Cảnh giác với các thủ đoạn “tín dụng đen”

“Tín dụng đen” là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất pháp luật quy định. Bản chất của “tín dụng đen” là giao dịch vay, mượn (ngầm), thủ tục đơn giản, lãi suất cao, không tuân thủ đúng quy tắc tín dụng và sự kiểm soát của Nhà nước. Khi phát sinh mâu thuẫn trong quan hệ vay mượn thì các đối tượng cho vay thường dùng các biện pháp trái pháp luật hoặc thực hiện các hành vi phạm tội để đòi nợ hoặc thuê đòi nợ, siết nợ.

Nhận biết “tín dụng đen” qua các dấu hiệu sau: Quảng cáo qua tờ rơi (dán trên cột điện, ngã tư, tường nhà); thủ tục cho vay đơn giản (chỉ cần chứng minh thư, bằng lái xe hay thẻ ATM); lãi suất cho vay lớn (khoảng 3.000 – 10.000 đồng/1 triệu/ngày, tương đương 108 – 360%/năm). Hợp đồng vay vốn không quy định những điều khoản rõ ràng như cách thức thanh toán, thời hạn trả nợ, lãi suất, phí phạt trả trước, phí phạt trả sau… Các hành vi, thủ đoạn cho vay lãi nặng thông qua nhiều hình thức như: Cơ sở cầm đồ, công ty cho vay tài chính, hụi lãi suất cao… Các đối tượng cho vay lãi nặng cũng lợi dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để hành nghề như sử dụng phần mềm cho vay trực tuyến, ứng dụng di động (app) hay các website quảng cáo… với lãi suất vay dưới 20%/năm, nhưng sau khi “con nợ” mắc bẫy thì tính phát sinh phí quản lý vay, phí hồ sơ, “lãi mẹ đẻ lãi con”, lãi chồng lãi và nhiều khoản phí khác buộc người vay gánh lãi suất cao.

Khi người vay không có khả năng trả nợ hoặc trả nợ không đúng hạn, các đối tượng cho vay sẽ đòi nợ bằng nhiều thủ đoạn như sử dụng mạng xã hội (facebook, zalo…) bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người đi vay; gọi điện, nhắn tin đe dọa, chửi bới, khủng bố tinh thần, tạo áp lực để đòi nợ; thuê lưu manh, côn đồ đến nhà riêng, nơi làm việc, đập phá tài sản, chửi bới, đổ chất bẩn, chất thải, đặt vòng hoa tang, treo đầu động vật, phun sơn, máu tươi; khống chế, đe dọa giết người, giết người, cố ý gây thương tích… gây áp lực với người vay và thân nhân của họ, tạo sức ép, buộc họ trả nợ.

anh tin bai

Đại tá Lê Văn Tư, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết với quyết tâm làm trong sạch địa bàn, kiên quyết đấu tranh với tội phạm nói chung và hoạt động tín dụng đen nói riêng, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo toàn lực lượng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về “tín dụng đen” để chủ động phòng, tránh, làm cho đối tượng hoạt động “tín dụng đen” bị hạn chế điều kiện hoạt động; tập trung lực lượng rà soát đối tượng liên quan “tín dụng đen” đang giao dịch trực tiếp và cả trên không gian mạng để đấu tranh, xử lý; tiếp nhận, xử lý kịp thời các tin báo, tố giác liên quan đến “tín dụng đen”, phối hợp với các ngành điều tra, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Tội phạm “tín dụng đen” gắn với tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự và một số tội phạm khác như giết người, cố ý gây thương tích, bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật, bắt cóc con tin, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, vu khống, làm nhục người khác. Thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm liên quan “tín dụng đen”, đồng thời qua tiếp nhận thông tin từ “đường dây nóng” của Đại tá Trần Xuân Ánh, Giám đốc Công an tỉnh, Công an Trà Vinh đã tiếp nhận rất nhiều tin báo về hoạt động cho vay lãi suất cao. Qua đó, đã phát hiện 13 vụ, 20 đối tượng rải tờ rơi quảng cáo liên quan “tín dụng đen”, xử phạt VPHC 20 đối tượng, số tiền 271,5 triệu đồng; khởi tố 08 vụ, 09 bị can cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, có trường hợp cho vay với lãi suất lên đến 730%/ năm.

Đại tá Lê Văn Tư, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Phó Giám đốc Công an tỉnh khuyến cáo các tổ chức, cá nhận không tham gia vào các hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự; khi phát hiện trên địa bàn mình cư trú có các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thì kịp thời tố giác với Cơ quan Công an các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các công ty luật núp bóng đòi nợ, cưỡng đoạt tài sản, cửa hàng cầm đồ, kinh doanh tài chính có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”, đối tượng nghi vấn liên quan đến hành vi đòi nợ thuê, đổ chất bẩn, chất thải... Trường hợp cần vay vốn để sử dụng vào mục đích kinh doanh, mua sắm,… cần tìm hiểu kỹ thông tin, ưu tiên vay tại các ngân hàng có uy tín để tránh bị lừa và mắc bẫy “tín dụng đen”. Trong quá trình hoàn chỉnh hồ sơ vay tiền cần đọc kỹ nội dung, lãi suất và các quy định trước khi ký.

Khi không may bị mắc bẫy “tín dụng đen”, bị các đối tượng “siết nợ” thì bằng nhiều biện pháp sưu tầm, thu thập hình ảnh, video clip, âm thanh làm bằng chứng và thông báo, tố giác đến cơ quan chức năng, người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp người thân có vay nợ của các đối tượng “tín dụng đen”, khi bị các đối tượng gọi điện thoại cho những người thân trong gia đình “khủng bố” đòi nợ thì phải bình tĩnh xử lý, giải thích ngắn gọn về việc không quen biết người vay hoặc không có trách nhiệm với khoản nợ mà các đối tượng đề cập. Đồng thời, hỏi rõ thông tin đơn vị đòi nợ, nhắc nợ và yêu cầu cung cấp các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của mình. Đối với các trang Facebook cá nhân, có thể khóa các bình luận của người lạ. Nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, thậm chí đến mức bị “khủng bố” điện thoại, người dân có thể trình báo đến cơ quan Công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời. Tuyệt đối không cung cấp các thông tin của bản thân cho các đối tượng gọi điện đòi nợ...

Mộng Tuyền

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 9
  • Trong tuần: 3 092
  • Tất cả: 8761718

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn