TIN TỔNG HỢP TUẦN THẾ GIỚI
Từ ngày 6/6 đến ngày 10/6/2022

1. Ukraine không tham gia đàm phán với bên thứ 3 về giải pháp cho cuộc xung đột

Theo hãng thông tấn Ukriform của Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định, ông không tham gia đàm phán với bên thứ 3 về kế hoạch chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Trong cuộc họp báo ngày 6/6, bình luận về các thông tin rằng Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Anh được cho là đã thảo luận về một kế hoạch hòa bình cho Ukraine, Tổng thống Zelensky nêu rõ ông không đàm phán về bất kỳ kế hoạch nào và hiện không có các cuộc đàm phán như vậy.

Ông nhấn mạnh, Ukraine cần tiếp tục duy trì quan hệ đối tác với tất cả các nước châu Âu và các cường quốc thế giới.

Ngoài ra, Tổng thống Zelensky cũng cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành bên trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán về dỡ phong tỏa các cảng của Ukraine, tạo điều kiện cho xuất khẩu ngũ cốc. Ông cho biết Ukraine không tham gia các cuộc đàm phán về vấn đề này của các quan chức Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. 

Ông Zelensky cũng khẳng định Kiev không thay đổi ý định gia nhập EU và thỏa thuận về một liên minh quân sự có thể đạt được với Anh là một phần trong các bảo đảm an ninh của Ukraine.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 7/6, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Soigu cho biết các lực lượng công binh đã hoàn tất công tác rà phá bom mìn tại các cảng Berdyansk và Mariupol và đã sẵn sàng nối lại hoạt động vận chuyển ngũ cốc từ các cảng này.  

Bộ trưởng Soigu cũng cho biết lực lượng vũ trang Nga đã thiết lập các điều kiện cần thiết để nối lại hoàn toàn vận tải đường sắt giữa Nga, Donbass, Ukraine và Crimea, đồng thời bắt đầu chuyển hàng đến các thành phố Mariupol, Berdyansk và Kherson của Ukraine.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

2. Nga nêu điều kiện về cuộc gặp thượng đỉnh với Ukraine

Ngày 8/6, trong cuộc họp báo sau hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại Ankara, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ chỉ diễn ra sau khi quá trình đàm phán giữa Moskva và Kiev được nối lại.

Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng trước tiên các đoàn đàm phán cần khôi phục lại hoạt động”. Ông nêu rõ phía Ukraine đã thay đổi cách tiếp cận vốn được chính nước này nêu ra tại các cuộc đàm phán vào ngày 29/3 tại Istanbul.

Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh, đã gần hai tháng kể từ khi Nga chuyển cho phía Ukraine dự thảo hiệp ước mà phía Moskva đề xuất vào giữa tháng 4, nhưng Nga vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía quốc gia láng giềng này. 

Trong khi đó, cùng ngày, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết cuộc gặp giữa Tổng thống hai nước Nga và Ukraine ở thời điểm hiện tại là không thể thực hiện được vì phía Kiev đã rút khỏi tiến trình đàm phán.

Ông Peskov nhấn mạnh, quan điểm của Nga khá rõ ràng rằng bất kỳ cuộc gặp cấp cao nào cũng phải có hiệu quả và cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Phía Nga đưa ra tuyên bố này sau khi Tổng thống Ukraine Zelensky mới đây tái khẳng định sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Nga Putin.

Về vấn đề xuất khẩu ngũ cốc, ông Peskov nhấn mạnh, để ngũ cốc của Nga có thể được cung cấp cho thị trường thế giới thì các biện pháp trừng phạt trực tiếp và gián tiếp nhằm vào Moskva cần phải được dỡ bỏ. Theo ông, các biện pháp hạn chế trong việc cung cấp bảo hiểm khiến các tàu chở ngũ cốc của Nga không thể cập các cảng ở châu Âu. 

Trước đó, Ngoại trưởng Lavrov cũng đã bày tỏ hy vọng các vấn đề liên quan đến hoạt động vận chuyển ngũ cốc từ các cảng ở Ukraine có thể được giải quyết, với điều kiện chính quyền Kiev rà phá bom, mìn ở vùng biển xung quanh.

Tuy nhiên, Người phát ngôn chính quyền khu vực Odessa của Ukraine, ông Sergiy Bratchuk cho biết nước này sẽ không rà phá bom, mìn ở vùng biển xung quanh cảng Odessa bên bờ Biển Đen để tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc do lo ngại vấn đề an ninh. Ông tuyên bố mọi tàu chở hàng xuất khẩu từ cảng Odessa đều cần phải được các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hộ tống. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị cung cấp dịch vụ hộ tống các tàu vận tải từ các cảng của Ukraine. 

Trước khi xảy ra xung đột, Ukraine là quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn thứ 4 thế giới và cung cấp một nửa khối lượng hạt hướng dương và dầu hướng dương trên toàn cầu. Hiện nguồn cung ngũ cốc của Ukraine cho thị trường thế giới đã bị ảnh hưởng trong những tháng gần đây, do các cảng của nước này bị phong tỏa trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

3. Việt Nam được bầu làm Phó chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc

Đại hội đồng Liên hiệp quốc bầu Việt Nam làm Phó chủ tịch khóa 77, đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương với nhiệm kỳ một năm.

Cuộc họp bầu các chức danh chủ tịch và phó chủ tịch khóa 77 được Đại hội đồng LHQ tổ chức ngày 7/6, thông cáo của Bộ Ngoại giao hôm nay cho biết.

Đại hội đồng đã bầu Đại sứ Hungary Csaba Korosi làm tân chủ tịch, cũng như đồng thuận bầu Việt Nam trở thành một trong những phó chủ tịch đại hội đồng, đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam sẽ đảm nhiệm vị trí này trong vòng một năm, kể từ ngày 13/9.

Đại hội đồng là một trong 6 cơ quan chính của LHQ và là cơ quan duy nhất có đại diện của tất cả thành viên. Đại hội đồng có thẩm quyền rộng trong các lĩnh vực hợp tác chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, có quyền thảo luận và đưa ra kiến nghị về các vấn đề thuộc phạm vi Hiến chương hoặc bất kỳ vấn đề nào thuộc thẩm quyền của các cơ quan của LHQ, nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trên phạm vi toàn cầu.

Ngoài Việt Nam, các nước khác đảm nhiệm vai trò phó chủ tịch là Benin, Burundi, Kenya, Mauritania, Niger, Zimbabwe (khu vực châu Phi), Malaysia, Nepal, Tajikistan, Turkmenistan (khu vực châu Á - Thái Bình Dương), Chile, El Salvador, Jamaica (Mỹ Latinh), Estonia (Đông Âu), Israel, Australia (Tây Âu và các nước khác).

Việt Nam trước đó cũng đã đảm nhiệm nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ năm 2020-2021. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết Việt Nam đã thực hiện nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an rất thành công với nhiều dấu ấn quan trọng, truyền tải thông điệp đổi mới của đất nước cũng như đóng góp thiết thực vào các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế.

Nguồn: vnexpress.net/the-gioi

4. Việt Nam lên tiếng về thông tin liên quan máy bay Australia và Trung Quốc ở Biển Đông

Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về thông tin cho rằng máy bay Australia bị tiêm kích Trung Quốc quấy rối ở Biển Đông trong khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 9/6, nêu quan điểm Việt Nam về thông tin cho rằng trinh sát cơ Australia bị tiêm kích Trung Quốc quấy rối ở Biển Đông, trong khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói rõ: Hoạt động của tất cả các nước cần phải phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và các quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế, không làm gia tăng căng thẳng tại khu vực, đóng góp thiết thực vào duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, trật tự, hợp tác và phát triển của khu vực và quốc tế.

"Việt Nam một lần nữa khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế", bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Cũng tại họp báo, phóng viên nêu câu hỏi về căn cứ hải quân Ream của Campuchia được khởi công mở rộng vào ngày 8/6 mà dư luận cho rằng căn cứ này dành cho quân đội Trung Quốc sử dụng nhằm tăng cường tầm ảnh hưởng trên biển của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, từ đó có thể làm gia tăng các hoạt động quân sự của Trung Quốc trên biển, gây căng thẳng trong khu vực, nhất là làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp.

Về vấn đề này, Người Phát ngôn khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam là Việt Nam luôn mong muốn duy trì quan hệ hợp tác với các quốc gia trên toàn thế giới, đồng thời việc hợp tác giữa các quốc gia đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, ổn định, thịnh vượng ở khu vực cũng như trên thế giới.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

5. Việt Nam ủng hộ xây dựng nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên

Ngày 9/6, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm của Việt Nam đối với tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:

“Lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên bán đảo Triều Tiên; ủng hộ các bên thể hiện thiện chí, thúc đẩy đối thoại, cùng nỗ lực vì mục tiêu phi hạt nhân hóa và xây dựng nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Với tinh thần đó, đồng thời là nước có quan hệ hữu nghị truyền thống với Triều Tiên và là đối tác hợp tác chiến lược với Hàn Quốc, trong khả năng của mình, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào tiến trình thúc đẩy đối thoại, hợp tác và hòa giải trên bán đảo Triều Tiên, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới”.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 281
  • Trong tuần: 3 288
  • Tất cả: 8761579

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn