Đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh cùng Nhân dân trong tỉnh thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1992 – 2010) (tt)

II. ĐỒNG BÀO KHMER TỈNH TRÀ VINH VỮNG BƯỚC TRONG NHỮNG NĂM ĐẦU THẾ KỶ XXI (2001 - 2010)
1. Phương hướng, nhiệm vụ phát triển vùng có đông đồng bào Khmer
Đây là giai đoạn thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2001-2005 và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2005-2010.
* Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2001 - 2005 diễn ra vào ngày 01/01/2001. Đây là “Đại hội của trí tuệ, đổi mới, dân chủ, đoàn kết và thắng lợi”. Vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2001 - 2005 có 47 đồng chí, trong đó có 04 đồng chí là người dân tộc Khmer (đồng chí Sơn Cang, đồng chí Sơn Song Sơn, đồng chí Thạch Hel và đồng chí Huỳnh Phước Long), tăng 01 đồng chí so với khóa trước. Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 13 đồng chí, trong đó có 02 đồng chí là người dân tộc Khmer (đồng chí Sơn Cang và đồng chí Sơn Song Sơn). Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Trà Vinh khóa VII bầu đồng chí Nguyễn Thái Bình giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy.
* Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2005 - 2010 diễn ra từ ngày 24 đến ngày 28/11/2005 với sự có mặt của 288 đại biểu đại diện cho hơn 23.000 đảng viên của 13 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy. Chủ đề tư tưởng của Đại hội này là: “Nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy truyền thống đoàn kết Kinh - Khmer - Hoa, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, giữ vững ổn định chính trị đưa kinh tế tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững”.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa VIII có 49 đồng chí, trong đó có 06 đồng chí là người dân tộc Khmer (đồng chí Thạch Hel, đồng chí Sơn Thị Ánh Hồng, đồng chí Thạch Dư, đồng chí Sơn Minh Thắng, đồng chí Huỳnh Phước Long và đồng chí Thái Văn Thìn). Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 13 đồng chí trong đó có 01 đồng chí người dân tộc Khmer làm phó Bí thư Tỉnh ủy (đồng chí Thạch Hel). Đồng chí Nguyễn Thái Bình được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh bầu tái đắc cử giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh khóa VIII. Trong Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh khóa VII có Phó Chủ tịch là người dân tộc Khmer (đồng chí Huỳnh Phước Long - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh và đồng chí Sơn Thị Ánh Hồng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh). Sau bầu cử Quốc hội khóa XII, đồng chí Huỳnh Phước Long được điều động về làm Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, xác định nhiệm vụ công tác dân tộc trong 5 năm 2001-2005 là: “…Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy (khóa V) về chuyển biến vùng đồng bào dân tộc Khmer, tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, xóa mù chữ Khmer và chữ phổ thông để nâng cao trình độ dân trí, quan tâm và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng bức thiết cho các xã đặc biệt khó khăn và trung tâm cụm xã có đông người dân tộc Khmer. Tăng cường xây dựng các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể trong sạch vững mạnh, giữ vững ổn định, chống địch lợi dụng vấn đề dân tộc để kích động, gây chia rẽ, quan tâm công tác phát triển đảng viên mới và công tác đào tạo đội ngũ cán bộ (cả cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý và cán bộ khoa học kỹ thuật) là người dân tộc, đáp ứng cho trước mắt và lâu dài.
Đi đôi với thực hiện chính sách dân tộc như trên, các cấp Đảng bộ cần thực hiện tốt chính sách tôn giáo, phát huy truyền thống đoàn kết lương - giáo, tôn trọng tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo hoạt động theo quy định của Nhà nước. Đồng thời kiên quyết xử lý những trường hợp lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng để tổ chức các hoạt động chống Đảng, chính quyền, gây rối trật tự xã hội và ổn định chính trị”(64).
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, xác định: “Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về công tác dân tộc, tôn giáo, Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer, chú ý đổi mới nội dung, phương thức công tác trong vùng có đông đồng bào Khmer phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh- quốc phòng; tiếp tục thực hiện dự án nhà ở, dự án hỗ trợ tư liệu sản xuất, Chương trình 134 của Chính phủ, chính sách trợ giá, trợ cước; chính sách hỗ trợ dân tộc đặc biệt khó khăn. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, động viên đồng bào Khmer phát huy nội lực, ý chí tự lực tự cường, đoàn kết xóm làng, tương thân tương ái vươn lên trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Từng bước thu hẹp khoảng cách về đời sống vật chất và tinh thần giữa các dân tộc trong tỉnh”(65).
Đây cũng là thời điểm tỉnh triển khai thực hiện các Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX “về công tác dân tộc”, “về công tác tôn giáo”, “về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đồng thời, qua tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 13/10/1992 của Tỉnh ủy “về công tác vùng đồng bào Khmer”, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 10/10/2003 “về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer”. Nghị quyết xác định: Phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu đến năm 2010 như sau:
Về phương hướng, nhiệm vụ:
- Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, thống nhất nhận thức những thành tựu to lớn đã đạt được sau 11 năm tái thành lập tỉnh Trà Vinh, củng cố, xây dựng lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, hưởng ứng thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước, tuân thủ pháp luật hiện hành. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng trong vùng đồng bào Khmer, tập trung thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng nhanh hiệu quả sử dụng đất đai và lao động, tăng thu nhập và mức sống của đồng bào Khmer, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng và các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
- Đổi mới nội dung, phương thức công tác dân tộc trong vùng đồng bào Khmer phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng. Trong đó, đặc biệt coi trọng thực hiện đổi mới nội dung và phương pháp công tác dân vận, thực hiện tốt chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo theo hướng đoàn kết các dân tộc, đoàn kết lương - giáo, động viên đồng bào Khmer phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần vươn lên trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
- Tăng cường xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào Khmer. Cơ cấu hợp lý cán bộ Khmer ở các cấp, các ngành, nhất là ở các cơ sở có đông đồng bào Khmer. Tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc và cán bộ công tác ở vùng dân tộc Khmer. Chú trọng công tác dân vận, mặt trận, xây dựng lực lượng nòng cốt trong dân tộc, nắm chắc và giải quyết kịp thời những nguyện vọng chính đáng của đồng bào và sư sãi Khmer, thực hiện tốt phong cách công tác dân vận “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.
Về mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể:
- Mục tiêu đến năm 2010:
(1) Phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống đồng bào. Phấn đấu đến năm 2010, trong vùng đồng bào Khmer không còn hộ tái đói, giảm hộ nghèo (theo tiêu chí mới) xuống dưới 10%, không còn xã đặc biệt khó khăn, rút ngắn khoảng cách chênh lệch mức sống giữa các dân tộc, các vùng, có 90% hộ dân được sử dụng điện và nước sạch trong sinh hoạt. Tiếp tục đầu tư xóa cơ bản nhà tạm bợ, giải quyết vấn đề đất đai và việc làm cho nông dân thiếu đất sản xuất, phát triển mạnh ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ để giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống đồng bào Khmer.
(2) Nâng cao trình độ dân trí, hoàn thành cơ bản phổ cập giáo dục trung học cơ sở, nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục - đào tạo, tiếp tục duy trì và phát triển việc dạy và học chữ Khmer, bổ túc văn hóa, song ngữ. Đồng bào nghèo được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào, có từ  90 - 100% số hộ được xem truyền hình và nghe đài phát thanh, các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào được bảo tồn và phát triển. Giải quyết tốt các chính sách đền ơn đáp nghĩa và chính sách đối với người có công, thực hiện công bằng xã hội.
(3) Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong vùng đồng bào Khmer trong sạch, vững mạnh. Tăng cường công tác qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học - kỹ thuật... là người Khmer có đủ phẩm chất và năng lực để đáp ứng yêu cầu công tác trước mắt và lâu dài. Phát triển đảng viên mới trong đồng bào đạt tỷ lệ từ 20% trở lên so với tổng số đảng viên chung. Đảm bảo chất lượng, nâng cao vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc tham gia thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng.
(4) Tiếp tục giữ vững và bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh, chú ý vùng có đông đồng bào Khmer, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng - an ninh ở các địa bàn xung yếu, trọng điểm. Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và vô hiệu hóa các âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, bọn phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo vu cáo, xuyên tạc, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Giữ vững ổn định chính trị, xã hội trong vùng và trên địa bàn tỉnh.
- Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2005:
+ Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng còn dưới 16%.
+ Các trạm y tế xã đều có bác sĩ: 100%.
+ Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch: 80%.
+ Tỷ lệ hộ được sử dụng điện: 75%.
+ Tỷ lệ đảng viên là người Khmer trên 15%.
2. Những kết quả đạt được
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII và lần thứ VIII, đặc biệt là 07 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy “Về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer”, tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, công tác xây dựng hệ thống chính trị trong vùng có đông đồng bào Khmer và các phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Khmer có nhũng chuyển biến tích cực.
 Kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, giá trị tổng sản phẩm nội địa (GDP) giai đoạn 2005 - 2010 tăng bình quân 11,64%, tuy chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, nhưng giữ vững được mức tăng trưởng so với giai đoạn năm 2001-2005. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch tích cực, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng giá trị công nghiệp, dịch vụ. Bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới; toàn tỉnh đến nay đã có trên 600 km đường láng nhựa và trên 1.500 km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa; giao thông liên ấp, liên xã thông suốt; cơ bản xóa cầu tạm bợ, thay bằng cầu bê tông cốt thép; 100% xã có điện hạ thế, với 90,03% hộ Khmer sử dụng điện; trên 90% hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Phát huy tác dụng tích cực của các chương trình, dự án trên lĩnh vực công nghệ thông tin, đã đầu tư dịch vụ Internet, điện thoại và quỹ nâng cao năng lực sử dụng, phổ cập Internet cho 26 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ. Hoạt động bưu chính, viễn thông đảm bảo thông tin, liên lạc thông suốt, mật độ sử dụng điện thoại đạt 97 thuê bao/100 dân, Internet đến 100% xã, đạt 1,7 thuê bao/100 dân. Phương tiện nghe, nhìn đến giáp các hộ dân; bình quân mỗi hộ có 1,3 phương tiện xe gắn máy. Đời sống Nhân dân không ngừng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người từ 5,3 triệu đồng/người/năm 2003, tăng lên 14,9 triệu đồng/người/năm 2010.
Sản xuất nông nghiệp trong vùng đồng bào Khmer phổ biến từ 02 vụ lúa, có nơi 02 vụ lúa - 01 vụ màu hoặc 03 vụ lúa/năm với năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng. Công tác khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư chuyển biến tốt, đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, thúc đẩy mạnh việc chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh trong vùng đồng bào dân tộc; mở rộng diện tích, tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, năng suất lúa tăng hàng năm, nâng tổng sản lượng lương thực lên trên 1,1 triệu tấn/năm; nâng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích từ 28,5 triệu đồng/ha/năm 2003, lên 45 triệu đồng/ha/năm 2010. Đẩy mạnh đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, áp dụng biện pháp "3 giảm, 3 tăng" trong sản xuất, góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả, lợi nhuận cho nông dân. Phát huy hiệu quả chương trình ngọt hóa Nam Măng Thít, cùng với hệ thống thủy lợi được đầu tư, đến nay thủy lợi của tỉnh đảm bảo yêu cầu tưới tiêu trên 80% diện tích sản xuất; một số vùng được đầu tư mô hình hệ thống kênh bê tông phục vụ sản xuất. Sản xuất gắn với chỉ đạo củng cố kinh tế hợp tác, hợp tác xã, nhằm tạo điều kiện ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện các chương trình liên kết trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm hàng hóa của nông dân. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển theo hình thức quy mô trang trại. Quan tâm củng cố, phát triển ngành nghề tiểu - thủ công nghiệp, nhất là một số làng nghề truyền thống như: Đan đát từ tre, trúc, dệt thảm, chiếu xuất khẩu..., hình thành các nhãn hiệu hàng hóa tham gia thị trường xuất khẩu.
 Tập trung chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội, công tác xóa đói giảm nghèo; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào Khmer bình quân hàng năm giảm 4%, hiện còn 30.238 hộ Khmer nghèo, chiếm 40,34% so với tổng số hộ Khmer và chiếm 51,99% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh (toàn tỉnh có 58.158 hộ nghèo, tỷ lệ 23,63%), không còn hộ đói trong vùng có đông đồng bào Khmer. Các chương trình dự án xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, các chính sách an sinh xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc được đầu tư; thực hiện có hiệu quả Chương trình 134, Chương trình 135, Quyết định số 74, Quyết định số 167, Quyết định số 289, Quyết định số 112 và các chương trình lồng ghép của Thủ tướng Chính phủ, đã mang lại hiệu quả thiết thực. Thực hiện tốt các chính sách về trợ giá, trợ cước, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, máy móc, thiết bị, tư liệu sản xuất, cải thiện các dịch vụ, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ phương tiện truyền thanh, báo chí; chính sách về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; hỗ trợ đời sống cho đồng bào... Bằng nguồn vốn Trung ương, đã hỗ trợ đầu tư về giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất, mua sắm máy móc, thiết bị sản xuất, thực hiện chính sách hỗ trợ, cải thiện các dịch vụ, nâng cao đời sống nhân dân và trợ giúp pháp lý, thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước (gồm giống cây trồng, vật nuôi, muối i-ốt, điện thắp sáng); ngoài ra còn hỗ trợ dụng cụ truyền thanh cho 38 xã và 11 ấp đặc biệt khó khăn giai đoạn II (2006 - 2010); hỗ trợ nhà ở cho trên 40.000 hộ Khmer nghèo, đến nay hộ Khmer nghèo cơ bản ổn định về nhà ở; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động cho 22.890 hộ (có trên 40.000 lao động đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trong tỉnh). Thực hiện chính sách hỗ trợ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của Chính phủ, 6.050 hộ được đầu tư hỗ trợ sản xuất và 10.432 hộ được hỗ trợ đời sống. Bên cạnh đó, chú trọng các giải pháp về vốn và hướng dẫn sử dụng vốn đúng mục đích, đã hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng vốn vay để phục vụ đồng bào sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, hạn chế tình trạng vay nặng lãi trong cộng đồng dân cư. Đặc biệt đã hỗ trợ giúp hàng ngàn hộ Khmer nghèo chuộc lại đất cầm cố; vận động hộ có nhiều đất cho 1.400 hộ không đất mượn 600 ha để sản xuất ổn định cuộc sống. Từ đó, nhiều hộ Khmer đã vươn lên về kinh tế gia đình, có vốn tái sản xuất, mua sắm tư liệu sản xuất, phương tiện sinh hoạt, nhiều hộ xây dựng nhà ở khang trang, góp phần đổi mới diện mạo vùng có đông đồng bào Khmer.
Sự nghiệp giáo dục - đào tạo vùng đồng bào Khmer có những chuyển biến quan trọng, trình độ dân trí ngày càng được nâng lên. Thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp và nhà công vụ cho giáo viên; trong vùng có đông đồng bào Khmer, đến nay có trên 78% phòng học kiên cố; gần 90% xã có trường mẫu giáo; có trên 22% học sinh tiểu học học 02 buổi/ngày. Hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở cấp tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 55.375 học sinh Khmer, chiếm 30,31% so với tổng số học sinh chung. Hệ thống Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh, huyện được đầu tư khá hoàn chỉnh, có 01 trường cấp tỉnh và 06 trường cấp huyện (có 01 trường cấp II được nâng lên cấp II - III), với tổng số trên 1.600 học sinh, tỷ lệ học sinh lên lớp ở các Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú hàng năm trên 95%. Đưa vào sử dụng sách giáo khoa Ngữ văn Khmer cấp I vào năm 2006 và cấp II vào năm 2009. Thực hiện tốt các chính sách đối với học sinh, sinh viên Khmer như: Cử tuyển, xét tuyển, cấp học bổng, hỗ trợ vay vốn, miễn học phí và các khoản đóng góp khác cho học sinh thuộc diện hộ nghèo; số học sinh Khmer thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp hàng năm đều tăng; các trường phổ thông trong tỉnh thực hiện tốt việc tổ chức hướng nghiệp cho học sinh khối trung học. Phong trào học hai thứ chữ phổ thông và Khmer có nhiều tiến bộ; phát triển tốt việc giảng dạy tiếng Khmer, khuyến khích cán bộ người Kinh học tiếng Khmer; duy trì và phát triển việc dạy và học song ngữ ở trường phổ thông và các điểm chùa (bổ túc văn hóa, Pali, ngữ văn Khmer, sơ - trung cấp Phật học...). Hiện có 84 lớp sơ cấp Phật học với 2.194 tăng sinh, 08 lớp trung cấp Phật học với 171 tăng sinh, 815 lớp sơ - trung cấp Pali và Ngữ văn Khmer ở các điểm chùa với trên 20.000 học viên. Ngoài ra, tỉnh còn tạo điều kiện cho chư tăng học tập tại các trường trong, ngoài tỉnh và nước ngoài. Số giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục người Khmer tăng so với trước, toàn tỉnh có 11.474 giáo viên, trong đó, có 2.383 giáo viên Khmer, chiếm tỷ lệ 20,76%; 108/1.060 cán bộ quản lý, tỷ lệ 10,2%. Thực hiện chế độ trợ cấp học tập cho học sinh phổ thông người dân tộc; phụ cấp 70% lương tối thiểu cho học sinh dân tộc nội trú; trợ cấp khó khăn cho giáo viên theo Nghị định số 61/2006/NĐ-CP, ngày 20/6/2006 của Chính phủ ...
Công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho Nhân dân ngày càng được quan tâm. Hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở được tăng cường về cơ sở vật chất, trang thiết bị; chất lượng khám và điều trị bệnh cho Nhân dân từng bước nâng lên; đội ngũ cán bộ y tế từng bước được củng cố. Toàn tỉnh có 568 cán bộ y tế là người dân tộc Khmer, tăng hơn gấp đôi so giai đoạn trước; 97% trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa khu vực vùng có đông đồng bào Khmer đều có bác sĩ; 39/50 xã, phường, thị trấn vùng có đông đồng bào Khmer được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế. Bệnh nhân là chư tăng Khmer đều được giảm, miễn viện phí và thuốc điều trị bệnh; hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, hộ cận nghèo được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế. Các chương trình y tế quốc gia thực hiện có hiệu quả; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, truyền thông, lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, góp phần kéo giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên và tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng.
Cấp ủy và chính quyền các cấp luôn tạo mọi điều kiện để đồng bào và chư tang Khmer phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên Báo, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và cổng thông tin điện tử tỉnh được xây dựng có phiên bản tiếng Khmer. Hiện nay, chương trình phát thanh tiếng Khmer 90 phút/ngày, phát hình 60 phút/ngày; Báo chữ Khmer phát hành 1 kỳ/tuần, báo ảnh chữ Khmer phát hành 1 kỳ/quí; vào dịp Chôl-Chnam-Thmây đều có chuyên trang, chuyên mục đặc biệt, tăng thời lượng, tăng số báo, số trang với nội dung phong phú và nâng dần về chất lượng. Thực hiện Quyết định 975/QĐ-TTg đã cấp phát 20 loại báo, tạp chí chuyên đề theo quy định, với tổng số trên 616.000 báo tờ và báo cuốn cho đối tượng hưởng lợi vùng dân tộc thiểu số, giúp cho người dân tiếp cận được các tin tức, các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, mô hình sản xuất có hiệu quả. Đầu tư công trình Đường đua Ghe Ngo của tỉnh; quan tâm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, phương tiện, cho hoạt động của Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh; tạo điều kiện cho Đoàn Nghệ thuật Khmer Triều An - Trà Cú đi vào hoạt động. Duy trì các loại hình trò chơi dân gian và hoạt động lễ, hội truyền thống; tổ chức các chương trình liên hoan nghệ thuật, hội thi, hội diễn văn nghệ, trang phục dân tộc và các chương trình nghệ thuật quần chúng khác. Tạo điều kiện cho Trường Đại học Trà Vinh thực hiện việc đào tạo văn hóa và tiếng Khmer bậc Đại học, đầu tư xây dựng khoa Văn hóa Dân tộc Khmer Nam bộ bậc Cao đẳng, Đại học; đào tạo Sư phạm Ngữ văn Khmer Nam bộ bậc Cao đẳng; triển khai kế hoạch đào tạo ngành Tiếng Khmer; xây dựng phương pháp giảng dạy tiếng Khmer và Khoa Dự bị Đại học cho học sinh dân tộc Khmer (Đây là Trường Đại học duy nhất của cả nước đào tạo văn hóa và tiếng Khmer bậc Đại học). Số ấp, khóm, xã, phường, thị trấn văn hóa, cơ quan, trường học, chợ, cơ sở tín ngưỡng văn minh tăng so với trước, toàn tỉnh hiện có 500/804 ấp, khóm, 21/104 xã, phường, thị trấn văn hóa và 1.080 cơ quan, trường học, chợ, cơ sở tín ngưỡng văn minh, trong đó có 63/142 chùa Khmer được công nhận văn minh.
 Tỉnh luôn tạo điều kiện cho đồng bào có đạo và các chư tăng Khmer an tâm hoạt động tôn giáo; tạo điều kiện cho các vị chức sắc được thuyên chuyển, bổ nhiệm chức sắc, đi học trong và ngoài nước; giúp cho chùa Khmer được nhập kinh sách Tam Tạng; các chùa được xây dựng mới hoặc sửa chữa cơ sở thờ tự; Trung ương, tỉnh hỗ trợ hàng tỷ đồng cho một số chùa có thành tích trong kháng chiến hoặc có đặc điểm về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật được xây dựng, sửa chữa; một số chùa được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ truyền hình cho 142/142 chùa Khmer, thành lập 30 Trung tâm học tập cộng đồng, 108 phòng đọc sách tại cơ sở thờ tự. Từ nguồn kinh phí của Trung ương và đối ứng của đồng bào, chư tăng Khmer đã xây dựng được 44 nhà hỏa táng, 07 nhà quàn ở 42 điểm chùa và 02 điểm cụm dân cư có đông đồng bào Khmer cư trú với kinh phí gần 14 tỷ đồng.
 Hoạt động của Hội Đoàn kết chư tăng yêu nước các cấp đi vào nền nếp, thực hiện tốt phương châm "Đạo pháp - dân tộc và chủ nghĩa xã hội"; đồng thời còn tham gia tốt các phong trào ở địa phương, nhất là lĩnh vực giáo dục, công tác từ thiện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể...Cụ thể như:
 + Hoạt động giáo dục: trong năm 2009, Hội các cấp đã tổ chức 801 lớp Pali ngữ văn Khmer với 19.345 tăng thanh niên sinh theo học; 76 lớp Phật học với 2.402 tăng thanh niên sinh theo học và 10 lớp trung cấp Phật học với 198 tăng thanh niên sinh theo học. Ngoài ra, Hội còn tạo điều kiện cho các chư tăng Khmer theo học các trường trung cấp, đại học như: Trường Bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam bộ ở Sóc Trăng, Trường Đại học Trà Vinh, Đại học Luật Tp Hồ Chí Minh, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer ở Cần Thơ, Học viện Phật học Vạn Hạnh Tp Hồ Chí Minh…
 + Hoạt động từ thiện nhân đạo: Trong 5 năm từ 2003 - 2008, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước các cấp, trụ trì và Ban Quản trị các chùa đã vận động trên 06 tỷ đồng giúp đỡ cho các em học sinh nghèo hiếu học, giúp đỡ các cụ già neo đơn, hỗ trợ tang lễ cho hộ nghèo, cứu trợ đồng bào bị thiên, lũ lụt, hỏa hoạn…
 + Tham gia xây dựng chính quyền: các chư tăng còn tích cực tham gia các hoạt động xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, có 35 vị là đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong tỉnh (Hội đồng nhân dân tỉnh 02, huyện 07 và xã, phường, thị trấn 26 vị); có 01 vị là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 05 vị là Ủy viên Mặt trận Tổ quốc tỉnh, 13 vị là Ủy viên Mặt trận Tổ quốc huyện và 34 vị là Ủy viên Mặt trận Tổ quốc cấp xã, nhiều vị tham gia Ban Chấp hành các Hội Khuyến học, Hội Chữ Thập đỏ, Hội Đông y, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam các cấp trong tỉnh.
 Các cấp ủy triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng - an ninh; xây dựng nền quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân ở vùng dân tộc thiểu số, tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tuyên truyền về Lịch sử vùng đất Nam bộ - Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác cách mạng và ý thức công dân trong đồng bào, chư tăng; phản bác, vô hiệu hóa các hoạt động lôi kéo, cài cắm lực lượng, tán phát tài liệu, băng đĩa có nội dung xấu vào địa bàn; kịp thời phát hiện các hoạt động kích động, xuyên tạc; đấu tranh ngăn chặn các hoạt động phá hoại của tổ chức phản động lưu vong và các phần tử xấu trong nước hòng lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo.
Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng, an ninh trong tình hình mới và Nghị định số 116/2007/NĐ-CP, ngày 10/7/2007 của Chính phủ về giáo dục quốc phòng - an ninh; hàng năm các địa phương đều mở các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng chức sắc, chức việc, Phật giáo Nam tông Khmer. Thực hiện tốt Chỉ thị số 36/2005/CT-TTg, ngày 17/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ, về tiếp tục chỉ đạo, xây dựng cơ sở vững mạnh, toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trong tình hình mới, đã xây dựng gần 80% xã, thị trấn đạt vững mạnh về quốc phòng - an ninh, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân ở cơ sở, đóng góp vào thành tựu chung, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tập trung giải quyết các đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, phát huy vai trò công tác hòa giải, không để xảy ra khiếu kiện đông người và hình thành "điểm nóng". Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc thường xuyên được củng cố, góp phần tích cực cùng các lực lượng ở địa phương giữ gìn an ninh trật tự, kịp thời ngăn chặn, tấn công, truy quét các loại tội phạm, đảm bảo an ninh.
Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ dân tộc Khmer luôn được các cấp ủy quan tâm. Quy hoạch có tính kế thừa, nhất là đối với cán bộ chủ chốt, cán bộ lãnh đạo, quản lý; đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chuẩn hóa dần cả trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị; bố trí, sử dụng cán bộ linh hoạt, đúng năng lực, sở trường công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ở các ngành, lĩnh vực quan trọng. Cán bộ Khmer được đào tạo, đề bạt và bố trí công tác ở các ngành, các cấp ngày càng nhiều, hiện nay đội ngũ cán bộ, công chức Khmer trong hệ thống chính trị chiếm hơn 18% so tổng số chung. Ngoài việc tập trung đào tạo nguồn cán bộ trong hệ thống chính trị, tỉnh đã mở các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị phổ thông cho sư sãi, thành viên Ban Quản trị các chùa Khmer trong tỉnh; tạo điều kiện cho một số cán bộ Khmer đi học sau đại học ở nước ngoài. Các huyện, xã có đông đồng bào Khmer đều bố trí cán bộ Khmer giữ một trong các chức vụ chủ chốt của cấp ủy, chính quyền.
Củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên, tỷ lệ các Đảng bộ cơ sở xã, phường, thị trấn, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer đạt chuẩn trong sạch, vững mạnh ngày càng tăng. Sắp xếp, tổ chức, đi đôi với bồi dưỡng kết nạp đảng viên là người dân tộc Khmer, đến cuối năm 2010, toàn tỉnh có 100% ấp, khóm có Chi bộ, đảng viên là người tại chỗ; 396 Chi bộ ấp, khóm có đảng viên Khmer, với 4.586 đảng viên Khmer trong tổng số 31.588 đảng viên toàn tỉnh, chiếm 14,51%. Kết quả Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2010 - 2015, số cán bộ Khmer được bầu vào cấp ủy các cấp đều tăng, có 350 cán bộ Khmer được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ cấp xã (tăng 64 đồng chí so nhiệm kỳ trước), 28 cán bộ Khmer được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, thành phố (tăng 05 đồng chí so nhiệm kỳ trước), 06 cán bộ Khmer được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (bằng nhiệm kỳ trước, gồm các đồng chí: Thạch Hel, Thạch Dư, Sơn Thị Ánh Hồng, Sơn Minh Thắng, Kiên Thanh, Thái Văn Thìn), 01 cán bộ Khmer được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (đồng chí Sơn Minh Thắng). Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đều có cán bộ chủ chốt Khmer (đồng chí Thạch Hel - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Sơn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng chí Sơn Minh Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh), nhiều cán bộ Khmer được phân công giữ các vị trí trưởng hoặc phó các sở ngành, đoàn thể tỉnh.
Hệ thống chính trị trong vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer hoạt động từng bước có đổi mới; hiệu lực quản lý, năng lực điều hành được nâng lên. Hội đồng nhân dân cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ngày càng phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở, chú trọng chất lượng các kỳ họp; công tác kiểm tra, giám sát, tiếp xúc cử tri luôn có sự chuyển biến tích cực. Số lượng đại biểu được bầu vào Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh và Hội đồng nhân dân các cấp đảm bảo về mặt cơ cấu đại biểu dân tộc so nhiệm kỳ trước, 3/6 đại biểu, chiếm 50% đại biểu Quốc hội khóa XIII đơn vị tỉnh là người dân tộc Khmer (Đồng chí Thạch Dư, đồng chí Nguyễn Thị Khá và đồng chí Thạch Thị Dân), 24% đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, 19,63% đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, thành phố và 22,89% đại biểu Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ 2011 - 2016 là người Khmer.
Công tác vận động quần chúng vùng có đông đồng bào Khmer luôn được quan tâm; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được đổi mới, thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân và các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc, nhất là các chính sách an sinh xã hội, dự án giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, vận động các quỹ từ thiện xã hội giúp đỡ hộ Khmer nghèo... Vai trò của cán bộ Khmer và cán bộ công tác trong vùng có đông đồng bào Khmer ngày càng được nâng lên; phương thức hoạt động được đổi mới; thực hiện tốt chủ trương tranh thủ người có uy tín trong dân tộc; phương pháp tuyên truyền, vận động từng bước được tập trung hướng vào đối tượng và vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo, đặc biệt đã vận động đồng bào Khmer phát huy ý thức tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên trong sản xuất và đời sống, xóa dần một số tập quán lạc hậu...Phần lớn thanh niên Khmer đều có trình độ học vấn, tay nghề, tự tìm việc làm, tăng thu nhập cho gia đình, một bộ phận là lao động sản xuất giỏi trong các công ty, xí nghiệp; nhiều hộ nông dân Khmer sản xuất, kinh doanh giỏi, năng suất, hiệu quả kinh tế cao, làm chủ các trang trại, doanh nghiệp, có các sáng kiến trong sản xuất, được Hội đồng Khoa học tỉnh công nhận. Một số chức sắc, tu sĩ có uy tín được bầu vào cơ quan dân cử, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Hội viên, đoàn viên Khmer chiếm trên 34% so tổng số chung toàn tỉnh.
3. Các phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Khmer
Trong quá trình triển khai thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy “về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer” đã xuất hiện nhiều phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào dân tộc Khmer, điển hình như:
- Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi
+ Trong số hơn 30.457 hộ nông dân toàn tỉnh đăng ký là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, qua bình chọn có hơn 60% nông dân được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó có hơn 20% hộ là nông dân người Khmer.
+ Tổ sản xuất lúa giống ở ấp 3 xã Phong Phú, huyện Cầu Kè. Tổ có 38 hộ tổ viên, với diện tích đất sản xuất là 35,2 ha, trong đó có 24 hộ tổ viên người là dân tộc Khmer. Tổ này chuyên sản xuất lúa chất lượng cao và được các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ký hợp đồng bao tiêu, cho nên luôn bán được giá cao hơn thị trường từ 500 đến 700 đồng/kg.
+ Tại ấp Sóc Ớt, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải có 201 hộ, trong này chỉ có 01 hộ là người Kinh còn lại 200 hộ là đồng bào dân tộc Khmer, chiếm tới 99,5% dân số toàn ấp, trước đây hầu hết là hộ nghèo. Đến nay đã có 128 hộ có đời sống kinh tế ổn định, 155 hộ có nhà ở cơ bản, bán cơ bản, không còn nhà tạm bợ, dột nát, có 110 hộ có xe gắn máy, 171 hộ có tiện nghi nghe nhìn chiếm 85% tổng số hộ của ấp, 171 hộ sử dụng điện, ấp có tuyến đường dal với chiều dài 1.169 m đi xuyên qua ấp, 100% hộ sử dụng nước sạch. Được hưởng lợi từ chương trình 135, Chương trình 134  và Quyết Định số 167/2008/QĐ-TTg, ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc cất nhà tình thương cho hộ nghèo, đến nay toàn ấp Sóc Ớt đã bàn giao được 183 căn nhà tình thương trong Chương trình 167 của Chính phủ cho hộ nghèo.
+ Xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, có  hơn 63% dân số là đồng bào  Khmer. Sau gần 5 năm triển khai thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn, năng suất lúa ở ấp Cầu Tre đã tăng lên gấp 2,5 lần  từ  6 - 7 tấn lên 9 - 9,5 tấn/hecta, thậm chí năng suất lúa của nhiều hộ đạt 10 tấn/ha.
+ Chùa Kampongchrây (Chùa Hang) ở khóm 4, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, là nơi trồng và quản lý tốt cây xanh là nơi nhiều loại chim quý hiếm lưu trú. Đồng thời, là nơi truyền nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ cho nhiều chư tăng và thanh niên con em đồng bào Khmer, thu hút được nhiều khách tham quan du lịch.
- Trong lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, khoa học-kỹ thuật đã nổi lên những điển hình tiên tiến như:
+ Đồng chí Thạc Sô Phát, Phó chi cục trưởng chi cục thủy sản - sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ góp phần phát triển nghề nuôi thủy sản;
+ Đồng chí Kiên Sóc Kha, Thạc sỹ y học, Phó Giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Trà Vinh, có nhiều giải pháp tích cực trong phòng chống dịch bệnh đặc biệt là phòng chống cúm AH1N1, trong công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào Khmer;
+ Đồng chí Kim Chan Ta Na, Thạc sỹ, Giảng viên giảng dạy toán học Trường Cao đẳng sư phạm, có những giải pháp nâng cao chất lượng học tập của sinh viên Khmer ở các trường Cao đẳng sư phạm;
+ Một số gia đình tiêu biểu trong sự nghiệp giáo dục đào tạo như: Gia đình ông Kim Vinh ở ấp Cây Hẹ xã Phú Cần (huyện Tiểu Cần) có 5 người con đã tốt nghiệp đại học và có công ăn việc làm ổn định; Gia đình ông Sơn Ngọc Huyền (huyện Càng Long) bản thân là giáo viên, ông có 6 người con học xong đại học; Gia đình Ông Sơn Tung ngụ khóm 1, phường 7 (thành phố Trà Vinh), vượt khó vươn lên chăm lo cho 4 người con đến trường và thành đạt (1 người là Thạc sỹ toán học, 01 người là Bác sỹ nội thần kinh, 01 người con đang học hai trường Đại học và 01 người con đang học trung cấp nghề); Gia đình ông Thạch Minh ở ấp Cầu Tre có 3 người con là bác sĩ và 1 người con đang học Đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Đánh giá những kết quả đạt được về công tác trong vùng có đông đồng bào Khmer và phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Khmer, Báo cáo chính trị do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa VIII trình trước Đại hội Đảng bộ lần thứ IX nêu:
“Kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer tiếp tục phát triển, đời sống của đồng bào ngày càng được cải thiện, số hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm, tỷ lệ hộ sử dụng điện, nước hợp vệ sinh tăng hơn trước. Trung ương và tỉnh đầu tư hơn 314 tỷ đồng xây dựng 26.442 căn nhà, nâng tổng số đến nay đã xây dựng và bàn giao hơn 40.000 căn nhà cho đồng bào Khmer nghèo và đồng bào Kinh nghèo sống trong vùng có đông đồng bào Khmer khó khăn về nhà ở. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ vốn sản xuất, trợ giá, trợ cước, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia trong vùng có đông đồng bào Khmer. Công tác giáo dục tiếp tục được quan tâm lãnh đạo và đầu tư. Thực hiện đầy đủ và kịp thời chính sách đối với học sinh, sinh viên Khmer, xây dựng, nâng cấp các Trường phổ thông Dân tộc nội trú (2 trường cấp III, 5 trường cấp II). Việc dạy và học ngữ văn Khmer được mở rộng, hiện có 13.939 học sinh Khmer được học song ngữ Việt - Khmer. Bản sắc văn hóa dân tộc tiếp tục được bảo tồn và phát huy.
Đảng bộ luôn quan tâm xây dựng hệ thống chính trị trong vùng đồng bào Khmer. Phát triển đảng viên là người dân tộc Khmer cuối năm 2005 chiếm 12,6%, đến nay chiếm hơn 15% trong tổng số đảng viên toàn tỉnh. Cán bộ Khmer được đào tạo, đề bạt bố trí công tác ở các ngành, các cấp ngày càng nhiều (đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc Khmer trong hệ thống chính trị chiếm hơn 18% so với tổng số chung)….”(66).
  4. Những tồn tại, hạn chế
 Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII và lần thứ VIII, đặc biệt là hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy “về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer”, tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, công tác xây dựng hệ thống chính trị trong vùng có đông đồng bào Khmer và các phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Khmer còn những tồn tại, hạn chế. Đó là:
- Công tác tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer còn hạn chế, từng lúc thiếu kịp thời, nội dung và hình thức thiếu phong phú. Lượng thông tin phục vụ tuyên truyền và các ấn phẩm mang tính chính thống của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề dân tộc, tôn giáo còn ít, trong khi lượng thông tin từ bên ngoài và thông tin từ mạng Internet tác động xấu, chi phối nhận thức của một bộ phận Nhân dân.
- Kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào Khmer tuy có tập trung đầu tư, nhưng các vùng sâu, vùng xa, một số nơi vẫn còn khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong vùng đồng bào dân tộc Khmer còn cao so với tổng số hộ nghèo trong tỉnh. Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, nhưng một số công trình chậm phát huy hiệu quả sử dụng. Chưa huy động tốt nội lực trong nhân dân đóng góp, đầu tư các công trình hạ tầng nông thôn. Chưa tận dụng và khai thác tối đa nguồn lực của Trung ương đầu tư cho vùng đồng bào Khmer; nguồn lực đầu tư của tỉnh cũng hạn chế. Mặt khác, việc đầu tư còn dàn trải, chưa tập trung cho cơ bản lâu dài; một số công trình, dự án phát triển kinh tế làm giảm diện tích đất canh tác của đồng bào dân tộc, từ đó làm nảy sinh một số vấn đề phức tạp và gia tăng tái nghèo, nhưng từng lúc, từng nơi ngành chức năng chưa có giải pháp tổ chức lại sản xuất, phân công lại lao động, chuyển đổi nghề... có hiệu quả. Nhiều sáng kiến, mô hình tốt của tỉnh được Trung ương đánh giá cao và một số tỉnh bạn trong khu vực học tập, phát huy được hiệu quả nhưng tỉnh lại không kịp thời sơ tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng tại địa phương.
- Một số vấn đề xã hội bức xúc trong vùng có đông đồng bào Khmer tuy có tập trung giải quyết, nhưng chuyển biến chậm. Trong triển khai thực hiện công tác giáo dục trong đồng bào dân tộc, một số lĩnh vực chưa đạt yêu cầu (thiếu giáo viên, sách giáo khoa Ngữ văn Khmer, chế độ phụ cấp giảng dạy Ngữ văn Khmer ở các điểm chùa...); chưa quan tâm đúng mức việc quản lý chương trình, nội dung giảng dạy, học tập ở các điểm chùa. Tỷ lệ học sinh Khmer bỏ học còn cao so với tỷ lệ chung của tỉnh; cơ sở vật chất, trường lớp một số nơi tuy có đầu tư nhưng chưa đảm bảo; số lượng học sinh Khmer thi đỗ vào các trường đại học mỗi năm đều tăng nhưng còn thấp so bình quân chung của tỉnh. Việc đào tạo, quản lý, sử dụng, phát huy nguồn sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa tốt. Sự nghiệp y tế có bước tiến bộ, nhưng ý thức về công tác chăm sóc sức khỏe trong cộng đồng một số nơi chưa tốt. Trình độ, tay nghề lao động thấp, ảnh hưởng việc làm, thu nhập và đời sống của nhân dân. Trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực còn yếu kém. Lao động không có việc làm, lao động chưa qua đào tạo nghề còn chiếm tỷ lệ cao. Đời sống của một bộ phận dân cư vùng sâu, vùng có đông đồng bào Khmer còn khó khăn. Các loại hình văn hóa - nghệ thuật dân tộc được quan tâm nhưng chưa sâu, nhất là loại hình nghệ thuật dân gian. Một số loại hình văn hóa - nghệ thuật quần chúng Khmer ở cơ sở có nguy cơ mai một, chậm được đầu tư khôi phục, phát triển; việc đầu tư, tôn tạo một số di tích đặc thù văn hóa vùng dân tộc chưa tốt.
- Tình hình khiếu kiện, tranh chấp liên quan đến đất đai và cơ sở vật chất trong dân tộc, tôn giáo còn xảy ra. Các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để tuyên truyền, xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo; làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội từng lúc, từng nơi phức tạp. Việc qua lại biên giới Việt Nam - Campuchia thăm thân nhân, du lịch, học tập của một bộ phận đồng bào và chư tăng Khmer chưa đúng luật pháp; chính quyền địa phương quản lý chưa chặt chẽ. Vai trò quản lý, hỗ trợ công tác tôn giáo của chính quyền giúp Hội Đoàn kết chư tăng yêu nước và Mekone tỉnh trong việc xử lý vi phạm trên lĩnh vực tôn giáo theo giáo luật, điều lệ và pháp luật còn hạn chế.
- Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ Khmer chưa kịp thời, chưa theo kịp nhu cầu phát triển toàn diện trong đồng bào dân tộc, thiếu đồng bộ, tính đặc thù hạn chế; cơ cấu cán bộ dân tộc trong các ngành được chú trọng nhưng chậm thực hiện, chưa có giải pháp tạo nguồn hiệu quả, còn hẫng hụt cán bộ người dân tộc kế thừa ở các cấp; thiếu đội ngũ báo cáo viên người Khmer và báo cáo viên chuyên đề Khmer. Một số Đảng bộ thiếu các giải pháp tạo nguồn bồi dưỡng, phát triển đảng viên là người Khmer, tỷ lệ thấp so yêu cầu. Công tác vận động quần chúng trong vùng có đông đồng bào Khmer tuy có chuyển biến nhưng còn chậm; chất lượng hoạt động của cán bộ dân tộc, cán bộ làm công tác dân tộc, đoàn viên, hội viên trong vùng đồng bào dân tộc còn yếu. Tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể có đổi mới nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; khả năng tập hợp quần chúng còn kém.

Tin khác
1 2 3 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 10
  • Hôm nay: 696
  • Trong tuần: 4 468
  • Tất cả: 8757903

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn