NHỮNG CHUYỂN BIẾN VÙNG ĐỒNG BÀO KHMER Ở HUYỆN TIỂU CẦN
Huyện Tiểu Cần có 9.273 hộ, với 33.191 nhân khẩu là đồng bào Khmer, chiếm 30,24% dân số toàn huyện. Phần đông đồng bào Khmer có tính cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và một số ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Những năm qua, Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhờ đó đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Khmer ở huyện Tiểu Cần nói riêng không ngừng được nâng lên.

Trong giai đoạn 2015-2020, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển trên địa bàn huyện đạt hơn 8.900 tỷ đồng; trong đó có nhiều nguồn vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer. Cụ thể như, từ nguồn vốn Chương trình 135, huyện đã triển khai xây dựng hơn 60 hạng mục công trình cơ sở hạ tầng nông thôn; dự án cải tạo đường dây dẫn điện nối đuôi không an toàn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là người Khmer, với tổng nguồn vốn hàng trăm tỷ đồng; hỗ trợ hơn 72.500m2 đất cho 209 hộ có nhu cầu về đất ở; giải ngân cho 18 hộ vay vốn chuộc lại 42.800m2 đất sản xuất và hỗ trợ cho 86 hộ có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; giải ngân 30 dự án phát triển sản xuất, chăn nuôi bò sinh sản (32 tỷ đồng); hỗ trợ cho 1.468 hộ Khmer có nhu cầu về nước sinh hoạt (1,908 tỷ đồng); hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và hộ hưởng chính sách xã hội (660 triệu đồng); hỗ trợ trực tiếp cho 8.418 hộ dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn (gần 1,1 tỷ đồng); xây dựng 998 căn nhà ở theo Quyết định 22 và Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ (hơn 40 tỷ đồng); hỗ trợ mua Bảo hiểm y tế và chính sách hỗ trợ dinh dưỡng cho người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số mắc bệnh phải điều trị nội trú và phụ nữ nghèo sinh con tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập được 256.296 lượt người (hơn 8,8 tỷ đồng)…

Lãnh đạo huyện Tiểu Cần kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường liên xã vùng đồng bào Khmer từ ấp Sóc Cầu (Hùng Hòa) – ấp Sóc Tràm (xã Tân Hòa)

Nhờ sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cộng đồng xã hội và tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào Khmer, 5 năm qua đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer ở Tiểu Cần ngày càng được cải thiện, vươn lên đáng kể. Nếu như năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc Khmer trên địa bàn huyện chiếm 3,32% và hộ cận nghèo chiếm 7,53% thì đến nay tỷ lệ hộ Khmer nghèo chỉ còn 1,64% hộ cận nghèo còn 4,36%. Số hộ tái nghèo giảm đáng kể. Kết quả đó cũng góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của huyện Tiểu Cần xuống còn 1,05%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 62 triệu đồng/người/năm.

Hiện tại trên địa bàn huyện có 92,5% nhà ở dân cư đạt chuẩn của Bộ Xây dựng; 92,3% lao động có việc làm thường xuyên; 61,8% lao động có việc làm qua đào tạo; 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; người dân trong huyện tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 94%. Tỷ lệ hộ dân trong vùng đồng bào dân tộc được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,9%; sử dụng điện đạt 100%. Hạ tầng giao thông liên huyện, liên xã, liên ấp, liên khu dân cư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nhựa hóa, bê tông hóa. Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư; cảnh quan môi trường ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Đáng chú ý là hiện nay huyện Tiểu Cần có 676 đảng viên người dân tộc Khmer, chiếm 17,85% so với đảng viên toàn huyện và 100% chi bộ ấp, khóm có đông đồng bào dân tộc điều có đảng viên là người dân tộc Khmer.

Mô hình ruộng lúa – bờ hoa ở khu vực kênh bê tông nổi ấp Cầu Tre, Phú Cần

Công tác giáo dục và đào tạo trong vùng đồng bào dân tộc Khmer luôn được quan tâm đúng mức, tỷ lệ học sinh Khmer các cấp học tăng lên hàng năm; tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng ngày càng giảm. Cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Tiêu biểu như Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Tiểu Cần được xây dựng với kinh phí hơn 100 tỷ đồng; hàng năm có từ 400 - 450 học sinh Khmer theo học, 5 năm qua trường có gần 5.000 lượt học sinh được cấp học bổng và các chế độ ưu đãi khác với kinh phí gần 30,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện còn thực hiện chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho hơn 14.300 lượt học sinh mẫu giáo và các cấp học trong huyện với số tiền hơn 12,7 tỷ đồng. Cùng với chính sách giáo dục - đào tạo của Đảng, Nhà nước, huyện Tiểu Cần còn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội đoàn kết Sư sãi yêu nước huyện và 15 chùa Khmer mđược 45 lớp Ngữ văn Khmer - Paly từ lớp 6 đến lớp 11, có gần 1.400 lượt tăng sinh trong, ngoài huyện theo học và mở 178 lớp ngữ văn Khmer cho học sinh con em đồng bào Khmer theo học trong dịp hè.

Một góc quang cảnh Trường PTDT Nội trú Trung học cơ sở – Trung học phổ thông Tiểu Cần

Nhìn chung, việc đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer trên địa bàn huyện Tiểu Cần thời gian qua không chỉ làm thay đổi diện mạo kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân vùng đồng bào Khmer mà còn góp phần thúc đẩy cho việc hoàn thiện các tiêu chí xã nông thôn mới, đô thị văn minh ở địa phương. Điều đó chứng minh bằng kết quả 9/9 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, trong đó có 01 xã (Tân Hùng) được công nhận xã nông thôn mới nâng cao (năm 2019). Huyện Tiểu Cần cũng được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới (năm 2018); thị trấn Cầu Quan đạt chuẩn đô thị loại V và thị trấn Tiểu Cần mở rộng vừa được Bộ Xây dựng công nhận đạt chuẩn đô thị loại IV năm 2020.

Hy vọng rằng, với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ kịp thời của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của người dân trong huyện thì đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer nói riêng, huyện Tiểu Cần nói chung sẽ không ngừng được nâng lên, diện mạo kinh tế, xã hội cũng sẽ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, tạo động lực thúc đẩy cho việc hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện Tiểu Cần trở thành thị xã trực thuộc tỉnh trước năm 2025 theo Nghị quyết số 15 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra.

                                                                    Thanh Quang

 

 

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 16
  • Hôm nay: 355
  • Trong tuần: 3 362
  • Tất cả: 8761653

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn