TIN TỔNG HỢP TUẦN THẾ GIỚI
(Từ ngày 7  đến ngày 11/02/2022)

1. Australia kêu gọi đồng minh cứng rắn hơn với Trung Quốc ở biển Đông

Straitstimes ngày 07/02 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Australia cho rằng, Mỹ và đồng minh cần có động thái mạnh mẽ hơn nữa với Trung Quốc ở biển Đông.

Trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton nêu rõ trong thập niên vừa qua, Bắc Kinh đã gia tăng hoạt động ở biển Đông thông qua các hành vi bồi đắp và quân sự hóa phi pháp thực thể trên tuyến đường biển quan trọng, nhấn mạnh rằng các động thái này của Trung Quốc không mang lại ổn định cho khu vực. 

Ông Dutton kêu gọi Mỹ và các đồng minh cần hành động cứng rắn hơn nữa với Trung Quốc. "Quan điểm của tôi là chúng ta nên thẳng thắn với nhau về vấn đề này", quan chức Australia nói.

Lời kêu gọi của ông Dutton được đưa ra trong bối cảnh Australia sắp cùng Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ họp cấp cao nhóm Tứ giác Kim cương (QUAD) trong tháng này, nhằm vạch ra hướng đi để đối trọng Trung Quốc trong khu vực.

Trước đó, hồi tháng 11/2021, ông Dutton từng nhận định rằng, các hành động đáng báo động của Trung Quốc không ăn khớp với tuyên bố của họ về việc ủng hộ hòa bình và thịnh vượng trong khu vực, đặc biệt là việc quân sự hoá phi pháp khu vực biển Đông.

Được biết, quan hệ giữa hai nước xấu đi rõ rệt sau sự kiện năm 2020, khi Australia kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc dịch COVID-19, động thái mà Trung Quốc không hài lòng. Trung Quốc sau đó ban lệnh cấm và đánh thuế hàng loạt hàng hóa của Australia. Đáp lại, Mỹ và Australia cáo buộc Trung Quốc có động thái "cưỡng ép kinh tế".

Nguồn: cand.com.vn

2. Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hợp tác tìm hướng giải quyết tình hình Triều Tiên

Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đồng ý hợp tác chặt chẽ nhằm tìm hướng giải giới hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Hãng Yonhap ngày 10/02 đưa tin Bộ trưởng quốc phòng các nước Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đồng ý hợp tác chặt chẽ nhằm đối phó mối đe dọa tên lửa gia tăng từ CHDCND Triều Tiên.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook đã điện đàm với những người đồng cấp Lloyd Austin của Mỹ, Nobuo Kishi của Nhật và đồng ý tiếp tục nỗ lực giải giới hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Bộ trưởng Suh cho rằng những cuộc thử tên lửa gần đây của Triều Tiên là “mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng” đối với Hàn Quốc và “thách thức các nghị quyết của LHQ”.

Theo Reuters, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cảnh báo rằng bán đảo Triều Tiên sẽ lập tức rơi vào khủng hoảng nếu Triều Tiên thử nghiệm lại vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa tầm xa.

Triều Tiên dự định mừng sinh nhật của cố lãnh đạo Kim Jong-il vào ngày 16.02 và một số nguồn tin cho rằng nước này đang chuẩn bị diễu hành tại Bình Nhưỡng.

Trong tháng 01, Triều Tiên tiến hành đến 7 cuộc phóng thử tên lửa, bao gồm cuộc phóng thử gần nhất với tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) Hwasong-12 hôm 30/01.

Trước đó là các cuộc phóng thử tên lửa tầm ngắn và tầm trung, với lần thử ngày 05/01 và 11/01 liên quan việc phát triển tên lửa bội siêu thanh. Các cuộc phóng ngày 14/01 và 27/01 nhằm thử nghiệm hệ thống tên lửa KN-23 di động trên đường sắt.

Cuộc phóng ngày 17/01 nhằm thử nghiệm chất lượng sản xuất của tên lửa đạn đạo KN-24 và cuộc phóng ngày 25/01 liên quan 2 tên lửa hành trình.

Nguồn: thanhnien.vn/the-gioi

3. Việt Nam đem đến cơ hội lớn cho giới đầu tư

Theo nhận định trong bài viết đăng trên trang ETF Trends (Mỹ) ngày 9/2, Việt Nam là một trong những thị trường hoạt động tốt nhất ở châu Á trong khoảng 10 năm qua và nhiều nhà quan sát quốc tế tin rằng, điều này tiếp tục được duy trì trong năm 2022 khi xuất khẩu của Việt Nam phục hồi. Bài viết đánh giá đà phục hồi của Việt Nam tích cực, nhu cầu trong nước và hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ trở lại. Việc tiến độ tiêm chủng gia tăng giúp giảm rủi ro từ các đợt bùng phát dịch.

Trong bài viết hôm 8/02, ETF Trends cũng nhận định: Các thị trường mới nổi như Việt Nam có thể đem đến cơ hội tăng trưởng cho các nhà đầu tư. Theo bài viết, dịch Covid-19 tác động mạnh đến các thị trường mới nổi trong năm 2020, song một số quốc gia có khả năng ứng phó nhanh chóng đã giảm thiểu được tác động về kinh tế-xã hội. Việt Nam là một thí dụ nổi bật, nhờ phản ứng nhanh chóng và rõ ràng của chính phủ, nhất là chiến lược đẩy mạnh tiêm chủng.

Trong báo cáo mới nhất, hãng đánh giá xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings từng nhận định rằng, lộ trình phục hồi kinh tế của Việt Nam được tiếp thêm động lực trong năm 2022, khi nhu cầu trong nước tăng trở lại và hoạt động xuất khẩu duy trì đà mạnh mẽ. Việc nâng cao tỷ lệ tiêm chủng giúp giảm nguy cơ các đợt bùng phát dịch Covid-19 kéo lùi tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Fitch Ratings kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên mức 7,9% vào năm 2022 và 6,5% vào năm 2023. Kinh tế Việt Nam được đánh giá chịu tác động của đại dịch ít hơn so với nhiều thị trường mới nổi, thể hiện qua việc GDP hằng năm không giảm mạnh.

Trong khi đó, TTXVN dẫn báo cáo vừa công bố của Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit (có trụ sở tại Anh) cho biết, trong tháng 01/2022, ngành sản xuất của Việt Nam ghi nhận sản lượng và số đơn đặt hàng tăng mạnh, số lượng việc làm cũng tăng trong tháng thứ 2 liên tiếp. Theo IHS Markit, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đạt 53,7 điểm, tăng so với mức 52,5 điểm của tháng trước đó. Điều này cho thấy sự cải thiện vững chắc về điều kiện kinh doanh kể từ tháng 4/2021.

Sự gia tăng số lượng việc làm liên tục được ghi nhận trong tháng 1 trong bối cảnh các công ty tiếp tục gây dựng lại lực lượng lao động sau làn sóng dịch năm 2021, hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ tháng 11/2018. Các công ty tin tưởng vào triển vọng sản xuất trong năm 2022, với 60% số người được hỏi dự đoán sản lượng tăng.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

4. OECD hoan nghênh Việt Nam tham gia công ước đa phương

Tại lễ ký Công ước đa phương về thực hiện các biện pháp liên quan đến Hiệp định nhằm ngăn ngừa xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận (MLI), được tổ chức tại trụ sở Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ở Paris (Pháp), Phó Tổng Thư ký OECD Yoshiki Takeuchi (Y.Ta-kê-u-chi) đã hoan nghênh Việt Nam tham gia MLI, nâng tổng số thành viên lên 99 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ông Takeuchi nhấn mạnh, các nỗ lực chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận sẽ không thể thành công nếu không có hành động tập thể và sự chung tay của các bên.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng khẳng định, việc mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn nguồn thu và chuyển dịch lợi nhuận là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược cải cách hệ thống thuế của Việt Nam. Đại sứ nhấn mạnh, lễ ký MLI diễn ra vào thời điểm Việt Nam nhận bàn giao vai trò đồng Chủ tịch Chương trình Khu vực Đông Nam Á của OECD (SEARP) nhiệm kỳ 2022-2025 tại Hội nghị Bộ trưởng SEARP diễn ra ở Seoul (Hàn Quốc). Việt Nam tin tưởng, việc triển khai công cụ đa phương sẽ góp phần phát triển hơn nữa hợp tác giữa Việt Nam và OECD, cụ thể hóa Biên bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và OECD giai đoạn 2022-2026.

Công ước MLI còn được gọi là Công cụ đa phương, bao trùm hơn 1.800 hiệp định thuế song phương. Trong nhiều năm qua, OECD là đối tác quan trọng của Việt Nam về tư vấn, hỗ trợ chính sách, bao gồm cả về kinh tế vĩ mô lẫn các lĩnh vực cụ thể, như tài chính, thuế, phát triển xanh, số hóa... Sau khi gia nhập MLI, đến nay Việt Nam đã tham gia tổng cộng 7 công cụ pháp lý của OECD.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 4
  • Trong tuần: 3 087
  • Tất cả: 8761713

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn