TIN TỔNG HỢP TUẦN THẾ GIỚI
Từ ngày 21 đến ngày 25/02/2022

1. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn về Ukraine

Ngày 22/02, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp khẩn về tình hình Ukraine, sau khi Nga chính thức công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở Donbass (miền Đông Ukraine) và triển khai quân đội đến hai khu vực này.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Rosemary DiCarlo bày tỏ lấy làm tiếc về việc Nga triển khai quân đội tại miền Đông Ukraine; đồng thời kêu gọi các bên ngăn ngừa xung đột bằng mọi giá.

Đại sứ Linda Thomas-Greenfield, Trưởng phái đoàn thường trực của Mỹ tại Liên hợp quốc, đã chỉ trích động thái của Nga. Trước thềm cuộc họp, bà Thomas-Greenfield ra thông cáo nhấn mạnh, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần yêu cầu Moskva tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, một quốc gia thành viên Liên hợp quốc.

Đại diện Trung Quốc tại Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, hướng tới các nỗ lực ngoại giao và tránh các hành động làm leo thang căng thẳng. Trong khi đó, một số giới ngoại giao tại Liên hợp quốc cho rằng, động thái của Nga đã "vi phạm luật pháp quốc tế" và đặt dấu chấm hết cho kế hoạch mang lại hòa bình cho cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine. Cộng đồng quốc tế hy vọng các bên liên quan sẽ kiềm chế tối đa, tìm giải pháp thông qua con đường ngoại giao, không để chiến tranh xảy ra.

Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc cho rằng, các cường quốc phương Tây cần "suy nghĩ thấu đáo" và không làm nghiêm trọng hóa tình hình. Ông khẳng định, Moskva luôn sẵn sàng tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho những căng thẳng hiện nay. Đại sứ Ukraine tại Liên hợp quốc nêu rõ, biên giới của quốc gia này không thay đổi, bất kể Nga có hành động gì.

Trong một tuyên bố sáng 22/02, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nhấn mạnh, nước này sẽ không có bất cứ nhượng bộ nào về lãnh thổ; khẳng định, Ukraine vẫn cam kết tiến hành các nỗ lực hòa bình và ngoại giao. Ông cho biết, Kiev đang mong đợi những bước đi "rõ ràng và hiệu quả" từ các nước đồng minh liên quan quyết định của Nga và kêu gọi tiến hành một cuộc họp khẩn giữa các nhà lãnh đạo Ukraine, Nga, Đức và Pháp.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh triển khai quân đội đến hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine, sau khi tuyên bố công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng này. Tuyên bố của Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Putin đã chỉ thị Bộ Quốc phòng Nga điều binh sĩ tới hai khu vực trên "làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình".

Hãng tin Sputnik dẫn dự thảo thỏa thuận giữa Moskva và hai nước cộng hòa tự xưng do Duma Quốc gia (tức Hạ viện) Nga thông báo ngày 22/02, trong đó nêu rõ lực lượng Nga sẽ cùng tham gia bảo vệ cuộc sống của người dân ở khu vực biên giới của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk, vì lợi ích an ninh, hòa bình và ổn định của cả ba bên. Đây là một trong số các thỏa thuận hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau có thời hạn 10 năm, trong đó các bên tôn trọng chủ quyền và không xâm phạm lẫn nhau.

Phản ứng trước diễn biến mới liên quan Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ ký một sắc lệnh hành pháp, theo đó cấm doanh nghiệp và người dân Mỹ làm ăn kinh doanh tại hai nước cộng hòa tự xưng mà Nga vừa công nhận. Nhà Trắng cho biết, Washington sẽ tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Moskva và đang phối hợp với các đồng minh về việc này.

Văn phòng Tổng thống Pháp cũng ra tuyên bố kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) thông qua nghị quyết về việc áp đặt trừng phạt đối với Nga. Thủ tướng Hà Lan cho biết, EU có thể ban hành nghị quyết này trong một hai ngày tới, cảnh báo sẽ là "gói trừng phạt quy mô lớn". Các nước Đức, Anh, Gruzia, Romania, Áo, Moldova phản đối quyết định của Nga. Đức cho rằng, bước đi của Nga đã làm suy yếu các nỗ lực ngoại giao và xâm phạm chủ quyền của Ukraine. Trong khi đó, Thủ tướng Anh cũng đánh giá quyết định của Nga đã "xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ quan ngại về quyết định của Nga, đồng thời kêu gọi giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine phù hợp thỏa thuận Minsk ký năm 2015 được Nghị quyết 2202 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ủng hộ.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

2. Việt Nam kêu gọi các bên kiềm chế trong khủng hoảng Ukraine

Việt Nam đề nghị các bên liên quan tăng đối thoại và thúc đẩy các biện pháp ngoại giao nhằm giải quyết khủng hoảng Ukraine.

"Việt Nam quan tâm theo dõi những diễn biến căng thẳng gần đây xung quanh tình hình Ukraine", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết trong thông cáo hôm nay, nêu phản ứng của Việt Nam về khủng hoảng Ukraine.

Bà Hằng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tăng cường đối thoại, thúc đẩy các biện pháp ngoại giao nhằm giải quyết những bất đồng trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.

Về bảo hộ công dân, bà Hằng cho biết đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine thường xuyên liên hệ, chủ động trao đổi để nắm tình hình kiều bào, đồng thời tích cực xây dựng các biện pháp bảo hộ trong trường hợp cần thiết.

"Đại sứ quán đã cử cán bộ trực đường dây nóng bảo hộ công dân 24/24. Hiện có khoảng 100 công dân đang sinh sống trong khu vực Donetsk và Lugansk. Tình hình bà con hiện nay cơ bản ổn định", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho biết.

Bộ Ngoại giao cũng chỉ đạo đại sứ quán tại Ukraine đề nghị các cơ quan chức năng sở tại hỗ trợ, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho công dân và doanh nghiệp Việt Nam.

Phương Tây và Mỹ từ cuối năm ngoái cáo buộc Nga dồn hơn 100.000 quân ở biên giới, có ý định thực hiện chiến dịch quân sự với Ukraine. Tuy nhiên, Nga liên tục bác bỏ cáo buộc này, nói rằng Mỹ thổi phồng nguy cơ và muốn đẩy họ vào xung đột với Ukraine để kiếm cớ áp lệnh trừng phạt. Giới chức Nga cũng nhấn mạnh cánh cửa ngoại giao vẫn để mở trong khủng hoảng Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/02 công nhận độc lập cho hai vùng ly khai tại Ukraine, gồm hai chính quyền tự xưng là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk trong vùng Donbass. Trước đó, Nga liên tục cáo buộc quân chính phủ Ukraine vi phạm các thỏa thuận Minsk và đe dọa dùng vũ lực giành lại kiểm soát toàn bộ Donbass. Chính phủ Ukraine bác bỏ cáo buộc và khẳng định Kiev không có kế hoạch gây chiến.

Nguồn: vnexpress.net/the-gioi

3. Khủng hoảng Ukraine: Chuyển động binh lực mới của Nga

Sáng 24/02, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Nga dồn gần 200.000 quân ở biên giới Ukraine, còn hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều chuyển động quân sự mới nằm trong phạm vi 16 km từ biên giới với Ukraine ở cánh tây của Nga. Phát biểu trước toàn dân, Tổng thống Zelensky cho hay “gần 200.000 lính Nga đang đóng ở biên giới Ukraine, cũng như hàng ngàn phương tiện chiến đấu”, theo Hãng tin AFP.

Còn công ty Maxar (Mỹ), hãng theo dõi các chuyển động quân sự của Nga trong nhiều tuần qua, công bố những hình ảnh vệ tinh chụp hôm 23/02 cho thấy chuyển động mới ở cánh tây Nga.

Ảnh chụp từ vệ tinh ghi nhận việc triển khai trên thực địa, sự xuất hiện của các đoàn xe quân sự, pháo binh, xe thiết giáp chở quân với thiết bị hỗ trợ và binh sĩ, theo Reuters.

Đa số binh sĩ và phương tiện quân sự được bố trí theo đội hình quy mô nhỏ trên các cánh đồng và dọc theo các hàng cây. Nhiều đội hình nằm trong phạm vi 16 km từ biên giới với Ukraine ở cánh tây của Nga và cách thành phố Kharkiv của Ukraine chưa đầy 80 km.

Một ngày trước đó (22/02), công ty Maxar cung cấp hình ảnh về chuyển động quân sự mới, bao gồm hơn 100 phương tiện quân sự và hàng chục lều lính ở phía nam Belarus, gần biên giới Ukraine.

Maxar cho biết các hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy một bệnh viện dã chiến mới đã được dựng lên tại căn cứ quân sự ở miền tây nước Nga, gần biên giới với Ukraine.

Các thông tin này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực đang tăng cao. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/02 lệnh cho quân đội Nga có thể vào miền đông Ukraine để làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình sau khi công nhận độc lập đối với hai khu vực ly khai Donetsk và Luhansk ở vùng Donbass thuộc miền đông Ukraine.

Nguồn: thanhnien.vn/the-gioi

4. Đại hội đồng Liên hợp quốc kêu gọi giải pháp hòa bình cho Ukraine

Tại New York (Mỹ), Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã họp phiên toàn thể về tình hình Ukraine, với sự tham dự của gần 200 nước thành viên LHQ. 

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo, thế giới đang đối mặt một thời điểm có thể nói là “hết sức nguy hiểm". Đây là lúc các bên cần kiềm chế, không đẩy tình hình đi quá xa, đồng thời kêu gọi ngừng bắn, đối thoại nhằm tránh xảy ra chiến tranh. Ông đề nghị các bên cần dựa vào Điều 33 Hiến chương LHQ để giải quyết các xung đột, tranh chấp một cách hòa bình. 

Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập về chính trị của các quốc gia thành viên LHQ; khẳng định LHQ ủng hộ người dân Ukraine, nhất là trong bối cảnh có tới hai triệu người Ukraine đang cần được hỗ trợ nhân đạo; cảnh báo rằng nếu cuộc xung đột tiếp diễn và mở rộng hơn nữa thì hậu quả nhân đạo sẽ rất nặng nề trong nhiều năm tới.

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 76 Abdulla Shahid cũng lên tiếng khẳng định hòa bình bền vững không bao giờ có thể có được thông qua các hoạt động quân sự mà phải bằng các giải pháp chính trị hòa bình; kêu gọi các nước thành viên LHQ ưu tiên các nỗ lực ngoại giao, hòa giải và đàm phán.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba nhấn mạnh, người dân Ukraine mong muốn được sống trong hòa bình, không rơi vào chiến tranh, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.

Trưởng phái đoàn Nga tại LHQ, Đại sứ Vasily Nebenzya cũng tuyên bố Nga sẽ tiếp tục giám sát lệnh ngừng bắn tại khu vực này trong thời gian tới.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

5. Khuyến cáo công dân Việt Nam tại Ukraine tránh đến khu vực có xung đột

Trước những diễn biến phức tạp hiện nay tại Ukraine, Cục Lãnh sự-Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam tránh đến các khu vực đang có xung đột nếu không thật sự cần thiết.

Trước những diễn biến phức tạp hiện nay tại Ukraine, Cục Lãnh sự-Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam tránh đến các khu vực đang có xung đột nếu không thật sự cần thiết; thường xuyên theo dõi và nghiêm túc tuân thủ những cảnh báo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng địa phương và Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.

Để nhận được sự hỗ trợ trong trường hợp cần thiết, công dân liên hệ theo đường dây nóng bảo hộ công dân: Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine: +380 63 863 8999; Đại sứ quán Việt Nam tại Nga: +799 1682 1617; Tổng đài Bảo hộ Công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: +84 981 84 84 84.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 18
  • Trong tuần: 3 101
  • Tất cả: 8761727

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn