Để hiểu rõ hơn những chi tiết liên quan đến sự kiện thống nhất đất nước
0:00 / 0:00

Ngày 30/4/1975, nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất. Các sự kiện khởi đầu và kết thúc luôn được nhiều người quan tâm và vì vậy sự kiện gắn với ngày thống nhất 30/4/1975 cũng là một trong các sự kiện đó.

Lá cờ cắm trên nóc dinh Độc Lập ngày 30/4/1975

Một số trang mạng xã hội khi đưa tin về sự kiện cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 thường viết là “cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc dinh Độc Lập”. Đó là chi tiết chưa chính xác. Lá cờ cắm trên nóc dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 là cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Lá cờ này có màu nửa đỏ nửa xanh dương và có ngôi sao vàng ở giữa, đó là quốc kỳ của Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Ngày 20/12/1960 tại Tây Ninh, đại biểu các giai cấp, dân tộc, tôn giáo và các đảng phái đã họp Đại hội và quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, một trí thức yêu nước nổi tiếng khi ấy đang bị giam lỏng ở Tuy Hoà (Phú Uyên) được suy cử giữ cương vị Chủ tịch Mặt trận. Sau đó, lực lượng kháng chiến đã lập kế hoạch giải thoát Luật sư thành công và đưa về căn cứ. Phía Chính quyền Sài Gòn và Mỹ thường dùng từ “Việt Cộng” hoặc “VC” để gọi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

anh tin bai

Có 2 tuyên bố của ông Dương Văn Minh vào sáng ngày 30/4/1975

  Hiện nay, hầu như ai cũng biết rằng trưa 30/4/1975, trên Đài Phát thanh Sài Gòn, Tổng thống Việt Nam Cộng hoà (tên gọi theo danh từ) Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam: “Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh (có chữ Đại tướng chứ không như một số bài viết không có chữ “đại tướng”), Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng Hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam[1]”".

 Tuy nhiên, đó là tuyên bố thứ 2 của ông Dương Văn Minh, trước đó vào hồi 9h30, trên Đài Phát thanh Sài Gòn đã phát đi lời tuyên bố của ông Dương Văn Minh: “Đường lối, chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải giữa người Việt Nam để khỏi phí phạm xương máu người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa hãy bình tĩnh, ngưng nổ súng và ở đâu (thì) ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng. Chúng tôi ở đây chờ gặp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận về lễ bàn giao chánh quyền trong vòng trật tự, tránh sự đổ máu vô ích của đồng bào[2]”.

anh tin bai

Ông Dương Văn Minh (mặc áo đen ngồi nhìn lên) đọc tuyên bố đầu hàng tại phòng thu của Đài Phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975. Ảnh: TL

 Tuyên bố của Thủ tướng Việt Nam Cộng hoà[1] Vũ Văn Mẫu

Sau tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, luật sư Vũ Văn Mẫu đã nói: “Trong tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc, tôi, giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc và trở lại sinh hoạt bình thường. Các nhân viên của các cơ quan hành chính quay trở về vị trí cũ theo sự hướng dẫn của cách mạng[2]”.

Theo dự kiến, trưa 30/4/1975, Chính phủ Vũ Văn Mẫu sẽ trình diện Tổng thống Dương Văn Minh và trong buổi trình diện này có một bài diễn văn đã được chuẩn bị sẵn để đọc trong buổi ra mắt. Tuy nhiên, trưa hôm đó, quân giải phóng vào dinh nên bài diễn văn bị bỏ dở. Thế nhưng, tinh thần của bài diễn văn ấy thể hiện rõ tinh thần dân tộc của những người trí thức khi ấy: “Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã từng nhiều lần kêu gọi phía Việt Nam Cộng hòa có một Chánh phủ hòa bình, với các nhân vật không dính líu với chế độ Nguyễn Văn Thiệu, để tái lập thương nghị. Chính phủ hòa bình nay giờ đây đã được thành lập. Thành phần thứ ba đã đứng lên để đóng góp cho sứ mạng hòa bình, cho sự nghiệp hòa giải và hòa hợp dân tộc. Đồng bào toàn quốc đang trông chờ từng ngày, từng giờ, từng phút để máu và nước mắt dân tộc ngưng chảy vì chiến cuộc. Chúng tôi thiết nghĩ rằng, những người anh em phía bên kia chắc cũng không vui sướng trước cảnh súng đao và các tang tóc điêu tàn của đồng bào ruột thịt. Chúng tôi tin tưởng rằng mọi vấn đề dù khó khăn đến đâu, cũng có thể được giải quyết trên bàn hội nghị với tinh thần hòa giải, hòa hợp và tình huynh đệ giữa những người con cùng một mẹ Việt Nam. Tại sao chúng ta còn cần phải bắn giết lẫn nhau, gây thêm tang tóc, đau thương, cùng cực cho nhau, khi chính sách Nguyễn Văn Thiệu đã cáo chung và các người lãnh đạo chế độ này đã đưa nhau xa lìa tổ quốc, nếu không muốn nói là chạy trốn?[3]”.

anh tin bai

Bản chụp màn hình tuyên bố của Thủ tướng Vũ Văn Mẫu trưa 30/4/1975. Nguồn: Phim tài liệu “Chuyện kể 30 tháng 4: nhân chứng thứ 3

Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam là Chính phủ tồn tại cho tới ngày hiệp thương thống nhất đất nước về mặt Nhà nước

Tháng 6-1969, tại Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập[1].

anh tin bai

Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ lãnh thổ miền Nam theo Hiệp định Gèneve. Vậy nên ngày 17/4/1975, khi Trung Quốc đánh chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì ngày 20/4/1975, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã “ra tuyên bố 3 điểm: khẳng định chủ quyền của dân tộc Việt Nam đối với Hoàng sa, mọi tranh chấp về biển đảo, lãnh thổ sẽ giải quyết bằng thương lượng, sẵn sàng cùng với các bên liên quan bàn bạc[1]”.

Sau khi Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam và tuyên bố giải tán hoàn toàn chính quyền từ trung ương đến địa phương và giao lại cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam thì Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam là chính phủ hợp pháp của toàn bộ vùng lãnh thổ này.

Từ ngày 15 đến 21/11/1975, hội nghị hiệp thương chính trị được tổ chức để tiến tới thống nhất về mặt nhà nước. Đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông Trường Chinh đứng đầu, đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do ông Phạm Hùng đứng đầu. Hội nghị đã tán thành tổ chức bầu cử Quốc hội thống nhất. Ngày 25/4/1976, tổng tuyển cử trong cả nước được tổ chức, bầu ra 492 đại biểu của Quốc hội Việt Nam thống nhất. Từ ngày 24/6 đến ngày 02/7/1976, Quốc hội họp phiên đầu tiên, đặt tên nước là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thông qua quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, xác định Thủ đô, bầu chính phủ, đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định thành Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đây, chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam chính thức hợp nhất với chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để ra đời chính quyền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam của một quốc gia Việt Nam thống nhất.

anh tin bai

Khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội thống nhất. Ảnh: TL

Thống nhất đất nước là sự kiện vĩ đại trong lịch sử Việt Nam, vì vậy, các chi tiết liên quan rõ ràng sẽ giúp mọi người hiểu hơn về các sự kiện lịch sử nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.



[1] Nguyễn Thị Bình (2012): Gia đình, bạn bè, đất nước, Nxb Tri thức, Hà Nội, tr. 147

[1] Xem Ban Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Chính phủ Việt Nam (2006): Lịch sử Chính phủ Việt Nam, tập 2 (1955-1976), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.428, 428.

[1] Tên gọi theo danh từ, “nguỵ quyền” là tính từ. Tên gọi không ảnh hưởng tới bản chất.

[2] https://tuoitre.vn/giua-long-dan-toc-435812.htm

[3] Trung tâm lưu trữ Quốc gia II (2010): Về đại thắng mùa Xuân năm 1975 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 345

[1] Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (2014): Lịch sử Đảng bộ Thành phố hồ Chí Minh (1930-1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 913-914

[2] Nhiều tác giả: Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập II, 1954-1975, Nxb Chính trị quốc gia, tr. 980

Hồng Phúc
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 33
  • Hôm nay: 340
  • Trong tuần: 4 899
  • Tất cả: 8767853

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn