộc Đảng xã hội Việt Nam.

         Đại biểu cao tuổi nhất là cụ Ngô Tử Hạ (64 tuổi), trẻ nhất là nhà thơ Nguyễn Đình Thi (22 tuổi). Đây cũng chính là 2 đại biểu được vinh dự đánh trống khai mạc kỳ họp thứ nhất vào ngày 2 tháng 3 năm 1946. Do rất nhiều hoàn cảnh lịch sử khác nhau, số lượng đại biểu có nhiều thay đổi. Một số đại biểu không đi cùng đường đi với dân tộc, có người phản bội lại dân tộc, có người “dinh tê” về thành, có người ra nước ngoài, có người làm tay sai cho giặc. Nhiều đại biểu quốc hội khóa 1 hy sinh anh dũng khi đang tại chức trong quá trình làm nhiệm vụ như Thái Văn Lung, Nguyễn Văn Tố, Điểu Siểng, Lê Thế Hiếu v.v…Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa 1 cuối năm 1953 đã tuyên bố những người bỏ hàng ngũ không xứng đáng là đại biểu của dân và tổng cộng có 116 đại biểu bị tước quyền.

Toàn cảnh kỳ họp thứ nhất, quốc hội khóa 1 ngày 2-3-1946 (nguồn: Quochoi.vn)

Các đại biểu dự kỳ họp thứ nhất trước nhà hát lớn Hà Nội (nguồn: Quochoi.vn)

         Quốc hội Việt Nam đã trải qua lịch sử 70 năm với 13 khóa quốc hội, nhưng chưa có một kỳ họp nào giống kỳ họp thứ nhất ngày 2 tháng 3 năm 1946, thời gian họp chỉ diễn ra trong 4 tiếng đồng hồ vì không khí khẩn trương của chiến tranh. Lúc đầu kỳ họp được dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 3 tháng 3 năm 1946, tuy nhiên do Việt Cách tìm cách phá hoại. Vì vậy, kỳ họp đã được quyết định diễn ra sớm hơn 1 ngày so với ngày đã định. Ngày 1-3-1946, Báo Sự thật của Đảng kêu gọi: "Mồng 3-3, hai hôm nữa Quốc Hội khai mạc. Lịch sử Việt Nam thêm một trang vẻ vang. Quốc hội họp, cắm một mốc lịch sử trên con đường tranh đấu giải phóng dân tộc. Phải 80 năm đổ máu chống Pháp thực dân, chống phát xít Pháp - Nhật, mới đến một ngày "Hội nghị non sông". Ngay tối 1-3, Chính phủ báo tin cho các đại biểu biết Quốc hội sẽ khai mạc vào 7h sáng 2-3 và đề nghị đại biểu có mặt đúng giờ đi thẳng vào phòng họp mà không tập trung trước cửa Nhà Hát Lớn. Việ tổ chức trước một ngày đã gây bất ngờ rất lớn với các nhóm phá hoại của Việt Quốc và Việt Cách.

         Đúng 9 giờ, kỳ họp thứ nhất chính thức khai mạc khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính Phủ liên hiệp lâm thời bước lên diễn đàn. Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ báo cáo kết quả cuộc Tổng tuyển cử. Người đề nghị với Quốc hội mở rộng đại biểu ra thêm 70 người nữa. 70 người ấy dành cho các vị ở hải ngoại về: Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội. Tất cả các đại biểu đã giơ tay tán thành đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các đại biểu được Quốc hội công nhân nói trên được mời vào hội trường. Đánh giá về thành phần của Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho một Đảng phái nào mà là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam. Đó là một sự đoàn kết tỏ ra rằng lực lượng của toàn dân Việt Nam đã kết lại thành một khối". Sau đó, Người báo cáo những công việc Chính phủ liên hiệp lâm thời đã làm trong 6 tháng qua. Tại kỳ họp này, thay mặt toàn thể quốc dân, Quốc hội Việt Nam trịnh trọng cảm ơn Chính phủ lâm thời và tuyên bố Chủ tịch Hồ Chí Minh "xứng đáng với Tổ quốc". Sau đó, Chính phủ lâm thời tuyên bố từ chức để quốc hội lập chính phủ mới. Chủ tịch kỳ họp, cụ Ngô Tử Hạ đã đề nghị “Quốc hội yêu cầu các Đảng phái vì quyền lợi tối cao của Tổ quốc, hoạt động trong vòng pháp luật và thực hành ngay việc thống nhất quân đội, hành chính và tuyên truyền". Đề nghị này đã được các đại biểu tán thành. Quốc hội cũng đã thông qua Tuyên ngôn của Quốc hội, thông qua các điện văn gửi nhân dân toàn quốc, gửi các chiến sĩ ngoài mặt trận, gửi anh em các dân tộc thiểu số, gửi kiểu bào Hải ngoại, lời kêu gọi kiều bào ở Pháp, các điện văn gửi dân tộc Ai Lao, liên hợp quốc, Giáo hoàng, Tưởng Giới Thạch, dân chúng Trung Hoa và dân chúng Pháp. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã chính thức thành lập Ban Thường trực để thay mặt Quốc hội gồm 15 uỷ viên chính thức và 3 uỷ viên dự khuyết do cụ Nguyễn Văn Tố làm trưởng ban. Cuối cùng, Quốc hội đã thảo luận nhiệm vụ và bầu Ban dự thảo Hiến pháp. 13 giờ 10 phút, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đã bế mạc sau 4 giờ làm việc với rất nhiều những nội dung quan trọng được thông qua.

         Kể từ lúc khai mạc đến lúc bế mạc, Quốc hội họp khẩn trương trong vòng 4 giờ. Đây là kỳ họp đặc biệt nhất của lịch sử đặt nền móng vững chắc cho những công việc tiếp theo của nước nhà.

         3. Chất vấn và trả lời chất vấn ở Quốc hội khóa I

         Tại kỳ họp thứ nhất, Chính phủ khi ấy chưa phải Chính phủ do Quốc hội khóa 1 bầu ra, kỳ họp lại diễn ra trong bối cảnh “nước sôi, lửa bỏng” nên mãi đến kỳ họp thứ 2 quốc hội khóa 1 khai mạc ngày 23 tháng 10 năm 1946 vấn chất vấn đã được đặt ra sôi nổi, quyết liệt, thẳng thắn. Trên 80 câu chất vấn đã được các đại biểu quốc hội nêu ra trên tinh thần dân chủ, cởi mở và minh bạch.

         Trưởng ban Thường trực Quốc hội là cụ Nguyễn Văn Tố đã đứng trên trả lời chất vấn. Các thành viên Chính phủ khác như Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng; Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính Trần Đăng Khoa (Đảng Dân chủ); Bộ trưởng Bộ Kinh tế Chu Bá Phượng (việt Quốc); Chủ tịch Ủy viên quân sự hội Võ Nguyên Giáp (Việt Minh); Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe (Đảng Dân chủ); Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến (Việt Minh) và cả Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời chất vấn. Sau khi các Bộ trưởng đã trả lời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ trả lời những vấn đề còn chưa rõ. Riêng về câu hỏi về chống tham nhũng, trong đó có liên quan đến vấn đề có Bộ trưởng trong Chính phủ lợi dụng chức vụ để buôn lậu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói kỹ và nhấn mạnh: “Chính phủ hiện thời đã cố gắng liêm khiết lắm nhưng trong Chính phủ từ Hồ Chí Minh cho đến những người làm việc ở Ủy ban hiện đông và phức tạp lắm. Dù sao Chính phủ cũng hết sức làm gương và nêu gương. Nếu làm gương không xong thì dùng pháp luật để trị những kẻ ăn hối lộ, đã trị, đương trị và trị cho kỳ hết”. Đặc biệt, có những chất vấn phải nói là vô cùng “gai góc” nhưng Hồ Chủ Tịch đã giải đáp thỏa đáng. Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Huy Liệu (đại biểu tỉnh Nam Định) về việc Tạm ước 14-9 là “bất bình đẳng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích: “Chính phủ không dám nhận như thế. Với bản Tạm ước ấy mỗi bên nhân nhượng một ít, ta bảo đảm những quyền lợi kinh tế và văn hóa ở đây thì Pháp cũng phải thi hành tự do dân chủ ở Nam bộ, thả các nhà ái quốc bị bắt bớ. Còn nói Pháp không thành thật thi hành Tạm ước thì ta vơ đũa cả nắm. Pháp cũng có người tốt, người xấu. Tôi có thể nói quyết rằng nhân dân Pháp bây giờ đại đa số tán thành ta độc lập và thống nhất...”.

         Đánh giá về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 quốc hội khóa 1, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chính phủ hiện giờ thành lập mới hơn một năm, hãy còn thanh niên. Quốc hội bầu ra được hơn 8 tháng, lại còn thanh niên hơn nữa. Vậy mà Quốc hội đã đặt những câu hỏi thật già dặn, thắc mắc khó trả lời, đề cập đến tất cả những vấn đề có quan hệ đến vận mạng của nước nhà. Với sự trưởng thành chính trị và sự quan tâm về việc nước ấy, ai dám bảo dân ta không có tư cách độc lập".

         Trong phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 2 quốc hội khóa 1 ngày 9-11-1946, Trưởng đoàn Chủ tịch quốc hội Tôn Đức Thắng khẳng định: “Chúng ta đã chất vấn chính phủ. Các ngài chắc cũng như chúng tôi sẽ không bao giờ quên được cái cảnh tượng đã diễn ra trong phòng này đêm hôm 31-10, cảnh tượng chưa từng thấy trong lịch sử VN, một cảnh tượng chỉ có một cuộc cách mạng quét sạch hết bóng tối cũ của chế độ thực dân và phong kiến chuyên chế mới đưa tới được nhân dân trong nước bằng miệng các người thay mặt đã tự do đứng trên diễn đàn này lên tiếng đòi hỏi chính phủ phải trả lời về những công việc nội chính và ngoại giao đã làm. Cái quyền tự do ấy, dân tộc chúng ta đã phải mua đắt bằng xương máu của bao nhiêu cuộc tranh đấu, nên chúng ta nhất định thi hành nó một cách nghiêm minh”.

         Kể từ kỳ bầu cử Quốc hội khóa 1 năm 1946 đến nay đã tròn 75 năm. Nhân dân Việt Nam chuẩn bị cho một kỳ bầu cử mới. Nhìn lại những diễn biến và sự kiện xung quanh Quốc hội khóa I không thể không khâm phục thiên tài lãnh đạo và đức hy sinh của Hồ Chí Minh với đất nước và dân tộc.

                                                                                                                                                                                                                 TS. Vũ Trung Kiên

         

 



[1] Việt Nam cách mạng Đồng minh hội

[2] Việt Nam Quốc dân Đảng

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 23
  • Hôm nay: 345
  • Trong tuần: 5 920
  • Tất cả: 8772423

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn