Đời sống của đồng bào Khmer ngày càng khởi sắc
Chị Thạch Thị Sốc Sô Thia, ở ấp Sóc Xoài, xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang phấn khởi chia sẽ với phóng viên, hiện chị đã thoát nghèo, thu nhập của gia đình đã có tích lũy để mua sắm xe máy làm phương tiện đi lại và cho 2 con đi học đàng hoàng, chị cũng vừa được Nhà nước tạo điều kiện vay 80 triệu đồng để nuôi thêm 5 con bò.

Trò chuyện với phóng viên, chị cho biết cách đây vài năm, gia đình chị thuộc diện hộ cận nghèo, cuộc sống khó khăn. Trong khi loay hoay không biết làm gì để lo cái ăn, cái mặc cho 6 người, chị được chính quyền, đoàn thể địa phương quan tâm, động viên, hướng dẫn cùng với việc chăm chỉ, chịu thương, chịu khó, vợ chồng chị đã lên líp trồng rẫy trên mãnh đất nhỏ cạnh nhà, khéo léo trồng xen vụ cây màu ngắn ngày như dưa leo, bầu, bí và được Hội phụ nữ hỗ trợ “nuôi bò rẽ”; siêng năng, biết tiết kiệm, cuộc sống gia đình chị đã thoải mái hơn. Chị cho biết, nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm, có điện, có nước sạch sử dụng, đường sá được trải nhựa tới vùng sâu, đến tận đầu làng, ngõ xóm nên việc đi lại, giao thương của chị và bà con xung quanh cũng thuận lợi hơn, chị cảm thấy rất hài lòng với cuộc sống hiện tại, cố gắng lo cho 2 con ăn học đến nơi, đến chốn. 

Chị Thạch Thị Sốc Sô Thia chăm sóc ruộng dưa

Huyện Cầu Ngang có 15 xã, thị trấn, trong đó có 8 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với gần 56.000 nhân khẩu là đồng bào Khmer, chiếm hơn 30% dân số toàn huyện. Xác định việc phát triển kinh tế - xã hội và chính sách dân tộc là nhiệm vụ quan trọng, Huyện ủy, UBND huyện Cầu Ngang đã chỉ đạo các ban, phòng, ngành huyện và Đảng ủy, UBND các xã vùng đồng bào dân tộc Khmer quán triệt các văn bản của Trung ương và địa phương về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới, lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer để tạo động lực phát triển toàn diện, đến nay thu nhập bình quân đầu người của đồng bào dân tộc Khmer ước đạt 56,5 triệu đồng/người/năm, tăng 48,9% so với năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo các xã vùng đồng bào dân tộc Khmer giảm bình quân 3,2%/năm. 100% tuyến đường liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa, gần 80% tuyến đường trực nội ấp, liên ấp được cứng hóa, đạt chuẩn nông thôn mới. Hệ thống nước sạch, lưới điện tiếp tục phát triển, có trên 99% hộ dân tộc Khmer sử dụng điện thường xuyên, an toàn và nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Phần lớn đồng bào Khmer đều theo Phật giáo Nam tông Khmer. Toàn huyện có 23 chùa Phật giáo Nam tông, với 425 vị chư tăng và hơn 53.000 phật tử. Đại Đức Thạch Đa Ra, Phó Trưởng ban trị sự, Phó Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Cầu Ngang cho biết với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, thực hiện tốt chính sách đối với đồng bào dân tộc Khmer, đời sống của đa số bà con phật tự được ấm no, nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên khá giả. Với phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo”, các vị sư sãi thường xuyên phối hợp với đoàn thể và Công an địa phương trong việc lồng ghép các buổi thuyết pháp với việc tuyên truyền, vận động, giáo dục để đồng bào phật tử thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu thảo hiền, vận động bà con đề cao cảnh giác, phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự và tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhắc nhở phật tử nên tiết kiệm, tích cực lao động tăng gia sản xuất, thực hiện và làm theo các chủ trương của địa phương, tránh xa các tệ nạn xã hội.

Đại đức Thạch Đa Ra, Phó Trưởng ban trị sự, Phó chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Cầu Ngang thường xuyên phối hợp với Công an địa phương tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong đồng bào phật tử

            Ông Nguyễn Văn Trải, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện Cầu Ngang cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, huyện đã triển khai trên 19 tỷ đồng vốn đầu tư công, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, xây dựng 22 công trình, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ cho vay vốn hộ nghèo, cận nghèo là người dân tộc Khmer. Từ năm 2018 đến năm 2023, đã hỗ trợ giải quyết trên 7.000 lao động là người dân tộc Khmer có việc làm ổn định từ 6 tháng với mức thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng, mở 38 lớp đào tạo nghề nông thôn, có gần 900 học viên là người dân tộc Khmer tham gia, góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế gia đình trong vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Bài, ảnh: Mộng Tuyền

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 11
  • Trong tuần: 3 094
  • Tất cả: 8761720

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn