Sản xuất nông nghiệp đừng quên bảo vệ môi trường
Tỉnh Trà Vinh có quy mô sản xuất nông nghiệp hàng năm rất lớn, nên lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất thải từ chăn nuôi... được người sản xuất và vật nuôi thải ra môi trường đang ở mức "báo động", nguy cơ ô nhiễm môi trường đang ở mức cao.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với Công ty Cổ phần tập đoàn Lộc Trời thu gom rác thải bảo vệ thực vật tại xã Đa Lộc, huyện Châu Thành đem đi tiêu hủy

    Bà Phan Thị Thúy Nga, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX quýt đường Thuận Phú, ngụ ấp Long Trị, xã Bình Phú, huyện Càng Long cho biết: Thực trạng về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và việc bảo vệ môi trường chung cũng còn nhiều điều bất cập. Người làm vườn theo tiêu chuẩn VietGAP có ý thức bảo vệ môi trường tương đối tốt nhờ được tập huấn cách xử lý các chất thải như vỏ chai, bao thuốc bảo vệ thực vật; không bao giờ mang nhánh cây bị bệnh hay chất thải khác bỏ xuống dòng nước sông, ao đang sử dụng. Tại các vườn trồng theo tiêu chuẩn đều có xây dựng nhà vệ sinh, nhà kho, sân pha thuốc riêng. Người làm theo mô hình VietGAP thì muốn làm sao nước ở dưới sông, hồ phải rửa mặt, rửa tay được. Tuy vậy, có thực trạng là vẫn còn không ít người sản xuất nông nghiệp vô tư thải chất thải xuống sông, ao; thậm chí một số nông dân đem bình xịt thuốc xuống sông, ao súc rửa, thải xác chết động vật xuống sông... 

    Song song đó, trong lĩnh vực chăn nuôi, ô nhiễm môi trường cũng đang ở mức rất cao. Bên cạnh một số hộ nuôi có xây dựng hệ thống xử lý, còn phần lớn chất thải được thải trực tiếp ra sông rạch, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.

    Hiện nay, một trong những nguồn thải lớn ở nông thôn là rác thải chăn nuôi (phân, thức ăn thừa, xác gia súc, gia cầm chết...). Hiện phương pháp xử lý chất thải vật nuôi còn đơn giản, chủ yếu tận dụng làm thức ăn cho cá, ủ phân hoai mục để bón cho cây trồng và hoa màu, số chất thải còn lại được thải thẳng ra sông rạch, ao hồ không được xử lý an toàn đã tích tụ lâu ngày trong môi trường đất, nước mặt, nước ngầm và không khí, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

    Ngay cả trong lĩnh vực nuôi thủy sản, việc bảo vệ môi trường cũng còn đang bỏ ngỏ. Theo tính toán của các chuyên gia, đối với nuôi cá, chỉ khoảng 20% lượng thức ăn khô được chuyển hóa vào thành trọng lượng cá, còn lại dư thừa, bài tiết và được thải ra theo con đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, nước thải từ các hồ nuôi cá, tôm công nghiệp xả trực tiếp vào sông rạch không qua xử lý cũng là tác nhân lớn gây ô nhiễm môi trường. Sau khi thu hoạch, hầu hết lượng bùn thải, người nuôi tôm, cá thải trực tiếp ra sông. Chất thải lắng đọng ở đáy ao phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: Phân tôm, cá, thức ăn dư thừa, xác phiêu sinh vật, đất ao bị xói mòn... được thải trực tiếp ra sông sẽ đe dọa nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến những vụ nuôi tiếp theo.

    Theo ông Trần Văn Quân, ngụ ấp Thanh Trì A, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, để giữ vững năng suất, người sản xuất phải bón vào trong đất hàng năm một lượng phân, thuốc rất lớn, trên cây lúa, mỗi héc-ta trồng 03 vụ/năm, lượng phân sử dụng khoảng 1,2-1,35 tấn, thuốc sử dụng tương đương 10kg thuốc trừ sâu rầy, 09kg thuốc trị bệnh, 05kg thuốc diệt cỏ. Trên cây ăn trái, mỗi năm 01héc-ta nhà vườn sử dụng tương đương 18kg thuốc trừ sâu, trên 21kg thuốc trừ bệnh, 13kg thuốc kích thích sinh trưởng và 3,5kg thuốc diệt cỏ. Chị Sơn Thị Hạnh chuyên trồng màu, ở ấp Thanh Trì B, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành nói, để quản lý các đối tượng dịch hại trên cây trồng này hàng năm người trồng sử dụng 10kg thuốc trừ sâu/ha, 09kg thuốc trừ bệnh/ha, 05kg thuốc kích thích sinh trưởng/ha.

    Lượng vỏ thuốc bảo vệ thực vật hàng năm rất lớn, chủ yếu là các vỏ bao giấy tráng kẽm, túi nilon, các loại chai nhựa và thủy tinh không đáng kể. Vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật hiện nay chỉ có ở các cánh đồng lớn lúa, trồng màu và cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP được ngành chuyên môn thu gom tiêu hủy đúng theo quy định, các diện tích còn lại hầu như không được thu gom mà bỏ ngay trên đồng ruộng, sông, mương là nguồn ô nhiễm khá nghiêm trọng.

    Theo ông Lê Văn Bé, Chủ tịch hội Làm vườn tỉnh: Cách giảm thiểu tác nhân gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp là thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức của người dân và các giải pháp về mặt kỹ thuật. Theo đó, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang thực hiện nhiều chương trình tập huấn cho nông dân, đặc biệt là chương trình dịch hại tổng hợp (IPM), "3 giảm 3 tăng", “1 phải, 5 giảm”, mô hình trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP,… đã được triển khai rộng rãi nhằm giúp nông dân hạn chế đến mức thấp nhất lượng phân, thuốc được sử dụng trên một đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp. Đối với chăn nuôi, khuyến cáo người chăn nuôi áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn, xử lý chất thải thông qua xây dựng hầm biogas, ao lắng...

    Hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp, nông dân vẫn còn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học; thuốc thý y, thủy sản trong chăm sóc nên ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân. Đề nghị ngành chuyên môn cần tăng cường chuyển giao khoa học-kỹ thuật đến tận tay nông dân, nông dân cần tuân thủ theo quy trình sản xuất của ngành chuyên môn để sản phẩm sản xuất ra được an toàn, đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân mình và xã hội. 

Bài, ảnh: PHAN TUẤN
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 22
  • Hôm nay: 298
  • Trong tuần: 4 070
  • Tất cả: 8757505

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn