Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 20 - 24/3/2023

1. Mỹ, Trung Quốc và Nga bất đồng về vấn đề Triều Tiên tại Liên hợp quốc

Ngày 20/3, Mỹ, Trung Quốc và Nga đã đưa ra nhiều ý kiến tranh luận trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc ai phải chịu trách nhiệm khi để Triều Tiên phóng hàng chục tên lửa đạn đạo và phát triển chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Hội đồng Bảo an đã họp sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17 lớn nhất của nước này ngày 16/3. Triều Tiên đã bị Liên hợp quốc áp đặt lệnh trừng phạt vì các chương trình tên lửa và hạt nhân kể từ năm 2006.

Tại cuộc họp, đại diện của Trung Quốc và Nga nói rằng các cuộc tập trận quân sự chung của Mỹ và Hàn Quốc đã khiêu khích Triều Tiên, còn đại diện Mỹ cáo buộc Trung Quốc và Nga khuyến khích Triều Tiên khi bảo vệ nước này khỏi các lệnh trừng phạt.

Trong vài năm qua, Hội đồng Bảo an đã bị chia rẽ về vấn đề Triều Tiên, Nga và Trung Quốc cho rằng các biện pháp trừng phạt nhiều hơn sẽ không giúp ích gì và muốn các biện pháp đó được nới lỏng. Ông Geng Shuang nói đây là một cử chỉ thiện chí để cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giảm căng thẳng.

Ngày 17/3, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin trước tình hình nghiêm trọng - trong đó, môi trường an ninh trên Bán đảo Triều Tiên rơi vào trạng thái bất ổn nhất do các hoạt động tập trận quy mô lớn mang tính khiêu khích của Mỹ và Hàn Quốc gây ra, Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên đã quyết định tiến hành vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17 vào ngày 16/3.

Theo KCNA, vụ phóng vũ khí chiến lược ICBM Hwasong-17 nhằm mục đích đưa ra cảnh báo mạnh mẽ hơn đối với những kẻ thù có ý đồ leo thang căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời thể hiện phản ứng cương quyết trước những lời đe dọa quân sự vô trách nhiệm và mang tính coi thường bất chấp cảnh báo nghiêm khắc từ phía Triều Tiên, cũng như cho thấy rõ ràng hơn quyết tâm thực sự của Đảng và Chính phủ Triều Tiên phản kích bằng những biện pháp tấn công ồ ạt vào bất cứ thời điểm nào.

Vụ phóng Hwasong-17 được thực hiện tại Sân bay Quốc tế Bình Nhưỡng. Tên lửa bay lên tới độ cao 6.045km và di chuyển qua quãng đường 1.000,2 km trong 4.151 giây trước khi rơi chính xác xuống vị trí định trước ở vùng biển ngoài khơi phía Đông Triều Tiên.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã chỉ đạo vụ phóng Hwasong-17 nói trên tại hiện trường.

Vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên được thực hiện trong bối cảnh Hàn Quốc và Mỹ đang tiến hành cuộc tập trận Lá chắn Tự do, dự kiến kéo dài 11 ngày. Đây là cuộc tập trận lớn nhất giữa hai nước đồng minh trong nhiều năm qua. Triều Tiên lên án hoạt động này, cho rằng đây là “sự chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh xâm lược” nhằm vào Bình Nhưỡng.

Tiếp đó, sáng ngày 19/3, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra vùng biển phía Đông nước này. Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết tên lửa được Triều Tiên phóng đi từ khu vực Tongchang-ri ở tỉnh Bắc Pyongan vào lúc 11h05, giờ địa phương.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng cho rằng vật thể Triều Tiên vừa phóng khả năng là một tên lửa đạn đạo. Đài NHK dẫn một số nguồn tin cho biết tên lửa của Triều Tiên dường như đã rơi bên ngoài Vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Vụ phóng mới nhất của Triều Tiên diễn ra chỉ vài ngày sau khi lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc có cuộc gặp cấp cao tại Tokyo, trong đó nhất trí tăng cường hợp tác an ninh chặt chẽ hơn để đối phó với các mối đe dọa ngày càng tăng.

Ngày 20/3, Triều Tiên tuyên bố nước này đã tiến hành các cuộc tập trận mô phỏng theo kịch bản của một cuộc phản công hạt nhân chiến thuật vào cuối tuần.

Nguồn: baotintuc.vn

2. Palestine và Israel kỳ vọng hòa bình và ổn định ở Trung Đông

Ngày 21/3, Hãng thông tấn chính thức của Palestine (WAFA) đưa tin Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Tổng thống Israel Isaac Herzog đã bày tỏ hy vọng hòa bình và ổn định sẽ hiện diện ở các vùng lãnh thổ Palestine và toàn bộ khu vực Trung Đông.

Tuyên bố trên được hai nhà lãnh đạo đưa ra khi Tổng thống Israel Isaac Herzog điện đàm chúc mừng người đồng cấp Palestine Mahmoud Abbas nhân dịp tháng lễ Ramadan bắt đầu từ ngày 23/3.

Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Israel và Palestine tại khu Bờ Tây bị chiếm đóng cũng như khu vực phía Đông Jerusalem.

Trước đó, ngày 19/3, một hội nghị 5 bên được tiến hành tại khu nghỉ dưỡng Biển Đỏ (Ai Cập), quy tụ các đại diện đến từ Chính quyền Palestine, Israel, Ai Cập, Jordan và Mỹ. Theo thông cáo chung được đưa ra sau hội nghị, các bên thừa nhận sự cần thiết phải hạ nhiệt căng thẳng trên thực địa, ngăn chặn bạo lực leo thang, đồng thời theo đuổi các giải pháp xây dựng lòng tin và giải quyết những vấn đề tồn đọng thông qua đối thoại trực tiếp.

Nguồn: baotintuc.vn

3. Quốc hội Thụy Điển thông qua dự luật gia nhập NATO

Ngày 22-3, Quốc hội Thụy Điển đã bỏ phiếu ủng hộ việc gia nhập NATO trong khi chờ đợi Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn tư cách thành viên của tổ chức này.

Với 269 phiếu thuận và 37 phiếu chống, cuộc bỏ phiếu đã mở đường cho việc gia nhập NATO của Thụy Điển và cung cấp khuôn khổ pháp lý cần thiết.

"Trở thành thành viên của NATO là cách tốt nhất để bảo vệ an ninh của Thụy Điển và góp phần đoàn kết an ninh của toàn bộ khu vực châu Âu-Đại Tây Dương", Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom phát biểu trong phiên tranh luận kéo dài 7 tiếng đồng hồ trước khi cuộc bỏ phiếu trước quốc hội diễn ra.

Ông Billstrom gọi việc gia nhập NATO là “một sự kiện lịch sử” và là một trong những quyết định chính sách an ninh quan trọng nhất từng có của Thụy Điển.

Ngoại trưởng Billstrom tỏ ra khá lạc quan về việc Thụy Điển trở thành thành viên của NATO trước Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Vilnius, thủ đô Litva, vào tháng 7.

Thụy Điển và Phần Lan đã từ bỏ chính sách không liên minh quân sự kéo dài hàng thập kỷ và nộp đơn xin gia nhập NATO vào ngày 18-5-2022, sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Kiev.

Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary là hai quốc gia NATO chưa phê chuẩn hồ sơ của Thụy Điển và Phần Lan. Việc gia nhập NATO đòi hỏi phải có sự nhất trí của tất cả 30 thành viên của tổ chức này.

Sau nhiều tháng trì hoãn, tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng ông đang yêu cầu quốc hội bỏ phiếu về việc Phần Lan xin gia nhập NATO. Tuy nhiên, vị tổng thống này lại cho biết vẫn chưa sẵn sàng với yêu cầu của Thụy Điển. Trước đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã từng hứa rằng việc kết nạp Thụy Điển vào NATO hiện là “ưu tiên hàng đầu” của liên minh.

Việc quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu sẽ mở đường cho Phần Lan gia nhập NATO trước Thụy Điển.

Vào ngày 27/3 Hungary cũng cho biết sẽ bỏ phiếu về việc chấp thuận Phần Lan gia nhập NATO, nhưng vấn đề của Thụy Điển sẽ được quyết định sau.

Nguồn: qdnd.vn/quoc-te

4. Mỹ tuyên bố không coi quan hệ Nga - Trung là liên minh

John Kirby - Hội đồng An ninh Quốc gia thừa nhận trong vài năm qua, Trung Quốc và Nga đang phát triển mối quan hệ ngày càng thân thiết hơn song Washington không gọi mối quan hệ này là một liên minh.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 21/3, người phát ngôn Kirby nói: “Chúng ta đã thấy cách mà hai quốc gia này phát triển mối quan hệ gắn bó như thế nào trong nhiều năm qua”.

Tuy nhiên, nhà chức trách không coi mối quan hệ khăng khít giữa Nga và Trung Quốc là một liên minh mà thay vào đó chỉ là một “cuộc hôn nhân giả”. Ông Kirby nói thêm Nga và Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến việc đóng vai trò là một bên đối trọng với sự ảnh hưởng của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố Nhà Trắng không thấy cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Trung cùng ngày mang lại kỳ vọng chiến tranh sẽ sớm kết thúc.

Những phát ngôn mới nhất của ông Kirby được đưa ra trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm Moskva vào tuần này theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập Cận Bình sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba hồi đầu tháng.

Tối 20/3, Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp thân mật trong bữa trưa kéo dài 4,5 tiếng tại Điện Kremlin. Sau các cuộc đàm phán chính thức ngày 21/3, Tổng thống Putin miêu tả những cuộc đàm phán này mang lại kết quả cao trong việc tăng cường quan hệ song phương. Hai nhà lãnh đạo đã ký tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Nga-Trung trong thời đại mới.

Về vấn đề Ukraine, Nga và Trung Quốc khẳng định cần tuân thủ các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế. Phía Nga đánh giá tích cực lập trường khách quan của Trung Quốc về vấn đề Ukraine. Theo tuyên bố chung, Trung Quốc và Nga kêu gọi ngừng mọi động thái dẫn đến căng thẳng và khiến xung đột kéo dài, để ngăn cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn hoặc thậm chí vượt ngoài tầm kiểm soát. 

Các nước phương Tây tăng cường đáng kể hỗ trợ kinh tế và quân sự cho Ukraine sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại đây từ ngày 24/2/2022. Khoản hỗ trợ đã vượt quá 100 tỷ USD, bao gồm hệ thống phòng không và tên lửa, xe tăng, pháo tự hành, xe bọc thép và các loại đạn dược.

Nga lên tiếng cảnh báo việc phương Tây cung cấp thêm vũ khí cho Kiev đồng nghĩa Mỹ và NATO tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột.

Nguồn: baotintuc.vn

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 12
  • Hôm nay: 226
  • Trong tuần: 3 998
  • Tất cả: 8757433

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn