Công cụ hỗ trợ và những vấn đề cần lưu ý
Trong quá trình thi hành công vụ, công cụ hỗ trợ là phương tiện không thể thiếu nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ người thực thi nhiệm vụ. Mặc dù pháp luật có quy định rất cụ thể về đối tượng sử dụng, các trường hợp được sử dụng công cụ hỗ trợ, các hành vi bị nghiêm cấm liên quan công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều trường hợp tàng trữ trái phép công cụ hỗ trợ với mục đích phòng thân, thậm chí sử dụng công cụ hỗ trợ để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm.

Lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh phát hiện nam thanh niên tàng trữ công cụ hỗ trợ trong cốp xe mô tô lưu thông trên đường.

1. Công cụ hỗ trợ là gì?

Theo khoản 11 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ 2017 quy định: Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp.

Công cụ hỗ trợ bao gồm:

- Súng bắn điện, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laze, lưới; súng phóng dây mồi; súng bắn đạn nhựa, nổ, cao su, hơi cay, pháo hiệu, hiệu lệnh, đánh dấu và đạn sử dụng cho các loại súng này;

- Phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa;

- Lựu đạn khói, lựu đạn cay, quả nổ;

- Dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại; khóa số tám, bàn chông, dây đinh gai; áo giáp; găng tay điện, găng tay bắt dao; lá chắn, mũ chống đạn; thiết bị áp chế bằng âm thanh;

- Động vật nghiệp vụ là động vật được huấn luyện để sử dụng cho yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;

- Công cụ hỗ trợ có tính năng, tác dụng tương tự là phương tiện được chế tạo, sản xuất không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có tính năng, tác dụng tương tự như công cụ hỗ trợ quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 11 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ 2017.

2. Đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ

Theo Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ 2017, các đối tượng được phép sử dụng công cụ hỗ trợ bao gồm:

- Quân đội nhân dân;

- Dân quân tự vệ;

- Cảnh sát biển;

- Công an nhân dân;

- Cơ yếu;

- Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

- Cơ quan thi hành án dân sự;

- Kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, Kiểm ngư, lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thủy sản;

- Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan;

- Đội kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường;

- An ninh hàng không, lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải;

- Lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ;

- Ban Bảo vệ dân phố;

- Câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động;

- Cơ sở cai nghiện ma túy;

- Các đối tượng khác có nhu cầu trang bị công cụ hỗ trợ thì căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.

Tùy theo từng đối tượng mà sẽ được trang bị những loại công cụ hỗ trợ khác nhau theo quy định tại Điều 8, 9 Thông tư 17/2018/TT-BCA.

3. Hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật liên quan công cụ hỗ trợ:

Căn cứ điểm h khoản 3 và khoản 7 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính về việc vi phạm quy định về quản lý sử dụng công cụ hỗ trợ:

“Điều 11. Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

b) Vận chuyển hoặc tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Không thử nghiệm, kiểm định, đánh giá và đăng ký theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa trước khi được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ tại Việt Nam;

d) Tàng trữ, vận chuyển trái phép các loại phế liệu, phế phẩm vũ khí, công cụ hỗ trợ;

đ) Vận chuyển, tàng trữ trái phép đồ chơi nguy hiểm bị cấm;

e) Bán tiền chất thuốc nổ cho tổ chức, doanh nghiệp khi tổ chức, doanh nghiệp đó chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, Giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ hoặc chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

g) Làm mất vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ được trang bị;

h) Sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;

i) Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép;

k) Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa vũ khí, công cụ hỗ trợ có giấy phép nhưng không thực hiện đúng quy định của pháp luật.

7. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm d và đ khoản 1; các điểm a, b, c, e và g khoản 2; các điểm a, c, d, đ, e, h, i và k khoản 3; các điểm a, b, c, d, đ, e, h và i khoản 4 và khoản 5 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy phép sử dụng, Giấy xác nhận đăng ký vũ khí, công cụ hỗ trợ từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại điểm e khoản 2 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa từ 09 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 và các điểm b và k khoản 3 Điều này.”

Việc sản xuất, tàng trữ, mua bán, sử dụng công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép là hành vi vi phạm pháp luật. Người vi phạm ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Đề nghị người dân cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không vì mục đích phòng thân mà tàng trữ các loại công cụ hỗ trợ như bình xịt hơi cay, khóa số 8 (còng số 8), các loại súng, gậy 3 khúc... Khi gặp các tình huống nguy hiểm như bị người khác dùng công cụ hỗ trợ uy hiếp, đe dọa dùng vũ lực... cần hết sức bình tĩnh, tùy tình huống cụ thể mà xử lý như tìm cách thông báo cho người xung quanh, cơ quan Công an hoặc lợi dụng lúc đối tượng sơ hở để chạy thoát thân và cung cấp các thông tin cần thiết đến cơ quan Công an để truy bắt đối tượng.

Đạt Nhân

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 244
  • Trong tuần: 3 251
  • Tất cả: 8761542

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn