Cầu Kè tập trung phục hồi phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19
Cầu Kè là huyện có vị trí địa lý khá đặc biệt, có tuyến Quốc lộ 54 đi qua và nằm ven tuyến sông Hậu tạo điều kiện thuận lợi cho huyện trở thành đầu mối giao thông quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch.

        So với các địa phương khác trong tỉnh Trà Vinh, Cầu Kè là một trong những huyện có tài nguyên du lịch được thiên nhiên ưu đãi, phong phú, đa dạng nhất như: đất đai màu mỡ, sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, góp phần tạo nên những vườn cây ăn trái trĩu quả, khí hậu mát mẻ trong lành quanh năm. Nổi bật nhất là các địa điểm du lịch sinh thái có tiềm năng phát triển nằm cặp sông Hậu như ở cù lao Tân Qui 1 và Tân Qui 2, xã An Phú Tân, cù lao An Lộc, xã Hòa Tân, hàng năm vào các dịp lễ, tết, đặc biệt là Tết Đoan Ngọ đã thu hút hàng ngàn lượt du khách thập phương trong và ngoài tỉnh đến tham quan du lịch. Du khách khi đến cù lao Tân Qui ngoài việc thưởng ngoạn không khí trong lành và thưởng thức hương vị ngọt ngào của các loại trái cây đặc sản của địa phương thì còn được thưởng thức các món ăn đặc sản vùng quê sông nước như: tôm càng xanh nướng, cá bông lau kho tộ, cá bông lau nấu chua với trái bần, cá sửu nướng, cá tra bần, đồng thời du khách còn được trãi mình dưới bãi cát dài hàng trăm mét và bên dòng nước ngọt mát mẻ trong lành. Song song đó, hiện nay huyện Cầu Kè còn được nhiều người biết đến là vùng đất có nhiều loại trái cây đặc sản nổi tiếng như: Chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, nhãn, cam sành, bưởi năm roi, bưởi da xanh, xoài…và là một trong những địa phương có diện tích vườn cây ăn trái lớn nhất của tỉnh Trà Vinh, với hơn 8.200 ha, tập trung nhiều ở các xã: An Phú Tân, Hòa Tân, Ninh Thới và Tam Ngãi, trong 8 tháng đầu năm 2022 đã cho sản lượng thu hoạch gần 140.000 tấn trái cây thương phẩm đem lại nguồn thu nhập cho người dân hàng trăm tỷ đồng. Bên cạnh các sản phẩm trái cây đặc sản trên, Cầu Kè còn nổi tiếng với sản phẩm dừa Sáp (còn gọi là dừa đặt ruột, dừa kem) dùng để chế biến các loại thức ăn, nước uống sinh tố rất bổ dưỡng mà không có địa phương nào có loại trái cây này. Toàn huyện hiện có hơn 1.000 ha  dừa sáp, được trồng tập trung nhiều ở các xã: Hòa Tân, Hòa Ân và thị trấn Cầu Kè, với số lượng hơn 174.000 cây, tương đương 699 hécta

Nhà Cổ Huỳnh Kỳ tọa lạc tại khóm 2, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh

        Ngoài ra, Cầu Kè còn được mọi người biết đến là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, là vùng căn cứ của Tỉnh ủy Trà Vinh, miền Tây Nam bộ và được ghi vào lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, với chiến dịch Cầu Kè 1949, cũng là nơi sản sinh ra người con anh hùng, giàu tinh thần yêu nước, kiên trung: Nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út (tức Út Tịch) là tấm gương tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, đồng thời Cầu Kè còn là một trong số ít địa phương còn lưu giữ và bảo tồn nhiều di tích cổ, di tích lịch sử văn hóa cách mạng đặc trưng cho truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân miền Nam nói chung và huyện Cầu Kè nói riêng như: di tích lịch sử cách mạng chùa Ô Mịch, chùa Tà Ốt, ở xã Châu Điền; di tích lịch sử cách mạng Thánh Tịnh Thanh Long Tràng Võ, ở xã Tam Ngãi, di tích lịch sử cách mạng Miếu Bà Chúa Xứ Tân Qui, ở xã An Phú Tân hay di tích lịch sử nhà cổ Cầu Kè, ở thị trấn, đây là ngôi nhà có đường nét cổ kính, vật liệu, phong cách trang trí tiêu biểu cho lối kiến trúc Pháp đầu thế kỷ XX. Ngôi nhà chính hình chữ nhật, có diện tích chung là 318 m2, nền nhà cao gần 01 mét so với sân vườn. Hai bên sảnh thiết kế hình vòng cung với bậc tam cấp và hành lang trang trí những trụ lục bình, nội thất ngôi nhà gồm 5 gian được chia làm 2 phần trước và sau, vách và trần nhà đều trang trí bằng những phù điêu và hoa văn với nhiều họa tiết tinh xảo, các vật dụng trong nhà cổ được bố trí theo phong cách thuần Việt và có sự giao thoa rõ nét giữa hiện đại và truyền thống. Được biết, nhằm bảo tồn và phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập, vào năm 2011, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 1454 công nhận Nhà cổ Cầu Kè là di tích kiến trúc nghệ thuật. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có điểm tín ngưỡng Minh Đức Cung (chùa Ông Bổn), ở xã Hòa Ân đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích quốc gia kiến trúc nghệ thuật. Đây là ngôi chùa cổ kính được xây dựng cách đây hơn 200 năm, với lối kiến trúc độc đáo “nội công ngoại quốc” và hiện ngôi chùa này còn lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc, hội họa văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Hoa. Ngoài ra, toàn huyện còn có 22 ngôi chùa Khmer, với lối kiến trúc cổ xưa mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer, đặc biệt hiện nay tại chùa Cành Đa, ở xã Hòa Ân còn gìn giữ và chăm sóc cây Thị có tuổi đời trên 700 năm, cao ngút tầm mắt, tỏa bóng sum suê và cho quả vàng ươm, thơm lừng vào khoảng rằm tháng bảy âm lịch hàng năm, cây Thị được coi là công dân lâu đời nhất ở địa phương, chứng kiến bao vui buồn theo dòng chảy bất tận của thời gian, không biết ai là người trồng cây thị này nhưng cây đã sống dai hơn bất cứ ai và trở thành niềm tự hào của người dân xã Hòa Ân. Đồng thời ngày nay trên địa bàn huyện vẫn còn bảo tồn được những giá trị về văn hóa phi vật thể, với những lễ hội mang đậm nét bản sắc văn hóa. Cụ thể như hàng năm (từ ngày 8 – 28/7 Âl) trên địa bàn huyện diễn ra lễ hội “Vu Lan Thắng Hội”, là một trong những hoạt động văn hóa được tổ chức đan xen tại 06 điểm tín ngưỡng của người Hoa như: Vạn ứng Phong Cung, Minh Đức Cung, Thiên Đức Cung, ở xã Hòa Ân; Niên Phong Cung, Vạn Đức Phong Cung, ở xã Tam Ngãi  và điểm Vạn Niên Phong Cung, khóm I, thị trấn Cầu Kè, qua đó đã thu hút hàng chục ngàn khách thập phương trong và ngoài tỉnh đến tham quan lễ hội.

        Cũng chính vì những tiềm năng và lợi thế trên, trong những năm qua Huyện ủy, UBND huyện Cầu Kè đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Trung ương, tỉnh, cùng huy động nội lực và sức dân đóng góp để đầu tư nâng cấp mở rộng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, nhằm tạo động lực phát triển kinh tế vườn gắn với phát triển du lịch sinh thái và lễ hội văn hóa truyền thống ở huyện. Đặc biệt, đến nay huyện Cầu Kè đã được trên đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng cống Tân Dinh và cống Bông Bót, bến phà có tải trọng lớn qua cù lao Tân Qui, tuyến đường nhựa trục giữa cù lao 02 ấp Tân Qui 1 và Tân Qui 2, xã An Phú Tân. Có thể nói, với việc được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh hệ thống giao thông không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu giao thông đi lại, giao thương hàng hóa được thuận tiện dễ dàng của người dân mà còn mở ra hướng phát triển du lịch sinh thái, nhất là đối với cù lao Tân Qui. Bên cạnh đó, vừa qua Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh bàn giao tượng “Người mẹ cầm súng” cho huyện và bức tượng được đặt tại sảnh Khu tưởng niệm nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út, ở ấp Ngọc Hồ, xã Tam Ngãi, bức tượng được phác thảo qua “Bức chân dung Người mẹ cầm súng” thể hiện lời dặn dò các con trước khi ra chiến trường. Hiện nay Khu tưởng niệm Nguyễn Thị Út đã được xây dựng cũng như bố trí, sắp xếp tái hiện lại hình ảnh cuộc sống sinh hoạt của gia đình chị Út năm xưa và trưng bày nhiều hiện vật liên quan đến hoạt động cách mạng của chị Út trong thời kì chiến tranh, đặc biệt là được dựng tượng Người mẹ cầm súng nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út tại trung tâm khuôn viên Khu tưởng niệm, đây được xem là địa chỉ đỏ để du khách khắp mọi miền Tổ quốc đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử đấu tranh cách mạng của chị Út nói riêng, của Đảng bộ, quân và nhân dân huyện Cầu Kè nói chung trong thời gian tới. Không những thế, đến nay trên địa bàn huyện Cầu Kè còn hình thành được điểm du lịch Homestay (du lịch trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt cộng đồng và văn hóa bản địa), ở xã Hòa Ân, đến đây du khách có thể hòa mình vào thiên nhiên trong lành và trở thành thành viên trong gia đình để cùng khám phá những nét văn hóa, phong tục tập quán và được thưởng thức những món ăn dân dã địa phương và được tham quan thưởng thức những hương vị ngọt ngào của các loại trái cây đặc sản của địa phương. Song song đó, hiện nay trên địa bàn huyện Cầu Kè còn giao thoa nền văn hóa đầy bản sắc của 03 dân tộc Kinh-Khmer-Hoa, cũng chính sự cộng canh cộng cư với nhau trong sinh hoạt hàng ngày cũng như qua giao lưu bản sắc văn hóa riêng đã khiến cho 03 dân tộc Kinh-Khmer-Hoa trên địa bàn huyện xích lại gần nhau hơn, thắm đượm tình đoàn kết.

         Cầu Kè được nhiều người biết đến là một địa phương có tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng và mang đặc trưng riêng mà khó có nơi nào có được. Trong 9 tháng đầu năm 2022 huyện đã thu hút 28.800 lượt khách du lịch đến với địa phương, nhìn chung lượng khách du lịch đến với Cầu Kè trong thời gian gần đây đã tăng trở lại, nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, các ngành, địa phương trong huyện đã chủ động triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, thích ứng, từng bước kích hoạt lại hoạt động ngành du lịch của địa phương. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà chuyên gia nghiên cứu phát triển về du lịch thì hiện nay huyện Cầu Kè khi nói về du lịch vẫn còn ở dạng tiềm năng, nếu như được quan tâm đầu tư khai thác đúng mức, hợp lý, cùng với các chính sách khuyến khích mời gọi đầu tư và sự hỗ trợ tích cực từ phía các công ty, doanh nghiệp lữ hành thì tin chắc rằng trong thời gian tới tiềm năng du lịch sẽ được khai thác, phát triển bền vững và Cầu Kè sẽ là một điểm đến lý tưởng hấp dẫn cho nhiều khách du lịch trong tương lai.

Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cầu Kè

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 10
  • Hôm nay: 391
  • Trong tuần: 3 398
  • Tất cả: 8761689

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn