QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO CỦA TỈNH ỦY VỀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN TRÀ VINH THEO HƯỚNG TĂNG TRƯỞNG XANH, BỀN VỮNG
Biển và kinh tế biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững của nền kinh tế - xã hội, sự ổn định về quốc phòng - an ninh của quốc gia. Nhận thức tầm quan trọng của biển và kinh tế biển, Trà Vinh luôn quan tâm đầu tư, thu hút nguồn lực đầu tư, khai thác hiệu quả kinh tế biển. Trong thời gian qua, Tỉnh ủy Trà Vinh quan tâm, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/02/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện tốt các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển dựa trên nền tảng “tăng trưởng xanh”, bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, phấn đấu đưa Trà Vinh trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển.

Để phát triển kinh tế biển theo hướng “tăng trưởng xanh và bền vững”, Tỉnh ủy đưa ra quan điểm chỉ đạo: “Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, hình thành đô thị thông minh ven biển, tạo động lực thu hút các nguồn lực phát triển kinh tế của tỉnh. Giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển đi đôi với xây dựng xã hội gắn kết, thân thiện với biển; bảo đảm quyền tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân đối với phát triển bền vững kinh tế biển trên cơ sở công bằng, bình đẳng, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Tăng cường quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng[1].

Đ/c Lê Văn Hẳn - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội thảo khoa học Khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển Trà Vinh tạo động lực phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 - Ảnh: Quốc Vinh

Những mục tiêu cơ bản để phát triển kinh tế biển đến năm 2030

- Khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế biển, duy trì phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển.

- Ngăn chặn, kiểm soát và cải thiện ô nhiễm môi trường biển; giảm thiểu chất thải nhựa đại dương; 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường.

- Tăng cường công tác quản lý tổng hợp vùng ven biển tỉnh Trà Vinh; có sự liên kết, phát triển đồng bộ với các địa phương tỉnh, thành bạn có vùng biển, ven biển tiếp giáp. Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển, diện tích rừng ngập mặn; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có giải pháp phòng, tránh, hạn chế tác động của triều cường, xâm nhập mặn, xói lở bờ biển; quan trắc phục vụ nuôi trồng thủy sản.

- Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào Khu kinh tế Định An gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: (1) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (2) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; (3) Du lịch và dịch vụ biển; (4) Công nghiệp ven biển.

 

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra công trình điện gió Duyên Hải - Ảnh: Trường On

Tầm nhìn phát triển kinh tế biển của tỉnh đến năm 2045

Trà Vinh phát triển mạnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, kinh tế biển trở thành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, phát triển bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, Trà Vinh trở thành tỉnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với các nhiệm vụ trọng tâm được xác định như sau:

- Nuôi trồng và khai thác hải sản: Chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh khai thác các vùng biển xa bờ gắn với thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững; tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản; nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính tận diệt. Hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển; đẩy mạnh liên kết sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; thu hút một số doanh nghiệp tham gia khai thác xa bờ. Đầu tư nâng cấp các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền, tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.

- Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới: Thúc đẩy đầu tư xây dựng các dự án điện gió và các dạng năng lượng tái tạo khác. Quan tâm phát triển một số ngành kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển.

- Du lịch và dịch vụ biển: Chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch; khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao tại các vùng ven biển; xây dựng, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử.

- Công nghiệp ven biển: Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường, công nghiệp nền tảng, công nghệ nguồn. Phát triển hợp lý các ngành sửa chữa, đóng tàu, năng lượng, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ. Phát triển kinh tế biển gắn với giải quyết tốt vấn đề xã hội, môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Xây dựng các tiêu chí, yêu cầu kỹ thuật đối với các dự án đầu tư có nguy cơ ô nhiễm môi trường, bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm. Xây dựng, củng cố lực lượng, trang thiết bị giám sát, cảnh báo tự động về chất lượng môi trường, ứng phó với sự cố môi trường; quản lý rác thải biển, nhất là rác thải nhựa; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường biển. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại phục vụ phát triển ngành kinh tế biển, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

- Nâng cao nhận thức về biển và đại dương, xây dựng ý thức, lối sống, hành vi văn hóa gắn bó, thân thiện với biển. Chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái, đặc biệt là rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển; bảo đảm tính toàn vẹn và mối quan hệ tự nhiên giữa các hệ sinh thái đất liền và biển. Ngăn chặn, đẩy lùi những tác động gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái, cạn kiệt tài nguyên, suy giảm đa dạng sinh học biển. Giữ gìn và bảo tồn cảnh quan hệ sinh thái rừng, các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu di tích - lịch sử - văn hóa; xây dựng phong trào toàn dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường; tuyên truyền, vận động và giám sát thực hiện pháp luật và bảo vệ môi trường vùng ven biển.

Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với phát triển mô hình tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của một số ngành kinh tế biển, ven biển, phát triển du lịch; triển khai thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển; quy hoạch trồng rừng, phát triển điện gió tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2020, hướng đến năm 2030, quy hoạch khu lấn biển, khu đô thị mới ven biển xã Trường Long Hòa (thị xã Duyên Hải), tạo nét đặc trưng và đột phá về phát triển đô thị và phát triển du lịch. Phát triển không gian biển hài hòa với không gian phát triển kinh tế - xã hội vùng đất liền theo chủ trương hướng ra biển, làm giàu từ biển.

Hiện nay, “xanh hóa nền kinh tế” đang là xu thế chung của Việt Nam và thế giới, trong chiến lược quốc gia về phát triển nền kinh tế Việt Nam thì kinh tế biển xanh là một trong những nội dung quan trọng. Phát triển kinh tế biển xanh là để góp phần giảm nghèo, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo tồn và đa dạng hóa hệ sinh thái, giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đưa tỉnh Trà Vinh phát triển bền vững và trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy


[1] Chương trình hành động số 30-CTr/TU, ngày 26/12/2018 của Tỉnh ủy Trà Vinh “Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 40
  • Hôm nay: 527
  • Trong tuần: 4 299
  • Tất cả: 8757734

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn