Quê hương Đồng khởi Mỹ Long luôn tiên phong trong gian khó
Người Mỹ Long vẫn luôn tự hào với nơi mình đang sống vì đã có quá trình hình thành lâu dài cùng với những chặng đường lịch sử vẻ vang. Tỉnh nhà đã trao sứ mệnh lịch sử cho vùng đất biển này những vai trò vô cùng quan trọng có tầm ảnh hưởng to lớn đến phong trào đấu tranh cách mạng cũng như xây dựng đất nước. Đây là nơi thành lập một trong ba Chi bộ đầu tiên, là nơi xuất phát điểm phong trào Đồng khởi và cũng là nơi xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới của Trung ương. Như vậy, trải qua các thời kỳ, vùng đất Mỹ Long luôn tiên phong trong gian khó.

Tượng đài Đồng Khởi, thị trấn Mỹ Long

Tiên phong trong phong trào cách mạng

Hướng đến kỷ niệm 61 năm cuộc Đồng khởi (14/9/1960), chúng tôi có dịp về lại mảnh đất Mỹ Long, nơi được Tỉnh ủy chọn làm xã điểm cho cuộc Đồng khởi ở Trà Vinh. Đến Mỹ Long trong những ngày lịch sử, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện kể về quá khứ hào hùng của những ngày đầu cha ông đoàn kết nhau kiên cường chống giặc hay chuyện của những ngày xây dựng đất nước. Giai đoạn nào cũng khó khăn vất vả nhưng rất đổi tự hào.

Người Mỹ Long luôn tự hào với nơi mà mình đang sống cũng phải. Bởi ngay từ những ngày đầu chống Pháp, người dân Mỹ Long đã tập hợp nhau chiến đấu anh dũng dưới ngọn cờ tụ nghĩa của thủ lĩnh Đề Triệu. Tiếp sau đó là các phong trào khởi nghĩa mang xu hướng Văn thân (do các sĩ phu, thân hào, nhân sĩ yêu nước khởi xướng), phong trào Truyền bá chữ quốc ngữ, phong trào Đông du, phong trào Thiên địa hội...không ngừng dấy lên trên vùng đất biển này nhằm chống lại các thế lực áp bức, bóc lột, khôi phục lại tự do, chủ quyền đất nước. Các phong trào yêu nước này lần lượt thất bại nhưng đã nói lên ý chí quật cường, không chịu áp bức của người dân Mỹ Long và nó cũng hun đúc ý chí chống xâm lược, lòng yêu nước cho thế hệ đi sau. Đây là tiền đề quan trọng cho công cuộc kháng chiến trường kỳ sau này.

Năm 1927, tại Chùa Giác Linh đã chứng kiến sự ra đời của Chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, rồi Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930, một trong ba Chi bộ đầu tiên của tỉnh Trà Vinh. Cũng tại nơi đây, nhà cách mạng Dương Quang Đông đã triệu tập các hội nghị thành lập Huyện ủy Cầu Ngang, Tỉnh ủy Trà Vinh. Ngày 01/9/1943 cũng tại Chùa Giác Linh, đồng chí Dương Quang Đông tổ chức cuộc họp trù bị củng cố Xứ ủy Nam kỳ. Như vậy, ngay giai đoạn tiền khởi nghĩa, mảnh đất Mỹ Long đã là chiếc nôi cho sự ra đời nhiều tổ chức cách mạng quan trọng không chỉ của địa phương mà cho cả tỉnh và Nam kỳ.

Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Giác Linh Tự (Chùa Dơi), xã Mỹ Long Bắc

Đến giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, một lần nữa Mỹ Long được chọn làm nơi tiên phong, xuất phát điểm của cuộc Đồng khởi ở Trà Vinh. Từ thắng lợi của cuộc Đồng khởi trên địa bàn tỉnh Bến Tre vào đầu năm 1960, thì ngày 8 tháng 9 năm 1960, Tỉnh ủy Trà Vinh mở cuộc họp phổ biến chủ trương, phương án tiến hành cuộc Đồng khởi nhất loạt khắp tỉnh Trà Vinh ấn định vào ngày 14/9/1960. Trong đó, huyện Cầu Ngang chọn làm trọng điểm, xã Mỹ Long làm điểm chỉ đạo để tiến hành cuộc Đồng khởi của cả tỉnh. Đồng chí Phạm Văn Kiết - Phó Bí thư Tỉnh ủy được phân công kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo chung của cuộc Đồng Khởi; đồng chí Nguyễn Trường Thọ - Bí thư Chi bộ Mỹ Long trực tiếp chỉ huy và nhận chỉ thị từ Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Văn Long với phương châm hành động: “Bằng bạo lực chính trị quần chúng, kết hợp với binh vận và du kích nổi dậy lấy đồn, giành cho được chính quyền về tay nhân dân, giải phóng xã. Nhận nhiệm vụ, công tác chuẩn bị được tiến hành ráo riết trên cả ba mặt trận: chính trị, quân sự và binh vận, luôn trong tư thế sẵn sàn giành lấy chính quyền khi có lệnh.

Đêm 13/9/1960, hàng ngàn quần chúng từ các ấp của xã Mỹ Long kéo về ấp Nhứt dự mit-tinh để nghe đồng chí Nguyễn Trường Thọ, Bí thư xã đọc lời hiệu triệu nhân dân nhất tề nổi dậy, giải phóng quê hương, giành quyền làm chủ về tay nhân dân. Quần chúng nhân dân Mỹ Long hưởng ứng lời hiệu triệu và đồng lòng, sát cánh cùng Chi bộ và toàn quân nguyện chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, sẵn sàng hy sinh để giải phóng quê hương. Sáng ngày 14/9/1960 cùng với lực lượng du kích, quân dân Mỹ Long siết chặt vòng vây xạ kích vào đồn dân vệ tề xã. Mặc dù địch phản kháng quyết liệt nhưng với nhiều kế sách và sự vùng lên mạnh mẽ của lực lượng quần chúng nhân dân áp đảo đã buộc chúng phải đầu hàng. Chiều ngày 15/9/1960, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc tề xã, cuộc Đồng khởi giành thắng lợi và xã Mỹ Long được giải phóng.

Đoán chắc rằng, địch không dễ dàng để mất địa bàn quan trọng như Mỹ Long và sẽ đánh chiếm lại, nên trong ngày 16/9/1960 xã thành lập trung đội dân quân du kích được trang bị vũ khí khá đầy đủ nhằm chống lại đòn phản kích của địch. Như dự đoán, sáng ngày 17/9/1960, địch đưa lính quận từ Cầu Ngang đánh vào Mỹ Long nhưng bị trung đội du kích của xã, tuy mới thành lập nhưng đã liên tiếp giáng cho chúng những đòn chí tử và tiêu diệt tại trận 8 tên. Thua cay, ngày hôm sau, tên quận trưởng Cầu Ngang tăng cường lực lượng mạnh hơn là đưa hai đại đội Bảo an phản kích bằng mọi giá tái chiếm đồn Mỹ Long. Lần này, chúng lại lọt vào trận địa phục kích của ta nhưng do lực lượng ta không cân sức nên chịu tổn thất, nhiều đồng chí hy sinh và phải rút lui để bảo toàn lực lượng. Đến ngày 21/9/1960, địch đưa một tiểu đoàn chủ lực và tổ chức tiến đánh mới tái chiếm được đồn Mỹ Long.

Cuộc đồng khởi Mỹ Long đã cho ta bài học kinh nghiệm quí báu đó là sự phối hợp khéo léo, chặt chẽ giữa tiến công vũ trang với bạo lực chính trị quần chúng và sức mạnh binh vận để tự lực giải phóng. Cuộc Đồng khởi này cũng đã phá rã hệ thống kềm kẹp của địch ở nông thôn và đồng thời tạo điều kiện cho ta mở rộng vùng giải phóng để xây dựng căn cứ, lực lượng chiến đấu lâu dài sau này. Mặt khác, qua cuộc Đồng khởi cũng mở ra phương châm tiến công địch bằng ba mũi giáp công: quân sự - chính trị - binh vận và phương châm này được áp dụng rộng rãi trên khắp chiến trường Trà Vinh sau đó. Cuộc Đồng khởi ở Mỹ Long và Trà Vinh góp phần chung vào cao trào tấn công và nổi dậy của toàn miền Nam, chuyển cách mạng từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công địch, đẩy chế độ Mỹ - Diệm rơi vào thời kỳ khủng hoảng toàn diện dẫn đến sụp đổ của cuộc chiến tranh đặc biệt.

Luôn xung phong đi đầu trong hai cuộc kháng chiến đã chứng minh khí phách anh hùng của người dân Mỹ Long. Đây cũng là nơi sinh ra rất nhiều nhà cách mạng tên tuổi như: Dương Quang Đông, Dương Công Nữ, Trương Văn Kỉnh, Nguyễn Duy Khâm...đã đóng góp rất lớn cho công cuộc giải phóng đất nước. Với những thành quả cách mạng đó, năm 1976, Quân dân du kích xã Mỹ Long được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.      

Đi đầu xây dựng nông thôn mới

Chuyện chống giặc ngoại xâm là vậy, còn chuyện lao động sản xuất thì các thế hệ cư dân Mỹ Long đã tiếp nối truyền thống cha ông luôn cần cù, chịu thương chịu khó, năng động sáng tạo biết biến vòng quay của đất thành vàng, biến ngư trường thành bạc để làm giàu cho quê hương xứ sở.

Nông thôn mới xã Mỹ Long Nam

 Năm 2009, một lần nữa vùng đất biển Mỹ Long lại tiên phong đi đầu khi xã Mỹ Long Nam được Ban Bí thư Trung ương Đảng chọn xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới. Những khó khăn thách thức lại đặt ra cho Mỹ Long Nam, bởi lúc ấy xã thuộc dạng nghèo nhất, nhì của tỉnh Trà Vinh. Nằm ở vùng sâu lại chịu nhiều tàn phá do bom đạn chiến tranh, hạ tầng cơ sở tất cả đều thấp kém. Đời sống người dân khi ấy còn chát đắng trên những cánh đồng nhiễm phèn, ngập mặn; năn lát đầy đồng bó chân những người nông dân cơ cực. Có được nguồn vốn đầu tư từ Trung ương, tỉnh, huyện cùng với truyền thống đoàn kết, đồng lòng quyết tâm của cả hệ thống chính trị ở địa phương và đồng thời biết tập hợp sức mạnh của quần chúng nhân dân nên Mỹ Long Nam từng bước khoát lên mình chiếc áo mới. Có được những thành quả đó, Ban chỉ đạo xã luôn đặt người dân ở vị trí trung tâm, mọi việc làm, mọi nội dung đều hướng đến lợi ích của dân. Từ đó, người dân hiểu rõ trách nhiệm của mình và chung tay xây dựng nông thôn mới. Sự đồng lòng của toàn dân là yếu tố quyết định cho quá trình xây dựng thành công nông thôn mới. Tinh thần “Đồng khởi mới” lại được phát huy trên đất Mỹ Long Nam. Bởi, con người nơi đây vốn dĩ đã sẵn có bản tính vượt khó đi lên của cha ông truyền lại, biết sáng tạo trong lao động, nắm bắt thời cơ nên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mỹ Long Nam đã biến những cánh đồng năn lát, nhiễm phèn, ngập mặn ngày nào thành những cánh đồng tôm mang lại giá trị kinh tế cao. Chính con tôm đã làm nên cuộc đổi đời cho người dân vùng đất biển này. Hạ tầng cơ sở được đầu tư, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt chỉ trong 3 năm đầu xây dựng. Mỹ Long Nam đã hoàn thành xuất sắc xứ mệnh tiên phong của mình vào năm 2014 khi xây dựng thí điểm thành công cho cả nước mô hình nông thôn mới. Tháng 4 năm 2021, xã Mỹ Long Nam cùng xã Mỹ Long Bắc được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và mục tiêu sẽ xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2022.

Đến với Mỹ Long ngày nay, hai bên những con đường nhựa mới là những cánh đồng hoa màu xanh mướt mắt của xã Mỹ Long Bắc; những cánh đồng nuôi tôm sú, tôm thẻ thâm canh mật độ cao nối tiếp nhau của xã Mỹ Long Nam hay phố biển thị trấn Mỹ Long ngày một sầm uất hơn đã cho thấy vùng đất biển tiên phong đã vươn lên trong gian khó để xây dựng quê hương giàu đẹp. Đó cũng là sự kết tinh của truyền thống đoàn kết toàn dân vượt khó đi lên của cha ông truyền lại.   

 Vĩnh Trà

* Mỹ Long ngày nay được chia thành 3 đơn vị hành chính cấp xã là Mỹ Long Bắc, Mỹ Long Nam và thị trấn Mỹ Long. Trong bài viết, chúng tôi xin được gọi chung 3 đơn vị hành chính này là vùng đất ven biển Mỹ Long.

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 48
  • Trong tuần: 3 820
  • Tất cả: 8757255

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn