TẬP TRUNG TẠO BƯỚC ĐỘT PHÁ VỀ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ NÔNG NGHIỆP GẮN VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Nhìn lại chặng đường năm năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (2015 - 2020), với tinh thần tự lực, tự cường, Đảng bộ và Nhân dân Trà Vinh kiên trì phát huy thuận lợi, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa rất quan trọng: Kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện và nâng lên, chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững; tăng trưởng GRDP bình quân đạt 12,04%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm còn 29,41% (năm 2015 là 45,89%); tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng lên 70,59% trong GRDP (năm 2015 là 54,08%). 

Đặc biệt, nông nghiệp tỉnh nhà đã bước phát triển nhanh theo hướng sản xuất hàng hóa, có chất lượng và hiệu quả. Đối với cây lúa, mặc dù các năm qua diện tích lúa ngày càng giảm theo hướng chuyển sang các loại cây trồng khác và nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn, năm 2015 diện tích gieo trồng lúa là 237.321 ha, đến năm 2020 còn 222.700 ha, giảm 14.621 ha, bình quân mỗi năm giảm 2.924ha, nhưng sản lượng vẫn duy trì ở mức 1,25 triệu tấn/năm, do tăng năng suất và sản lượng. Diện tích cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày duy trì ổn định 52.000 ha; diện tích cây ăn trái và cây dừa tiếp tục được cải tạo và trồng mới hàng năm 15.000 ha theo hướng tập trung chuyên canh, phát triển các loại cây có giá trị kinh tế cao (cam sành, bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ, xoài, dừa sáp, dừa uống nước…), áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường. Chăn nuôi tuy gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, giá cả có thời điểm xuống thấp, dịch bệnh xảy ra (đặc biệt là dịch tả heo Châu Phi năm 2019), nhưng có sự tập trung chỉ đạo chuyển đổi từ nuôi nhỏ lẻ sang tập trung quy mô lớn; cải tiến chất lượng con giống, cải tiến lại đàn vật nuôi và kỹ thuật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng phù hợp với thị trường tiêu thụ và điều kiện sản xuất của từng địa phương; các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học được áp dụng phổ biến mang lại hiệu quả: Đàn gia súc đạt 561.500 con (tăng 30.980 con); đàn gia cầm 7,5 triệu con.(tăng hơn 3 triệu con so năm 2015).

Thủy sản: Nhờ tập trung đầu tư hạ tầng, đẩy mạnh chuyển giao khoa học  - kỹ thuật, tăng cường kiểm soát dịch bệnh, phát triển các vùng nuôi tập trung, đa dạng hóa đối tượng và hình thức nuôi; chuyển đổi nhanh hình thức nuôi sang bán thâm canh và thâm canh, đặc biệt là nuôi tôm thâm canh mật độ cao khoảng 450 ha, năng suất đạt từ 50 - 70 tấn/ha; duy trì 5.750 ha diện tích nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng rừng và 5.600 ha lúa - thủy sản; giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha đất nuôi trồng thủy sản đạt 320 triệu đồng, tăng hơn 70 triệu đồng so với năm 2015. Khai thác hải sản tiếp tục được đầu tư tàu có công suất lớn, lắp đặt các trang thiết bị hiện đại để khai thác xa bờ; thực hiện nghiêm các quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng Cảng cá Định An và Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Cung Hầu. Giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng bình quân 6,29%/năm.

Lâm nghiệp: có sự chuyển biến mạnh trên nhiều phương diện, rừng tiếp tục được chăm sóc, bảo vệ và phát triển tốt hơn, chất lượng rừng ngày càng được nâng cao. Năm năm qua, trồng mới 600 ha rừng tập trung, nâng tổng số diện tích rừng toàn tỉnh là 9.245 ha, tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 4,01%, tăng 0,41% so với năm 2015, trồng mới 350.000 cây phân tán gỗ lớn, góp phần chắn gió, hạn chế xói lở, bảo vệ bờ biển, ổn định môi trường sinh thái và đời sống Nhân dân.

Về xây dựng nông thôn mới: Tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới; thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh phát triển và liên kết sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống Nhân dân; kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ; cảnh quan môi trường thay đổi theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp; hệ thống chính trị được tăng cường, trật tự an toàn xã hội bảo đảm. Dự kiến đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 80% số hộ, 65% ấp và 70 xã (chiếm 82,35%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 20% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 03 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới là Tiểu Cần, Cầu Kè và Càng Long; thị xã Duyên Hải và thành phố Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng chuyển đổi cơ cấu trong ngành nông nghiệp vẫn còn những hạn chế: Trong cơ cấu toàn ngành, tỷ trọng giá trị nông nghiệp vẫn còn cao và giảm chậm (năm 2015, giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 69,74%, lâm nghiệp chiếm 1,19%, thủy sản 29,07%; năm 2020 tương ứng là 63,62%, 1,09% và 35,29%); chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; kết cấu hạ tầng chưa đáp cho nhu cầu thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp; việc ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất ít, chưa nhiều sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc; chương trình mỗi xã một sản phẩm chủ lực (OCOP) triển khai thực hiện còn chậm; việc tổ chức lại sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa liên kết thành chuỗi cung ứng sản phẩm; số lượng hợp tác xã có tăng nhưng số hoạt động có hiệu quả còn ít (trong tổng số 203 Hợp tác xã, có 14,5% hoạt động tốt; 19,3% hoạt động khá; 36,6% hoạt động trung bình; 19,3%  yếu và 10,3% ngưng hoạt động); công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn chậm phát triển, chưa trở thành nguồn thu nhập quan trọng của cư dân nông thôn và chưa góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp; việc triển khai thực hiện các chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn chậm. Một số tiêu chí của xã nông thôn mới chưa thật sự bền vững.

Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nêu: “Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ; phát triển những mặt hàng chủ lực, có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, sức cạnh tranh cao; tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực và đặc thù của tỉnh. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất…

 Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025. Các địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020, tập trung thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng bền vững”.

Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, cần tập trung thực hiện những giải pháp sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về sự cần thiết, tất yếu và tầm quan trọng nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy cần chỉ đạo việc tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 05 ngày 03/11/2016  của Tỉnh ủy  (khóa X) “về lãnh đạo thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến năm 2020”; tổng kết10 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 04/10/2011 của Tỉnh ủy (khóa IX) “về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020”. Ban hành Nghị quyết mới “về chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025” và Nghị quyết “về thực hiện Chương trình mục mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” để tập trung triển khai và tổ chức thực hiện.

Thứ hai, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong thực hiện chuyển đổi sản xuất trong nông nghiệp. Cụ thể:

- Trồng trọt: Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế của địa phương và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh việc chuyển diện tích sản xuất lúa năng suất thấp, kém hiệu quả và diện tích đất vườn tạp sang các loại cây trồng khác có thị trường, hiệu quả kinh tế cao hơn và sang nuôi trồng thủy sản. Phát triển diện tích trồng màu, cây công nghiệp ngắn ngày và cây ăn trái theo hướng công nghệ cao. Riêng  thành phố Trà Vinh và vùng ven của huyện Châu Thành cần tập trung phát triển nông nghiệp đô thị. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, sử dụng giống mới có năng suất và chất lượng cao, thực hiện các giải pháp, quy trình kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng cơ giới hóa và phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch.

- Chăn nuôi: Tập trung cải tạo giống và nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi; chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình công nghiệp và bán công nghiệp; đồng thời, phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại thân thiện với môi trường; giám sát và kiểm soát chặt chẽ công tác phòng, chống dịch bệnh; tổ chức lại hệ thống giết mổ bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; quản lý chặt chẽ việc sử dụng thuốc thú y và các chất phụ gia, chấm dứt sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

- Thủy sản: Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản; hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển; đẩy mạnh liên kết sản xuất theo hình thức hợp tác. Đầu tư nâng cấp các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền, tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến thủy, hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

- Lâm nghiệp: Tăng cường bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ; khuyến khích nhân dân tròng cây phân tán; tiếp tục giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng cho người dân. Nâng cao năng lực, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong công tác bảo vệ rừng.

- Thủy lợi: Tập trung phát triển thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản, tiêu thoát nước, xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nước.

Ba là, triển khai kịp thời, đầy đủ các cơ chế, chính sách của Nhà nước, đồng thời vận dụng, ban hành các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của tỉnh, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tạo mọi điều kiện cho nông dân và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai, nguồn vốn, các tiến bộ khoa học - công nghệ và thị trường. Công nghiệp háo, hiện đại hóa nông nghiệp, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản (sớm triển khai các dự án của Lavifood, Thông Thuận …đã cam kết). Cùng với việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng khu kinh tế Định An, các khu công nghiệp Cổ Chiên, Cầu Quan, cần triển khai đầu tư nhanh hạ tầng các cụm công nghiệp Tân Ngại (Châu Thành); Hiệp Mỹ Tây (Cầu Ngang), Phú Cần (Tiểu Cần), Sa Bình (thành phố Trà Vinh)…tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề ở nông thôn, tạo ra nhiều việc làm và tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn, góp phần giảm nghèo, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường bền vững.

Bốn là, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuối giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã đến doanh nghiệp. Tuyên truyền, vận động  và hỗ trợ nông dân hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, đồng thời quan tâm củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, theo hướng không chỉ làm tốt các dịch vụ đầu vào cho xã viên mà còn phải tập trung tổ chức cho nông dân sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đồng nhất về chất lượng, hiệu quả, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và kết nối thị trường. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tăng cường công tác quản lý, tư vấn, hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận các chính sách ưu đãi của Trung ương và của tỉnh, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Thường xuyên rà soát, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

   Năm là, tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào trong tất cả các lĩnh vực của ngành nông nghiệp. Khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả cây trồng, vật nuôi. Tiếp tục triển khai Chương trình“Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả của sản phẩm. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo, nâng cao chất lượng lao động. Đồng thời, quan tâm tăng cường bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp, nhất là ở cấp xã, ấp; thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ có năng lực giữ vị trí chủ chốt ở các xã khó khăn, các tiêu chí còn thấp, để tạo sự chuyển biến trong triển khai, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Sáu là,  tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng ở nông thôn, chú trọng đầu tư cho các công trình cải thiện trực tiếp điều kiện sinh hoạt và sản xuất, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu. Nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn. Vận động mọi người tích cực tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp. Xây dựng các mô hình tự quản đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự  an toàn xã hội. thông qua phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị  - xã hội, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo.

Bảy là, phát huy  vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền, công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của mọi cán bộ, đảng viên đoàn viên, hội viên và vai trò chủ thể của nông dân trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm của toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành nông nghiệp và phát triên nông thôn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao

Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, tin tưởng rằng, những mục tiêu, nhiệm vụ về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 sẽ đạt kết quả như mong đợi.

                                                                              Phúc Bình

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 15
  • Hôm nay: 545
  • Trong tuần: 4 317
  • Tất cả: 8757752

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn