Không thể xuyên tạc công cuộc phòng, chống tham nhũng hiện nay
Kỳ 3: Cuộc chiến không ngừng nghỉ

Thực tế cho thấy cùng là cán bộ, cùng được giao quyền lực như nhau nhưg chỉ có những người thiếu tu dưỡng rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, cộng với cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực mới dẫn họ tới con đường tha hóa và tham nhũng. Chính những kẻ đục khoét của công ấy sẽ tìm cách vô hiệu hóa tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị để dễ bề thao túng nhằm thực hiện mưu đồ tham nhũng làm suy thoái tổ chức Đảng.

Đại hội XII của Đảng, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đã được Đảng xác định là nội dung đặc biệt quan trọng cả trong xây dựng Đảng và xây dựng Nhà nước. Phòng, chống tham nhũng đã được đặt ở vị trí cao hơn, thể hiện tinh thần không khoan nhượng cùng quyết tâm chính trị to lớn của Đảng đối với tệ nạn nguy hiểm này. Đại hội xác định tham nhũng, lãng phí “vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước…đe dọa sự tồn vong của chế độ” (ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 185 và tr. 196). Từ đó, Đại hội xác định “Xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài; là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, và của toàn bộ hệ thống chính trị. Kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí với yêu cầu chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí” (ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, sđd, tr. 211).

Đại hội lần thứ XIII của Đảng diễn ra trong bối cảnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thu được những được kết quả to lớn, tuy nhiên công cuộc phòng, chống tham nhũng tiêu cực đã xuất hiện những biểu hiện ngày càng tinh vi, nguy hiểm. Vì vậy, ngoài việc tiếp tục xác định sự nguy hại của tệ nạn này đối với sự tồn vong của Đảng, của chế độ, Văn kiện Đại hội đã chỉ ra những biểu hiện tinh vi của tham nhũng trong bối cảnh mới: “…Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được đẩy lùi. Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ ta” (ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021, tr.93). Từ việc xác định tham nhũng là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, Đại hội đã xác định: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…” (ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, sđd, t.1, tr.193). Kể từ Đại hội XIII đến nay, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn tiếp tục không ngừng nghỉ với tinh thần mà Tổng Bí thư đã khơi dậy: “Tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Phát biểu tại phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 12/1/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định chỉ riêng năm 2022 đã thi hành kỷ luật 539 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm trước); cho thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XIII) đối với 5 đồng chí; cho thôi giữ chức vụ đối với 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, 3 Thứ trưởng và tương đương, 1 Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp than-khoáng sản Việt Nam (TKV); các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm 3 chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND tỉnh theo chủ trương sắp xếp, bố trí công tác đối với cán bộ bị xử lý kỷ luật, uy tín giảm sút (QĐND online, ngày 11/1/2023).

Công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng xác định là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, toàn dân và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài, khó khăn, phức tạp; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, không nóng vội, không chủ quan, với những bước đi vững chắc, tích cực và có trọng tâm, trọng điểm; phòng chống tham nhũng cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp; phải chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, các hành vi bao che, dung túng tiếp tay cho tham nhũng; không có ngoại lệ, không có “vùng cấm” trong chống tham nhũng ở Việt Nam…

Từ những dẫn chứng nêu trên để thấy rằng, Đảng và Nhà nước Việt Nam chưa và cũng không bao giờ bao che, dung túng cho quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Tất cả những ai phạm tội thì tùy theo mức độ vi phạm mà bị xem xét xử lý kỷ luật một cách thấu đáo. Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam cũng là người đứng đầu Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần đa đớn khi phát biểu rằng Đảng rất đau xót khi phải xử lý kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, nhưng vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, sự nghiêm minh của pháp luật, vì niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ nên không thể không làm mạnh mẽ, quyết liệt.

Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng được hiến định là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Vì vậy, Đảng phải chịu trách nhiệm trước Nhân dân về tất cả các quyết định của mình. Trong bộ máy Nhà nước, đa phần cán bộ đều là đảng viên của Đảng. Vì vậy, nếu để một bộ phận cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất dẫn tới quan liêu, tham nhũng, lãng phí sẽ làm mất lòng dân, gây ra tác hại khôn lường và đe dọa nguy cơ cầm quyền của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định các quan điểm về đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Đảng luôn coi tham nhũng là “giặc nội xâm”, một trong các nguy cơ, đe dọa sự tồn vong của chế độ, cản trở tiến trình phát triển đất nước, phải kiên quyết đấu tranh loại trừ ra khỏi đời sống xã hội.

Tham nhũng là hiện tượng phổ biến từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây đâu đâ cũng có, thời nào cũng có, vấn đề là cách phòng, chống tham nhũng ra sao mới là vẫn đề. Không thể không thẳng thắn thừa nhận rằng đã có lúc công cuộc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam thực hiện theo kiểu “trống giong cờ mở” và “bắn chỉ thiên” hơi nhiều. Kể từ năm 2013 đến nay, nhất là từ sau Đại hội XII của Đảng (năm 2016), công tác này ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả với những kết quả ấn tượng như đã nêu trên. Người đứng đầu Đảng cũng là người đứng đầu công cuộc bài trừ tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng thừa nhận rằng đây là cuộc chiến nan giải bởi chống tham nhũng chính là “ta đánh ta”. Kẻ thù dù sao cũng có hình, có tướng, có chiến tuyến, ranh giới rõ ràng, còn “giặc tham nhũng” thoắt ẩn, thoắt hiện, len lỏi trong nội bộ và có mặt ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Việt Nam Việt Nam là đảng duy nhất cầm quyền và chịu trách nhiệm đạo Nhà nước và xã hội, vậy nên tất cả những hay dở, tốt xấu, những thành tựu hay thất bạo của đất nước trên các lĩnh vực khác nhau đều có vai trò của Đảng. Thành công, đó là công lao lãnh đạo của Đảng, thất bại: Đảng không thể thoái thác trách nhiệm của mình. Chúng ta vẫn thường nghe nói rằng Dân tin Đảng, thế nhưng Đảng là một tập hợp rộng rãi của rất đông người, có nhiều tổ chức ở các cơ quan, đơn vị, các cấp. Vì vậy, người dân thường nhìn Đảng qua lăng kính của mình, đó là ở việc Đảng có ban hành các chủ trương, đường lối đúng đắn cũng như lãnh đạo để Nhà nước thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối thành chính sách, pháp luật đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng có thật sự vì Dân hay không.

Để giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền, để nâng cao uy tín trước Nhân dân, để thực sự xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam không thể không quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng. Phòng, chống tham nhũng là mệnh lệnh sống còn của Đảng. Khi Đảng chống tham nhũng không hiệu quả, các luận điệu xuyên tạc, chống đối cho rằng Đảng không thực tâm chống tham nhũng, khi Đảng chống tham nhũng mạnh mẽ, các luận điệu này lại cho rằng đó chỉ là “phe phái triệt hạ lẫn nhau”. Tất cả những luận điệu ấy chẳng qua chỉ với mục đích xuyên tạc, đánh lạc hướng dư luận, gây xói mòn niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng hiện nay. Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, một chính đảng được hiến định là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội thì để củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, trong những trách nhiệm nặng nề của Đảng, Đảng không thể không tiến hành công cuộc bài trừ tham nhũng, tiêu cực.

Hồng Phúc

Xem kỳ 1: Phòng, chống tham nhũng, chủ trương nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam

Xem kỳ 2: Những kết quả không thể phủ nhận

Tin khác
1 2 3 4 5 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 12
  • Hôm nay: 227
  • Trong tuần: 3 999
  • Tất cả: 8757434

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn