Những Tổng Bí thư trẻ tuổi, tài năng của Đảng
Một sự trùng hợp, cả 4 Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam đều là những người trẻ tuổi và tất cả họ đều bị địch bắt, tra tấn, tù đày, giết hại. Đó là các Tổng Bí thư: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập và Nguyễn Văn Cừ.

Tổng Bí thư Trần Phú: Hãy giữ vững chí khí chiến đấu

Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập ngày 3/2/1930 dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc song chưa bầu Tổng Bí thư. Tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ nhất Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định đổi tên đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị này đã thông qua Luận cương Chính trị và bầu đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương.

Xuất thân trong một gia đình khoa bảng khí tiết với người cha là tri huyện tuẫn tiết tại công đường. Mồ côi cả cha lẫn mẹ, từ cố gắng của bản thân, ông đã học và trở thành một thầy giáo của Trường Tiểu học Pháp - Việt Cao Xuân Dục ở Vinh (Nghệ An). Trần Phú thuộc lớp những thanh niên đầu tiên được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tuyển chọn và cử đi học ở trường Đại học Đông Phương của Quốc tế Cộng sản (Liên Xô). Năm 1928, Trần Phú là đại biểu dự Đại hội VI Quốc tế Cộng sản. Khi đó, tại quê nhà, ngày 11/10/1929, ông bị tòa án Nam triều ở Nghệ An xử án vắng mặt cùng với một số đồng chí của mình.

Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Trần Phú bị thực dân Pháp bắt tại nhà số 66 đường Champagne (đường Lý Chính Thắng hiện nay). Ngày 06/9/1931, Tổng Bí thư Trần Phú qua đời tại nhà thương Chợ Quán (nay là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh) - sau khi chịu cực hình tra tấn của thực dân Pháp với lời nhắn nhủ các đồng chí trong Đảng: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”, năm ấy ông 27 tuổi.

Tổng Bí thư Lê Hồng Phong: Một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng

Ngày nay ra Côn Đảo, chúng ta vẫn thấy ngôi mộ Lê Hồng Phong đứng đó cùng các đồng chí của ông. Cuộc đời ông thật kỳ lạ, ông đã từng lần lượt theo học nhiều ngôi trường nổi tiếng như: Quân sự Hoàng Phố, Trường Không quân Quảng Châu, Trường Không quân Liên Xô, Trường Lý luận Quân sự tại Leningrad (Liên Xô), Trường Không quân số 2 ở Borisoglebsk (Liên Xô), Trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông của Quốc tế Cộng sản (Liên Xô)…để rồi đi một vòng và bị thực dân Pháp bắt đày ra Côn Đảo.

Ngày 06/9/1942, ông trút hơi thở cuối cùng tại nơi giam giữ, hôm đó cũng là ngày sinh nhật ông tròn 40 tuổi. Trước đó, ngày 28/8/1941, sau khi Khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940) thất bại, thực dân Pháp đã xử bắn rất nhiều các lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương tại Hóc Môn, trong có phu nhân của ông là bà Nguyễn Thị Minh Khai, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Sau đó hơn 1 năm, năm 1944, em vợ ông (bà Nguyễn Thị Quang Thái là vợ đầu của ông Võ Nguyên Giáp), tức em ruột bà Minh Khai, một chiến sĩ cộng sản kiên cường bị giam cầm ở Hỏa Lò đã mất trong nhà thương Robin (nay là Bệnh viện Bạch Mai).

Ông Lê Hồng Phong sinh năm 1902 và khi giữ cương vị Tổng Bí thư ông 33 tuổi. Trước khi mất, ông Lê Hồng Phong đã gửi lời nhắn nhủ: "Xin chào tất cả các đồng chí. Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng: Tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng".

Tổng Bí thư Hà Huy Tập: Chớ xem tôi là người đã chết

Tại Hội nghị Trung ương năm 1936, đồng chí Hà Huy Tập đã được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng thay cho đồng chí Lê Hồng Phong. Ông Hà Huy Tập sinh năm 1906, như vậy khi đảm nhiệm trọng trách Tổng Bí thư của Đảng ông vừa tròn 30 tuổi.

Trong phần về tiểu sử tự thuật của Hà Huy Tập, khi học tại trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản (Liên Xô), ông cho biết: "Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân hai trai hai gái. Bố tôi mất năm 1916. Mẹ tôi còn sống. Anh cả tôi khi thì ở nông thôn trồng lúa trên những thửa ruộng của mẹ tôi, khi thì làm việc trong các xí nghiệp công hoặc hầm mỏ vì anh ấy không thể đủ cấp cho nhu cầu gia đình với những công việc đồng áng. Em gái út của tôi là vợ của một người cộng sản vừa tháng 6/1929 bị kết án lao động khổ sai cho đến khi chết. Người em gái này không có điều kiện đi học. Về phần tôi, tôi đã lập gia đình với một nữ cộng sản năm 1929...".

Tổng Bí thư Hà Huy Tập bị thực dân Pháp xử bắn ngày 28/8/1941 cùng Tổng Bí thư thứ 4 của Đảng là Nguyễn Văn Cừ; ông Võ Văn Tần (Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ); ông Nguyễn Hữu Tiến, Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, người vẽ lá cờ Tổ quốc, bà Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều chiến sĩ cộng sản ưu tú khác. Trước khi bị thực dân Pháp giết hại, trong bức thư cuối cùng gửi về cho gia đình ngày 2/5/1941, ông Hà Huy Tập đã nhắn gửi những người thân: “Ngày 25/9/1940, tôi bị Tòa đại hình Sài Gòn xử 5 năm tù. Ngày 25/3/1941 tôi bị tòa án binh Sài Gòn tuyên án tử hình về tội "hoạt động Cộng sản" và "xúi giục phá hoại Quốc phòng"... Cương nhận được thơ này thì nhớ viết thơ khuyên mẹ chớ khóc lóc buồn rầu. Nếu tôi phải chết thì ở nhà không nên thờ cúng, điếu phúng, không cần tìm người lập tự, gia đình bạn hữu chớ xem tôi là người đã chết mà phải buồn, trái lại xem tôi như là người còn sống, nhưng đi vắng một thời gian vô hạn... mà thôi!... Nếu tôi được khổ sai chung thân thì thường có thơ về thăm gia đình. Nếu chẳng may mà phải chết thì bức thơ này là thơ vĩnh biệt. Tôi chúc cho mỗi người trong gia đình và tất cả bạn hữu gần xa được hạnh phúc và khương minh".

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ: “Một trí tuệ siêu việt của Đảng”

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá về ông: "...Thật tự hào cho Đảng ta đã có một đồng chí Tổng Bí thư rất trẻ mà đã có tài năng lãnh đạo xuất sắc - đồng chí Nguyễn Văn Cừ". Tổng Bí thư Lê Duẩn thì đánh giá: "Về tuổi đời anh Cừ kém chúng tôi và các anh Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập từ 5 đến 10 tuổi nhưng anh là một trí tuệ lỗi lạc của Đảng, rất sắc sảo và nhạy bén về chính trị lại có khả năng đoàn kết và thuyết phục anh em". Ông Hoàng Quốc Việt đánh giá Nguyễn Văn Cừ là “một trí tuệ siêu việt của Đảng”.

Trẻ, bởi tại Hội nghị Trung ương tháng 3/1938 tại Bà Điểm, Hóc Môn, ông Nguyễn Văn Cừ đã được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng khi mới 26 tuổi. Trí tuệ siêu việt bởi khi ấy, ông đã viết 2 tác phẩm nổi tiếng là” “Các quyền tự do dân chủ với nhân dân Đông Dương” và “Tự chỉ trích”. Trong Văn kiện Đảng toàn tập hiện nay in trang trọng tác phẩm này của ông. “Tự chỉ trích” là một mẫu mực về đấu tranh tự phê bình và phê bình trong Đảng.

Nhìn lại lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, chỉ trong khoảng thời gian không dài từ năm 1930 đến 1940 đã có 4 đồng chí thay nhau giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng (sau khi Tổng Bí thư Trần Phú bị giặc bắt, từ 1931 đến 1935 chức Tổng Bí thư bị khuyết). Riêng giai đoạn từ năm 1936 đến 1940 có 3 đồng chí lần lượt làm Tổng Bí thư của Đảng. Điều đặc biệt là cả 4 đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đều còn rất trẻ: Trần Phú 26 tuổi, Lê Hồng Phong 33 tuổi, Hà Huy Tập 30 tuổi, Nguyễn Văn Cừ 26 tuổi. Tất cả 4 Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đều là những trí thức. Cả 4 người đều hi sinh, trong đó 2 người mất khi đang bị giam giữ và 2 người bị thực dân Pháp tử hình.

Vũ Trung Kiên

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 53
  • Trong tuần: 3 825
  • Tất cả: 8757260

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn