THÔNG TIN THẾ GIỚI TUẦN QUA
Từ ngày 28/3 đến ngày 01/4/2022

 

1. Việt Nam tham dự cuộc họp Ủy ban hợp tác chung ASEAN - Nhật Bản

Phát biểu tại cuộc họp, cả hai chủ tọa Nhật Bản và Thái Lan đều ghi nhận đóng góp của Việt Nam trên cương vị nước điều phối quan hệ ASEAN - Nhật Bản trong giai đoạn 2018-2021.

Đại sứ Việt Nam tại ASEAN Nguyễn Hải Bằng đã tham dự cuộc họp lần thứ 16 của Ủy ban Hợp tác chung ASEAN - Nhật Bản (AJJCC) tại Jakarta (Indonesia) dưới hình thức trực tuyến cùng các đồng nghiệp trong Ủy ban các Đại diện thường trực tại ASEAN (CPR).

Cuộc họp do Đại sứ Nhật Bản tại ASEAN Chiba Akira và Đại sứ Thái Lan Urawadee Sriphiromya (nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản) đồng chủ trì.

Phát biểu tại cuộc họp, cả hai chủ tọa đều ghi nhận đóng góp của Việt Nam trên cương vị nước điều phối quan hệ ASEAN - Nhật Bản trong giai đoạn 2018-2021.

Đại sứ Thái Lan đặc biệt cảm ơn Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN đã bàn giao hết sức chu đáo cương vị điều phối cho Thái Lan sau Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tháng 8/2021.

Đại sứ Chiba khẳng định sự ủng hộ nhất quán của Nhật Bản đối với vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực và cho biết Quỹ Hội nhập Nhật Bản - ASEAN (JAIF) thời gian tới sẽ ưu tiên các dự án phù hợp với tinh thần của Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ-Thái Bình Dương (AOIP), và chú trọng hơn vào các dự án đem lại lợi ích cho tất cả các nước ASEAN.

Các nước ASEAN đánh giá cao những đóng góp của Nhật Bản thời gian qua, đặc biệt là các nỗ lực hỗ trợ ASEAN ứng phó với COVID-19, mong muốn hai bên đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và thành phố thông minh.

Nhật Bản tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ tư với nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba của ASEAN, nguồn vốn trong năm 2020 đạt 8.5 tỷ USD, chiếm 6.2% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào ASEAN.

Hai bên cũng dành thời gian trao đổi về các sáng kiến chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản (1973-2023), trong đó có kế hoạch tổ chức cuộc thi sáng tác logo và khẩu hiệu cho năm kỷ niệm.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Nguyễn Hải Bằng hoan nghênh các sáng kiến mới của Nhật Bản nhằm thúc đẩy hợp tác với ASEAN như Ưu tiên Tăng trưởng Sáng tạo và Bền vững, Sáng kiến Chuyển đổi Năng lượng Châu Á (AETI), và mới đây nhất là sáng kiến "Đầu tư Châu Á-Nhật Bản cho Tương lai".

Đại sứ Bằng cũng nhấn mạnh Chương trình Nghị sự Hành động 2.0 về Biến đổi khí hậu ASEAN-Nhật Bản và AETI sẽ là sự bổ sung hiệu quả cho Chiến lược và Chương trình Hành động Biến đổi Khí hậu giai đoạn 2021-2030 của ASEAN, góp phần giúp ASEAN thực hiện các cam kết về chống biến đổi khí hậu và giảm thiểu phát thải carbon.

Việt Nam cũng mong muốn tham gia và đóng góp vào các hoạt động có ý nghĩa trong năm 2023, dịp "kỷ niệm kép" 50 năm thiết lập quan hệ ASEAN-Nhật Bản và Việt Nam - Nhật Bản.

Nguồn: tuyengiao.vn/the-gioi

2. Nga và Ukraine kết thúc đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ sau 4 giờ đồng hồ

Ngày 29/3, Đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết cuộc gặp cùng ngày giữa các nhà đàm phán Nga và Ukraine tại Istanbul nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine đã kết thúc.

Các cuộc đàm phán đã kéo dài khoảng 4 giờ đồng hồ, có các đợt tạm nghỉ. Hiện vẫn chưa rõ liệu hai bên có tiếp tục các cuộc thảo luận sang ngày thứ hai tại Istanbul hay không.

Trước đó, Cố vấn Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak cho biết nội dung thảo luận trong vòng đàm phán này là bảo đảm an ninh và thu xếp một lệnh ngừng bắn nhằm giải quyết các vấn đề nhân đạo

Đây là cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Ukraine trong hơn 2 tuần qua. Trước đó, hai bên đã tiến hành 3 vòng đàm phán trực tiếp tại Belarus và vòng thứ 4 được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Nguồn:qdnd.vn/quoc-te

3. Liên hợp quốc lo ngại về nguy cơ khủng hoảng lương thực

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 29/3, Giám đốc WFP David Beasley nhấn mạnh trước khi xảy ra xung đột, 50% lượng ngũ cốc mà WFP hỗ trợ các nước là mua của Ukraine.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) David Beasley cảnh báo xung đột tại Ukraine đang đe dọa phá hủy thành quả mà WFP đã nỗ lực suốt nhiều năm qua để đảm bảo lương thực cho khoảng 125 triệu người cần hỗ trợ vì Ukraine là một trong những nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới.

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 29/3, ông Beasley nhấn mạnh trước khi xảy ra xung đột, 50% lượng ngũ cốc mà WFP hỗ trợ các nước là mua của Ukraine.

Ngoài ra, xung đột khiến WFP cũng không nhập được các sản phẩm phân bón từ Nga và Belarus. Do vậy, mùa màng bị ảnh hưởng nghiêm trọng và sản lượng thu hoạch được dự báo sẽ giảm ít nhất 50%.

WFP đã phải vật lộn với giá lương thực và nhiên liệu tăng cao, chưa kể chi phí vận chuyển cũng tăng và tổ chức này đã buộc phải giảm phần viện trợ của hàng triệu người ở những nơi đang xảy ra khủng hoảng nhân đạo như Yemen. Giám đốc WFP Beasley cảnh báo nếu như xung đột tiếp diễn, thế giới sẽ phải trả giá rất đắt vì WFP thiếu lương thực để hỗ trợ nhân đạo.

Về phần mình, trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề nhân đạo Joyce Msuya bày tỏ quan ngại rằng xung đột tại Ukraine có thể khiến tình hình ở những nơi đang rơi vào khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới như Afghanistan hay Yemen sẽ càng thêm tồi tệ.

Trong phát biểu của mình tại cuộc họp, Đại sứ Vassily Nebenzia, Trưởng phái đoàn Nga tại Liên hợp quốc đã bác bỏ những chỉ trích rằng Moskva gây ra cuộc khủng hoảng thiếu lương thực, đồng thời cáo buộc chính các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga mới là nguyên nhân thực sự dẫn đến khủng hoảng.

Ông nhấn mạnh những biến động trên thị trường lương thực toàn cầu là hệ lụy của hàng loạt các lệnh trừng phạt "vô tội vạ" của phương Tây.

Hiện Nga và Ukraine đều là các nước sản xuất ngũ cốc lớn, chiếm 30% tổng sản lượng lúa mỳ xuất khẩu, 20% tổng lượng ngô xuất khẩu và 75% lượng dầu hướng dương xuất khẩu trên toàn cầu.

Nguồn: tuyengiao.vn/the-gioi

4. Nam Ossetia muốn sáp nhập Nga, Điện Kremlin nói "tôn trọng" nguyện vọng

Điện Kremlin nói "tôn trọng" nguyện vọng của người dân Nam Ossetia nếu họ tiến hành trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga, nhưng không nêu rõ Moscow có sẵn sàng tiếp nhận hay không.

Interfax dẫn lời lãnh đạo Nam Ossetia Anatoly Bibilov ngày 30/3 bất ngờ tuyên bố nước cộng hòa ly khai ở vùng Kavkaz này muốn tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý, trong đó người dân sẽ được bày tỏ nguyện vọng về việc họ có muốn sáp nhập vào Nga hay không.

"Hợp nhất với Nga là mục tiêu chiến lược của chúng tôi, con đường của chúng tôi và nguyện vọng của người dân. Chúng tôi sẽ đi con đường này. Chúng tôi sẽ thực hiện các bước đi pháp lý thích hợp trong tương lai gần", ông Bibilov phát biểu ngày 30/3.

Khi được hỏi về quan điểm của Nga với động thái trên, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov khẳng định, ông "không thể bày tỏ bất cứ lập trường nào" và rằng Nga đến nay "không thực hiện bất cứ hành động pháp lý hay động thái nào khác" liên quan đến khả năng sáp nhập Nam Ossetia vào Nga.

"Nhưng có thể nói rằng, về việc người dân Nam Ossetia nêu nguyện vọng của họ thì chúng tôi luôn tôn trọng điều đó", ông Peskov phát biểu.

Theo một số nguồn tin Nga, giới chức Nam Ossetia dường như đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý ngay trong tháng 5 hoặc tháng 6/2022. Trong trường hợp trở thành một bộ phận của Nga, Nam Ossetia có thể hợp nhất với Bắc Ossetia, một nước cộng hòa thuộc Nga.

Nam Ossetia thuộc Gruzia sau khi Liên Xô tan rã năm 1991. Tuy nhiên, vùng đất này và Abkhazia vẫn quyết liệt theo đuổi con đường ly khai khỏi sự kiểm soát của chính quyền ở Tbilisi.

Năm 2008, Gruzia dưới thời Tổng thống Mikhail Saakashvili quyết định tấn công lực lượng ly khai ở Nam Ossetia, vi phạm lệnh ngừng bắn do Nga bảo trợ năm 1992, kéo theo sự can thiệp của Moscow. Chiến sự kết thúc sau 5 ngày bằng lệnh ngừng bắn do Pháp đề xuất với tổn thất nặng nề thuộc về Gruzia. Sau cuộc chiến này, Nga công nhận độc lập của Nam Ossetia.

Nguồn: cand.com.vn

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 13
  • Trong tuần: 3 096
  • Tất cả: 8761722

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn