Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1/1/1914 -1/1/2024): Nguyễn Chí Thanh - “Sáng trong như ngọc một con người”

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914 - 1967) là vị đại tướng thứ 2 của Quân đội Nhân dân Việt Nam sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nguyễn Chí Thanh cũng là người được phong thẳng quân hàm đại tướng vào năm 1959 mà không phải qua cấp bậc nào trước đó. Nguyễn Chí Thanh không chỉ là một vị đại tướng tài ba, ông còn là người lãnh đạo và hoạt động sôi nổi có hiệu quả và để lại dấu ấn trên nhiều lĩnh vực khác nhau. 

Một cuộc đời cách mạng sôi nổi

Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1 tháng 1 năm 1914, tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cái tên Nguyễn Chí Thanh cũng gắn với một câu chuyện đặc biệt thú vị về ông. Đại hội Quốc dân ở Tân Trào tổ chức từ chiều ngày 16 tháng 8 đến ngày 17 tháng 8 năm 1945 đã cử ra Uỷ ban Dân tộc giải phóng bao gồm 15 người, Nguyễn Chí Thanh đứng số 13 trong danh sách. Trong bài viết: “Vài mẩu chuyện nhỏ về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh” đăng trên báo Quân đội Nhân dân, Tiến sĩ Nguyễn Thành Hữu, nguyên cán bộ nghiên cứu lịch sử Bộ Tổng tham mưu kể câu chuyện rằng tại Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào tháng 8 năm1945, khi nghe có tên Nguyễn Chí Thanh trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nguyễn Vịnh quay sang hỏi đồng chí Võ Nguyên Giáp: "Nguyễn Chí Thanh là ai mà nghe lạ thế!". Đồng chí Võ Nguyên Giáp mỉm cười trả lời: "Là anh chứ ai nữa, chính Bác đặt tên cho anh đấy". Nguyễn Vịnh vừa ngỡ ngàng, vừa sung sướng! Từ đó, cái tên Nguyễn Chí Thanh trở thành một phần lịch sử của quân đội, của cách mạng Việt Nam.

anh tin bai

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Đại hội Đảng bộ Quân đội năm 1960. Ảnh tư liệu.

Nguyễn Chí Thanh tham gia cách mạng từ năm 1934 và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1937. Trong cuộc đời cách mạng của mình ông đã trải qua nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng như: Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, Bí thư Khu uỷ khu IV, Bí thư Xứ uỷ Trung Kỳ, Bí thư Phân Khu uỷ Bình - Trị - Thiên; Bí thư Liên khu ủy IV, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam... Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (1951), ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960), Nguyễn Chí Thanh tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị. Năm 1961, ông được giao nhiệm vụ Phụ trách Ban Nông nghiệp của Đảng. Từ năm 1965 đến năm 1967, ông được phân công vào miền Nam để giữ chức Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam…

Một vị tướng soái tài ba

Theo Sắc lệnh số 36/SL ngày 31 tháng 8 năm 1959 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 16 sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam được thăng quân hàm cấp tướng, trong đó ông Nguyễn Chí Thanh được phong quân hàm Đại tướng. Phát biểu trong buổi lễ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn các vị tướng: “Dù ở cương vị nào chúng ta cũng đều phải cố gắng để xứng đáng là người đầy tớ trung thành và tận tụy của nhân dân”. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chính là người đã đứng ra long trọng hứa với Bác Hồ: “Ra sức học tập, nâng cao trình độ, góp phần xây dựng quân đội nhân dân tiến lên chính quy, hiện đại, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình. Luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, rèn luyện tác phong khiêm tốn, giản dị, đoàn kết, thắt chặt đoàn kết giữa quân đội và nhân dân làm tròn trách nhiệm của Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch trao cho”.

Khi được cử vào chiến trường miền Nam với cương vị là Bí thư Trung ương Cục, Chính ủy các lực lượng vũ trang Quân Giải phóng miền Nam, Nguyễn Chí Thanh đã đưa ra chiến thuật đánh áp sát của Quân Giải phóng miền Nam với phương châm "Nắm thắt lưng địch mà đánh". Kết quả của chiến thuật này là những chiến thắng 1liên tiếp: Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài v.v…Từ thực tiễn chiến trường miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tổng kết, đúc rút kinh nghiệm thành các bài báo gửi ra miền Bắc với các bút danh: Trường Sơn, Người quan sát, S.K.Z…Các bài viết của ông không chỉ phân tích sâu sắc tình hình, cục diện chiến trường miền Nam với tư cách của một người đang lăn lộn thực tế ở chiến trường mà còn thể hiện tư duy của một nhà chiến lược tài ba. Những chiến thuật mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vạch ra đã được Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam thực hiện đầy hiệu quả, mang lại nhiều chiến thắng trên chiến trường, làm thay đổi tương quan lực lượng và diễn biến trên chiến trường miền Nam, giúp Quân giải phóng thu được nhiều thắng lợi.

 Nguyễn Chí Thanh và “lời hứa không thể thực hiện” với Bác Hồ

 Cuối năm 1966, từ chiến trường miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ra báo cáo với Bác Hồ và Bộ Chính trị về tình hình miền Nam và chuẩn bị kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Theo kế hoạch, ngày 6 tháng 7 năm 1967 ông sẽ quay trở lại chiến trường miền Nam, nhưng rồi đúng ngày ấy ông đã qua đời vì bạo bệnh. Cố Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, con trai út của ông trong bài trả lời báo chí gần đây cho biết trưa ngày 5 tháng 7 năm 1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sang ăn cơm cùng Bác Hồ và chào tạm biệt Bác. Hôm ấy, Bác Hồ đã nói với ông: "Lần này chú vào, phải quyết tâm mở một chiến dịch lớn để giành lợi thế trên chiến trường, đón Bác vào thăm đồng bào chiến sĩ Miền Nam". Chiều đó, ông tiếp tục sang gặp Bác Hồ và tâm sự với Bác: "Cháu vào Nam, sẽ cố gắng đánh Mỹ cho tốt, thực hiện lời dặn của Bác, sớm đưa Bác vào thăm miền Nam. Bác cố gắng giữ sức khỏe". Bác Hồ đáp lại: "Bác biết rồi. Chú cứ yên tâm vào Nam". Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết đó là đoạn đối thoại cuối cùng giữa Bác Hồ và cha ông.

 

anh tin bai

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (bên phải) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu bản đồ tác chiến khi chuẩn bị vào chiến trường miền Nam lần thứ 2, chiều 5/7/1967 (Ảnh: TL).

Gần đây, ông Nguyễn Đình Hương trong một bài viết trên tờ “Hồn Việt” cho biết Bác Hồ đã có ý định chọn ông Nguyễn Chí Thanh là người kế nhiệm Bác. Có lẽ vì vậy mà sự ra đi đột ngột của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một cái tang đau đớn đối với Bác Hồ. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết cha ông đã “không thực hiện được lời hứa đưa Bác Hồ vào miền Nam, còn “Bác Hồ cũng không chờ được đến ngày đất nước thống nhất để vào thăm miền Nam…”. Những hình ảnh được công bố gần đây cho thấy Bác Hồ đã chống gậy tới viếng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Người đã khóc. Tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết khi nghe tin cha ông mất, ông Lê Duẩn đã thốt lên: "Anh Thanh mất, mang theo tất cả đi rồi". Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, năm 2001, CIA giải mật tài liệu về thông tin tình báo "Những khó khăn của Bắc Việt sau cái chết của Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Chí Thanh", tài liệu viết: 'Với cả lai lịch quân sự lẫn kinh nghiệm chính trị, ông Nguyễn Chí Thanh là người khó có thể thay thế… Từ đầu năm 1965, ông Thanh là nhân vật số một tại Trung ương Cục miền Nam… Có rất ít nhân vật có uy tín và tầm vóc có thể thay thế được ông".

Nhà thơ Tố Hữu, người bạn hoạt động cách mạng và chiến đấu của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã viết tặng bạn mình bài thơ “Nhớ đồng” từ năm 1937. Khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua đời, nhà thơ Tố Hữu đã khóc bạn của mình: “…Tưởng lại đưa Anh ra chiến trường/ Đường về, vó ngựa thắng dây cương/ Ngày mai... Ai biết chiều nay phải/ Vĩnh biệt Anh nằm dưới gốc dương! (…). Ôi! Sống như Anh, sống trọn đời/ Sáng trong như ngọc, một con Người!/ Thanh ơi! Anh mất rồi chăng đấy?/ Cứ thấy như Anh nở miệng cười!”.                                                                                                

Hồng Phúc
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 10
  • Hôm nay: 333
  • Trong tuần: 3 963
  • Tất cả: 8758959

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn