THÔNG TIN THẾ GIỚI ĐÁNG CHÚ Ý
Từ ngày 21/3 đến ngày 25/3/2022


1. Tiếp tục tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, Canada

Ngày 23/3, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper đến chào xã giao.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn mong muốn Đại sứ Marc Knapper tiếp tục đóng góp tích cực vào việc phát triển quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất; đề nghị Đại sứ phối hợp thúc đẩy các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước trong năm 2022 và trao đổi đoàn, tiếp xúc ở các cấp, các kênh, trong đó có kênh Đảng, Quốc hội và đối ngoại nhân dân; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Việt Nam để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực quan trọng và ưu tiên.

Liên quan đến vấn đề Ukraine, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tái khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về việc các tranh chấp, bất đồng quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) và luật pháp quốc tế; nhấn mạnh cần bảo đảm an toàn cho dân thường, trong đó có người Việt Nam ở Ukraine sơ tán khỏi vùng chiến sự. Về tình hình khu vực, hai bên đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các khuôn khổ hợp tác khu vực, nhất là các cơ chế của ASEAN và hợp tác tiểu vùng Mê Công.

* Trước đó, tối 22/3, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã điện đàm với Ngoại trưởng Canada Melanie Joly.

Trong bối cảnh hai nước hướng tới kỷ niệm 5 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện (2017-2022) và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023), Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng cùng Canada thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và thực chất. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đề nghị Canada sớm công nhận hộ chiếu vắc xin của Việt Nam, tiếp tục tạo điều kiện cho người Việt Nam tại Canada ổn định cuộc sống và tạo môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn tại Canada cũng như hỗ trợ du học sinh Việt Nam quay trở lại Canada học tập sau các đợt dịch Covid-19.

Về phần mình, Bộ trưởng Melanie Joly khẳng định Canada coi trọng quan hệ với Việt Nam trong triển khai chính sách đối ngoại của mình tại khu vực. Hai Bộ trưởng cũng trao đổi về vấn đề Biển Đông, khẳng định đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế.

Nguồn: qdnd.vn/quoc-te

2. Những chủ đề bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu

Trong ngày họp đầu tiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ cùng các nhà lãnh đạo EU thảo luận về việc hỗ trợ Ukraine và công dân nước này cũng như việc tăng cường hợp tác xuyên Đại Tây Dương.

Cuộc xung đột tại Ukraine, hợp tác xuyên Đại Tây Dương, năng lượng, an ninh quốc phòng, các vấn đề kinh tế… là chủ đề sẽ được bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại thủ đô Brussels (Bỉ) ngày 24-25/3. 

Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, trong ngày họp đầu tiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ cùng các nhà lãnh đạo EU thảo luận về việc hỗ trợ Ukraine và công dân nước này cũng như việc tăng cường hợp tác xuyên Đại Tây Dương. Hội đồng châu Âu sẽ đánh giá những diễn biến gần đây về tình hình trên thực địa, đặc biệt là về tình hình nhân đạo và người tị nạn. EU vẫn cam kết với Ukraine và đang nỗ lực cung cấp hỗ trợ về chính trị, tài chính, vật chất và nhân đạo, cũng như hỗ trợ cho việc tái thiết Ukraine.

Dự kiến, các nhà lãnh đạo EU sẽ bàn bạc về an ninh và quốc phòng, xây dựng trên Tuyên bố Versailles và tính đến tình hình an ninh mới ở châu Âu. Trong bối cảnh này, các nhà lãnh đạo EU sẽ thống nhất về cách thức EU có thể hành động nhanh chóng và quyết đoán hơn khi đối mặt với khủng hoảng, đồng thời bảo vệ lợi ích công dân của mình. Hội nghị cũng đề cập đến các khoản đầu tư quốc phòng và các công cụ tài chính.

Bên cạnh đó, Hội đồng châu Âu dự kiến sẽ thông qua Định hướng chiến lược, một sáng kiến nhằm tăng cường các chính sách an ninh và quốc phòng của EU xung quanh các chủ đề quản lý khủng hoảng, năng lực quốc phòng, khả năng phục hồi và quan hệ đối tác.

Liên quan đến vấn đề năng lượng, tại cuộc họp không chính thức ở Versailles, các nhà lãnh đạo EU nhất trí từ bỏ dần sự phụ thuộc vào khí đốt, dầu và than nhập khẩu của Nga càng sớm càng tốt.

Hội đồng châu Âu sẽ thảo luận về giá năng lượng tăng cao liên tục và tác động của chúng đối với người dân và doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine.

Ủy ban châu Âu sẽ cung cấp cơ sở cho cuộc thảo luận bằng cách đề xuất các cách thức làm cho giá năng lượng ở mức hợp lý và đảm bảo an ninh nguồn cung.
Hội đồng châu Âu sẽ tiếp tục thảo luận về các cách thức để xây dựng cơ sở kinh tế vững chắc hơn, như đã nêu trong Tuyên bố Versailles, đặc biệt bằng cách giảm sự phụ thuộc chiến lược trong các lĩnh vực nhạy cảm như nguyên liệu thô quan trọng, chất bán dẫn, chăm sóc sức khỏe, kỹ thuật số và các sản phẩm thực phẩm.
Ngoài ra, Hội đồng châu Âu cũng sẽ thảo luận về các biện pháp để củng cố hơn nữa thị trường đơn lẻ nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, cũng như các cách để tăng cường khả năng phục hồi của nền kinh tế EU.

Tại hội nghị, Hội đồng châu Âu sẽ bàn về các nỗ lực phối hợp để ứng phó với đại dịch COVID-19 và hợp tác quốc tế về quản trị y tế toàn cầu, cũng như đoàn kết quốc tế, bao gồm cả việc triển khai tiêm vaccine.

Dưới sự bảo trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), EU hy vọng sẽ có một công cụ trong tương lai nhằm tăng cường công tác phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.

Nguồn: tuyengiao.vn/the-gioi

3. Hội Đồng Bảo An Liên hợp quốc không thông qua nghị quyết về Ukraine

Ngày 23/3,HĐBA LHQ gồm 15 thành viên đã không thể thông qua được một nghị quyết về tình hình nhân đạo ở Ukraine khi chỉ Nga và Trung Quốc bỏ phiếu ủng hộ, trong khi 13 thành viên bỏ phiếu trắng.

Ngày 23/3, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) gồm 15 thành viên đã không thể thông qua được một nghị quyết về tình hình nhân đạo ở Ukraine khi chỉ Nga và Trung Quốc bỏ phiếu ủng hộ, trong khi 13 thành viên còn lại bỏ phiếu trắng. Do vậy nghị quyết do Nga đệ trình đã bị bác bỏ.

Dự thảo nghị quyết do Nga đề xuất về việc tiếp cận viện trợ và bảo vệ thường dân ở Ukraine, nhưng không đề cập đến vai trò của Moskva trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Theo quy định, một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để được thông qua cần phải được ít nhất 9 phiếu ủng hộ và không có phiếu chống của các nước giữ ghế Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, gồm Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Mỹ.

Nguồn: tuyengiao.vn/the-gioi

4. Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tham gia các nỗ lực nhân đạo đối với Ukraine

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, tái khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc.

Ngày 23/3, Đại hội đồng Liên hợp quốc tiếp tục tổ chức Phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 để thảo luận về tình hình Ukraine, tập trung vào tình hình nhân đạo, với sự tham dự của Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Enrique Manalo thay mặt Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, cùng đại diện hơn 60 nước, tổ chức khu vực. 

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, tái khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. 

Chia sẻ quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế về tình hình nhân đạo do chiến sự gây ra tại Ukraine, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh ưu tiên cấp bách hàng đầu hiện nay cần tập trung vào việc dừng chiến sự, bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu, triển khai các hoạt động nhân đạo và sơ tán công dân. 

Đại sứ Đặng Hoàng Giang cũng khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với nỗ lực nhân đạo của Tổng Thư ký, các cơ quan Liên hợp quốc, các nước trong khu vực và đối tác quốc tế và sẵn sàng đóng góp cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo của Liên hợp quốc đối với Ukraine trong điều kiện và khả năng cho phép.  

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 306
  • Trong tuần: 3 313
  • Tất cả: 8761604

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn