Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 15 - 19/5/2023

1. ASEAN và Trung Quốc thảo luận về thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông

Các nước tái khẳng định giá trị và tầm quan trọng của DOC đối với khu vực; đánh giá cao một số kết quả tích cực trong thực hiện DOC thời gian qua, mặc dù khu vực phải chịu tác động sâu rộng của đại dịch. Nhiều hoạt động hợp tác cụ thể đã được triển khai hiệu quả, đúng kế hoạch, trong đó có hợp tác bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, đối xử nhân đạo và công bằng đối với ngư dân, tìm kiếm và cứu nạn trên biển…

Các nước chia sẻ quan ngại về một số diễn biến phức tạp trên Biển Ðông thời gian qua, gây xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia ven Biển Ðông, theo đó nhấn mạnh ASEAN và Trung Quốc càng cần thực hiện DOC nghiêm túc, hiệu quả và đầy đủ.

Các nước tái khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Ðông; tôn trọng các nguyên tắc như thực hiện kiềm chế, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Hội nghị SOM DOC ghi nhận tiến triển trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC) và trao đổi các định hướng cho tiến trình đàm phán; nhấn mạnh cần đạt được COC hiệu quả, thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế và UNCLOS, góp phần xây dựng lòng tin, tin cậy, quản lý hiệu quả hơn các sự cố trên Biển Ðông.

Nguồn: nhandan.vn

2. Cuộc cạnh tranh gay gắt ở Trung Á

Từ ngày 16 - 20/5, các Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov, Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon và Tổng thống Shavkat Mirziyoyev của Uzbekistan cũng lần lượt có các chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc. Các động thái ngoại giao này phản ánh rõ nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường quan hệ với các nước láng giềng Trung Á, khu vực được cho là đang dần đóng vai trò chiến lược của lục địa Á - Âu, cầu nối giữa phương Đông và phương Tây. 

Hội nghị thượng đỉnh sắp tới ra đời từ cơ chế hợp tác Trung Quốc + Trung Á (C+C5) được thành lập vào năm 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về hợp tác sâu rộng hơn giữa Trung Quốc và Trung Á. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận sự phát triển của quan hệ Trung Quốc - Trung Á, trao đổi quan điểm về việc hoàn thiện hơn nữa cơ chế Trung Quốc - Trung Á, hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau và các vấn đề lớn của khu vực cũng như quốc tế. Các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ ký kết các văn bản chính trị quan trọng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhận định, với những nỗ lực chung của tất cả các bên, Trung Quốc tin tưởng rằng hội nghị lần này sẽ nâng quan hệ Trung Quốc - Trung Á lên một tầm cao mới. 

Giới phân tích nhận định hợp tác về an ninh cũng sẽ là một vấn đề trọng tâm khác tại hội nghị vì những rủi ro và thách thức mới trong khu vực hiện nay. Người đứng đầu bộ phận quốc tế của hãng thông tấn nhà nước Kabar (Kyrgyzstan) Nurzhan Kasmalieva cho rằng chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan luôn đặt ra mối đe dọa và thách thức đối với an ninh của Trung Á, bởi vậy các bên kỳ vọng đạt được nhiều kết quả hợp tác hơn trong lĩnh vực này nhằm thúc đẩy an ninh và ổn định trong khu vực. Cùng chung quan điểm này, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu địa chính trị tại Đại học Nga-Tajik Slavonic, Guzel Maitdinova, cho rằng lĩnh vực an ninh sẽ rất được chú trọng tại hội nghị, đặc biệt là vấn đề Afghanistan. 

Trong số 5 quốc gia Trung Á có 3 nước gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan có chung đường biên giới với Trung Quốc kéo dài tới 3.000 km. Do đó, sự ổn định ở Trung Á là rất quan trọng để duy trì sự ổn định của Trung Quốc, đặc biệt là ở khu vực Tây Bắc nước này. 

Nằm ngay giữa trung tâm châu Á, khu vực Trung Á có vị trí địa chiến lược, đồng thời là vùng đất có nguồn tài nguyên dồi dào, nhất là dầu mỏ và khí đốt. Ngoài ra, Trung Á còn có các nguồn năng lượng khác như than đá, năng lượng tái tạo, năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió. Đặc biệt, nguồn năng lượng của các nước Trung Á được cho là không bao giờ thiếu thị trường xuất khẩu bởi các quốc gia láng giềng của khu vực này chính là những khách hàng tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, các nước châu Âu. 

Đối với Trung Quốc, Trung Á là nhà cung cấp năng lượng quan trọng khi nước này từng nhập khẩu 30% lượng khí đốt tự nhiên thông qua tuyến đường ống Trung Quốc-Trung Á. Người dân ở Bắc Kinh, Thượng Hải và các thành phố khác đã sử dụng khí đốt tự nhiên từ Turkmenistan. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của 5 nước Trung Á. Số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy kim ngạch thương mại giữa nước này và 5 quốc gia Trung Á đã đạt mức cao lịch sử 70 tỷ USD trong năm ngoái và trong 3 tháng đầu năm nay ghi nhận mức tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến cuối tháng 3 năm nay, tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Trung Quốc vào khu vực này đạt khoảng 15 tỷ USD. 

Bên cạnh đó, với tầm quan trọng về địa chính trị, các cường quốc cũng đang cạnh tranh tầm ảnh hưởng và tìm cách tăng cường can dự cả về chính trị, an ninh và kinh tế ở Trung Á, nơi từng được coi là "sân sau" của Nga. Tháng 10 năm ngoái, tại thủ đô Astana của Kazakhstan diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) - Trung Á đầu tiên, trong đó hai bên nhất trí “tiếp tục xây dựng quan hệ đối tác đa dạng và hướng tới tương lai”. Tháng 2 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có chuyến công du Trung Á, gặp những người đồng cấp Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Turkmenistan với những cam kết viện trợ thông qua Sáng kiến phục hồi kinh tế ở Trung Á nhằm tăng cường vai trò của Washington ở khu vực.

Trung Quốc được cho cũng không đứng ngoài cuộc cạnh tranh gay gắt ở khu vực có tầm quan trọng về địa chính trị này. Tháng 9 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát là tới Trung Á. Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á lần này được coi là cơ hội thuận lợi cho Bắc Kinh tái khẳng định vị thế và mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực.

Giới chuyên gia cho rằng hợp tác Trung Quốc - Trung Á đang ở mức cao nhất và sự hợp tác cùng có lợi đã mang lại những lợi ích cho cả 6 quốc gia. Với việc thúc đẩy lợi ích chiến lược của mỗi bên, tại hội nghị thượng đỉnh này, các nhà lãnh đạo 6 nước này có thể sẽ đưa ra các sáng kiến mới, tăng cường hợp tác toàn diện, sâu sắc và đa chiều giữa Trung Quốc và Trung Á.

Nguồn: baotintuc

3. Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ tăng trưởng toàn cầu thấp kéo dài

Theo bản cập nhật giữa năm của báo cáo Triển vọng và Tình hình Kinh tế Thế giới công bố hồi tháng 1/2023, tình trạng lạm phát cao dai dẳng ở cả các nước phát triển và đang phát triển do hậu quả của đại dịch đã thúc đẩy các ngân hàng trung ương đưa ra những đợt tăng lãi suất mạnh nhất trong nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, sự giảm tốc tăng trưởng toàn cầu vào năm 2023 có thể sẽ ít nghiêm trọng hơn so với dự đoán trước đây, chủ yếu nhờ chi tiêu hộ gia đình tăng liên tục ở các nền kinh tế lớn cũng như đà phục hồi của Trung Quốc.

Dự báo tăng trưởng toàn cầu đã được điều chỉnh tăng từ 1,9% trong báo cáo tháng Một lên 2,3% cho năm 2023. Song mức tăng trưởng toàn cầu cho năm 2024 được điều chỉnh giảm từ 2,7% xuống 2,5%.

Theo báo cáo, tốc độ tăng trưởng toàn cầu vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng trung bình 3,1% trong hai thập kỷ trước đại dịch.

Đối với Mỹ, chi tiêu hộ gia đình ổn định đã thúc đẩy LHQ điều chỉnh tăng dự báo cho nước này từ mức 0,4% lên 1,1% cho năm nay. Tương tự, dự báo cho Liên minh châu Âu (EU) cũng được tăng lên 0,9% thay vì 0,2%. Ước tính tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay được điều chỉnh từ 4,8% lên 5,3%.

Đối với các nền kinh tế lớn khác, tăng trưởng của Nhật Bản hiện được dự báo ở mức 1,2%, thấp hơn con số trước đó là 1,5%. Nền kinh tế của Anh dự kiến sẽ suy giảm ít hơn ước tính đầu tiên, giảm 0,1% thay vì 0,8%. Nga, quốc gia đang chịu các lệnh trừng phạt nặng nề của phương Tây liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine, sẽ chứng kiến nền kinh tế suy giảm 0,6%, một kịch bản tốt hơn nhiều so với dự báo hồi tháng Một về mức giảm 2,9%. Dự báo cho tăng trưởng kinh tế Ấn Độ vẫn được giữ nguyên ở mức 5,8%.

Thương mại toàn cầu dự kiến sẽ vẫn chịu áp lực. Kịch bản cơ sở dự đoán rằng khối lượng thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu sẽ tăng 2,3% vào năm 2023, cao hơn so với dự báo trước đây về mức tăng trưởng gần như bằng không.

Tuy nhiên, những tác động kéo dài của COVID-19, căng thẳng địa chính trị gia tăng và thắt chặt tiền tệ sẽ tiếp tục kìm hãm thương mại toàn cầu, mặc dù những hạn chế về chuỗi cung ứng và chi phí vận chuyển đã giảm bớt.

Lạm phát trung bình toàn cầu ước vào khoảng 5,2% trong năm 2023, giảm từ mức cao nhất trong hai thập kỷ là 7,5% hồi năm 2022. Báo cáo lưu ý trong khi áp lực tăng giá dự kiến sẽ “hạ nhiệt” dần, lạm phát ở nhiều quốc gia sẽ vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu của các ngân hàng trung ương.

Nguồn: baotintuc.vn

4. Sau 50 năm trỗi dậy, Trung Quốc hiện thách thức sức mạnh Mỹ và Nhật Bản ra sao?

Mỹ đóng vai trò xúc tác cho tăng trưởng của Trung Quốc. Chính Mỹ chịu trách nhiệm về việc trên thực tế họ đã ép Trung Quốc phải hành động đoàn kết như một quốc gia - dân tộc. Lời thách thức của Mỹ về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong Chiến tranh Triều Tiên (với Trung Quốc là một bên tham gia) đã khơi dậy lòng tự tôn trong dân tộc Trung Hoa. Và Trung Quốc đã hạ quyết tâm không để bị hăm dọa như thế trong tương lai.

Sau khi Liên Xô tan rã, trật tự thế giới chuyển từ nhị cực (với cuộc đối đầu Mỹ- Xô) thành đơn cực (do Mỹ đứng đầu). Nay Trung Quốc đang nổi lên thành lực lượng thách thức ưu thế đó của Mỹ, cả về quân sự và kinh tế. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã vượt Mỹ về năng lực lấy lòng chiến lược đối với các nước nghèo thông qua các chương trình đầu tư (như đầu tư vào châu Phi, vào Trung Đông, và dự án Vành đai và Con đường).

Hiện tại và trong tương lai gần, Trung Quốc không thể sánh được với Mỹ về ưu thế áp đảo trong tư cách cường quốc hải quân số 1 thế giới. Hải quân Trung Quốc năm 2023 có thể được đánh giá ở mức “hải quân xanh lá cây”. Trung Quốc phải mất ít nhất 2 thập kỷ nữa mới đuổi kịp hải quân Mỹ, với khoảng 10 chiếc tàu sân bay và một hạm đội tàu ngầm có năng lực hạt nhân. Phải qua một chặng đường dài nữa, hải quân Trung Quốc mới trở thành lực lượng nước xanh sâu.

Ấn Độ là một quốc gia hạt nhân nhưng không thể gọi là một đồng minh của Mỹ. Pakistan nằm gần Trung Quốc nhưng sẽ khó theo Mỹ chống Trung Quốc. Như vậy chỉ còn 2 nước gần Trung Quốc mà Mỹ có thể tính tới trong cuộc cạnh tranh nước lớn, đó là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Nếu Mỹ cung cấp vũ khí hạt nhân cho Hàn Quốc, điều đó sẽ vấp phải phản ứng tức thì của Triều Tiên. Do vậy, Nhật Bản là sự lựa chọn duy nhất của Mỹ.

Liệu Nhật Bản có lựa chọn phát triển vũ khí hạt nhân trong thời gian tới? Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong nhiều vấn đề, đặc biệt là tranh chấp đối với một số hải đảo, có thể thúc đẩy Nhật Bản đi theo hướng này.

Chính sách đường lưỡi bò (đường 9 đoạn) của Trung Quốc ở Biển Đông cũng là điều không thể chấp nhận được với Nhật Bản.

Nhật Bản không phải là đối thủ quân sự của Trung Quốc vào lúc này, trừ phi Nhật Bản lựa chọn phương án phát triển vũ khí hạt nhân. Nếu Nhật Bản trở thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, điều đó sẽ thay đổi ma trận an ninh ở châu Á và cả toàn cầu trong chốc lát. Khi ấy sức răn đe hạt nhân và tài chính của Trung Quốc sẽ không còn như ở mức hiện nay. Một khi xảy ra kịch bản Nhật Bản được hạt nhân hóa, Trung Quốc sẽ buộc phải xem xét lại học thuyết hạt nhân của mình, chính sách đường 9 đoạn, và chủ trương ngoại giao kinh tế để gây ảnh hưởng với các nước nghèo.

Hiện Trung Quốc áp dụng chính sách “không sử dụng trước” đối với vũ khí hạt nhân của họ. Nhưng trong tình huống Nhật Bản là quốc gia hạt nhân, Trung Quốc có thể phải điều chỉnh học thuyết hạt nhân của mình theo hướng “sẽ dùng khi phát hiện có vấn đề nguy hiểm”. Nhật Bản còn có một động cơ nữa để hạt nhân hóa, đó là vô hiệu hóa áp lực tấn công hạt nhân từ Triều Tiên.

Nhật Bản có năng lực công nghệ để sản xuất vũ khí hạt nhân nếu họ lựa chọn như vậy. Ít nhất 25% lượng điện sản xuất ở Nhật Bản là do các lò phản ứng hạt nhân của nước này cung cấp. Xây dựng một tổ hợp máy ly tâm làm giàu urani là điều nằm trong tầm tay của Nhật Bản. Chương trình vũ trụ của Nhật Bản cũng mang đẳng cấp thế giới. Công cụ phóng cũng là thứ đã sẵn sàng đối với họ.

Để tấn công mục tiêu ở Trung Quốc, Nhật Bản chỉ cần một tên lửa đạn đạo tầm xa. Bên cạnh đó, không quân Nhật Bản cũng là lực lượng tối tân. Với việc sắp mua số lượng lớn chiến đấu cơ đa nhiệm F-35, Nhật Bản có thêm một phương tiện hiệu quả để ném bom hạt nhân lên lãnh thổ đối phương. Nhật Bản không cần đến nhân tố thứ 3 trong bộ ba hạt nhân, đó là tàu ngầm hạt nhân do khoảng cách tương đối gần giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

Dù chưa được công nhận, Nhật Bản có một tàu sân bay hoặc ít nhất là công nghệ để đóng một con tàu như vậy. Trên thực tế, với trình độ chuyên môn của Nhật Bản trong việc thu nhỏ gần như mọi thứ và mức độ tinh vi cực cao trong lĩnh vực điện tử, Nhật Bản có thể trở thành quốc gia hạt nhân đầu tiên sở hữu một “hệ thống phóng vũ khí hạt nhân gắn trên UAV”. Các tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân có thể đặt trên bất cứ đảo nào trong vô số hòn đảo của Nhật Bản, đặc biệt là ở miền Bắc nước này.

Ngoài năng lực nội tại của mình, Nhật Bản cũng có thể nhận thêm sự hỗ trợ công nghệ hạt nhân từ phía Mỹ. Xác suất Mỹ chấp nhận giúp đỡ Nhật Bản về mặt này là không nhỏ.

Nguồn: vtc.vn

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 256
  • Trong tuần: 3 263
  • Tất cả: 8761554

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn