Những phụ nữ Việt Nam lừng danh trong lịch sử
Dịp kỷ niệm 112 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và 1982 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, xin giới thiệu những gương phụ nữ Việt Nam lừng danh trong lịch sử. Những người mà trong những thời khắc cam go của lịch sử Việt Nam đã đứng ra gánh vác trọng trách đất nước.

Hai Bà Trưng, bởi thù nhà, nợ nước đã đứng lên phất cờ khởi nghĩa, đánh đuổi quân đô hộ, thiết lập triều đình riêng “Ải bắc quân thù kinh vó ngựa”. Tiếng vang và hình ảnh uy nghi lẫm liệt của những bậc anh thư ấy của nước Việt đã làm cho Chu Ân lai, Thủ tướng Trung Quốc phải thốt ra lời khi tiếp Cố vấn Hoa Kỳ Henry Kissenger: “Họ (Việt Nam - NV) là một dân tộc vĩ đại, anh hùng và đáng khâm phục. Hai nghìn năm trước, Trung quốc đã xâm lược họ, và Trung quốc đã bị đánh bại. Lại bị đánh bại bởi hai người đàn bà, hai nữ tướng". Gần hai nghìn năm sau tại Đà Nẵng, ngài Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhắc lại: “Việt Nam là một đất nước mạnh mẽ. Từ những năm 40 sau công nguyên, Hai Bà Trưng đã khơi dậy tinh thần dân tộc của những người dân đất nước này. Đó là lần đầu tiên dân tộc Việt Nam đứng lên vì nền độc lập và niềm tự hào dân tộc của các bạn”.

Người anh hùng dân tộc tiếp theo cũng là một phụ nữ: Triệu Thị Trinh. Ngán thay cho các đấng nam nhi của dân tộc được gọi là “Hoa Hạ”, đánh không thắng nổi một người đàn bà và đã dùng đến mưu mô xảo quyệt: ra lệnh cho quân lính cởi bỏ quần áo. Dẫu có là anh hùng lẫm liệt thì Bà Triệu vẫn chưa thoát khỏi cái e thẹn của nữ nhi thường tình. Truyền thống yêu nước “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh ấy” đã truyền lại cho các thế hệ con cháu để rồi suốt các cuộc trường chinh của lịch sử dân tộc, sát cánh cùng các đấng nam nhi là các bậc anh thư trác tuyệt.

Khi nhà Tống xâm lược nước ta, Thái hậu Dương Vân Nga đã tự tay khoác áo hoàng bào cho Lê Hoàn và mời ngài lên ngôi vua để thống lĩnh ba quân tướng sỹ đương đầu với quân thù. Đừng đem hệ quy chiếu của hôm nay hoặc hệ quy chiếu của Nho giáo để “bình loạn” về hành động vì nước này của Thái hậu Dương Vân Nga bởi vì khi ấy, Nho giáo đâu đã thịnh hành ở Việt Nam để mà bắt buộc “Tam cương, ngũ thường”.

Mấy trăm năm sau Thái hậu Dương Vân Nga, khi khí số nhà Lý đã suy đến cùng cực, giặc giã nổi lên khắp nơi, nhân dân lầm than, khốn khổ thì lại xuất hiện một Trần Thị Dung. Lịch sử không có chữ “nếu”, song “nếu” năm ấy Linh Từ Quốc mẫu không đứng ra gánh vác trọng trách này liệu đất nước sẽ ra sao trong cuộc xâm lăng sau đó của giặc Mông - Nguyên. Một bà thái hậu là vợ của vua Lý phải chấp nhận lấy em họ mình, lấy kẻ đã giết chồng mình, một bà mẹ của đương kim thánh thượng đã tìm cách để con gái mình: Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh cũng là cháu ruột gọi mình là cô. Việc nhường ngôi êm đẹp ấy đã ra đời một triều đại hiển hách có lịch số hơn 200 năm với hào khí Đông A đã đánh cho kẻ thù kinh hồn bạt vía. Cũng chính Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung là người đã thống quản toàn bộ triều đình xuôi về Nam Định thực hiện kế sách “Vườn không nhà trống” để các đấng nam nhi yên tâm giết giặc. Sau Trần Thị Dung không lâu, một người cháu của bà là An Tư Công chúa đã tình nguyện sang trại giặc làm vợ Thoát Hoan để giúp thư nạn cho nước. Thoát Hoan thua phải chui vào ống đồng chạy về Trung Quốc và bà cũng đã đi theo chồng. An Tư Công chúa, bây giờ hồn người ở nơi đâu? Còn biết bao những người phụ nữ mà chỉ cần nhắc tới tên họ cũng đủ làm cho các đấng nam nhi phải nghiêng mình.

Hôn nhân, đặc biệt là hôn nhân chính trị đã có từ cổ xưa. Thế nhưng với nước Việt, các cuộc hôn nhân chính trị có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi chính các cuộc hôn nhân này đã giúp mở mang lãnh thổ. Có lẽ cuộc hôn nhân chính trị nổi tiếng giúp nước Việt mở rộng cương thổ tới phía Bắc Đà Nẵng hiện nay là cuộc hôn nhân của Huyền Trân Công chúa và vua Chế Mân của Champa. Có phải thân gái dặm trường ra đi tới nơi ngàn dặm xa xôi ấy nên mới có điệu Nam Bình hôm nay:

Nước non ngàn dặm ra đi...
Mối tình chi!
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô, Ly.
Xót thay vì,
Đương độ xuân thì.
Số lao đao hay là nợ duyên gì?...

Mấy trăm năm sau Huyền Trân công chúa, năm 1620, Công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Vạn đã về làm dâu Chân Lạp và đặt nền móng cho người Việt mở rộng lãnh thổ về phương Nam. Mười một năm sau cuộc hôn nhân chính trị ấy, vào năm 1631, Công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Khoa cũng về làm vợ vua Po Romê. Nhờ cuộc hôn phối này mà tình giao hảo giữa hai nước được tốt đẹp, để chúa Nguyễn có thể dồn lực lại hòng đối phó với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, đồng thời cũng tạo thêm cơ hội cho người Việt mở rộng lãnh thổ về phía Nam.

Những tấm gương anh hùng tiết liệt, những sự hy sinh thầm lặng và cao thượng của các bậc anh thư nước Việt trong lịch sử ở trên đã và sẽ mãi là gương soi cho muôn đời vậy!

                                                                                                VŨ TRUNG KIÊN

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 13
  • Trong tuần: 3 096
  • Tất cả: 8761722

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn