CỦNG CỐ TỔ CHỨC, PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, TỪNG BƯỚC ỔN ĐỊNH VÀ NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN (1991-1995)
Chấp hành Chỉ thị số 59-CT/TW ngày 22-5-1990 của Ban Bí thư, Kế hoạch số 30-KH/TU của Tỉnh ủy Cửu Long về tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Trà Vinh lần thứ VI được khai mạc ngày 25 tháng 11 năm 1991. Tham dự Đại hội có 161 đại biểu chính thức đại diện cho 38 chi bộ, đảng bộ cơ sở đảng của toàn Đảng bộ tham dự. Đồng chí Hồ Minh Mẫn, Phó Bí thư Tỉnh ủy Cửu Long đã về dự và chỉ đạo Đại hội.

Căn cứ vào Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cửu Long lần thứ V, xuất phát từ đặc điểm tình hình thuận lợi và khó khăn của thị xã, Đại hội Đảng bộ thị xã Trà Vinh đã nêu rõ phương hướng, nhiệm vụ chung trong 5 năm 1991-1995 là: Tập trung mọi nỗ lực vượt qua khó khăn thử thách, từng bước ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Chặn đứng tình trạng thua lỗ trong sản xuất, kinh doanh, có tích lũy ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động, cải thiện dần đời sống nhân dân. Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đẩy lùi tiêu cực, bất công, chống tham nhũng. Đồng thời phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước. Nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng bộ, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Trà Vinh khóa VI gồm 33 đồng chí, đạt tiêu chuẩn và số lượng theo yêu cầu chỉ đạo của cấp trên; Ban Thường vụ có 11 đồng chí. Tại phiên họp đầu tiên của Ban Chấp hành, đồng chí Hồng Văn Ân được bầu làm Bí thư Thị ủy (tháng 8 năm 1992, đồng chí Nguyễn Thái Bình thay đồng chí Hồng Văn Ân đảm nhận cương vị Bí thư Thị ủy). Đồng chí Nguyễn Ngọc Vĩnh được bầu là Phó Bí thư Thị ủy; sau khi đồng chí Nguyễn Ngọc Vĩnh chuyển công tác về tỉnh, đồng chí Huỳnh Văn Lựu thay; đồng chí Huỳnh Văn Lựu chuyển công tác về tỉnh thì đồng chí Nguyễn Văn Phong (Tư Phong) đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư. Giữa năm 1994, tại Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ Thị xã, đồng chí Nguyễn Văn Phong (Tư Phong) được bầu làm Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, đồng chí Nguyễn Văn Phong được bầu làm Phó Bí thư - Chủ tịch Úy ban nhân dân thị xã (1). Đại hội cũng bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh nhiệm kỳ 1996-2000.
Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã khóa VI, năm 1991 thị xã Trà Vinh tiếp tục phát huy thành quả của công cuộc đổi mới, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Năm 1992, tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa VIII đã quyết định tách tỉnh Cửu Long thành hai tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long (2). Tỉnh Trà Vinh được tái lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 5-5-1992 sau 5 tháng tích cực chuẩn bị (3). Thị xã Trà Vinh trở thành thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Trà Vinh mới được tái lập, địa giới hành chính không có gì thay đổi. Đây chính là bước ngoặt có tính chất quan trọng, từ thị xã của khu vực Trà Vinh cũ nay giữ vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh Trà Vinh được tái lập. Thị xã Trà Vinh được tỉnh hỗ trợ nguồn vốn đầu tư tương xứng vai trò là tỉnh lỵ và về đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ từ tỉnh Vĩnh Long trước đó chuyển về. Thị xã cũng nhận được sự giúp đỡ tận tình của các ban, ngành trong tỉnh. Tuy nhiên, do mới tách tỉnh, nên trụ sở làm việc của các cơ quan tỉnh và thị xã cũng như nhà ở cho cán bộ còn thiếu nhiều. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch cũng liên tục chống phá ta về nhiều mặt. Hậu quả của chiến tranh giải phóng vẫn chưa khắc phục được hết, lại phải huy động sức người, sức của cho chiến tranh biên giới Tây Nam và xung đột biên giới phía Bắc.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Trà Vinh, thị xã Trà Vinh tiếp tục thực hiện Nghị quyết mà Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ VI đã đề ra với quan điểm đúng và phương hướng chỉ đạo phù hợp trong từng giai đoạn, tạo điều kiện từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để ổn định tình hình kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh chính trị của địa phương.
1. Củng cố, kiện toàn bộ máy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới
Sau 5 năm thực hiện đường lối đổi mới với những kết quả khả quan bước đầu, nhưng do có sự chia tách tỉnh nên cơ cấu tổ chức, bộ máy Đảng - chính quyền - đoàn thể cấp thị xã chưa thực sự ổn định. Đứng trước yêu cầu mới của tình hình thế giới cũng như trong nước và đặc biệt là từ năm 1992 với vai trò là thị xã tỉnh lỵ, Đảng bộ thị xã Trà Vinh đã chỉ đạo tập trung củng cố, kiện toàn bộ máy để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.
       Về công tác xây dựng Đảng: Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng bộ thị xã nhiệm kỳ VI, công tác xây dựng Đảng rất được Đảng bộ chú trọng đổi mới và chỉnh đốn nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ đủ sức hoàn thành nhiệm vụ, khắc phục những thiếu sót, tồn tại, củng cố lòng tin của quần chúng vào sự lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đảng bộ đã chỉ đạo các cơ sở đảng tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh theo đúng tinh thần Hội nghị Trung ương 3 khóa VII về đổi mới và chỉnh đốn Đảng. Đảng viên phải thể hiện được vai trò tiền phong gương mẫu trong công tác cũng như về phẩm chất và lối sống.
Cuối năm 1995, Đảng bộ thị xã đã tổ chức tổng kết quá trình thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa VII theo đúng kế hoạch đề ra của Tỉnh ủy.
Về tư tưởng, chính trị, Đảng bộ quan tâm đến công tác triển khai các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, chủ động đề ra những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao nhận thức tư tưởng cho đảng viên. Đảng bộ đã tập trung chỉ đạo đổi mới nội dung, phương pháp công tác giáo dục chính trị, tư tưởng bằng các hình thức và biện pháp thích hợp, học tập nâng cao trình độ lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh, ngày càng củng cố lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Qua đó, hầu hết đảng viên trong Đảng bộ đều được học tập, quán triệt chủ trương, nghị quyết của Trung ương, nâng cao bản lĩnh chính trị, kiên định đi theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; khắc phục những nhận thức lệch lạc, mơ hồ, những biểu hiện tư tưởng bi quan, dao động, quan liêu xa rời thực tế, xa rời quần chúng; động viên nhân dân thực hiện thắng lợi nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy và của Thị ủy, nâng cao hơn nữa lòng tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới của Đảng ta.
Đảng bộ thường xuyên, liên tục bồi dưỡng, rèn luyện cho mỗi đảng viên có quan điểm, lập trường vững vàng, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, có quan điểm quần chúng đúng đắn, tin tưởng và biết dựa vào quần chúng, “lấy dân làm gốc”, hết lòng phục vụ lợi ích của nhân dân; khắc phục tư tưởng bi quan, dao động trước tình hình biến động của các nước Đông Âu và Liên Xô, trước những khó khăn hiện nay của đất nước, nêu cao ý thức cảnh giác cách mạng, phát huy tính tự lực, tự cường, kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện tiêu cực, thụ động trông chờ, thiếu tinh thần trách nhiệm; chống tư tưởng hữu khuynh đi ngược lại quan điểm của Đảng hoặc bảo thủ, xa rời quần chúng, cục bộ địa phương, lãng phí, không chấp hành nghiêm nghị quyết của Đảng. Tuy nhiên, việc vận dụng và thực hiện các phương châm, nguyên tắc trong xây dựng Đảng theo tinh thần đổi mới ở nhiều cơ sở đảng còn đơn điệu và thiếu cụ thể, chưa làm tốt việc gắn công tác chính trị, tư tưởng với việc chăm lo đời sống cho cán bộ, đảng viên; việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình cũng như chất lượng sinh hoạt đảng còn hạn chế.
Về tổ chức, Đảng bộ đã tiến hành kiện toàn một bước phù hợp với đặc điểm tình hình của tổ chức cơ sở đảng, từng tổ chức cơ sở đảng cũng đã xác định được chức năng, nhiệm vụ của mình. Đến năm 1995, Đảng bộ có 100% tổ chức cơ sở đảng đã hoàn thành việc xây dựng quy chế và thực hiện tốt theo quy chế đã đề ra. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức Thị ủy còn xây dựng thang điểm thi đua và mở các cuộc hội nghị tập huấn cho các cơ sở thống nhất về nội dung báo cáo, cách ghi biên bản sinh hoạt chi bộ, đảng bộ định kỳ bảo đảm 3 tính chất, 3 nội dung.
Qua chỉnh đốn, nhìn chung các tổ chức cơ sở đảng, nhất là ở các phường, xã, đã bước đầu thể hiện được chức năng là hạt nhân chính trị lãnh đạo các nhiệm vụ ở cơ sở, năng động, sáng tạo vận dụng các chủ trương, chính sách của Đảng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị và thực hiện tốt các nguyên tắc xây dựng Đảng, kiện toàn bộ máy tổ chức chi bộ đảng - chính quyền - đoàn thể, khắc phục dần tình trạng bao biện, chồng chéo làm thay giữa Đảng với chính quyền.
Hằng năm, ban xây dựng Đảng căn cứ vào thang điểm thi đua tiến hành kiểm tra chấm điểm, và đề nghị Thị ủy và Tỉnh ủy xem xét công nhận tổ chức cơ sở đảng vững mạnh. Kết quả là: Năm 1993, có 14 chi bộ, đảng bộ cơ sở được công nhận vững mạnh (có 3 chi bộ, đảng bộ cơ sở được Tỉnh ủy khen thưởng), chiếm tỷ lệ 43,75%; 8 chi bộ, đảng bộ cơ sở được công nhận vững mạnh từng mặt, tỷ lệ 25%; 7 chi bộ, đảng bộ cơ sở trung bình, tỷ lệ 21,88%; 3 chi bộ, đảng bộ cơ sở yếu kém, tỷ lệ 9,37%. Năm 1994, theo hưống dẫn của tỉnh chi xếp loại theo 2 tiêu chuẩn, kết quả kiểm tra có: 29 chi bộ, đảng bộ cơ sở đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh (có 10 cơ sở được đề nghị Tỉnh ủy khen thưởng), chiếm tỷ lệ 76,4%; 9 chi bộ, đảng bộ cơ sở còn yếu kém, chiếm tỷ lệ 23,6%.
Từ khi đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII, bộ máy tổ chức phòng ban hệ thống đảng - chính quyền - đoàn thể của thị xã từng bước được sắp xếp, bố trí, phân công lại theo biên chế chức danh của cấp trên hướng dẫn và phù hợp khả năng sở trường của từng cán bộ được phân công nên đã phát huy hiệu quả công tác tốt hơn trước.
Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Thị ủy đã ra quyết định thành lập 3 ban cán sự đảng, 6 đảng đoàn, Đảng ủy quân sự và kèm theo quy chế hoạt động cho từng tổ chức.
Đảng bộ chú ý xây dựng và điều chỉnh quy hoạch cán bộ nhằm khắc phục một bước sự hụt hẫng về đội ngũ cán bộ kế cận. Đảng bộ xác định phải chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế thừa, thay thế trước mắt và trong 5-10 năm tới, chú ý quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ ở phường, xã, nhất là cán bộ chủ chốt, cán bộ quản lý, cán bộ khoa học - kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị. Đảng bộ có kế hoạch đào tạo, đưa cán bộ đi học các lớp ngắn hạn, dài hạn một cách có hệ thống. Quy hoạch cán bộ từ cơ sở lên được Ban Thường vụ Thị ủy nhất trí cao. Nhờ thực hiện tương đối tốt công tác quy hoạch cán bộ nên khi có sự đổi mới về công tác tổ chức, đã tránh được sự chồng chéo, xáo trộn, phát huy được khả năng của cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc. Nhờ đó, ý thức tự thân vận động vươn lên trong học tập văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ... và tự nghiên cứu bằng các hình thức khác nhau của đội ngũ cán bộ, đảng viên tăng lên so với trước. Tuy nhiên, công tác quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, nhất là cán bộ khoa học - kỹ thuật, cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc.
Năm 1994, Đảng bộ đã tổ chức tốt Đại hội chi bộ, đảng bộ cơ sở và Hội nghị đại biểu Đảng bộ thị xã giữa nhiệm kỳ. Đảng bộ đã thành lập Ban chỉ đạo Đại hội và các tiểu ban giúp việc, hướng dẫn các chi bộ, đảng bộ cơ sở khẩn trương chuẩn bị các bước, chọn cơ sở điểm (phường 2, phường 3) tổ chức Đại hội để rút kinh nghiệm, sau đó chỉ đạo tiến hành Đại hội đồng loạt ở các cơ sở khác, đến ngày 10-3-1994 đã có 39/39 cơ sở tiến hành Đại hội thành công. Kết quả là đã bầu được 145 đồng chí vào cấp ủy (trong đó có 17 cán bộ nữ, 6 cán bộ người dân tộc Khmer, 10 cán bộ hưu trí). Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ Thị xã được tiến hành trong 2 ngày từ ngày 1 đến ngày 2-5-1994, có 77 đại biểu chính thức về dự. Hội nghị đã tập trung kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ VI trong 2 năm 1992-1993, đề ra phương hướng, nhiệm vụ của hai năm còn lại (1994-1995), trong đó có thảo luận, biểu quyết phấn đấu thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu trong 2 năm tới và bầu bổ sung 9 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã. Ban Chấp hành tiếp tục bầu bổ sung 5 đồng chí ủy viên Thường vụ, 2 đồng chí Phó Bí thư và 4 đồng chí vào ủy ban Kiểm tra Thị ủy. Qua Đại hội các chi bộ, đảng bộ cơ sở và Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ Đảng bộ thị xã, nhìn chung tổ chức đảng đã được củng cố một bước, trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ của các đồng chí trong Ban Chấp hành được nâng lên so với nhiệm kỳ trước.
Trong 5 năm 1991-1995, Đảng bộ đã tổ chức cho 69 đồng chí đi học các lớp lý luận chính trị trung, cao cấp và chuyên môn nghiệp vụ. Mạnh dạn điều động, đề bạt 11 cán bộ lãnh đạo ở các ban, ngành và cơ sở phù hợp với trình độ năng lực. Công tác bồi dưỡng phát triển Đảng được chú ý về mặt chất lượng. Tiếp thu Chỉ thị số 12/CT-TU của Tỉnh ủy, Thị ủy chỉ đạo cho các cấp ủy đảng xây dựng kế hoạch bồi dưỡng phát triển đảng viên mới. Qua các phong trào ở địa phương, đơn vị đã xem xét phát triển đảng viên mới ngày càng đông về số lượng và mạnh về chất lượng, cụ thể: năm 1991 phát triển được 21 đảng viên mới, năm 1992 phát triển được 30 đảng viên mới, năm 1993 phát triển được 25 đảng viên mới, năm 1994 phát triển được 34 đảng viên mới, và năm 1995 phát triển được 53 đảng viên mới. Tính chung, trong thời gian 5 năm 1991-1995, Đảng bộ đã phát triển được 163 đảng viên mới, trong đó đa số là đảng viên trẻ, có trình độ. Đảng bộ cũng đã đặc biệt chú ý đến lực lượng đảng viên là nữ và đảng viên là người dân tộc Khmer...
Việc đổi mới phương thức, nội dung hoạt động và cải tiến lề lối làm việc của các cấp ủy theo đúng quy chế, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng, bảo đảm mọi đảng viên đều được dân chủ thảo luận xây dựng nghị quyết, chủ trương của Đảng và kiểm tra mọi hoạt động của cấp ủy. Trong thảo luận được phát biểu theo quan điểm của mình và được quyền bảo lưu ý kiến, nhưng phải chấp hành ý kiến của đa số, nói và làm theo nghị quyết. Các đảng viên đều tích cực tham gia sinh hoạt đảng và kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tư tưởng lệch lạc. Công tác tự phê bình và phê bình đã đi vào nền nếp, thông qua các tổ chức đoàn thể, động viên quần chúng tham gia đóng góp ý kiến xây dựng tổ chức đảng và đảng viên. Công tác quản lý đảng viên đã đi vào chiều sâu, các chi bộ đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên căn cứ vào ý thức và năng lực vận động quần chúng, qua đó đánh giá, xem xét ý chí chiến đấu và kết quả hoạt động của đảng viên. Việc phân công giao nhiệm vụ cho đảng viên nghỉ hưu, nghỉ mất sức và các diện chính sách bước đầu có sự phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của từng cá nhân cũng như việc xét miễn sinh hoạt đảng cho số đảng viên sức khỏe yếu đã được thực hiện. Đồng thời theo khả năng của từng nơi, các cấp ủy đảng cũng luôn quan tâm tạo điều kiện cho đảng viên vay vốn để sản xuất, kinh doanh, nhằm ổn định đời sống và an tâm công tác. Theo số liệu của Thị ủy, trong thời gian từ năm 1992 đến năm 1995 đã cho 129 đảng viên vay vốn với số tiền là 459 triệu đồng.
Công tác kiểm tra đảng viên chấp hành Điều lệ và nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nguyên tắc sinh hoạt đảng, kiểm tra tư cách đảng viên được tiến hành thường xuyên, có kiểm điểm phân loại định kỳ. Năm 1993, Đảng bộ bình xét, xếp loại được 714/857 đảng viên, trong đó: có 408 đảng viên đủ tư cách, phát huy tốt phẩm chất năng lực; 288 đảng viên đủ tư cách, nhưng còn hạn chế từng mặt; 12 đảng viên vi phạm tư cách, nhưng còn khả năng sửa chữa; 6 đảng viên cần đưa ra khỏi Đảng. Năm 1994, bình xét, xếp loại được 730/848 đảng viên, trong đó: có 568 đảng viên đủ tư cách, phát huy tốt phẩm chất năng lực, tăng 160 đảng viên so với năm 1993; 142 đảng viên đủ tư cách, nhưng còn hạn chế từng mặt; 20 đảng viên vi phạm tư cách, nhưng còn khả năng sửa chữa. Năm 1995, bình xét, xếp loại được 568/879 đảng viên, trong đó: có 437 đảng viên đủ tư cách, phát huy tốt phẩm chất năng lực, tăng 29 đảng viên so với năm 1993, giảm 131 đảng viên so với năm 1994; 126 đảng viên đủ tư cách, nhưng còn hạn chế từng mặt; 5 đảng viên vi phạm tư cách, nhưng còn khả năng sửa chữa. Tuy nhiên, bước đầu thực hiện thiếu chặt chẽ, số liệu phản ánh chưa thực đúng tình hình thực tế của đội ngũ đảng viên. So với yêu cầu, nội dung của Hướng dẫn số 335/BTC của Ban Tổ chức Trung ương, vẫn còn một số nơi nhận thức chưa sâu việc kiểm tra, xét tư cách đảng viên, chỉ kiểm điểm trong nội bộ Đảng, chưa gắn với việc lấy ý kiến đóng góp của quần chúng nơi đảng viên đó cư trú, công tác.
Đảng bộ cũng chủ động lắng nghe ý kiến đóng góp của quần chúng, tham mưu đề xuất với cấp ủy thi hành kỷ luật đảng viên sai phạm bằng các hình thức thích hợp với phương châm công minh, chính xác, kịp thời. Trong nhiệm kỳ 1991-1995, Đảng bộ đã xử lý thi hành kỷ luật 46 đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng và các quy định của Nhà nước, trong đó có 24 trường hợp bị xóa tên và khai trừ khỏi Đảng.
Bên cạnh đó, Đảng bộ cũng thực hiện tốt các chính sách của Đảng về việc giải quyết các chế độ, chính sách nghỉ hưu, mất sức cho cán bộ, đảng viên và những gia đình có công với cách mạng. Trong nhiệm kỳ 1991-1995, 86 đồng chí được tặng huy hiệu Đảng, huân chương các loại, và kịp thời tổ chức lễ nhận phụng dưỡng suốt đời 18 Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Cuối nhiệm kỳ, thực hiện Chỉ thị số 51-CT/TW ngày 9-3-1995 của Ban Bí thư và Thông tri số 09-TT/TW ngày 12-9-1995 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về việc tổ chức đại hội đảng các cấp và hướng dẫn của Tỉnh ủy, Đảng bộ đã có kế hoạch và đảng văn triển khai chỉ đạo các cấp ủy đảng tập trung chuẩn bị. Đến cuối năm 1995, toàn Đảng bộ đã cơ bản hoàn thành các văn kiện, nhân sự, thông qua tiểu ban văn kiện, nhân sự thị xã. Đảng bộ cũng chỉ đạo thực hiện điểm ở cơ sở đối với phường 1 để tổ chức rút kinh nghiệm khi thực hiện cho toàn Đảng bộ.
Về xây dựng và củng cố bộ máy nhà nước gắn với yêu cầu tinh gọn, mạnh dạn cải tiến lề lối làm việc, nâng cao hiệu lực quản lý, tăng cường sự phối hợp của hệ thống chính trị, nhất là năng lực điều hành, quản lý kinh tế - xã hội - an ninh - quốc phòng trên địa bàn được ổn định, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước ngày càng trưởng thành. Thị ủy đã tập trung chỉ đạo tích cực giải quyết các tồn đọng của các công ty, xí nghiệp giải thể, xử lý công nợ đúng quy định của Nhà nước, đồng thời chú trọng củng cố bộ máy quản lý nhà nước. Đầu năm 1993, thị xã Trà Vinh chuyển sang đơn vị dự toán, tuy bước đầu có lúng túng do thay đổi cơ chế, nhưng sau đó đã nhanh chóng ổn định, điều hành công việc đạt hiệu quả cao. Thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 và kế hoạch của Tỉnh ủy về cải cách nền hành chính đạt được một số kết quả bước đầu.
Đảng bộ thường xuyên chỉ đạo khẩn trương sắp xếp, kiện toàn bộ máy các cơ quan, ban ngành của Đảng và Nhà nước, bao gồm cả việc định lại biên chế tổ chức, bố trí cán bộ phù hợp với năng lực chuyên môn theo tinh thần Nghị định 46/TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 31-CT/UBND của ủy ban nhân dân tỉnh về sắp xếp định biên chế và quy hoạch các chức danh chủ chốt của phường, xã. Công tác cán bộ đã được đổi mới, chỉnh đốn, khẩn trương và kiên quyết, nhưng tránh thay đổi vội vàng, không có cơ sở khoa học. Việc đổi mới công tác tổ chức cán bộ đã chú ý đến quan điểm đánh giá cán bộ phải lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo phẩm chất và năng lực, lấy yêu cầu nhiệm vụ làm căn cứ để bố trí cán bộ. Đồng thời thay đổi ngay những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, không được tập thể và quần chúng tín nhiệm.
Đảng bộ đã chỉ đạo tăng cường củng cố hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp trong việc giám sát thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội; xây dựng quy chế làm việc của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân đã bước đầu đi sâu, đi sát, lắng nghe tiếng nói của nhân dân để kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đến các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Hiệu lực quản lý điểu hành của Ủy ban nhân dân thị xã và Ủy ban nhân dân các phường, xã được nâng cao hơn, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội bằng pháp luật. Thị ủy đã chỉ đạo sắp xếp lại bộ máy và biên chế hành chính theo hướng gọn nhẹ, có hiệu quả cao, giảm bớt đầu mối, tránh trùng lặp nhau và đi sát cơ sở. Tuy nhiên, công tác quản lý của Ủy ban nhân dân thị xã và các phường, xã trên thực tế mặc dù đã có sự cải tiến nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý xã hội, việc cụ thể hóa nghị quyết của Đảng có lúc còn chậm, việc quản lý theo địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới.
Về công tác vận động quần chúng, Đảng bộ xác định, công tác vận động quần chúng là công tác của toàn Đảng, có ý nghĩa quyết định trong giai đoạn cách mạng này, do đó Đảng bộ đã chỉ đạo thông qua nhiều lĩnh vực để vận động quần chúng vào các tổ chức. Thị xã Trà Vinh đã có những đổi mới cơ bản, toàn diện, cả về nhận thức cũng như phương thức tiến hành, đáp ứng với đòi hỏi của tình hình mới. Những chủ trương, chính sách về công tác dân vận, về đại đoàn kết dân tộc, về xây dựng giai cấp công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, thanh niên, phụ nữ, về tôn giáo, dân tộc, người Việt Nam ở nước ngoài... lần lượt được xác định và ngày càng được hoàn thiện. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8B (khóa VI) ngày 27-3-1990 và kế hoạch của Tỉnh ủy về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, Đảng bộ thị xã Trà Vinh đã tiến hành sơ kết rút kinh nghiệm và chỉ ra một số nhiệm vụ cấp bách về công tác vận động quần chúng giai đoạn tiếp theo từ năm 1993 đến năm 1995.
Nội dung, phương thức vận động quần chúng được đổi mới, hình thức phong phú và đa dạng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Hầu hết cán bộ, nhân dân đều có chuyển biến tốt về tư tưởng, nhận thức; củng cố được lòng tin của nhân dân đối với các chủ trương, đường lối lãnh đạo sáng tạo, đúng đắn của Đảng; khẳng định được con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta mặc dù thực tế còn nhiều khó khăn; khắc phục tư tưởng mơ hồ và đa nguyên, đa đảng; nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng. Đảng bộ càng nhận thức rõ vai trò và sức mạnh của quần chúng nhân dân, quán triệt sâu sắc bài học “lấy dân làm gốc”, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thị xã. Tính đến tháng 7-1993, Đảng bộ đã tổ chức được 160 cuộc vận động quần chúng với 11.145 lượt người; trong đó: có 42 cuộc trong nội bộ, 1.235 lượt đảng viên, 2.015 lượt cán bộ công nhân viên và đoàn viên; 118 cuộc trong nhân dân, 7.895 lượt người (trong số này có 700 công thương gia, 150 chức sắc tôn giáo, tu sĩ, 200 trí thức...).
Đảng bộ đặc biệt quan tâm đến công tác lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, xây dựng đoàn kết nhất trí trong các tầng lớp nhân dân, dân tộc, tôn giáo, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh những đoàn thể chính trị, Đảng bộ còn chỉ đạo thành lập nhiều tổ chức quần chúng có tính xã hội, nghề nghiệp nhằm tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia như: hội từ thiện, hội phụ lão, hội người Hoa, các câu lạc bộ thể dục thể thao, các loại hình kinh tế hợp tác...; các tổ chức này hoạt động tương đối hiệu quả.
Dưới sự lãnh đạo của Thị ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã kịp thời xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó coi trọng việc tăng cường củng cố tổ chức bộ máy, cán bộ từ thị xã đến tận cơ sở khóm, ấp, quán triệt quan điểm của Đảng trong tình hình mới. Bộ máy của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của thị xã được bố trí đủ định biên là 27 người; số thành viên Mặt trận Tổ quốc và ủy viên ban chấp hành các đoàn thể của thị xã đến năm 1995 có 199 người, cấp phường, xã có 570 người. Hệ thống Mặt trận và các đoàn thể cấp cơ sở trực thuộc thị xã có 75 tổ chức và hệ thống trực thuộc cấp cơ sở có 871 tổ chức (chi hội, phân hội, tổ hội, ban cán sự ở khóm, ấp). Qua Đại hội, Mặt trận và một số đoàn thể hai cấp đã thể hiện được sự tiến bộ về nội dung, phương hướng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động và tổ chức cán bộ. Ban Dân vận thị xã và của các phường, xã được tăng cường và củng cố vai trò tham mưu cho cấp ủy, chỉ đạo hoạt động Mặt trận - đoàn thể phát huy đoàn kết toàn dân tộc, tôn giáo, lương giáo, trí thức, công thương gia theo hướng tích cực... Thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TU của Tỉnh ủy về công tác tôn giáo, trong nhiệm kỳ, Đảng bộ đã chỉ đạo Đại hội Hội đoàn kết sư sãi yêu nước thị xã Trà Vinh đạt kết quả tốt. Chất lượng hoạt động của cán bộ - đoàn viên, hội viên được nâng lên một bước, thường xuyên tập huấn công tác chuyên môn theo giới, ngành phụ trách.
Cấp ủy và Ủy ban nhân dân các cấp đã tạo điều kiện tốt nhất (có thể) về kinh phí và cơ sở vật chất giúp cho Mặt trận và các đoàn thể hoạt động. Bên cạnh đó, cho phép Mặt trận và các tổ chức đoàn thể tổ chức một số cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật để tự lực một phần kinh phí hoạt động.
Nhờ làm tốt công tác vận động quần chúng, Thị ủy đã lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc thị xã và các tổ chức đoàn thể tạo được nhiều điển hình tốt trong phong trào giúp nhau làm kinh tế gia đình, chương trình xóa đói giảm nghèo, mô hình nông dân sản xuất giỏi... có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, đáp ứng lợi ích của đoàn viên, hội viên, củng cố tổ chức và góp phần xây dựng lực lượng chính trị của Đảng vững mạnh. Qua các phong trào trên, tính đến năm 1995 Đảng bộ đã vận động tổ chức thành lập được 5 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ, 1 tập đoàn và 2 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp; thành lập 174 tổ liên doanh vay vốn sản xuất, chăn nuôi và kinh doanh dịch vụ với số vốn 4,215 tỷ đồng; hình thành 18 tổ tín dụng; 258 tổ, hội tình thương giúp vốn luân phiên làm ăn trong các thành viên, với tổng số vốn 646 triệu đồng. Các tổ chức vui chơi thể thao như: cầu lông, bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền, cờ tướng, võ thuật... có 16 tổ, đội với 1.064 người tham gia. Các hội nghề nghiệp như: hội bốc vác có 10 tổ, 228 người; nghiệp đoàn Mazda 70 xe; 2 tổ dạy nghề với 68 người học và 15 lớp học Anh văn...
Tính đến năm 1995, đã tập hợp được quần chúng theo lứa tuổi, giới, nghề nghiệp... với tổng số 30.679 đoàn, hội, đội viên, chiếm 45,62% dân số thị xã và tập hợp quần chúng vào các tổ chức phổ thông được 26.539/35.813 người, đạt tỷ lệ 74,10% so với dân số thị xã; tăng 12,07% so với năm 1993 (năm 1993 mới tập hợp được 21.985 đoàn viên, hội viên, chiếm tỷ lệ 34,62% so với dân số thị xã).
Có thể thấy hoạt động của các đoàn thể trong những năm 1992-1995 nhìn chung có sự đổi mới, nhưng chưa đồng bộ, chưa thật sự đi vào chiều sâu, một số cán bộ được bố trí làm công tác mặt trận chưa đủ tầm năng lực, uy tín để quy tụ các tầng lớp nhân dân, tổ chức cán bộ chưa ổn định và lực lượng kế thừa thiếu, do đó chưa tạo thành khí thế trong phong trào thi đua. Các ngành ngoài đoàn thể chưa quan tâm đúng mức đến công tác vận động quần chúng.

 

Chú thích:

 (1) Các nhiệm kỳ 1991-1995,1996-2000, Ban Chấp hành Đảng bộ Thị xã Trà Vinh có 2 đồng chí cùng tên là Nguyễn Văn Phong (Tư Phong).
 (2) Nghị quyết ngày 26-12-1991 của Quốc hội nưóc Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VIII về việc phân vạch lại địa giới hành chính một số tỉnh
(3) Thông báo số 355-TB/TU ngày 29-4-1992 của Tỉnh ủy Cửu Long.

Tin khác
1 2 3 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 10
  • Hôm nay: 151
  • Trong tuần: 3 550
  • Tất cả: 8759189

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn