Cảnh giác với thủ đoạn sử dụng mạng viễn thông, mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình tội phạm sử dụng mạng viễn thông, mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp, đã xảy ra một số vụ lừa đảo với số lượng lớn.

Tại tỉnh Trà Vinh từ đầu năm 2023 đến nay, Công an tỉnh đã tiếp nhận tổng số 24 vụ trình báo bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản do đối tượng sử dụng mạng viễn thông, mạng xã hội, tổng thiệt hại hơn 4,7 tỷ đồng.

 Qua tổng hợp, phân tích nổi lên một số phương thức, thủ đoạn như:

(1) Chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội của người dùng (người đang sinh sống ở nước ngoài), sau đó nhắn tin cho những người trong danh sách bạn bè của tài khoản đó (hiện sinh sống tại Việt Nam) để nhờ chuyến tiền dùm cho người thân (số tài khoản do đối tượng cung cấp) để chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn phổ biến là các đối tượng sử dụng tài khoản facebook, zalo,... với “hồ sơ cá nhân” thu hút như: Là người nước ngoài (Mỹ, Anh) đang tham chiến ở chiến trường Syria, Afganistan,... để kết bạn với bị hại, rồi nói với bị hại sẽ chuyến quà, tiền về Việt Nam nhờ bị hại nhận và giữ giùm. Để tạo niềm tin cho bị hại, các đối tượng còn gửi ảnh bưu phẩm và các giấy tờ liên quan đến việc chuyển quà, tiền cho bị hại và yêu cầu người dân phải nộp tiền đóng phí nhận quà. Đặc biệt thời gian gần đây, nắm được tâm lý người dùng mạng xã hội hiện nay đã cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo bằng tin nhắn nhờ chuyển tiền, các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn tinh vi hơn, lợi dụng công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra các sản phẩm công nghệ âm thanh, hình ảnh và video làm giả các đối tượng ngoài đời thực với độ chính xác rất cao để làm giả cuộc gọi video nhằm chiếm đoạt tài sản

(2) Giả danh cơ quan thực thi pháp luật, nhân viên bưu điện, điện lực, sử dụng mạng viễn thông yêu cầu người dân phải nộp tiền vào các tài khoản để đóng tiền phạt, kiểm tra, nhất là hiện nay lợi dụng việc cập nhật thông tin thuê bao di động, các đối tượng đã giả danh các nhà mạng viễn thông liên lạc người dân để thu thập thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP... để chiếm đoạt tài sản.

(3) Lừa đảo qua hoạt động trao đối, mua bán qua mạng:

Đối tượng thông qua mạng Internet đăng bài tuyển cộng tác viên tương tác làm việc Online trên các sàn thương mại điện tử giả mạo Shopee, Lazada, Tiki,...để được hưởng hoa hồng từ 10 đến 30% giá trị mỗi đơn hàng. Sau khi bị hại liên hệ được đối tượng gửi link web giả mạo Shopeemall để lập tài khoản, chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng đối tượng cung cấp để thực hiện tạo mua đơn hàng có sẵn đế được hưởng hoa hồng thì các đối tượng khóa trang mạng, bỏ số điện thoại liên lạc để xóa dấu vết và chiếm đoạt tài sản của bị hại.

Đối tượng gọi điện lôi kéo, dụ dỗ bị hại tham gia theo dõi tiktok, nghe nhạc MP3 để được trả công từ 10.000 đồng đến 50.000 đồng/1 lần, lập tài khoản trên một trong các trang web có giao diện giống với các trang web đánh bạc), đặt các lệnh tài/xỉu hoặc chẵn/lẻ để được hưởng hoa hồng từ 30% đến 65% trên tổng số tiền mỗi lần đặt cược; sau mỗi lần bị hại chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng đối tượng cung cấp sẽ được đối tượng gửi qua Telegram cho bị hại một hợp đồng cam kết khách hàng tên Công ty Cổ phần Tài chính HANDICO hoặc Công ty tài chính TNHH MB SHINSEL cam kết bảo hiểm an toàn 100% vốn cho bị hại. Sau đó, đối tượng hướng dẫn bị hại liên hệ qua Telegram gặp chuyên gia để được hướng dẫn đặt cược. Ban đầu với số tiền ít, đối tượng cho bị hại rút tiền về tài khoản ngân hàng, khi bị hại chuyển số tiền lớn và yêu cầu rút tiền thì đối tượng tạo ra nhiều lý do như sai số tài khoản ngân hàng, bị hại đặt cược sai lệch.. .để không cho bị hại rút tiền. Đối tượng dụ dỗ bị hại chuyển thêm tiền thì chặn liên lạc, xóa tài khoản của bị hại.

Đối tượng tạo các tin nhắn giả mạo các ngân hàng thương mại (SMS Brandname) với nội dung thông báo khách hàng đã đăng ký, kích hoạt dịch vụ (nhiều dịch vụ khác nhau do các đoi tượng nghĩ ra như: quảng cáo trên Tiktok, dịch vụ tài chính toàn cầu...) có mức phí sử dụng mỗi tháng từ 3.000.000đ - 6.000.000đ, nếu muốn hủy thì truy cập vào các đường dẫn, mục đích là dụ dỗ khách hàng truy cập vào trang web giả mạo ngân hàng. Rất nhiều người do nhầm tưởng là tin nhắn thông báo của ngân hàng nên đã thực hiện theo, dẫn đến bị chiếm quyền truy cập tài khoản ngân hàng và bị chiếm đoạt toàn bộ số tiền có trong tài khoản.

(4) Một số đối tượng sử dụng không gian mạng mạo danh lấy tên, năm sinh của các đồng chí Lãnh đạo tỉnh, Lãnh đạo ngành, địa phương trong tỉnh tạo ra các tài khoản giả, thư điện tử giả mạo gửi đến một số tổ chức, cá nhân để thực hiện hành vi lừa đảo, trục lợi, chiếm đoạt tài sản.

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả loại tội phạm này trên địa bàn, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chú ý các nội dung như sau:

Khi sử dụng mạng Internet, mạng viễn thông cần hết sức chú ý khi làm quen, kết bạn trên mạng cũng như các hoạt động chuyển tiền, tránh trở thành bị hại của các đối tượng lừa đảo.

Khi nhận được các cuộc gọi lạ, nhất là các đối tượng giả danh nhân viên bưu điện, nhà mạng viễn thông, giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án,... có dấu hiệu nghi vấn, phải bình tĩnh, không làm theo yêu cầu hoặc làm theo dẫn dụ bấm các phím số trên máy điện thoại. Tuyệt đối không được cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản, mã OTP, thẻ tín dụng... trong các trường hợp không quen biết đối tượng, nhất là các đối tượng yêu cầu cung cấp thông tin qua điện thoại; Không chuyển tiền vào các tài khoản theo yêu cầu của người lạ.

Đối với thủ đoạn đối tượng chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để giả danh bạn bè, người thân,... khi nhận được bất kỳ tin nhắn vay mượn tiền, nạp thẻ điện thoại thông qua mạng xã hội, cần có biện pháp kiểm tra, gọi điện trực tiếp qua số điện thoại người nhận để xác thực thông tin trước khi thực hiện việc chuyển tiền, nạp thẻ điện thoại.

Trước các tin tức giật gân, những trang mạng không rõ nguồn gốc trên mạng Internet và mạng xã hội, tuyệt đối không truy cập vào xem. Trong trường hợp lỡ tay truy cập vào đường link, cần nhanh chóng thay đổi mật khẩu của trang cá nhân để tránh mất tài khoản.

Đề cao cảnh giác trước các thủ đoạn cho vay lãi nặng qua các ứng dụng (App); Không vay tiền qua các App hoạt động trái phép trên không gian mạng, không cung cấp các thông tin của bản thân và người thân, bạn bè cho các đối tượng.

 

Mọi người dân khi phát hiện có dấu hiệu nghi vấn đối tượng sử dụng mạng viễn thông, mạng xã hội lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải kịp thời báo ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh (số điện thoại 0294.3842.974) để tiếp nhận, kịp thời điều tra xử lý.

Hiền Minh

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 266
  • Trong tuần: 3 273
  • Tất cả: 8761564

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn