BÀI PHÁT BIỂU TOÀN VĂN CỦA THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH TẠI HỘI NGHỊ LIÊN HỢP QUỐC KHÓA 78

Thưa Bà Chủ tịch, thưa quí vị!

Trước hết, tôi xin chúc mừng Ngài Dennis Francis được bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 78. Tôi tin tưởng rằng với kinh nghiệm và năng lực của mình, Ngài sẽ dẫn dắt khóa họp của chúng ta thành công tốt đẹp. Tôi cũng đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Ngài Csaba Korosi, Chủ tịch Khóa 77 và Ngài Antonio Guterres, Tổng Thư ký Liên hợp quốc trong thời gian qua.

Thưa Ngài Chủ tịch và quý vị!

Trải qua nhiều đau thương, hy sinh, mất mát từ nhiều cuộc chiến tranh, sự chia cắt, bao vây, cấm vận của thế kỷ trước; đất nước Việt Nam chúng tôi hiểu hơn ai hết và rất trân trọng sự quý giá của hòa bình, hợp tác và phát triển. Bằng sự kiên trì, cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi với tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng đến tương lai”, biến thù thành bạn, chuyển đối đầu thành đối thoại, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, đưa đối thủ thành đối tác, Việt Nam được bạn bè quốc tế xem là hình mẫu của hợp tác, khắc phục và hòa giải sau chiến tranh vì sự phát triển và thịnh vượng chung của các bên.

Để đạt được điều này, chúng ta không thể không nói tới hai nhân tố chủ đạo, quyết định, có tầm quan trọng bậc nhất trong quan hệ hợp tác quốc tế - đó là lòng tin, sự chân thành và đoàn kết. Lòng tin xóa đi hận thù và sự khác biệt - lòng tin là điều kiện tiền đề bảo đảm mọi quan hệ hợp tác bền chặt, hiệu quả, thực chất. Sự chân thành giúp chúng ta có sự chia sẻ, cảm thông, tăng hy vọng, niềm tin. Sự đoàn kết trong nước tạo ra sức mạnh-sức mạnh của mỗi quốc gia, dân tộc, của toàn dân. Sự đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương tạo ra sức mạnh toàn cầu.

Đây cũng chính là tinh thần chúng tôi mong muốn được nhấn mạnh và lan tỏa tại Phiên họp năm nay. Chỉ có lòng tin, sự chân thành và đoàn kết trên phạm vi toàn cầu, với sự củng cố vai trò của Liên hợp quốc, với sự tham gia tích cực của tất cả các quốc gia, mới có thể giúp chúng ta cùng nhau giải quyết những khó khăn, vượt qua thách thức, thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng trên toàn thế giới cũng như ở từng quốc gia, khu vực, mang lại hạnh phúc, ấm no cho mọi người.

Thưa Bà Chủ tịch và quý vị!

Trong những năm gần đây, nhân loại đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Tổng thể thì hòa bình nhưng cục bộ có chiến tranh; tổng thể thì hòa hoãn, cục bộ có căng thẳng; tổng thể thì ổn định, cục bộ có xung đột; chạy đua vũ trang, nguy cơ vũ khí hạt nhân hủy diệt hàng loạt gia tăng. Hậu quả của đại dịch Covid-19 còn kéo dài; kinh tế thế giới phục hồi chậm, không đồng đều, lạm phát cao, rủi ro gia tăng. Các thách thức an ninh phi truyền thống, thiên tai, biến đổi khí hậu, môi trường, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, nguồn nước, an ninh mạng diễn biến phức tạp và khó lường.

Đồng thời, thế giới chúng ta hiện nay đang ẩn chứa những yếu tố khủng hoảng nghiêm trọng. Đó là:

Một là, Khủng hoảng về lòng tin trước những căng thẳng địa chính trị ở mức cao nhất kể từ sau chiến tranh lạnh; Hai là, Khủng hoảng về hợp tác đa phương do bị phân mảnh, chia rẽ; Ba, Khủng hoảng về nguyên tắc pháp lý với việc luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc có lúc, có nơi bị xem nhẹ; Bốn là, Khủng hoảng về nguồn lực để ứng phó với những vấn đề toàn cầu như giảm nghèo, giáo dục, y tế, hỗ trợ nhân đạo, dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu…

Trong bối cảnh đó, câu hỏi lớn đặt ra là: Chúng ta, những nhà lãnh đạo của mỗi quốc gia trên thế giới, cần phải làm gì để đưa các nước, các dân tộc và toàn thế giới vượt qua những sóng gió, thách thức như hiện nay? Câu trả lời, theo tôi, chính là: Chúng ta phải cùng nhau nỗ lực củng cố lòng tin, thực sự chân thành, tăng cường đoàn kết, thúc đẩy hợp tác đa phương, song phương, ứng phó hiệu quả với các thách thức mang tính toàn cầu, toàn dân, thúc đẩy phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực cho sự phát triển.

Tôi cho rằng, để ứng phó với các thách thức toàn cầu cần có những giải pháp toàn cầu; đồng thời những vấn đề này tác động đến tất cả các quốc gia, nên cần có cách tiếp cận toàn dân, tổng thể, toàn diện và bao trùm. Trên tinh thần đó tôi xin chia sẻ 5 nhóm giải pháp chủ yếu:

Thứ nhất, lấy sự chân thành, củng cố lòng tin chiến lược làm tiền đề, nâng tầm trách nhiệm của các quốc gia làm nền tảng. Sự chân thành, lòng tin cần được xây dựng và củng cố thông qua đối thoại bình đẳng và thẳng thắn, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích chung, hướng tới giải quyết các bất đồng, kiềm chế và ngăn ngừa xung đột. Trách nhiệm là việc tuân thủ những cam kết quốc tế, luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, không sử dụng vũ lực, chính trị cường quyền và chủ nghĩa đơn phương, không gây chia rẽ, phân tách. Trong đó, các nước lớn có vai trò hết sức quan trọng, tiên phong trong vun đắp lòng tin, lan tỏa sự chân thành và tinh thần trách nhiệm, đồng thời phải cam kết mạnh mẽ, hỗ trợ toàn diện  và hơn nữa cho phát triển toàn cầu.

Thứ hai, giải pháp toàn cầu là thúc đẩy đoàn kết, hợp tác quốc tế. Mỗi quốc gia cần đặt lợi ích của mình trong lợi ích tổng thể của cộng đồng quốc tế, cùng chung tay bảo vệ và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đề cao vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, với những sáng kiến và hành động đa phương mới và mạnh mẽ hơn vì lợi ích của tất cả các nước và mọi người dân. Chúng ta ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch của Tổng Thư ký Liên hợp quốc để thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững bằng những cam kết và hành động quyết liệt, cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Chúng ta hãy lấy đoàn kết thay cho chia rẽ, đối thoại thay cho đối đầu, hợp tác thay cho cô lập. Một lần nữa, Việt Nam khẳng định sự đoàn kết với nhân dân các nước, trong đó có Cuba và kêu gọi Hoa Kỳ chấm dứt bao vây cấm vận chống Cuba.

Thứ ba, giải pháp toàn dân là thúc đẩy chính sách lấy người dân làm trung tâm, là mục tiêu, là chủ thể, là động lực và nguồn lực cho sự phát triển bền vững; không để ai bị bỏ lại phía sau. Những thành tựu phát triển chỉ thực sự mang ý nghĩa trọn vẹn khi đem đến lợi ích thiết thực cho mọi người dân trên thế giới. Người dân cần được đặt vào trung tâm, là mục tiêu, là chủ thể, là động lực, là nguồn lực của sự phát triển bền vững trong mọi tiến trình hoạch định chính sách và trong hành động, nhất là ưu tiên đầu tư cho giáo dục, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, tăng cường khả năng chống chịu, thích ứng, phòng chống thiên tai, dịch bệnh…

Thứ tư, cần thúc đẩy các giải pháp tổng thể về kinh tế, chính trị, xã hội, bảo đảm ổn định, an ninh, an toàn; tạo động lực phát triển thông qua xây dựng, chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, giảm bớt các rào cản thương mại, đầu tư, thúc đẩy mở cửa thị trường, tăng cường các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Việt Nam ủng hộ và đẩy mạnh cải tổ các thể chế quốc tế, nhất là về tài chính-tiền tệ, theo hướng khoa học, minh bạch, công bằng, bình đẳng hơn cho các nước đang và chậm phát triển, tăng khả năng ngăn ngừa, ứng phó kịp thời với các rủi ro.

Thứ năm, khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; trong đó tự lực, tự cường, không ngừng đổi mới sáng tạo, phát huy hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh luôn là nhân tố quyết định cho sự thành công, thịnh vượng của mỗi quốc gia, từ đó tạo nên sức mạnh chung của mỗi khu vực và trên thế giới. Các nước đang phát triển, chậm phát triển, nhất là các quốc gia đang gánh chịu những hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… cần nhận được sự hỗ trợ cần thiết đủ mạnh, thiết thực, hiệu quả hơn của cộng đồng quốc tế về tài chính, về công nghệ, về đào tạo nguồn nhân lực và về quản trị điều phối.

Việt Nam ủng hộ đẩy mạnh cải tổ các thể chế quốc tế, nhất là về tài chính -tiền tệ, theo hướng khoa học, minh bạch, công bằng, bình đẳng hơn cho các nước 

đang và chậm phát triển, tăng khả năng ngăn ngừa, ứng phó kịp thời với các rủi ro. Việt Nam ủng hộ tiến trình Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai để tạo ra những chuyển đổi quan trọng, với tư duy mới, nhận thức mới, phương thức mới, hành động mới, giúp các thể chế đa phương hoạt động đồng bộ, hiệu quả hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu, lợi ích của các quốc gia và của mọi người dân.

Thưa Bà Chủ tịch và quý vị!

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của nhân dân Việt Nam, vị Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới đã khẳng định: “Nước lấy dân làm gốc... Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” và “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Dựa trên chính triết lý đó, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử sau gần 40 năm đổi mới trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân; tỷ lệ nghèo đa chiều hiện chỉ còn dưới 2%.

Việt Nam kiên trì, nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy của tất cả các nước và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, hợp tác, phát triển, thịnh vượng của các quốc gia và trên thế giới.

Việt Nam đã, đang và sẽ luôn là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Các nam, nữ chiến sĩ Quân đội và Công an nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, chuyển đi những thông điệp mạnh mẽ về hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Chúng tôi đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng để hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Việt Nam vừa bảo đảm lương thực cho 100 triệu người dân Việt Nam, vừa phấn đấu xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm nay, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Nhân dịp này, Việt Nam đã xây dựng và sẽ công bố Bản Cam kết quốc gia của Việt Nam về chuyển đổi SDGs.

Thưa Bà Chủ tịch và quý vị!

Từ một khu vực bị chiến tranh tàn phá và chia rẽ sâu sắc, Đông Nam Á đã chuyển mình thành một khu vực đoàn kết, hữu nghị và hợp tác, tâm điểm của tăng trưởng. ASEAN tầm vóc, khẳng định vai trò trung tâm trong duy trì hòa bình, an ninh, thịnh vượng tại khu vực. Chúng tôi khẳng định và cam kết cùng các nước trong và ngoài khu vực duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng không, hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; tuân thủ các nguyên tắc kiềm chế, tránh các hành động đơn phương, giải quyết tranh chấp và khác biệt bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý công bằng.

Thưa Bà Chủ tịch và quý vị!

Cố Tổng Thư ký Dag Hammarskjöld từng ví Liên hợp quốc như con tàu “Santa Maria” mới, đưa tất cả chúng ta vượt qua sóng gió, bão tố và những vùng biển chưa được khám phá để đi đến hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Chúng ta hãy là những thủy thủ có trách nhiệm, đoàn kết, tin tưởng, chung sức, chung lòng, cùng nhau “vững tay lái, chắc tay chèo” đưa “Con tàu Liên hợp quốc” đến với những chân trời mới, thịnh vượng và bao trùm hơn.

Xin trân trọng cảm ơn!

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 9
  • Hôm nay: 410
  • Trong tuần: 4 040
  • Tất cả: 8759036

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn